1 Điều chúng ta đã nghe,
ai mà tin được?
Cánh tay uy quyền của ĐỨC CHÚA đã được tỏ cho ai?
2 Người tôi tớ đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh,
như khúc rễ trên đất khô cằn.
Người chẳng còn dáng vẻ,
chẳng còn oai phong
đáng chúng ta ngắm nhìn,
dung mạo chẳng còn gì
khiến chúng ta ưa thích.
3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên
và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi,
không đếm xỉa tới.
4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề.
5 Chính người đã bị đâm
vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát
vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị
để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích
cho chúng ta được chữa lành.
6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
7 Bị ngược đãi,
người cam chịu nhục,
chẳng mở miệng kêu ca;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng.
8 Người đã bị ức hiếp, buộc tội,
rồi bị thủ tiêu.
Dòng dõi của người,
ai nào nghĩ tới?
Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh,
vì tội lỗi của dân,
người bị đánh phạt.
9 Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn,
bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo,
và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.
10 ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.
11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.
12 Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản,
và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt,
người sẽ được chia chiến lợi phẩm,
bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân;
nhưng thật ra, người đã mang lấy tội muôn người
và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.
Rm 4,25; 2 Cr 5,21+; Gl 3,13+
Gr 11,19; Ga 1,29+; Cv 8,32-33
Ga 1,29+; Rm 4,25; 1 Pr 2,24
x. Phần này là lời của dân chúng hay cộng đoàn trong dân nói với nhau (chúng ta). Họ kinh ngạc khi được nghe mặc khải về một điều khó tin là vận mạng đích thật của người tôi tớ.
y. Chồi và rễ trong Is 11,1.10 là nói về miêu duệ đầy tương lai của vua Đa-vít. Ở đây, hai từ đó lại gợi lên tính kém cỏi, yếu ớt của người tôi tớ.
a. Vị ngôn sứ tiếp tục suy niệm riêng trong lòng về thái độ và số phận của người tôi tớ Thiên Chúa.
b. Có thể thánh Gio-an Tẩy Giả đã ám chỉ cc. 4-7 này khi giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình (Ga 1,29). Danh từ Híp-ri talya có hai nghĩa: con chiên và người tôi tớ, nhưng bản Tin Mừng (tiếng Hy-lạp) đã phải chọn một trong hai nghĩa.
c. Tức là dân của người, theo CR và đối xứng với dòng dõi của người ở trên. M chép: dân tôi, được đề nghị thêm cho một mẫu tự, thành số nhiều “muôn dân.”
d. Bị chôn cất, bị mai táng, ds là mồ và mả, theo CR. Người giàu có: danh từ Híp-ri số ít tập hợp, với một nghĩa hơi xấu. Tuy vậy, các bài giảng trong các cộng đoàn Giáo Hội thường thấy ở đây tiền ảnh của ngôi mộ ông Giô-xép A-ri-ma-thê (x. Mt 27,57-60). Nhưng vế này vẫn tối nghĩa trong toàn bộ ngữ cảnh c. 9 của M.
đ. Dịch theo PT. M thì chép: Nếu ngài hiến tế (ngôi thứ hai). Trong cả Cựu Ước, đây là đoạn văn duy nhất nói về một con người bị hiến tế làm lễ vật đền tội. Ngoài ra, mọi vụ sát người để tế lễ đều bị nghiêm cấm.
e. Cc. 11-12 là lời đáp của Thiên Chúa giải nghĩa mầu nhiệm đau khổ của người tôi tớ.
g. Cũng nhắc lại tư tưởng cc. 4-6: người đã mang vào thân thể mình những đau khổ, bệnh tật của chúng ta. Thánh Phê-rô sẽ lấy đó làm gương mẫu cho những ai sống trong cảnh khốn cùng: x. 1 Pr 2,24.
h. ds: nó sẽ nhìn thấy. Ánh sáng là thêm vào, theo LXX và CR.
i. Nếu ds ở đây thì nên đọc nhờ sự nhận biết nó, nghĩa là nhờ Thiên Chúa nhận biết nó, hơn là nhờ sự nhận biết của nó. Nhưng nghĩa được diễn dịch ở đây được chọn theo phụng vụ.
k. Một số người, cũng như truyền thống Do-thái, cho rằng bài ca 52,13–53,12 này nói về những thành phần trong dân Ít-ra-en trung thành với Thiên Chúa, bị nghiền nát trong thời lưu đày, nhưng sau đó sẽ được phục hồi danh dự. Thánh Gio-an Tẩy Giả và truyền thống Ki-tô giáo áp dụng bài ca này cho Đức Giê-su, người công chính thập toàn, gánh lấy tội lỗi loài người, hiến thân chịu chết để đền tội, và nhờ vậy thu hút được muôn người. Do đó, bài ca này cũng thường được gọi là “tin mừng thứ năm”.