Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
Tái thiết Đền Thờ
1 Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều vua Đa-ri-ô, có lời ĐỨC CHÚA phán, qua trung gian ngôn sứ Khác-gai, với tổng đốc xứ Giu-đa là Dơ-rúp-ba-ven, con ông San-ti-ên, và với thượng tế Giê-su-a con ông Giơ-hô-xa-đắc, như sau:2 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Dân đó dám nói: “Bây giờ chưa phải là lúc tái thiết Đền Thờ kính ĐỨC CHÚA.”3 Nhưng có lời ĐỨC CHÚA phán, qua trung gian ngôn sứ Khác-gai, rằng:4 “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không?5 Vậy giờ đây, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi.6 Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng.7 ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi.8 Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ vui thích và tỏ vinh quang Ta ở đó, ĐỨC CHÚA phán.9 Các ngươi mong đợi nhiều, nhưng mùa màng chẳng được bao nhiêu. Các ngươi có đem được những thứ đó về nhà, Ta cũng sẽ thổi bay đi hết. Vì sao vậy? Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh – vì Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng của mình.10 Bởi thế, trời đã không nhỏ sương xuống cho các ngươi và đất cũng không sinh hoa màu.11 Ta đã khiến cho đất đai, núi non, lúa mì, rượu mới, dầu tươi và tất cả hoa màu ruộng đất cũng như người, đàn vật và mọi công trình vất vả phải héo khô cằn cỗi.”
12 Bấy giờ, ông Dơ-rúp-ba-ven con ông San-ti-ên, thượng tế Giê-su-a con ông Giơ-hô-xa-đắc và tất cả những người còn sót lại trong dân đã vâng nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ, và nghe lời ngôn sứ Khác-gai theo lệnh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ, đã truyền cho ông. Dân tỏ ra kính sợ ĐỨC CHÚA.13 Ông Khác-gai, sứ giả của ĐỨC CHÚA, đã nói với dân lời nhắn gửi ĐỨC CHÚA đã ủy cho ông như sau: “Chính Ta, Ta ở với các ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.”14 ĐỨC CHÚA tác động thần trí tổng đốc xứ Giu-đa là Dơ-rúp-ba-ven con ông San-ti-ên, và thần trí thượng tế Giê-su-a, con ông Giơ-hô-xa-đắc, cũng như thần trí tất cả những người còn sót lại trong dân. Họ đã đến và làm việc trong Đền Thờ ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của họ.15 Ngày hai mươi bốn tháng sáu...
Vinh quang của Đền Thờ
Năm thứ hai triều Đa-ri-ô,
Tl 6,12; 2 Sm 7,3; Is 41,10
a. Sau lời mở đầu (c. 1), ngôn sứ Khác-gai cho dân biết Thiên Chúa khiển trách dân vì thái độ hờ hững của họ không chịu tái thiết Đền Thờ (cc. 2-4). Thiên Chúa trừng phạt dân bắt họ phải chịu mất mùa và hạn hán (cc. 5-11). Dân đã nghe lời, bắt tay vào việc dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa và ngôn sứ Khác-gai, sứ giả của Người, dưới sự lãnh đạo của tổng đốc Dơ-rúp-ba-ven cùng thượng tế Giơ-hô-su-a (cc. 12-15b).
k. Cc. 9-11 mô tả cảnh cùng cực dân Chúa phải chịu vì không xây Nhà Thiên Chúa. Muốn cho mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân được tốt đẹp, chỉ cần xây lại Đền Thờ.
l. Những người lưu đày trở về được gọi là những người còn sót lại: Cuộc lưu đày tựa như cuộc thanh lọc dân chúng trong thời xuất hành (x. 1,14; 2,2; Dcr 8,6.11.12).
m. Kiểu nói này ám chỉ Thiên Chúa hằng che chở, bảo vệ dân.
n. Tức là ba tuần lễ sau ngày ngôn sứ Khác-gai tuyên sấm. Thời điểm đặt ở đây không rõ áp dụng vào công việc gì. Có người cho rằng c. 1,15a đặt trước 2,15-19 mới hợp lý. Khoảng tháng tám – tháng chín năm 520 tCN.
o. Thiên Chúa khích lệ tinh thần các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự cùng những người còn sót lại. Thiên Chúa hứa sẽ làm cho Đền Thờ mới vinh quang rực rỡ hơn thời vua Sa-lô-môn.
b. Theo các nhà chuyên môn sử biên niên, đó là ngày hai mươi bảy tháng tám năm 520 tCN. Sau thời lưu đày, người Giu-đa gọi các tháng theo số thứ tự, và theo thói quen người Ba-by-lon, họ tính lịch năm mới bắt đầu từ mùa xuân. Còn trước thời lưu đày, năm của dân Híp-ri được tính từ mùa thu này đến mùa thu sau.
c. Là người kế vị thứ hai sau vua Ky-rô, vua Đa-ri-ô cai trị từ 522-486 tCN. Việc sử dụng niên biểu của một vua dân ngoại chứng tỏ dân Chúa không còn được Thiên Chúa cai trị như xưa. Ngôn sứ tuyên sấm thời dân ngoại đô hộ cũng nói lên tầm quan trọng của lời sấm.
d. Tên này có nghĩa là con cháu hay chồi của Ba-ben. Ông sinh ra trong thời lưu đày ở Ba-by-lon. Ông là cháu của vua Giơ-khôn-gia (x. 1 Sb 3,17-19). Vì thế ông thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Ông được người Ba-tư chọn làm tổng đốc cai trị Giu-đa trong thời kỳ tái thiết đất Giu-đa.
đ. Giê-su-a là cháu thượng tế Xơ-ra-gia. Cha ông là Giơ-hô-xa-đắc đi lưu đày ở Ba-by-lon năm 586 tCN (x. 1 Sb 5,40-41). Hai ông Dơ-rúp-ba-ven và Giê-su-a là những người đứng đầu nhóm dân hồi hương (x. Er 2,2; Nkm 7,7). Với tư cách là thượng tế, ông là thủ lãnh tôn giáo của cộng đồng dân Ít-ra-en.
e. Nhóm hồi hương thứ nhất đã thất bại trong việc tái thiết Đền Thờ năm 536 tCN (x. Er 3,7-13). Nay đám dân cho là chưa đến lúc tái thiết Đền Thờ, vì họ nhớ lại lời sấm của ngôn sứ Gr 29,10; 25,10 cho biết thời hạn bảy mươi năm chưa chấm dứt.
g. Điều này cho biết quan niệm phụng tự của dân hồi hương: Những năm lưu đày họ thờ phượng Thiên Chúa không có Đền Thờ, nhưng chỉ có sách Luật và có các ngôn sứ giúp giữ đạo trong nội tâm. Hoàn cảnh đã đổi thay, họ không thể dửng dưng trước cảnh hoang tàn, hay đúng hơn, tái thiết dang dở của Đền Thờ. Thiên Chúa đòi buộc dân phải tiếp tục công trình. Có Đền Thờ là có tất cả. Họ phải chọn lựa: hoặc là sống trong tình trạng hiện nay (x.c. 6) hoặc là được phú túc.
i. Theo Nkm 8,15 có lẽ đó là những ngọn đồi chung quanh Giê-ru-sa-lem.