Các con đầu lòng
1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê:2 “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta.”
Bánh không men
3 Ông Mô-sê nói với dân: “Hãy ghi nhớ ngày hôm nay là ngày anh em ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ, vì ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa anh em ra khỏi đó. Anh em không được ăn bánh có men.4 Ngày anh em ra đi là một ngày trong tháng A-víp.5 Khi nào ĐỨC CHÚA đưa ngươi vào đất của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Khi-vi và Giơ-vút, đất tuôn chảy sữa và mật, mà Người đã thề với cha ông ngươi là sẽ ban cho ngươi, ngươi sẽ cử hành nghi thức đó vào tháng này.6 Trong vòng bảy ngày, ngươi sẽ ăn bánh không men, và ngày thứ bảy là lễ kính ĐỨC CHÚA.7 Phải ăn bánh không men trong vòng bảy ngày; không được thấy bánh có men trong nhà ngươi và cũng không được thấy men trong nhà ngươi, trên toàn lãnh thổ ngươi.8 Trong ngày ấy, ngươi sẽ kể lại cho con của ngươi rằng: Sở dĩ như vậy là vì những gì ĐỨC CHÚA đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai-cập.9 Ngươi sẽ coi đó như là dấu ở tay ngươi, là kỷ vật đeo trên trán, để cho Luật của ĐỨC CHÚA ở trên môi miệng ngươi, bởi vì ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ mà đưa ngươi ra khỏi Ai-cập.10 Từ năm này qua năm khác, ngươi phải giữ thánh chỉ này vào đúng thời kỳ của nó.
Các con đầu lòng
11 “Vậy khi ĐỨC CHÚA đã đưa ngươi vào đất Ca-na-an như Người đã thề với ngươi và cha ông của ngươi, và khi Người đã ban đất ấy cho ngươi,12 thì ngươi phải nhượng lại cho ĐỨC CHÚA mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi: các con đực thuộc về ĐỨC CHÚA.13 Mọi con đầu lòng của giống lừa, ngươi sẽ lấy một con chiên mà chuộc lại; nếu ngươi không chuộc lại, thì đánh gãy ót nó đi. Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại.14 Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: ‘Điều đó nghĩa là gì?’ Thì ngươi sẽ nói với nó: ‘ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.15 Bởi vì Pha-ra-ô làm khó dễ khi phải thả chúng ta ra, nên ĐỨC CHÚA đã sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ con đầu lòng của loài người cho đến con đầu lòng của loài vật, vì thế mà cha tế dâng ĐỨC CHÚA mọi con so giống đực; còn con đầu lòng trong số con cái cha, thì cha chuộc lại.’16 Đó sẽ là dấu ở tay ngươi, và là phù hiệu trên trán ngươi, vì ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập.”
4. RA KHỎI AI-CẬP
Dân Ít-ra-en ra đi
17 Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: “Khi thấy phải chiến đấu, dân có thể hối hận mà quay về Ai-cập.”18 Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en vũ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên.19 Ông Mô-sê đem theo hài cốt ông Giu-se, vì ông Giu-se đã bắt con cái Ít-ra-en thề khi ông nói: “Thế nào Thiên Chúa cũng sẽ thăm viếng anh em; bấy giờ anh em sẽ đưa hài cốt tôi từ đây lên với anh em.”
20 Họ nhổ trại rời Xúc-cốt tới đóng trại ở Ê-tham, ven sa mạc.
21 ĐỨC CHÚA đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm.22 Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy.
Xh 40,36; Đnl 1,33; Nkm 9,19; Tv 78,14; 105,39; Kn 10,17; 18,3; Is 4,5; Ga 8,12; 10,4
h. Xh 13,1-2.11-16 nói về luật phải thánh hiến cho Đức Chúa mọi con đầu lòng. Đây là đoạn văn của truyền thống Đệ Nhị Luật, được thêm vào trình thuật cổ. Nhưng ở đây, luật này không được móc nối với lễ Vượt Qua nhưng với biến cố cái chết của các con đầu lòng Ai-cập. Trong Bộ Luật Giao Ước (Xh 22,28-29), luật này lại độc lập với lễ Vượt Qua.
i. Có lẽ luật thánh hiến mọi con đầu lòng cho Đức Chúa còn cổ kính hơn cả cuộc xuất hành. Nhưng nó đã mang một ý nghĩa mới nhờ liên kết với biến cố các con đầu lòng Ai-cập bị chết và việc ra khỏi Ai-cập (Xh 3,13tt; Ds 3,13). Theo các bộ luật cổ nhất của Ít-ra-en (Xh 22,28-29; 34,19-20) thì các con đầu lòng của người cũng như của súc vật đều thuộc về Đức Chúa. Con đầu lòng của súc vật thì được tiến dâng làm hy lễ (Đnl 15,19-20), các tư tế được hưởng một phần (Ds 18,15-18), trừ con lừa, có thể chuộc lại hoặc đánh gãy ót nó (c. 13; 34,20; Ds 18,15), không thể dâng làm hy lễ vì nó là con vật ô uế. Nói chung, các con vật ô uế khác cũng thế (Lv 27,26-27). Con đầu lòng của con người thì luôn luôn được chuộc lại (c. 13; 34,19-20; Ds 3,46-47; x. St 22). Các thầy Lê-vi được thánh hiến cho Thiên Chúa thay cho các con đầu lòng của Ít-ra-en, vì thế các thầy được chừa ra (Ds 3,12.40-51; 8,16-18).
k. Ở đây bắt đầu sách Xuất hành đúng nghĩa: Dân Thiên Chúa ra khỏi Ai-cập, đi trong hoang địa, về Đất Hứa. Đây là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Ít-ra-en, sau này được các ngôn sứ coi là thời kỳ đính hôn giữa dân với Thiên Chúa (Gr 2,2; Hs 2,16; 11,1; Ed 16,8). Cũng do biến cố này, Kinh Thánh gọi Thiên Chúa là Đấng đã đưa dân lên khỏi đất Ai-cập (Gs 24,17; Am 2,10; 3,1; Mk 6,4; Tv 81,11). Sau này, khi loan báo cuộc lưu đày ở Ba-by-lon sắp kết thúc, dân Thiên Chúa sắp được trở về quê hương, phần thứ hai sách ngôn sứ I-sai-a cũng rập theo hình ảnh cuộc xuất hành này (Is 40,3tt). Cuối cùng, truyền thống Ki-tô giáo nhận thấy trong hành trình của Dân Thiên Chúa xưa trong hoang địa là hình ảnh cuộc lữ hành của Hội Thánh (hoặc của linh hồn người tín hữu) tiến đến gặp gỡ Đấng Vĩnh Cửu.
l. Xác định chính xác lộ trình và các chặng đường của cuộc xuất hành là việc cực kỳ khó khăn. Cho dù c. 17 cho thấy cuộc hành trình không theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, nhưng một số địa danh lại muốn cho thấy một lộ trình qua phía bắc, tức là qua “xứ Phi-li-tinh” (ngay tên gọi này cũng không đúng với thời gian!). Vì thế, có thể đây là dấu vết cho thấy có hai truyền thống văn chương ghi lại hai kỷ niệm lịch sử: hai lộ trình của hai nhóm khác nhau (x. 7,8+ và 16,1+).
m. Đây là con đường thông thường, ngắn nhất và dễ nhất để đi từ Ai-cập đến Ca-na-an. Con đường này song song với duyên hải, đi qua Si-lê (El-Kantara ngày nay), đầy giếng nước và được canh giữ cẩn thận. Chắc chắn nhóm người trốn đi khỏi Ai-cập không theo con đường này, nhóm bị trục xuất thì có thể. Thực ra, ba địa danh ở 14,2 nằm trên con đường này. Nhưng cuộc xuất hành như một cuộc chạy trốn là quan trọng nhất đã thu hút những kỷ niệm của truyền thống kia.
n. Biển Sậy (yam sûp, đã được thêm vào. Nghĩa của từ này và vị trí của nó ở đây không rõ. Bản văn nguyên thủy chỉ nói chung: dân ra đi theo con đường sa mạc, tiến về phía đông hoặc đông nam. Ở Xh 14 chỉ thấy nói đến biển. Còn Xh 15 là bản văn cổ duy nhất, theo thể thi ca, nhắc đến Biển Sậy là nơi diễn ra phép lạ.
o. Thiên Chúa không những ra tay để giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập, Người còn chọn con đường (cc. 17-18) để đưa dân về Đất Hứa và, qua dấu hữu hình, cột mây ban ngày và cột lửa ban đêm, Người cho thấy Người vẫn là người hướng dẫn bền bỉ và người bạn đường trung kiên của dân.
Trong Ngũ Thư có nhiều kiểu nói diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa: cột mây và cột lửa (truyền thống Gia-vít), đám mây dày đặc (truyền thống Ê-lô-hít). Đi liền với mây là vinh quang của Đức Chúa (24,16), ngọn lửa thiêu di động như chính Đức Chúa (truyền thống tư tế) (x. 19,16tt). Các hình ảnh này được thần học thần bí sử dụng nhiều.