Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
I. NGUỒN GỐC VŨ TRỤ VÀ NHÂN LOẠI
1. THIÊN CHÚA SÁNG TẠO. CON NGƯỜI SA NGÃ.
Thiên Chúa sáng tạo trời đất
1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.
3 Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng.4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
6 Thiên Chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước.”7 Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy.8 Thiên Chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
9 Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.” Liền có như vậy.10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
11 Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tùy theo loại, trong có hạt giống.” Liền có như vậy.12 Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tùy theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.13 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
14 Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm.15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy.16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất,18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
20 Thiên Chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời.”21 Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.22 Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.”23 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
24 Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tùy theo loại.” Liền có như vậy.25 Thiên Chúa làm ra dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại và loài bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
26 Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”
27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.
28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”29 Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.” Liền có như vậy.31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
St 2,4-25; G 38–39; Tv 8; 104; Cn 8,22-31; Is 42,5; Cl 1,15-17
St 5,1.3; 9,6b; Kn 2,23; Hc 17,3
St 2,4-25; G 38–39; Tv 8; 104; Cn 8,22-31; Is 42,5; Cl 1,15-17
Hc 43,6.7; Is 40,26; Gr 31,35; Br 3,34-35
Hc 43,6.7; Is 40,26; Gr 31,35; Br 3,34-35
a. Mục tiêu chính của St là vạch lại lịch sử các tổ phụ đầu tiên của dân tộc Ít-ra-en: Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và Giu-se (St 12–50). Nhưng vì các tổ phụ xuất thân từ nhân loại và nhân loại nằm trong vũ trụ, nên St cũng liên kết lịch sử đó với nguồn gốc của vũ trụ và của nhân loại, cũng như với những biến cố, sự kiện xảy ra sau công cuộc tạo thành cho đến ông Te-rác là cha ông Áp-ram (St 1–11). Trong 11 chương đầu của St, các câu đều rút từ truyền thống Gia-vít (J) và truyền thống tư tế (P). Nhìn vào St 1–11, chúng ta có thể nhận ra cấu trúc sau đây: 1. Thiên Chúa sáng tạo; con người sa ngã (1,1–6,4); 2. Hồng thủy (6,5–9,17); 3. Từ Hồng thủy đến ông Áp-ram (9,18–11,32).
k. Các tác giả không nói rõ tên “hai vầng sáng”, có lẽ để tránh không gợi lên tên Mặt Trời và Mặt Trăng là tên hai thần được dân ngoại miền phương Đông thời xưa thờ kính. Hai vầng sáng lớn nhỏ và các ngôi sao được làm ra để phân rẽ ngày với đêm, để xác định tháng năm và các đại lễ, để chiếu soi mặt đất. Như thế, các tinh tú này không phải là các thần minh, nhưng là thụ tạo của Thiên Chúa có bổn phận phải phục vụ.
l. Cụm từ “chúng ta hãy làm ra” không chỉ một lệnh truyền, nhưng một sự bàn bạc: Thiên Chúa như nói với chính mình, khi chuẩn bị làm một công trình lớn lao nhất (do đó chủ từ “chúng ta” ở số nhiều: 11,7; Is 6,8). Chắc ở đây khó có thể hiểu theo nghĩa: Thiên Chúa bàn hỏi triều đình thiên quốc (= các thiên thần: 3,5.22; 1 V 22,19; G 1,6; 2,1; 38,7; Tv 29,1; 89,7), bởi vì các vị này không làm ra con người. “Con người” là một danh từ tập hợp (ở số ít, mang nghĩa tập thể) chỉ loài người, nhân loại, vì động từ Híp-ri “làm bá chủ” ở số nhiều (yir•Dû). “Hình ảnh” (celem) là tượng, ảnh (một cái gì chạm, tạc hay vẽ) giống y hệt mẫu có sẵn. Danh từ Dümût có nghĩa là sự giống như, trông như, sự tương tự. Danh từ thứ hai này làm giảm đi nội dung của danh từ thứ nhất: hình ảnh không y hệt hay ngang hàng, nhưng chỉ “tương tự như”, “giống như”. “Con người” trong 1,26 không giống, tương tự như Thiên Chúa về thể xác theo kiểu Sết giống cha mình là ông A-đam (5,3), vì Thiên Chúa không có thể xác hữu hình. Có thể “con người” ở đây giống Thiên Chúa về bản tính (trí khôn, lý trí) theo quan điểm của thánh Augustinô; nhưng chắc chắn “con người” giống Thiên Chúa trong lãnh vực hoạt động: “làm bá chủ” giới động vật (1,26b.28b) và “thống trị mặt đất” (1,28a). Con người được dựng nên để làm vua vũ trụ, làm chúa cai quản vạn vật.
m. Lời văn trong 1,27 trở nên trang trọng khác thường, khi Thiên Chúa thực hành quyết định dựng nên con người: một câu thơ gồm ba vế; trong mỗi vế, đều có động từ Bärä´ (= sáng tạo). Loài người được phân chia thành hai giới: nam và nữ. Giới nam và giới nữ đều bình đẳng, vì cũng được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.
n. C. 28 cho thấy mệnh lệnh của Thiên Chúa ban cho con người về sự truyền sinh và lặp lại ý của Thiên Chúa về quyền làm chủ của con người trên vạn vật.
o. “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (cc. 10b.12b.18b.21b.25b). C. 31 đưa ra một lời thẩm định giá trị tổng quát liên quan đến vũ trụ: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”. “Tốt đẹp” có nghĩa là phù hợp với ý của Thiên Chúa, thích hợp với mục tiêu Người nhắm.
b. C. 1 đưa ra đầu đề của đoạn văn (1,2–2,4a). C. 1 và c. 2,4a đối chiếu với nhau, đóng khung cho cả đoạn làm thành một “inclusio”. Thành ngữ “lúc khởi đầu” có nghĩa là khởi điểm của thời gian: thời gian xuất hiện với công cuộc tạo thành. Cũng có người hiểu theo nghĩa: Khi Thiên Chúa bắt đầu sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng... Động từ Bärä´ (= sáng tạo) được sử dụng 11 lần trong các bản văn thuộc P của St [1,1.21.27 (3 lần); 2,3-4; 5,1.2 (2 lần); 6,7], để chỉ hoạt động của Thiên Chúa làm nên một cái gì mới lạ, kỳ diệu, lạ lùng. Đấng sáng tạo “trời đất”, tức là toàn thể vũ trụ, chính là ´élöhîm. Danh từ này (số nhiều của ´ël = thần, Thiên Chúa) không có nghĩa là các thần (vì động từ Bärä´ ở số ít); số nhiều ở đây chỉ sức mạnh sung mãn và uy quyền.
c. Trình thuật I về công cuộc sáng tạo vũ trụ (St 1,1–2,4a), thuộc truyền thống tư tế (P) (trong và sau cuộc lưu đày: tk V tCN), là một trình thuật trừu tượng và mang tính cách thần học. Đó là một giai đoạn ở sau một quá trình lâu dài suy nghĩ về công cuộc tạo thành (Tv 8; 33,6; 74,13-17; 89,10-13; 104; Is 27,1; 40,26; 44,24; 48,13; 51,9-10; Cn 8,22-29; G 26,12-14; 38,4-11; St 2,4b-23). Trình thuật này lệ thuộc vũ trụ quan của thời cổ miền Cận Đông về cấu trúc và nguồn gốc của vũ trụ. Theo cách diễn tả của văn chương thời cổ miền Cận Đông, khuôn khổ 7 ngày chỉ một (những) việc làm trong một thời gian (ở đây: 6 ngày), rồi đi tới chỗ hoàn thành (ngày thứ 7). Con số 7 chỉ sự hoàn hảo, theo cái nhìn của người Do-thái. Các tác giả dùng một cấu trúc đã được kỹ lưỡng cân nhắc trong trình thuật về công cuộc sáng tạo vũ trụ trong sáu ngày. Ba ngày đầu, Thiên Chúa thực hiện công trình phân biệt, tạo nên các khu vực: 1) trong ngày I, ánh sáng / bóng tối (cc. 3-5); 2) trong ngày II, nước phía trên / nước phía dưới (cc. 6-8); trong ngày III, đất / biển (cc. 9-10); thảo mộc phát xuất từ đất và sống trên đất (cc. 11-13). Ba ngày sau, Thiên Chúa thực hiện công trình trang trí, làm ra các vật di động: 1) ngày IV, Thiên Chúa làm nên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao (cc. 14-19); 2) ngày V, Thiên Chúa sáng tạo các sinh vật ở dưới nước và loài chim bay dưới vòm trời (cc. 20-23); 3) ngày VI, Thiên Chúa làm ra thú vật (gia súc, loài bò sát, dã thú) dưới đất (cc. 24-25) và sáng tạo con người (cc. 26-31).
Mỗi ngày đều có một bố cục tương tự (nhiều nhất: 7 phần; ít nhất: 5 phần): 1. Nhập đề: “Thiên Chúa phán”; 2. Mệnh lệnh: “Phải có...”; 3. Thi hành mệnh lệnh: “Liền có như vậy”; 4. Tả công việc: “Thiên Chúa phân rẽ... và...”; 5. Thiên Chúa ban phúc lành hoặc đặt tên: “Thiên Chúa ban phúc lành...”; 6. Ca tụng: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp (cc. 10b.12b.18b.21b. 25b); “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (c. 31a); 7. Kết luận: “Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ...” (cc. 5.8.13.19.23.31). Các sự vật cứ lần lượt xuất hiện trong vũ trụ theo một thứ tự ngày càng cao hơn, từ dưới lên trên cho đến con người: con người là hình ảnh Thiên Chúa, nằm ở chóp đỉnh của toàn thể công cuộc tạo thành giống như một kim tự tháp. Từ những nhận định ở trên, chúng ta thấy được những mục tiêu sau đây của trình thuật: 1) Vạn vật đều phải nhờ lời của Thiên Chúa để xuất hiện trong vũ trụ (“Thiên Chúa phán”: cc. 3.6.9.11.14.20.24.26); 2) Lời của Thiên Chúa là lời hoàn toàn hữu hiệu: “Thiên Chúa phán: Phải có...” -- “Liền có ánh sáng” (c. 3b); “Liền có như vậy” (cc. 7b.9b.11b.15b.24b.30b); do đó, Thiên Chúa có quyền tối thượng trên vạn vật; 3) Người theo đạo Do-thái phải giữ luật nghỉ việc trong ngày sa-bát, sau sáu ngày làm việc; các tác giả muốn cho thấy chính hành động của Thiên Chúa là nguồn gốc của luật đó, và ngày sa-bát mang tính cách linh thiêng vì được Thiên Chúa thánh hóa (2,2-3; Xh 20,8-11).
d. Đất còn “trống rỗng” (Böhû), “chưa có hình dạng” (Töhû) nghĩa là hoang vu, vô trật tự, lộn xộn, mờ mịt, vô hình vô dạng. Đó là tình trạng hỗn mang tiên khởi.
đ. “Vực thẳm” (Tühôm) chỉ khối nước nguyên thủy, đại dương nguyên thủy vô hình vô dạng bao phủ đất. Có thể Tühôm xuất phát từ Tiamat là biển được nhân cách hóa trong Enuma elish (bài ca Ba-by-lon về công cuộc tạo thành).
e. Từ Do-thái rûªH có ba nghĩa: 1. Gió, khí; 2. Hơi thở; 3. Thần khí. Có thể hiểu ´élöhîm theo nghĩa sở hữu (“của Thiên Chúa” hoặc “phát xuất từ Thiên Chúa”) hay có thể coi ´élöhîm như một tính từ chỉ cái gì cao nhất, mạnh nhất (ví dụ: nếu hiểu rûªH là gió: “gió mạnh”, “gió cuồn cuộn”...). Phần đông các học giả và dịch giả hiểu rûªH theo nghĩa “gió”, “khí” với từ ´élöhîm theo nghĩa sở hữu: gió, khí của Thiên Chúa. Trong Đnl 32,11, động từ räHap ở thì Piel có nghĩa là đập cánh nhè nhẹ, bay lượn trên (chim đại bàng đập cánh nhè nhẹ, bay lượn trên đám chim con để thúc đẩy chúng rời tổ ra ngoài tập bay). St 1,2c cũng dùng động từ räHap ở thì Piel như Đnl 32,11; vì thế, có thể dịch St 1,2c là: gió, khí, thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Vì khí có liên hệ tới Thiên Chúa, nên sự hiện diện và chuyển động của khí đó nhắm một mục tiêu: Thiên Chúa có mặt trên cảnh hỗn mang và đại dương tiên khởi với quyền năng của Người, quyền năng sáng tạo đem lại sự sống cho vũ trụ.
g. Theo quan niệm của người thời xưa, trước khi Thiên Chúa thực hiện công cuộc tạo thành vũ trụ, chỉ có trạng thái hỗn mang tiên khởi (đất hoang vu trống rỗng, bóng tối, vực thẳm) là cái gì đối nghịch với vũ trụ hiện có, là “hư vô” theo ngôn ngữ hiện đại. Như thế, thụ tạo đầu tiên của Thiên Chúa phải là cái gì đối nghịch với “bóng tối”, tức là ánh sáng. Theo người Cận Đông, ánh sáng là yếu tố riêng biệt, khác với mặt trời mặt trăng, không xuất phát từ đó. Đàng khác, cần có ánh sáng để phân biệt “ngày” (= ánh sáng) với “đêm” (= bóng tối) (x. c. 5a). “Ngày” và “đêm” hợp thành một ngày. “Ngày” và “đêm” kế tiếp nhau làm nên cái khung trong đó diễn ra công cuộc tạo thành từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu.
h. Thiên Chúa tạo dựng bằng lời (“Thiên Chúa phán”: cc. 3.6.9.11.14. 20.24.26). Người cũng tạo dựng bằng hành động: “Thiên Chúa làm ra” cái vòm (c. 7), hai vầng sáng lớn và các ngôi sao (c. 16); “Thiên Chúa làm ra” loài động vật sống trên đất (c. 25); “Thiên Chúa làm ra con người” (c. 26). Hình thức này song song với hình thức mà trình thuật II về công cuộc tạo thành sử dụng trong St 2,4b-25 (“Thiên Chúa làm ra đất và trời”: 2,4b; “Thiên Chúa nặn ra con người”: 2,7; “Thiên Chúa nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời”: 2,19).
i. Thảo mộc, cỏ, cây không nằm trong loại trang trí, vì đó là yếu tố của đất do đất trổ sinh, chứ không do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên.