Mười Điều Răn
1 Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây:
2 “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.
4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.
5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tuông. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.
7 Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh.9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.11 Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.
12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.
13 Ngươi không được giết người.
14 Ngươi không được ngoại tình.
15 Ngươi không được trộm cắp.
16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.
17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”
18 Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa.19 Họ nói với ông Mô-sê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!”20 Ông Mô-sê bảo dân: “Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử thách anh em và làm cho anh em luôn luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội.”21 Dân đứng xa xa, còn ông Mô-sê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự.
2. BỘ LUẬT GIAO ƯỚC
Luật về bàn thờ
22 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ bảo con cái Ít-ra-en như thế này: Chính các ngươi đã thấy là tự trời Ta đã nói với các ngươi.23 Các ngươi đừng tạc tượng thần bằng bạc mà đặt bên cạnh Ta, và cũng đừng tạc tượng thần bằng vàng để thờ.
24 Ngươi sẽ dựng cho Ta một bàn thờ bằng đất, trên đó ngươi sẽ dâng lễ toàn thiêu, lễ kỳ an, dâng chiên cừu bò bê. Ở bất cứ nơi nào Ta tỏ danh Ta cho ngươi ghi nhớ, Ta sẽ đến với ngươi và chúc phúc cho ngươi.25 Nếu ngươi dựng cho Ta một bàn thờ bằng đá, thì đừng lấy đá đẽo mà dựng, bởi vì lấy đục mà đẽo, thì làm cho đá ra bất xứng.26 Ngươi sẽ không dùng bậc để bước lên bàn thờ của Ta, kẻo ngươi hở hang trước bàn thờ.
Xh 23,12; 31,12-17; 34,21; 35,1-3; Lv 19,3; 23,3; Ds 15,32-36; 2 Sb 36,21
x. Theo bản văn sách Xh như hiện có, trình thuật Mười Điều Răn không có mạch lạc tự nhiên với bản văn trước đó (19,24-25) và bản văn tiếp theo sau (20,18-21).
Mười Điều Răn (hoặc Mười Lời, x. Xh 34,28; Đnl 4,13; 10,4) còn được lưu lại dưới hai hình thức: một là bản văn ở đây, thuộc truyền thống Ê-li-hít, và một ở Đnl 5,6-21 hơi khác, thuộc truyền thống Đệ Nhị Luật. Nguyên thủy, có thể lui về tận thời của ông Mô-sê, Mười Điều Răn có lẽ gồm mười công thức vắn gọn (x. Điều Răn thứ 5, 6, 7, 8), có vần và dễ thuộc. Tiếp đó, Mười Điều Răn được truyền khẩu trong các nhóm người từng có kinh nghiệm về biến cố Xi-nai, đồng thời tin rằng Mười Điều Răn đó chứa đựng các lời trước đây Thiên Chúa đã tuyên phán. Và do đó trình thuật Mười Điều Răn đã được xen vào trình thuật thần hiện, với những khai triển thêm. Sau đó, truyền thống Ê-lô-hít lại tiếp tục ở Xh 24,3 sau khi đã vượt qua Bộ Luật Giao Ước.
Mười Điều Răn bao trùm toàn thể đời sống tôn giáo và luân lý.
Có hai cách chia Mười Điều Răn: 1. Cc. 2-3; 4-6; 7; 8-11; 12; 13; 14; 15; 16; 17. Đây là cách chia của các giáo phụ Hy-lạp, được các Giáo Hội chính thống và cải cách theo. 2. Cc. 3-6; 7; 8-11; 12; 13; 14; 15; 16; 17a; 17b. Đây là cách chia của thánh Augustinô, theo truyền thống Đệ Nhị Luật, được Giáo Hội Công Giáo và ông Luther theo. Mười Điều Răn là trọng tâm của Luật Mô-sê và có giá trị trong Luật mới: Đức Giê-su từng nhắc đến các giới răn trong Mười Điều Răn, và Người thêm vào đó những lời khuyên Tin Mừng như thể đưa Mười Điều Răn tới mức hoàn hảo (Mc 10,7-21). Thánh Phao-lô cũng có tranh luận đối lại với Lề Luật (Rm và Gl), nhưng vấn đề người đưa ra không hề đụng chạm tới những bổn phận căn bản cần phải có đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân như được trình bày trong Mười Điều Răn.
y. ... đối nghịch với Ta có thể dịch là: ... ngoài Ta. Điều Thiên Chúa đòi Ít-ra-en đầu tiên là thờ phượng chỉ một mình Người mà thôi. Đó cũng là điều kiện của Giao Ước. Sau này mới có khía cạnh phủ nhận sự hiện hữu của các thần khác (x. Đnl 4,35).
a. Đây là lệnh cấm tạc tượng, vẽ hình Đức Chúa để tôn thờ, lý do được Đnl 4,15 nói tới. Lệnh cấm này cũng khiến cho Ít-ra-en khác xa các dân chung quanh.
b. Thiên Chúa công bằng và thương xót, nhưng lòng thương xót của Người vô biên so với cơn thịnh nộ của Người đến ba, bốn đời.
c. ... dùng danh Đức Chúa một cách bất xứng: cấm lạm dụng Danh của Đức Chúa để thề (x. Mt 5,33), nhưng có lẽ còn bao gồm cả việc làm chứng gian (c. 16 và Đnl 5,20), việc dùng Danh Đức Chúa để làm ma thuật. Lệnh cấm này cũng là cách để diễn tả và gìn giữ tính cách linh thánh của Danh khôn tả của Đức Chúa.
d. Giới răn dài nhất và được khai triển rộng (cc. 8-11). Từ sa-bát có liên hệ với một từ gốc có nghĩa là ngưng việc, nghỉ việc. Ngày sa-bát, như vậy, là ngày nghỉ hàng tuần để thánh hiến cho Đức Chúa, theo gương Người đã nghỉ vào ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình sáng tạo (c. 11; x. St 2,2-3). Kèm theo mục đích tôn giáo như trên, lệnh truyền nghỉ ngày sa-bát còn nhằm mục đích nhân đạo (Xh 23,12; Đnl 5,14). Nguồn gốc ngày sa-bát rất cổ xưa. Nhưng việc giữ ngày sa-bát có một tầm quan trọng đặc biệt kể từ thời lưu đày và là một nét đặc sắc của Do-thái giáo (Nk 13,15-22; 1 Mcb 2,32-41). Theo dòng thời gian, óc nệ luật đã biến ngày vui tươi và ý nghĩa này thành một sự thúc ép và gò bó. Đức Giê-su đã giải phóng các môn đệ khỏi thái độ này (x. Mt 12,1tt và //; Lc 13,10tt; 14,1tt).
đ. Thờ cha kính mẹ: nhìn nhận tầm quan trọng của cha mẹ để tôn kính và quyền bính của các ngài để tuân phục. Đây là một trong ba giới răn tích cực (sự hiện hữu của Đức Chúa, giữ ngày sa-bát) trong Mười Điều Răn. Các giới răn còn lại được trình bày theo hình thức cấm đoán.
e. Thái độ kinh hãi trước những dấu hiệu khả giác biểu lộ quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa ở đây khác hẳn thái độ kính sợ, là thái độ hoàn toàn vâng phục ý muốn của Thiên Chúa (x. St 22,12; Đnl 6,2); vai trò trung gian của ông Mô-sê ở đây được nối lại với 19,3tt.
g. Tên gọi Bộ Luật Giao Ước (20,22–23,33) là do người thời nay đặt cho căn cứ vào 24,7. Bộ Luật và những tập tục này nguyên thủy không được công bố ở Xi-nai, vì nội dung giả thiết một cộng đoàn đã định cư và có nếp sống nông nghiệp. Thời gian là buổi đầu định cư ở Ca-na-an, trước thời quân chủ. Nhưng bản văn này đã được đặt trong bối cảnh Mười Điều Răn bởi vì nó khai triển và áp dụng tinh thần của Mười Điều Răn.
So sánh Bộ Luật này với Bộ Luật Ham-mu-ra-bi, Bộ luật Khít-ti, và Bộ luật của Kho-rem-hép, ta thấy có những nét chung. Có thể là tất cả có một nguồn chung, rồi được biến đổi tùy theo nơi chốn và dân tộc. Có thể sắp xếp các chỉ thị trong Bộ Luật này, theo nội dung, vào ba loại: dân luật và hình luật (21,1–22,20), các quy tắc về phụng tự (20,22-26; 22,28-31; 23,10-19), luân lý xã hội (22,21-27; 23,1-9). Còn theo hình thức văn chương, có thể xếp vào hai loại: loại theo hoàn cảnh hoặc tùy trường hợp cụ thể, theo kiểu của các Bộ Luật Lưỡng Hà và loại truyền khiến theo kiểu Mười Điều Răn và các bản văn khôn ngoan của Ai-cập.
h. Bộ Luật Giao Ước chấp nhận có nhiều nơi để phụng tự, giống như ở thời các tổ phụ, các thủ lãnh và các vua đầu tiên. Thiên Chúa chọn các nơi ấy bằng cách tỏ cho thấy Người hiện diện, có thể qua cuộc thần hiện, qua một chiến thắng (x. 17,15) hoặc một cách nào khác.
i. Nguyên thủy có lẽ lệnh cấm không được làm bậc cho bàn thờ là để tách bàn thờ, nơi cực thánh, khỏi những gì là phàm tục ở chung quanh. Nhưng ở đây lý do được nêu ra là để cho người bước lên bàn thờ ở trong tư thế nết na (x. 28,42-43; Ed 44,18).