Nếu không sám hối, thì sẽ chết hết
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Dụ ngôn cây vả không ra trái
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”
Đức Giê-su chữa một phụ nữ còng lưng ngày sa-bát
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!”15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?”17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Dụ ngôn hạt cải
18 Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”
Dụ ngôn nắm men trong bột
20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Cửa hẹp. Thiên Chúa ruồng bỏ người Do-thái bất trung và kêu mời dân ngoại.
22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.23 Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ:24 “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’26 Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’27 Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’
28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Con cáo già Hê-rô-đê
31 Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!”32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’
Đức Giê-su than trách thành Giê-ru-sa-lem
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
Mt 19,30; 20,16; Mc 10,31
h. Đức Giê-su đưa ra hai bài học song song rút từ hai biến cố bi đát đã xảy ra cách đó không lâu. Theo quan niệm thông thường về liên hệ nhân-quả ở đời này, người ta coi đó là hình phạt mà Thiên Chúa giáng xuống cho người tội lỗi, và những ai thoát nạn thì cho mình là công chính. Đức Giê-su bác bỏ cái nhìn nông cạn này (x. Ga 9,2-3) và cho hiểu rằng các biến cố đó là một lời cảnh cáo: mọi người đều có tội, đều phải sám hối.
i. Lịch sử ghi lại nhiều cuộc đổ máu tại Giê-ru-sa-lem do tay Phi-la-tô.
k. ds: mắc nợ. Lc vẫn giữ cặp tội (c. 2) – nợ (c. 4) như ở 11,4; nhưng vì ở đây, chính Thiên Chúa bị xúc phạm chứ không phải người đồng loại, nên dịch là mắc tội.
l. Dụ ngôn này lấy lại những lời đe dọa cổ điển (3,8-9; x. 6,43-44), nhưng báo trước một kỳ hạn cuối cùng và chứng tỏ lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Trong mạch văn này, lời gọi hoán cải thật minh bạch và khẩn thiết.
m. Có lẽ ám chỉ thời gian Đức Giê-su giảng dạy.
n. Cuộc tranh luận về những phép lạ chữa bệnh trong ngày sa-bát vẫn được thuật lại theo cùng một thể văn với 6,6-11 và 14,1-6.
o. ds: bị quỷ sinh tật nguyền ám. Bệnh tật thường bị coi là do tác động của ma vương quỷ lực (x. c. 16 và 11,14+).
p. Cũng có thể dịch và không đứng thẳng hoàn toàn được.
s. Đức Giê-su nhắc lại những tập tục của dân làng và đánh thức óc thực tế của họ để rút ra một kết luận vững chắc: trên hết phải có lòng nhân ái.
t. Đối với Đức Giê-su, ngày sa-bát chính là ngày cứu độ.
u. Dụ ngôn này, và dụ ngôn kế tiếp, nói về Nước Thiên Chúa, kết thúc giai đoạn đầu của hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Qua hai dụ ngôn này, Lc muốn cho thấy Nước Thiên Chúa lan tràn không gì ngăn cản nổi, và có sức mạnh biến đổi.
v. Chỉ có hai dụ ngôn này được Lc nói rõ về Nước Thiên Chúa.
x. Khá nhiều bản chép cây to. Nhưng tính từ to không hợp lắm với cây cải là một loại cây con, và Lc cũng không cường điệu sự tương phản giữa cây và hạt, như ở Mt 13,32 và Mc 4,30-31.
y. Đa-ni-en và Ê-dê-ki-en đã dùng hình ảnh này làm biểu tượng cho quyền bính của các vua chúa, Lc dùng để nói về ảnh hưởng sâu rộng của Tin Mừng nơi các dân tộc.
a. Cũng như hình ảnh hạt cải mọc cây, đâm cành, dụ ngôn này cho thấy sự lan rộng của Nước Trời, sau khi đã được vùi sâu vào thế giới.
b. Lc lại nhắc đến việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa, có lẽ ngụ ý rằng phần tiếp sau đây là một giai đoạn mới (13,22–17,10). Cc. 22-30 gom một số ngôn từ về việc gia nhập Nước Trời, khác với Mt. Lc nhằm vào những người Do-thái nào sẽ không tin vào Đức Giê-su.
c. Ở đây, Đức Giê-su không nêu rõ kết quả cuộc Phán Xét, cũng như ở 12,40.46 Người đã không nói về thời điểm. Người chỉ nhắn nhủ phải chiến đấu để được vào Nước Trời (x. 16,16).
d. Chúng tôi là những người Do-thái đã chứng kiến việc làm của Đức Giê-su (trong bản Mt song song (x. 7,22-23) thì là các ngôn sứ và những môn đệ đã làm phép lạ).
đ. Nhiều bản chép: ông sẽ đáp: Ta nói cho các anh hay... Người nói ở đây là vị thẩm phán ngày tận thế, trong khi ở Mt 7,23 thì người ấy là chính Đức Giê-su.
e. Nhiều bản chép: Các anh đấy ư? Ta không biết... như ở c. 25.
g. Vị thẩm phán không nhìn nhận những người Do-thái nào đã làm điều bất chính: liên hệ huyết thống với dòng dõi Áp-ra-ham không đủ để được làm dân Thiên Chúa (x. 3,8; Ga 8,33-41), còn phải tin nhận Đức Giê-su, nghĩa là được vị Thẩm Phán nhận biết nữa (x. cc. 25-27).
h. Ở đây, Đức Giê-su mô tả Nước Trời theo kiểu người Do-thái, nghĩa là như một bữa tiệc Đấng Mê-si-a thết đãi (x. Is 25,6; Lc 14,15.16-24; 22,16.18.30). Trong đó, các người được chọn tề tựu quanh các tổ phụ và ngôn sứ (x. 16,22). Còn những ai đã không đáp lời mời gọi của Đức Giê-su thì sẽ bị loại. Nhưng trong khi Mt đe dọa toàn thể dân Do-thái (x. 8,12), thì Lc chỉ nhằm những người Do-thái nào đã không tin nhận Đức Giê-su thôi.
i. Đây nói về người ngoại giáo sẽ được mời vào Nước Trời (x. Is 2,2-5; 25,6-8; 60; 66,18-21).
k. Thời đó, nhóm Ê-xê-ni chia nhân loại ra làm hai khối: người thuộc nhóm họ (sẽ được vinh quang Nước Trời) và phần còn lại (sẽ hư mất); theo Mt, Đức Giê-su cũng chia ra làm hai: nhóm người Do-thái (bị loại) và những kẻ khác (được mời vào). Theo Lc, Đức Giê-su nói cách tinh tế hơn và mời gọi tất cả mọi người.
l. Thật ra, qua nhân vật này, Đức Giê-su tỏ lập trường của Người trước cái chết, trong viễn tượng Người không được người Do-thái nhìn nhận. Cc. 31-33 là riêng của Lc, cc. 34-35 có song song với Mt, nhưng Mt đặt xa hơn.
m. Bề ngoài họ có vẻ ủng hộ Đức Giê-su (x. 7,36+). Tuy nhiên, một số nhà bình luận thấy trong việc can thiệp này, họ có ác cảm hơn là thiện cảm.
n. Đây là vua Hê-rô-đê An-ti-pa. Có lẽ ông muốn đe dọa Đức Giê-su để Người đi chỗ khác cho khuất mắt. Nhưng Đức Giê-su gọi vua là con cáo, không nguy hiểm bao nhiêu, chỉ lươn lẹo thôi (các nhà ráp-bi thường hễ sợ ai thì gọi người ấy là sư tử).
o. Ngày thứ ba là kiểu nói trong tiếng A-ram có nghĩa một thời gian ngắn.
p. Lời nói này hàm chứa nhiều ý, có thể hiểu trên bình diện thời gian (sứ mệnh tôi chấm dứt) hoặc trên bình diện sự nghiệp (tôi đã đạt mục đích). Cũng có thể hiểu là Đức Giê-su thành đạt, sau khi chu toàn tất cả công trình cứu độ. Như ở 22,53, Ga 7,30 và 8,20, đối thủ của Đức Giê-su không thể ra tay trước khi giờ Người đến.
q. Đức Giê-su cho biết Người sẽ chết tại Giê-ru-sa-lem, như các ngôn sứ đã từng bị Ít-ra-en giết hại (x. 6,23+).
r. Các lời này –Mt đặt vào thời kỳ Đức Giê-su rao giảng tại Giê-ru-sa-lem– cho thấy Người đã từng giảng dạy tại đó trước Tuần Thánh, và Ga cũng cho phép nói như thế. Sự kiện này làm nổi bật tính hư cấu của bố cục các sách Nhất Lãm, và đặc biệt của phần hành trình lên Giê-ru-sa-lem trong Lc (x. Dẫn nhập).
s. X. Gr 12,7. Thiên Chúa sắp rời bỏ đền thờ của Người, tức là để cho người ta mặc tình tàn phá (x. 21,6) và hình phạt trút xuống trên dân Người. Đó là cách đe dọa điển hình trong Các Sách Ngôn Sứ (x. Mk 3,12; Gr 7,1-15; 26; Ed 8–11).
t. Với những lời này, Lc như cho thấy trước Ít-ra-en sẽ trở lại vào thời sau hết (x. 21,24 và Rm 11,25-27).