Hãy nói công khai và đừng sợ
1 Trong lúc ấy, đám đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Đức Giê-su bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả.2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.
4 “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
8 “Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.
11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì,12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”
Đừng thu tích của cải cho mình
13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng
22 Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc;23 vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc.24 Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao!25 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay?26 Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì?27 Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.28 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!29 Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm.30 Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó.31 Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.
32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.
Bán của cải đi mà bố thí
33 “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.
Phải sẵn sàng chờ Chủ trở về
35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.39 Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều.48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
Thái độ của Đức Giê-su trước cuộc Thương Khó
49 “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
“Thầy đến để gây chia rẽ”
51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Nhận xét thời đại
54 Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy.55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy.56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?
57 “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan tòa, quan tòa lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục.59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Lc 8,17; Mt 10,26-27; Mc 4,22
Lc 21,12-15; Mt 10,17-20; Mc 13,11; Ga 14,26
đ. Ở đây, Lc sẽ trình bày nhiều ngôn từ của Đức Giê-su mà Mát-thêu ghi lại rải rác ở nhiều nơi. Tất cả đều nhằm cho các môn đệ biết phải làm chứng về Thầy như thế nào.
e. Còn có thể đọc: Đức Giê-su bắt đầu nói với các môn đệ: Trước hết, anh em phải coi chừng...
h. Mt 10,27 so sánh lời Đức Giê-su nói cách bí mật hôm nay với lời các môn đệ rao giảng cách công khai sau này. Lc thì chỉ nói về lời của môn đệ: không âm hưởng hôm nay nhưng sẽ được công bố sau này. Vậy Lc đánh dấu rõ rệt sự chuyển hướng của các ông từ thái độ rụt rè trước ngày lễ Ngũ Tuần qua lòng hăng say mạnh bạo sau đó.
i. Ở Cận Đông, mái nhà bằng phẳng như sân thượng, ở đây người ta trò chuyện và phổ biến tin tức.
k. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền này, do đó chỉ nên sợ Người mà thôi. Lc nhấn mạnh nhiều đến tâm tình này (x. 1,50; 18,2.4; 23,40; Cv 10,2.22.35).
l. Mt 10,29 nói hai con bán được một xu; Lc còn hạ giá xuống thấp hơn, để gây tác động mạnh hơn (x. 5,36; 11,12).
m. Đây nói về cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa giữa triều thần của Người (x. 9,26). Lc nói “thiên thần” để ám chỉ Thiên Chúa, theo thói quen của người Pa-lét-tin (x. 15,10). Ở đây, Con Người không phán xét, nhưng làm chứng để bênh vực, khác với Mt 25,31-46.
n. Khi phân biệt những tội xúc phạm đến Con Người (có thể tha thứ) và những tội xúc phạm đến Thánh Thần (không thể tha thứ), có thể Lc cho đối lập thời kỳ Đức Giê-su thi hành sứ mệnh với thời kỳ các Tông Đồ và Hội Thánh thi hành sứ mệnh. Thánh Thần hướng dẫn các ngài, tạo cơ hội cuối cùng cho người ta trở lại (x. Cv 2,38; 28,25-28). Mt 12,31-32 và Mc 3,22-29 ghi lại ngôn từ này trong một bối cảnh khác hẳn, do đó nó có một ý nghĩa khác (x. Mt 12,31+).
o. Có lẽ Lc nghĩ đến các quan tòa ngoại giáo.
p. Nhiều bản thêm hay điều gì.
q. Mt 10,20 và Mc 13,11 ghi chính Thánh Thần sẽ nói; Lu-ca cho thấy các Tông Đồ chủ động hơn sau khi được Thánh Thần dạy dỗ. Lời hứa này, Lc sẽ cho một dạng khác ở 21,15 và cho thấy được thực hiện ở Cv 4,8; 5,32; 7,55-56.
r. Lc tập trung những lời dạy rải rác của Chúa Giê-su về vấn đề của cải trong cc. 13-34.
s. Thời đó, người ta dễ dàng thỉnh cầu các ráp-bi xử những vụ này.
u. Đức Giê-su từ chối, không đảm nhận một công việc trần thế. Người khác với ông Mô-sê, là người được đặt làm người lãnh đạo và xét xử (x. Xh 2,14).
v. ds: mạng sống người ấy không từ của cải mà ra. Đức Giê-su từ chối không nhận lo việc tiền bạc vì tiền không làm ra sự sống.
x. Dụ ngôn này làm nổi bật câu kết (c. 21) nói về của cải đích thật. Lời mời gọi thu tích của cải trên trời cũng được ghi lại ở 12,33; 18,22; x. 16,9.
y. Trong Mt và Lc, các nhân vật dụ ngôn thường tự giãi bày qua một độc thoại.
a. ds: ta sẽ nhủ hồn ta: hồn ta hỡi, mi bây giờ... Ở đây cũng như thường khi trong Cựu Ước, linh hồn chỉ toàn thể con người, nên có khi phải dịch mạng sống (c. 20), hoặc như ở đây, chuyển thành một đại từ.
b. ds: họ sẽ đòi lại... Số nhiều ở đây chỉ Thiên Chúa.
c. Câu này thiếu trong một số cổ bản.
d. Cũng có thể dịch để được Thiên Chúa.
đ. Một vài bản thêm: nói xong, Người hô lên rằng: ai có tai nghe thì nghe (x. 8,8; 14,35).
e. Không phải Đức Giê-su kêu gọi người ta sống vô tư lự, nhưng Người kêu mời tin tưởng và cầu xin mọi sự từ tay Thiên Chúa; chính Thiên Chúa sẽ giải thoát khỏi những ưu tư nặng nhọc.
g. Chữ đời vừa có nghĩa là tuổi đời vừa có nghĩa là vóc người. Nhưng phải loại nghĩa sau này, vì một vài gang ở đây là dịch một từ chỉ đơn vị đo lường tương đương với một thước ta –lối 45 cm–: thêm được một vài gang không phải là ít, không phải là việc nhỏ nhất (c. 26). Cũng xem Tv 39,6 (bản dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
h. Câu này là riêng của Lc và nhấn mạnh thái độ thanh thoát đối với các lo lắng thế trần.
i. Một phần rất lớn các bản chép: Hãy nhìn xem hoa huệ mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi. Nhưng chép như vậy có lẽ vì tùy thuộc vào Mt 6,28, nên các bản cổ xưa hơn xem ra có giá trị hơn.
k. Hình ảnh đồng quê này là điển hình trong Cựu Ước để tượng trưng cho dân Chúa. Đức Giê-su áp dụng hình ảnh này cho Ít-ra-en (x. Mt 9,36; Mc 6,34), cho người Do-thái tội lỗi (x. Mt 10,6; 15,24; Lc 15,4-6; 19,10), hoặc như ở đây, cho nhóm môn đệ (x. Mt 26,31; Mc 14,27...).
l. Câu kết này là riêng của Lc. Nhưng không hiểu Nước Chúa đã được ban cho môn đệ rồi, hay đây là một lời hứa được xác quyết.
m. Lời khuyên này dẫn vào một chỉ thị mà Mt 6,19-21 ghi lại hơi khác (x. chú thích). Về việc bố thí được nhắc đi nhắc lại, x. 11,41+.
n. Cc. 35-48 trong đoạn này khuyên nhủ các môn đệ phải ở trong tư thế sẵn sàng để đón Chúa trở lại.
o. Đây là lối ăn vận của người làm việc (x. c. 37 và 17,8) và của người lữ hành mà người Do-thái bắt chước để mừng lễ Vượt Qua (x. Xh 12,11), tỏ lòng mong đợi Đấng Mê-si-a.
p. Chi tiết này dường như chỉ gợi ý một thời điểm khuya khoắt và không đoán được trước, chứ không hàm ý gì về lễ cưới.
q. ds: khoét nhà, vì ở Pa-lét-tin, các vách tường rất mỏng, kẻ trộm khoét dễ dàng.
r. Câu hỏi này của riêng Lc, là câu chuyển tiếp giữa lời khuyên chung cho tất cả các môn đệ (cc. 35-40) và lời khuyên dành riêng cho những người được ủy thác nhiệm vụ trông coi anh em (cc. 42-48).
s. Trong các sách Tin Mừng, chỉ có Lc dùng từ này (x. 16,1.3.8) để nói về một nhân vật quan trọng và được ủy nhiệm một trọng trách đối với các đầy tớ khác. Như vậy, Đức Giê-su trả lời đúng câu hỏi của ông Phê-rô, nói về chúng con là các Tông Đồ.
u. ds: cắt ra làm hai, có thể ám chỉ một hình phạt thời Cựu Ước, hay đó là một thuật ngữ (các văn kiện Cum-ran có dùng) chỉ án bị cô lập hoặc án tuyệt thông.
v. Thất tín: có bản dịch hiểu là không có lòng tin, có bản hiểu là bất trung. Mt 24,51 thì chép đạo đức giả.
x. Cc. 47-48 là của riêng Lc, nhấn mạnh trách nhiệm của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội và kết luận cả đoạn 41-48.
y. Trong đoạn này, Lc gom lại các ngôn từ liên quan đến sứ mệnh của Đức Giê-su, chuẩn bị phần tiếp theo (12,54–13,9) nói về nhu cầu khẩn trương: thái độ dứt khoát theo hay không theo Đức Giê-su.
a. Còn có thể dịch: và Thầy (còn) muốn gì (hơn) nếu nó đã bùng lên rồi. Nhưng c. 50 cho thấy có một biến cố sắp xảy ra cho Đức Giê-su. Đối với Người, lửa ở đây có thể là lửa kèm theo cuộc Phán Xét, như được mô tả trong các hình ảnh cánh chung (x. Is 66,15-16; Ed 38,22; 39,6; Ml 3,19...). Có thể Lc còn ám chỉ phép rửa trong Thánh Thần và lửa, diễn ra ngày lễ Ngũ Tuần (x. 3,16+; Cv 2,3.19).
b. Ở Mc 10,38, phép rửa đi đôi với chén gợi ý tử đạo. Ở đây, phép rửa đi đôi với lửa trong bối cảnh một cuộc Phán Xét; còn ở 17,26-29, nước và lửa được coi như khí cụ để phán xét (x. 2 Pr 2,5-6; 3,6-7). Ở đây, Đức Giê-su nói đến cuộc Phán Xét chính Người sắp phải chịu.
c. Mt 10,34 nói cụ thể hơn: gươm giáo. Lc đã từng nhấn mạnh rằng hòa bình, bình an là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mê-si-a (x. 1,79+). Câu nói nghịch lý của Đức Giê-su xác định rằng hòa bình do Người mang đến không có tính trần thế, dễ dãi như các ngôn sứ giả thường mơ ước (x. Gr 6,14; 8,11; Ed 13,10.16).
d. Trong truyền thống các ngôn sứ, sự chia rẽ là một nét trong những đau khổ thời sau hết (x. Mk 7,6; Kg 2,22; Ml 3,24). Ở 21,16 và đoạn song song, Đức Giê-su sẽ nhắc lại điều đó.
đ. Trong đoạn 12,54–13,9, Lc trình bày những huấn từ nói về tính khẩn trương của việc hoán cải: nhận xét thời điềm (cc. 54-56), phải dàn xếp với đối phương trước khi ra tòa (cc. 57-59), phải sám hối ngay (13,1-5), kỳ hạn cuối cùng đã đến (13,6-9).
e. Thời đại này là thời Đức Giê-su, dễ nhận ra, vì các dấu chứng đã rõ ràng (x. 7,22; 11,20). Quan điểm ở đây ngược hẳn quan điểm ở 11,29.
g. Trong Mt, dụ ngôn này hướng về đức bác ái huynh đệ. Ở đây, dụ ngôn nhấn mạnh tính khẩn trương của việc hòa giải trước cuộc Phán Xét. Sắc thái cánh chung này có lẽ gần với mục tiêu nguyên thủy của dụ ngôn hơn.