Đức Giê-su chữa người nô lệ của một đại đội trưởng
1 Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um.2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho.5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm.”9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Đức Giê-su cho con trai một bà góa thành Na-in sống lại
11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Đức Giê-su đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.”17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
Câu hỏi của ông Gio-an Tẩy Giả và câu trả lời của Đức Giê-su
18 Môn đệ của ông Gio-an báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại,19 sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”20 Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’”21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy.22 Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng,23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
24 Khi những người ông Gio-an sai đến đã ra về, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?25 Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện.26 Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!27 Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!
28 “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.29 Nghe ông giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông.30 Còn những người Pha-ri-sêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông.
Đức Giê-su phán đoán về thế hệ của Người
31 “Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói:
‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không khóc than.’
33 “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”
Người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa nhiều
36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.”41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
g. Bài tường thuật này ít chú ý đến phép lạ cho bằng chú ý đến đức tin của người được phép lạ. Cũng như Mt, Lc nhìn thấy ở đây một điềm tiên báo dân ngoại sẽ gia nhập Hội Thánh; nhưng chỉ có Lc là nhấn mạnh đến mối giao hảo giữa người ngoại này và các người Do-thái (x. cc. 3-5) và lòng khiêm nhường của người ấy (x. cc. 6-7). Tác giả Lu-ca biết rõ một người Do-thái rất khó nhận lời mời của một người ngoại (x. Cv 10,28; 11,3).
h. ds: Sau khi đã hoàn tất những lời của Người vào tai dân chúng.
i. Sĩ quan trong quân đội Rô-ma, chỉ huy một trăm người. Ông là người ngoại (x. c. 9).
k. Vì chủ của người này là ngoại, nên dịch là nô lệ, một chữ mà ở chỗ khác dịch là đầy tớ. Khác với Mt, nhưng giống như Ga 4,49, Lu-ca cho rằng người này đang trong tình trạng nguy tử.
l. Tác giả Lu-ca cho thấy người ngoại giáo này có thiện cảm với Do-thái giáo, cũng giống như đại đội trưởng Co-nê-li-ô trong Cv 10,2.
m. Lòng tin của viên đại đội trưởng là ở chỗ chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Đức Ki-tô. Cách nói của Lc nhẹ nhàng đối với Ít-ra-en hơn là cách nói của Mt.
n. Có nhiều bản thêm hoặc thay vào bằng chữ người bệnh.
o. Chỉ mình tác giả Lu-ca ghi lại chi tiết này, có lẽ để chuẩn bị lời Đức Giê-su nói ở c. 22. Như nhiều nơi, Lc áp dụng cho Đức Giê-su vài nét của truyện ngôn sứ Ê-li-a (x. 1 V 17,10.12.17-24).
p. Như trên, và còn tiếp tục ở 8,42 và 9,38.
q. Lc gọi Đức Giê-su bằng tước hiệu này gần hai mươi lần trong các bài tường thuật, không kể những lần dùng Chúa ở hô cách với ý nghĩa nhẹ hơn. Qua tước hiệu ấy, tác giả muốn lưu ý đến vương quyền mầu nhiệm của Đức Giê-su. Mt và Mc chỉ gọi Đức Giê-su là Chúa có một lần (x. Mt 21,3; Mc 11,3).
r. Phong tục xứ Pa-lét-tin là đặt thi hài ngay trên cáng, nhưng ở đây, như ở 5,19, Lu-ca hình dung sự việc theo bối cảnh văn hóa Hy-La.
s. Lc cũng như các sách Tân Ước dùng từ trỗi dậy này để chỉ sự sống lại trong ngày sau hết (x. 20,37), sự sống lại của người chết trong những phép lạ Đức Giê-su làm (x. 7,22; 8,54), cũng như để chỉ chính sự sống lại của Người (x. 9,22; 24,6.34). Trong thông điệp về Chúa Phục Sinh từ thời cổ xưa, động từ này thường vẫn được dùng song song với một động từ khác có nghĩa là đứng dậy (x. 8,55; 18,33), dịch là sống lại.
t. Lc gợi lại phép lạ của ngôn sứ Ê-li-a (x. 1 V 17,23) như ở 9,42.
v. Chỉ có hai ngôn sứ được Cựu Ước công nhận là đã làm cho người chết sống lại, đó là ông Ê-li-a (x. 1 V 17,17-24) và ông Ê-li-sa (x. 2 V 4,18-37 và 13,20-21).
y. Trong Lc, miền Giu-đê có nghĩa là toàn lãnh thổ của người Do-thái, kể cả miền Ga-li-lê trong đó có Na-in; còn vùng lân cận có thể là miền các dân ngoại ở chung quanh.
a. Nhiều bản viết là Đức Giê-su, nhưng Chúa đã được xác nhận và cũng là kiểu riêng của Lc (x. c. 13+).
b. Trong các sách Tin Mừng, kiểu nói này chỉ Đấng Mê-si-a (x. Mc 1,7 và song song; 11,9 và song song; Mt 23,39 và Lc 13,35; Ga 6,14; 11,27).
c. Ông Gio-an lúc ấy đang bị vua Hê-rô-đê giam trong tù (x. 3,20), nhận thấy Đức Giê-su khác với Đấng Mê-si-a nghiêm khắc mà ông và các người đương thời vẫn mong đợi (x. 3,16-17). Lời nhắn của ông như là một lời kêu gọi hành động hơn là một câu hỏi thông thường.
d. Câu này không có trong Mt 11,3, được Lc đưa vào đây để làm cơ sở cho lời khẳng định của Đức Giê-su trong câu tiếp theo (x. 7,11+).
đ. Để nói về các phép lạ và giáo huấn của Người, Đức Giê-su lấy lại ngôn ngữ mà Is 26,19; 29,18; 35,5-6 và 61,1 dùng để loan báo kỷ nguyên cứu độ. Đó là những dấu hiệu về sứ mệnh cứu thế của Người.
e. Lc 4,18 đã cho thấy rằng khi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, Đức Giê-su đã thực hiện phần cốt yếu của sứ mệnh Người, làm ứng nghiệm lời sấm Is 61,1.
g. Đức Giê-su biết rõ người đương thời, và cả ông Gio-an nữa, khó nhận ra Người là Đấng Mê-si-a. Qua lời chúc khen này, Đức Giê-su kêu gọi lòng tin căn cứ vào những phép lạ của Người.
h. Vì khẳng khái đòi hỏi người ta phải ăn ở chính trực mà ông Gio-an bị tù (x. 3,19-20): ông đâu phải là người mềm yếu như cây sậy!
i. Ông Gio-an là một nhà khổ hạnh (x. 1,15.80; 7,33), không phải một nịnh thần của Hê-rô-đê.
k. Bấy giờ có những nhóm trong Do-thái giáo chờ đợi vị ngôn sứ đến tiền hô Ngày của Đức Chúa (x. Ga 1,21; 6,14; 7,40).
l. Ml 3,1: Thiên Chúa loan báo sẽ có sứ giả đi trước dọn đường cho Người (tư tưởng gần với Xh 23,20). Đức Giê-su trưng dẫn câu này để loan báo vị tiền hô của riêng Người (x. 1,17).
m. ds: Trong số những kẻ sinh làm con những người đàn bà.
n. Nhiều bản chép Không có ngôn sứ nào. Không thấy có ngôn sứ trong câu song song Mt 11,11.
o. X. Mt 11,11. Ở Lc, phản đề này rất mạnh vì có sự phân biệt giữa thời ông Gio-an với thời Đức Giê-su (x. 3,20+; 16,16+).
p. Họ đã nhận ra và thể hiện ý định của Thiên Chúa. Đối với Lc, toàn dân đã đón nhận sứ mạng của ông Gio-an, ngay cả người tội lỗi (x. 3,10-14.21). Cái nhìn này lạc quan hơn ở 7,31-35 tiếp theo sau.
q. Lc hay dùng từ này mà Mt chỉ dùng có một lần (x. 22,35). Thật ra, từ này chỉ các kinh sư: họ là những nhà thông thái (x. 11,45-52).
r. Nhiều bản dịch: Về phần họ, những người Pha-ri-sêu và thông luật đã khước từ ý định của Thiên Chúa (về ý định của Thiên Chúa, x. Cv 2,23). Theo Mt 3,7, nhiều người Pha-ri-sêu đã đón nhận phép rửa của ông Gio-an.
s. Có thể hiểu đây là cách nói tượng hình chứ thật sự không có nghĩa đen (x. Ga 7,20 và 10,20).
t. Lời nhục mạ này cho thấy rằng đối với người đương thời, Đức Giê-su không có vẻ là nhà khổ hạnh như ông Gio-an (x. sự tương phản giữa 1,80 và 2,52).
u. Nhiều lần Lc đã cho thấy tương quan giữa Đức Giê-su và Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà Người có nhiệm vụ phải rao giảng (x. 2,40.52; 11,31; 21,15). Ở đây cũng như ở 11,49, Đức Giê-su nói về Đức Khôn Ngoan được coi như là hiện thân của Thiên Chúa đang ấp ủ kế hoạch của Người, theo cách suy tư của người Do-thái.
v. Mt 11,19 chép hành động. Có thể có hai bản dịch của cùng một bản gốc Sê-mít. Đối với Lc, con cái của Đức Khôn Ngoan là những người tin nhận Đức Giê-su, và như vậy là thể hiện ý định của Thiên Chúa (x. c. 30). Họ thật là con cái Thiên Chúa (x. Ga 1,12).
x. Cảnh Đức Giê-su được xức dầu thơm ở đây cũng giống như cảnh xức dầu ở Bê-ta-ni-a, mà các tác giả Tin Mừng khác cho gắn liền với cuộc Thương Khó (x. Mt 26,6-13; Mc 14,3-9; Ga 12,1-8). Nhưng cảnh này lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác: đây là thái độ sám hối của người phụ nữ và tấm lòng bao dung của Đấng Cứu Độ, một đề tài mà Lc rất thích đề cập tới (x. 15; 19,1-10; 23,40-43). Có lẽ Lc đặt ở đây là vì c. 34.
y. Đoạn này chỉ có Lc chép lại. Chỉ có Lc cho thấy nhóm Pha-ri-sêu có đủ thiện cảm với Đức Giê-su, để mời Người tới dùng bữa (11,37; 14,1) và để báo cho Người biết lời hăm dọa của vua Hê-rô-đê (13,31). Về điểm này, Lc hẳn gần với thực tại lịch sử hơn Mc và nhất là Mt, vì Mt coi người Pha-ri-sêu là kẻ thù cố hữu của Đức Giê-su, do các cuộc tranh luận gay gắt trong Giáo Hội sơ khai. Lc có thái độ mềm dẻo hơn, có lẽ nhờ ảnh hưởng của thánh Phao-lô, người vẫn tự phụ mình đã từng thuộc nhóm Pha-ri-sêu (Pl 3,5; x. Cv 23,6; 26,5).
a. ds: nằm, vì thời ấy trong các bữa tiệc lớn, khách được mời thường nằm nghiêng khi ăn (x. 11,37; 12,37; 13,29; 14,7-10; 17,7; 20,46; 22,14; 24,30).
b. Nhà nào có đãi tiệc, người ta có thể tự do ra vào.
c. Bên Cận Đông, vì khí hậu nóng bức, người ta dùng nhiều dầu thơm.
d. Đức Giê-su nằm trên giường đối diện với bàn tiệc, còn người phụ nữ đứng phía ngoài.
đ. Điều đáng chú ý ở đây là thân phận tội lỗi của người phụ nữ, chứ không phải là những cách chị biểu lộ lòng quý mến Đức Giê-su. Không nên đồng hóa người phụ nữ này với cô Ma-ri-a em cô Mác-ta (x. 10,39), cũng như với Ma-ri-a Mác-đa-la (x. 8,2).
e. Đối với người Pha-ri-sêu, người phụ nữ này là người ô uế chiếu theo Luật, và một ngôn sứ chân chính lẽ ra không được để cho một người như thế đến gần.
g. Quan tiền là công nhật của một nông phu (x. Mt 20,2).
h. ds: cho nước (như c. 45: cho cái hôn). Đây là một phong tục hiếu khách của người Đông Phương (x. St 18,4; 19,2...). Lc còn nhấn mạnh đến tính hiếu khách của Mát-ta, Ma-ri-a (10,38-42) và Da-kêu (19,1-10) đối với Đức Giê-su.
i. Đa số các bản chép: từ lúc tôi vào đây. Nhưng ở đây thì theo những bản cổ xưa chép một cách ăn khớp hơn với câu chuyện.
k. Có mấy bản bỏ chân tôi, như vậy là xức dầu thơm trên đầu như trong Ga 11,2.
l. Người ta thường dịch: Tội của chị... vì chị đã yêu mến nhiều. Nhưng có lẽ không thể hiểu như vậy được, vì câu kết ở c. 47 cũng như vì dụ ngôn vừa kể trên (x. cc. 41-43). Lòng yêu mến là thành quả và dấu hiệu của ơn tha thứ (x. 19,8-9).
m. Khi đến với Đức Giê-su, người phụ nữ đã công khai bày tỏ lòng tin, và lòng tin này đã làm cho chị từ bỏ con đường tội lỗi. Thay vì làm cho Đức Giê-su bị liên lụy, chị lại được thanh tẩy và bình an, nghĩa là được tràn đầy sự sống và được cứu độ (x. 1,79+).