1 Đừng mở miệng hấp tấp, và trước nhan Thiên Chúa, đừng vội thốt ra những lời lòng bạn ấp ủ, vì Thiên Chúa ngự trên trời, còn bạn ở dưới đất. Vậy hãy ít lời.
2 Quả thật, lao nhọc quá ắt phải chiêm bao,
nói năng nhiều hẳn sinh khờ dại.
3 Đã khấn hứa với Thiên Chúa, đừng lần lữa thi hành; vì Người chẳng thích gì kẻ ngu dại. Điều gì đã khấn hứa thì hãy thi hành.4 Không khấn hứa thì tốt hơn khấn hứa mà chẳng giữ.5 Chớ để cho miệng lưỡi bạn làm bạn mắc tội, đừng nói trước mặt vị sứ giả: “Đó là tội phạm vì nhẹ dạ thôi!” Tại sao Thiên Chúa lại phẫn nộ vì lời bạn nói mà phá hủy công việc do tay bạn làm ra?
6 Quả thật, mơ mộng lắm thì nói nhiều,
và nói toàn chuyện phù phiếm.
Vậy, hãy kính sợ Thiên Chúa.
7 Nếu trong một miền nào, bạn thấy người nghèo bị áp bức, luật pháp và công lý bị chà đạp, thì chớ ngạc nhiên, bởi vì một người làm lớn còn có người lớn hơn canh chừng, và cả hai lại có người lớn hơn nữa.8 Hoa màu do đất đai đem lại là của hết mọi người, ngay cả ông vua cũng sống nhờ đồng ruộng.
Tiền bạc
9 Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ;
kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì.
Điều ấy cũng chỉ là phù vân!
10 Của càng nhiều, người ăn càng lắm. Người có của được lợi lộc gì, ngoài thú vui được nhìn thấy của cải?11 Làm việc vất vả thì ngủ ngon: ăn ít hay nhiều thì cũng vậy; lắm bạc nhiều tiền đâu được ngủ yên!
12 Dưới ánh mặt trời, tôi đã thấy một sự dữ làm tôi đau đớn, đó là người giữ của lại chuốc họa vào thân.13 Của cải mất sạch khi thất bại trong công việc làm ăn, đến lúc sinh con, chỉ còn tay trắng.14 Lọt lòng mẹ, trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy. Chịu đựng bao gian lao vất vả, để rồi chẳng mang theo được gì.15 Đó cũng là một sự dữ làm tôi đau đớn. Đến làm sao, ra đi làm vậy. Thật là:
“Dã tràng xe cát biển đông,
nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.”
16 Đời người trôi qua trong tối tăm tang tóc, trong buồn phiền sầu não, trong khổ đau, trong chán chường.
17 Chính tôi đã thấy rằng: điều tốt lành và thích hợp cho con người là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra dưới ánh mặt trời trong suốt cuộc sống Thiên Chúa ban cho mình. Quả thế, đó là phần con người được hưởng.18 Hơn nữa, bất cứ ai được Thiên Chúa ban của cải, tài sản cũng như quyền sử dụng, mà lãnh nhận tất cả làm của riêng mình, và vui hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, thì người đó đã nhận một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi.
19 Bấy giờ người đó không còn quá bận tâm về cuộc sống ngắn ngủi của mình nữa, vì Thiên Chúa đã làm cho tâm hồn người đó được tràn ngập niềm vui.
Đnl 4,39; Gs 2,11; Tv 115,16
Lv 27,2; Ds 30,3; Đnl 23,22-24; Cn 20,25
h. Dã tràng... cán gì, ds: Và đâu là lợi lộc cho nó khi phải vất vả vì gió? Hỏi ở nơi đây là phủ định. Vất vả cho gió là vất vả mà công việc chẳng đến đâu, như dã tràng xe cát.
i. ds: Cả mọi ngày của nó, nó ăn trong tối tăm. LXX: Cả mọi ngày của nó (thì ở) trong tối tăm và tang tóc. Có lẽ vì M khó hiểu, nên LXX cho rằng M viết lộn hai phụ âm có nét gần giống nhau, nên đã đổi chữ yökël (ăn) thành ´ëbel (tang tóc).
k. Khổ đau hay đau đớn, đau ốm.
l. Chán chường hay tức giận.
m. Đây là câu kết luận thực tế mà Cô-he-lét thường lặp đi lặp lại (x. 2,24; 3,12.22; 8,15; 9,7-10; 11,8-10).
n. Cũng như... làm ra, ds: và quyền để ăn những thứ đó, để lãnh nhận phần của nó và để vui sống trong gian lao của nó. Của cải vật chất, khả năng biết lãnh nhận, sử dụng và hưởng dùng của cải đều là ân huệ của Thiên Chúa.
o. ds: thì đó là một món quà của Thiên Chúa.
p. Cuộc sống ngắn ngủi, ds: những ngày của đời sống của nó.
o. 5,2 có lẽ là một câu châm ngôn mà Cô-he-lét mượn để minh họa và giải thích cho điều ông nói ở trên. ds: lao nhọc, chiêm bao đến; nhiều lời, tiếng đứa dại.
p. X. Đnl 23,22-24; Lv 27,2; Ds 30,3-16; Hc 18,22).
n. Trong phần này (4,17–5,8) tác giả sách Gv có một cái nhìn thật sâu xa về đời sống tôn giáo: Thiên Chúa là Đấng khác hẳn con người. Sống đúng tương quan với Thiên Chúa không phải là một tương quan thủ lợi, mà là một tương quan đức tin và tình yêu vô vị lợi. Nhiều lời là thái độ đặt Thiên Chúa ngang tầm với con người, thái độ viển vông và thiếu thực tế. Họ không biết rằng Thiên Chúa là một Đấng khác hẳn. Điều quan trọng là lắng nghe Thiên Chúa nói và thi hành những điều Người phán dạy, những lời mình hứa tuân giữ cũng như kính sợ Người.
q. ds: Chớ để cho miệng bạn làm thân xác bạn phạm tội.
r. Vị sứ giả: M; LXX: Thiên Chúa. Đây là vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người, có nhiệm vụ thúc giục người ta thi hành những lời khấn hứa và giãi bày việc ấy lên Thiên Chúa. Theo Ml 2,7, sứ giả đó chính là vị tư tế. Khi dân phạm tội vì nhẹ dạ hay vô ý, ông có nhiệm vụ dâng hy lễ xin Thiên Chúa thứ tha.
s. Tội phạm vì nhẹ dạ (hay vô ý): một từ Híp-ri đặc biệt: šügägâ (x. 10,5; Lv 4,2.22.27; 5,18; Ds 15,27-29; Tv 119,67; G 12,16). Tội phạm vì nhẹ dạ ở đây có thể là nhẹ dạ mà hứa và cũng có thể là không thi hành lời hứa.
t. Thiên Chúa phẫn nộ vì những lời viển vông và thiếu thực tế của con người cũng như vì những công việc gian ác của nó (x. 4,17).
u. C. 6a cũng là một câu khó hiểu. ds: Quả thật, ở nơi có nhiều mơ mộng, và những chuyện phù phiếm, và nhiều lời nói. Có nhiều cách giải thích khác nhau. Đây có lẽ cũng là một câu châm ngôn minh họa cho điều ông nói ở trên (x. 5,2).
v. Đối với Cô-he-lét, kính sợ Thiên Chúa có lẽ là trọng tâm của đời sống tôn giáo.
y. ds: thì chớ ngạc nhiên về điều ấy.
a. Việc kính sợ Thiên Chúa (c. 6b) được diễn tả cụ thể qua việc vâng phục quyền bính mà Thiên Chúa đã thiết lập trên trần gian. Và mỗi người phải biết rằng mình phải có trách nhiệm về mọi hành vi của mình, vì ở trên mình luôn có người canh chừng, người canh chừng cuối cùng là chính Thiên Chúa.
b. C. 8 là một câu rất khó hiểu, có rất nhiều cách giải thích. Trong mạch văn, ý nghĩa của nó có lẽ là: Trong cuộc sống mà nông nghiệp là nguồn lợi chính yếu nuôi sống người ta, ngay cả ông vua, thì đừng ai áp bức, tranh giành lẫn nhau vì ai cũng cần phải sống. Hãy nhớ rằng mọi hành vi của mỗi người đều bị phán xét trên bình diện xã hội cũng như bình diện tôn giáo.
c. Tiền bạc là một chủ đề đặc biệt trong Kinh Thánh. Lòng tham của cải, tiền bạc đã dẫn con người đến bao điều sai trái. Tuy nhiên, trong sách Gv, Cô-he-lét đã diễn tả một cách khá đặc biệt.
d. ds: Người yêu tiền bạc không thỏa mãn với tiền bạc: lòng tham vô đáy.
đ. ds: Người yêu của cải không có lợi nhuận. Tiền bạc đã đẩy người ta tới lòng tham và sự ích kỷ (c. 9), nhưng thử hỏi cuối cùng họ được gì? Của càng nhiều, người ăn càng lắm. Được một thời gian vui thích nhìn của cải mà phải mất ăn mất ngủ (c. 11) và cuối cùng chuốc vào thân biết bao tai họa (12-13). Cô-he-lét đẩy tới cùng và chỉ trước cho người ta thấy như một định luật của đời sống: Lọt lòng mẹ trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy (c. 14). Như vậy thái độ đúng là: đem lòng biết ơn mà đón nhận và vui hưởng những điều tốt lành mà Thiên Chúa ban cho trong tầm tay.
e. ds: Giấc ngủ của người lao động (nô lệ, đầy tớ) thì ngon lành,... còn sự dư đầy của người giàu chẳng để nó ngủ yên.
g. Khi thất... làm ăn, ds: trong công việc làm ăn xấu. Xấu ở đây có thể hiểu theo nghĩa luân lý, nghĩa là công việc làm ăn không lương thiện, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa hiệu quả, nghĩa là công việc làm ăn bị thất bại và thua lỗ. Theo mạch văn, nghĩa thứ hai có lẽ có lý hơn.