Thị kiến thứ tám: chiến xa
1 Tôi lại ngước mắt nhìn và thấy một thị kiến: Đây, có bốn chiến xa từ giữa hai quả núi tiến ra; những quả núi ấy là những quả núi đồng.2 Xe thứ nhất thắng ngựa hung, xe thứ hai ngựa ô,3 xe thứ ba ngựa bạch và xe thứ tư ngựa đốm hùng mạnh.4 Tôi cất tiếng thưa với vị thần sứ đã nói với tôi: “Thưa ngài, những cái đó là gì vậy?”5 Thần sứ lên tiếng trả lời: “Đó là bốn luồng gió trời tiến đi sau khi đã trình diện Chúa Tể toàn cõi đất.6 Xe thắng ngựa ô tiến về đất bắc, ngựa bạch tiến theo sau; ngựa đốm tiến về đất nam.”7 Chúng tiến đi hùng mạnh và mong mỏi rảo khắp cõi đất. Bấy giờ Người phán: “Hãy rảo khắp cõi đất.” Và chúng rảo khắp cõi đất.8 Người gọi tôi và bảo: “Hãy nhìn những con đang tiến về đất bắc! Chúng sẽ làm cho Thần Khí Ta được nghỉ ngơi ở đất ấy.”
Đội triều thiên cho ông Giê-su-a
9 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng:10 Hãy nhận quà tặng của những người lưu đày, của nhà Khen-đai, nhà Tô-vi-gia và nhà Giơ-đa-gia. Ngay ngày hôm nay, chính ngươi sẽ đi tới nhà Giô-si-gia, con của Xơ-phan-gia, vừa từ Ba-by-lon trở về.11 Ngươi hãy lấy vàng bạc làm một vương miện, rồi đội lên đầu Giê-su-a, con của thượng tế Giơ-hô-xa-đắc.12 Ngươi hãy nói với nó rằng: ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này. Đây, một người mệnh danh là “chồi non”; từ nơi nó ở, nó sẽ đâm chồi. Nó sẽ xây Thánh Điện của ĐỨC CHÚA.13 Chính nó sẽ xây Thánh Điện của ĐỨC CHÚA. Chính nó sẽ mặc lấy oai phong. Nó sẽ ngự trị trên ngai và nắm quyền thống trị. Sẽ có một tư tế ngồi trên một ngai khác. Cả hai sẽ tỏ ra rất tâm đầu ý hợp.14 Còn vương miện thì sẽ được dùng làm kỷ vật để tưởng nhớ Khê-lem, Tô-vi-gia, Giơ-đa-gia và Khen con của Xơ-phan-gia, trong Thánh Điện của ĐỨC CHÚA.15 Bấy giờ, những người ở xa sẽ đến xây Thánh Điện của ĐỨC CHÚA. Và các người sẽ nhận biết rằng ĐỨC CHÚA các đạo binh đã sai tôi đến với các người. Sẽ xảy ra như thế nếu các người thật sự vâng nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các người.”
đ. Thị kiến sau cùng này song song với thị kiến thứ nhất. Tuy nhiên khác một ít điểm: chiến xa thay vì ngựa, núi thay cây sim, màu sắc ngựa. Thị kiến này kết thúc một viễn tượng tốt đẹp mở ra: tất cả tội lỗi bị hủy diệt và Thiên Chúa trút cơn thịnh nộ của Người xuống Ba-by-lon và đưa dân Chúa trở về cố hương.
e. Tác giả sử dụng thần thoại Ba-by-lon mà dân lưu đày đã biết. Hai quả núi là cửa ngõ đi vào nơi cư trú của các thần.
g. Xe ngựa hung đi lối nào? Có bản thêm: Xe ngựa hung đi về phía đông. Thay vì tiến theo sau có bản sửa lại tiến về phía biển (tây). Có lẽ tác giả nhấn mạnh phương bắc (Ba-by-lon) và phương nam (Ai-cập) để cho thấy Thiên Chúa toàn thắng các đế quốc hùng mạnh này đã từng đánh chiếm Giê-ru-sa-lem.
h. Thiên Chúa sẽ trừng phạt Ba-by-lon để trả thù cho dân Người.
i. Cc. 9-15 không phải là thị kiến, chỉ là những lời truyền dạy của Đức Chúa. Người truyền cho ngôn sứ Da-ca-ri-a đội vương miện cho ông Giê-su-a. Vương miện này là dấu chỉ quyền hành dân sự. Như thế ông Giê-su-a sẽ làm vua? Không phải, vì sau đó, Thiên Chúa cho biết người có danh hiệu chồi non mới lên ngự trị ngai vàng. Đoạn văn này tối nghĩa!
k. Dân lưu đày đóng góp vàng bạc về tái thiết Đền Thờ. Điều này nói lên tinh thần tôn giáo và lòng yêu nước của dân sống tha hương. Ba nhân vật này chỉ được nói ở đây.
l. Ông Xơ-phan-gia là tư tế. Khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, ông bị bắt rồi bị đem đi Ríp-la và bị hành hình (x. 2 V 25,18; Gr 29,25.29; 37,3). Còn ông Giô-si-gia có phải là con cháu của ông này không? Không rõ. Dù trong trường hợp nào, ông cũng thuộc nhóm người hồi hương, đưa tiền của về tái thiết Đền Thờ.
m. Theo lời sấm trong cc. 12-13, mạch văn cho phép hiểu là ông Dơ-rúp-ba-ven, cũng như Dcr 3,8; Kg 2,23 khẳng định chồi non là ông Dơ-rúp-ba-ven. Có lẽ sau này vai trò thượng tế trở nên quan trọng trong việc lãnh đạo dân sự, nên người ta đã thay thế tên ông Giê-su-a vào chỗ ông Dơ-rúp-ba-ven!
n. Chồi non đâm chồi: một lối chơi chữ. Ông Dơ-rúp-ba-ven thuộc hoàng tộc Đa-vít chính là chồi non này. Ông không thực sự ngự trên ngai vàng, nhưng ông đã xây Đền Thờ. Lời loan báo này ám chỉ Đấng Mê-si-a xuất hiện sau này. Chồi non là tước hiệu của Đấng Mê-si-a (x. Gr 23,5; 33,15; Is 4,2; 6,13).
o. Lời sấm ở đây nhắc lại thị kiến ở 4,14. Chúng ta có thể hiểu tư tế ở đây là ông Giô-suê. Cả hai ông hợp tác chân thành với nhau để xây dựng Đền Thờ.
p. Vương miện không đội lên đầu ông Dơ-rúp-ba-ven, nhưng đặt trong Đền Thờ để tưởng nhớ những người đã dâng tặng (x. Ds 31,54).
q. Khê-lem chính là Khen-đai ở c. 10; Khen là Giô-si-gia (c. 10).
r. Dân lưu đày ở Ba-by-lon, hoặc cả dân ngoại cũng góp phần xây dựng Đền Thờ. Nếu thế, Đền Thờ này sẽ được thực hiện thời Đấng Mê-si-a.