Sa ngã
1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?”2 Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’”4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”6 Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.
8 Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa.9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”10 Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”11 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”12 Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.”13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”14 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn:
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
16 Với người đàn bà, Chúa phán:
“Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén;
ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.
Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”
17 Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn’,
nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi;
ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,
mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.
18 Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.
19 Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn,
cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra.
Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
20 Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh.21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ.22 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.”23 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra.24 Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các Kê-ru-bim với lưỡi gươm sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh.
Kn 2,24; Ga 8,44; Rm 5,12-21; 1 Ga 3,8; 2 Cr 11,3; Kh 12,9; 20,2
St 2,7; G 34,15b; Gv 3,20
e. “Chẳng chết chóc gì đâu!” (c. 4a). Câu này của con rắn phủ nhận lời Thiên Chúa nói ở trên (c. 3b: “kẻo phải chết”), gieo vào lòng người phụ nữ sự nghi ngờ và làm giảm nhẹ thái độ sợ hình phạt. Khi nói ra c. 5, con rắn ngấm ngầm cho thấy: Thiên Chúa là kẻ nói dối và muốn giữ độc quyền đối với đặc ân “biết điều thiện điều ác”. Con rắn cám dỗ ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân, kiêu ngạo, đi vượt quá lãnh vực của mình: muốn tự mình biết điều phải điều trái là tự mình quyết định đâu là phải, đâu là trái; rồi hành động như người có quyền ra luật cho bản thân và tha nhân.
g. Tội lỗi bắt đầu tạo nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự nơi vài phần tử thuộc tạo thành cho đến nay vẫn sống hòa hợp với nhau. Nhận thấy cơ thể mình trần trụi (c. 7), lấy làm xấu hổ (x. 2,25), rồi tìm cách che thân, không muốn cho người khác thấy... là không còn giữ được cái nhìn trong trắng vô tội, sự trong suốt, sợ cái nhìn của người khác, nên cần phải che đậy... Một hậu quả khác khốc hại hơn của tội muốn “biết điều thiện điều ác” là trước Thiên Chúa biết mình trần trụi, nên sợ hãi và lẩn trốn Người (cc. 3.10-11). Phải chăng đó là tình trạng trần trụi nội tâm của tâm hồn bị tước mất vinh quang của sự công chính nguyên thủy?
h. Tất cả thảm kịch bắt đầu với tội đầu tiên diễn ra theo các chủ đề: 1. Tội phạm (3,6-8); 2. Tra vấn (3,9-13); 3. Tuyên án (3,14-19); 4. Hậu quả (3,20-24). Ba chủ đề đầu có liên quan đến con rắn, người nam, người nữ, được triển khai theo sơ đồ sau đây: 1. Tội phạm: con rắn, người nữ, người nam; 2. Tra vấn: người nam, người nữ, con rắn (cách gián tiếp, nhờ người nữ: 3,13); 3. Tuyên án (sơ đồ giống như 1.): con rắn, người nữ, người nam.
i. Mấy nhận xét về những lời tuyên án (3,14-19): 1) Ba bản án (cc. 14-15; c. 16; cc. 17-19) mang hình thức sấm ngôn của Thiên Chúa, gồm những lời trang trọng có nhịp điệu; 2) Thứ tự các đối tượng của ba bản án đi ngược với thứ tự trong cuộc tra vấn, nhưng lại ăn khớp với thứ tự của các tội nhân; 3) Thiên Chúa dùng nạn nhân làm phương thế sửa phạt tội nhân: dùng người nữ (mà con rắn đã cám dỗ) để phạt con rắn (c. 15); dùng người nam (mà người nữ đã dụ dỗ) để phạt người nữ (c. 16); dùng đất (mà người nam đã lạm dụng hoa trái) để phạt người nam (cc. 17-19).
k. Chỉ có con rắn mới bị nguyền rủa (c. 14); còn người nam và người nữ thì không. Hình như 3,14-15 là một đoạn mang tính cách tầm nguyên về loài rắn, nghĩa là nhắm mục tiêu trả lời những câu hỏi như: tại sao con rắn lại bò sát đất, lại ăn đất?, tại nó khác biệt với các loài khác?, tại sao lại có mối thù giữa loài người và loài rắn? Các tác giả còn muốn chống lại việc thờ thần rắn liên quan tới sản lực thường thấy tại Lưỡng Hà Địa, Ai-cập, Pa-lét-tin... Thần rắn được tạc hình giống như con rồng có chân đứng để nhận những cử chỉ thờ bái của các tín nữ; họ cũng cho rằng thần rắn có thể ăn bánh ngọt do các tín nữ sốt sắng dâng lên. Nhưng từ nay trở đi, con rắn phải “bò bằng bụng, phải ăn bụi đất” (c. 14b).
l. C. 15a nói đến mối thù giữa con rắn và người đàn bà. Mối thù đó gây nên cuộc chiến chí tử và trường kỳ giữa hai bên. Theo HR, “dòng giống đó” (c. 15c: hû´ ở giống đực, ds là “nó”) chắc chắn phải thay thế cho “dòng giống người ấy” ở c. 15b (zera` = “dòng giống” ở giống đực). LXX và bản PT cũ lại có một cái nhìn khác nhau và khác với HR. Trong LXX, sperma (= dòng giống) ở giống trung, và autos (= nó) ở giống đực chỉ một người con (thuộc giới nam) của dòng giống người đàn bà. Theo PT cũ, semen (= dòng giống) ở giống trung; còn ipsa ở giống cái, chỉ người đàn bà, mẹ của Đấng Mê-si-a là Đức Ma-ri-a. Vấn đề văn bản II là hai động từ “đánh vào” và “cắn vào”. Các học giả thường dịch động từ I là “đè bẹp”, “đạp giập”, “đánh vào”; còn động từ II thì được hiểu theo nghĩa “đớp”, “ngoạm”, “cắn vào”. Cái thế đứng của đối phương chống lại con rắn (thế thượng) cho thấy trước kết cục của cuộc giao tranh không thuận lợi cho con rắn, và do đó tiên báo cuộc chiến thắng cuối cùng của dòng giống người đàn bà. Người đọc câu này thoáng nhìn thấy ánh sáng đầu tiên về ơn cứu độ nhờ lời tiên báo đó. Vì thế, St 3,15 được gọi là “Tin Mừng tiên khởi”.
m. Người đàn bà sẽ phải chịu hình phạt liên quan đến hai nhiệm vụ thiết yếu của mình là làm mẹ và làm vợ. Vai trò làm mẹ đưa người đàn bà tới chỗ mang nặng đẻ đau: phải cực nhọc khi thai nghén và lúc sinh con. Khoa học có thể làm giảm bớt nỗi khổ cực của người mẹ khi sinh con. Nhưng dù sao đi nữa, người mẹ vẫn phải vất vả rất nhiều lúc mang thai và sinh con. Làm vợ, người đàn bà ước muốn chồng về phương diện giới tính và tìm cách làm cho chồng yêu mình. Tuy thế, từ chỗ là “người trợ tá tương xứng”, người đàn bà trở nên một con người lệ thuộc người đàn ông như chủ của mình trong đời sống vợ chồng, trong cuộc sống gia đình và xã hội (c. 16c: “nó sẽ thống trị ngươi”).
n. Hình phạt người đàn ông ở đây gắn liền với đất. Làm việc không phải là hình phạt dành cho con người (x. 2,15). Nhưng hình phạt là ở chỗ phải làm việc vất vả khó nhọc để kiếm miếng ăn từ đất đai trổ sinh gai góc, phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn (cc. 17-19). Lời văn phản ánh hoàn cảnh cụ thể của nông dân Pa-lét-tin phải phấn đấu khổ cực với đất đai khô cằn. Ngoài ra, cái chết được coi như một điều tự nhiên thuộc thân phận loài người (x. c. 19bc: “cho đến khi trở về đất” là chất liệu và nơi ở cuối cùng của con người). Tuy nhiên, cái chết cũng là hình phạt tội đầu tiên (x. 2,17; 3,3.22b).
o. Ở 2,23, tên ´îššâ (= đàn bà) diễn tả tương quan với ´îš (= đàn ông). Ở đây, tên Hawwâ (= E-và) lấy từ gốc Hayyâ (= sự sống) theo kiểu cắt nghĩa bình dân; tên này liên kết người đàn bà tiên khởi với nhân loại: “vì bà là mẹ của chúng sinh”. Có lẽ đây là cách cho thấy lòng tin vào sự tồn tại của loài người: cá nhân chết, nhưng loài người vẫn tiếp tục sống.
p. Chắc c. 22a là một câu mỉa mai của Thiên Chúa. Theo cc. 22b và 24c, Thiên Chúa bảo vệ một đặc ân khác của Người: chẳng bao giờ con người có thể được hưởng ơn bất tử. Nhưng câu này cũng ngụ ý rằng trong tình trạng cụ thể đó, sống luôn mãi như thế là một điều không hay cho con người. Đó là một nét diễn tả lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, thêm vào cử chỉ chăm sóc của Người đối với ông bà nguyên tổ sa ngã: Thiên Chúa lo cho con người có áo bằng da để che thân (c. 21).
q. Con người được dựng nên từ ´ädämà (= đất) (2,7a; x. 3,19b.23b), được Thiên Chúa đem vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ ´ädämà (2,15), nay bị trục xuất khỏi đó để cày cấy ´ädämà (3,23.24a). Án lệnh được thi hành, khi con người bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, nơi “Thiên Chúa đi dạo trong vườn” (3,8), nơi con người được sống gần gũi, thân mật với Thiên Chúa (x. 2,14 chú thích y). Bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen là mất hết mối tương giao đặc biệt với Thiên Chúa (mọi ơn ngoại nhiên và siêu nhiên, nghĩa là tất cả tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thuỷ), trở về ´ädämà (tình trạng tự nhiên của con người khi có mặt trên đời mà không được hưởng những ơn ngoại nhiên và siêu nhiên). Điều đó có nghĩa là con người chỉ là thụ tạo đối với Thiên Chúa, Đấng Hóa Công. “Các thần hộ giá” (= Kürûbîm) có nhiệm vụ canh gác. Gốc của từ Kürûbîm (số ít = Kürûb) là kâribu (tiếng Ác-cát) có nghĩa: người cầu nguyện, người chuyển cầu, do động từ kârâbu (= cầu nguyện...). Nghĩa đầu tiên của kâribu là người sùng đạo, đến đền thờ cầu nguyện, là tín đồ; rồi từ này chỉ một vị thần nhỏ làm trung gian giữa các tín đồ và các thần lớn. Các vị thần môi giới này được trình bày dưới hình nửa người nửa vật có cánh, có bổn phận canh gác ở các cửa đền thờ hay cung điện và chuyển cầu. Các “thần hộ giá” ở đây lãnh trách nhiệm canh gác vườn Ê-đen được coi như khu vực thánh, và canh gác con đường dẫn tới cây sự sống. “Lưỡi gươm sáng lóe” (c. 24b) chỉ sấm sét và luồng chớp lóe sáng tựa lưỡi gươm.