1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất.2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.
4a Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo.
Vườn địa đàng. Thử thách.
4b Ngày ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm ra đất và trời,5 chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.8 Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.
9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.10 Một con sông từ Ê-đen chảy ra tưới khu vườn, và từ đó chia thành bốn nhánh.11 Tên nhánh thứ nhất là Pi-sôn, nó bao quanh tất cả đất Kha-vi-la là nơi có vàng;12 vàng ở đất này tốt, tại đó có nhũ hương và đá ngọc.13 Tên nhánh thứ hai là Ghi-khôn; nhánh này bao quanh tất cả đất Cút.14 Tên nhánh thứ ba là Tích-ra; nhánh này chảy ở phía đông Át-sua. Còn nhánh thứ bốn là Êu-phơ-rát.15 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn;17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”
18 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.”19 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.22 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
23 Con người nói:
“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”
24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
25 Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.
Xh 20,11; 31,17; Hr 4,4-9.10b
G 34,14-15; Tv 104,29-30; Gv 3,20; 12,7; Kn 15,8.11; 1 Cr 15,47
Ml 2,15; Mt 19,5ss; Ep 5,31
p. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi (yišBöt: 2,2b.3b), nghĩa là “ngưng làm mọi công việc sáng tạo” (2,3b). Không thấy nói về ngày sa-bát (šaBät) ở đây, vì, theo văn kiện tư tế P, luật buộc phải giữ ngày sa-bát chỉ có sau biến cố Xi-nai (x. Xh 31,12-17). Tuy nhiên, tác giả ám chỉ đến ngày đó, khi dùng động từ yišBöt có cùng một gốc từ với šaBät. Từ câu này, có thể rút ra ý tưởng sau đây: ngay từ thời tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã nêu gương cho con người: nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy sau sáu ngày làm việc.
q. St 2,4b – 4,26 thuộc truyền thống Gia-vít (J). Trong phần đầu (2,4b-25) của đoạn dài này, có thể nhận ra những phần nhỏ sau đây: 1. Cảnh hoang vu nguyên thủy (cc. 4b-6); 2. Thiên Chúa làm nên con người (c. 7); 3. Thiên Chúa đặt con người vào vườn địa đàng và thử thách con người (cc. 8-17); 4. Thiên Chúa dựng nên loài vật và làm nên người nữ (cc. 18-25). Có ba điều chính yếu trong 2,4b-25: Thiên Chúa làm nên con người đầu tiên, đặt con người vào vườn địa đàng; Thiên Chúa thử thách con người, rồi tạo dựng người nữ tiên khởi.
r. Cảnh hoang vu, đất khô cằn (“chưa có bụi cây, đám cỏ ngoài đồng nào”: 2,5a), trước khi con người được dựng nên, theo quan niệm của J, vì chưa có mưa và không có người canh tác đất đai (2,5b).
s. C. 6 nói đến ân huệ đầu tiên Thiên Chúa ban: một dòng nước cung cấp nước thấm vào đất khô cằn, làm nảy sinh sự sống.
t. Thiên Chúa lấy “bụi từ đất” (`äpär = bụi, mùn, đất thấm nước, bùn...) mà “nặn ra con người”. Động từ “nặn ra” (yäcar) chỉ hoạt động của thợ gốm (Is 45,9), muốn diễn tả ý tưởng này: Thiên Chúa làm theo ý của Người và con người phải hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa. Sản phẩm do Thiên Chúa “nặn ra” là ´ädäm; từ này có lẽ phát xuất từ ´ädämâ là đất, đất đai. ´ädäm, một tên chung có nghĩa là con người, sẽ trở thành tên riêng của con người tiên khởi: A-đam (4,25; 5,1.3). Thiên Chúa thổi “sinh khí” (2,7: niš•mat Hayyîm = “hơi thở của sự sống”, nếu ds) vào con người. St 6,17; 7,15 nói đến “khí của sự sống” (rûªH Hayyîm); St 7,22 gom hai thành ngữ lại: “hơi thở của khí của sự sống” (ds). “Sinh khí” là nguyên lý của sự sống: con người bắt đầu sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa tượng trưng cho sinh lực do Đấng Hóa Công thông ban. Đó là “sinh vật” (nepeš Hayyâ), tức là “hồn sống động” (ds), một cái gì (sự vật hoặc con người) sống nhờ sinh khí nhận được.
u. “Vườn cây” (HR: Gan) chỉ một mảnh đất trồng trọt, có tường rào bao quanh. Để dịch từ Gan ra paradeisos, chắc LXX đã dựa vào một từ Ba-tư thời xưa pairidaeza là khu đất có rào chung quanh để săn bắn và vui chơi giải trí. Do đó, bản PT mới dùng từ paradisus. “Ê-đen” ở đây là một địa danh, nhưng không ai có thể xác định vị trí của địa danh ấy. Về ngữ căn, có thể đối chiếu `ëden với edinu (tiếng Ác-cát) có nghĩa là cánh đồng, với edinu (tiếng Xu-me) là cánh đồng được tưới hoặc có thể dẫn nước vào để tưới). Như thế, có lẽ `ëden cũng có một nghĩa tương tự: vùng đất, cánh đồng. Chắc thành ngữ “vườn cây ở Ê-đen” gợi ra ý tưởng một ốc đảo nằm trong một cánh đồng. Ngoài ra, cũng có một vài bản dịch dựa vào ngữ căn Do-thái `Dn (chỉ sự dồi dào, sung túc) để hiểu theo nghĩa thú vui, khoái lạc: “vườn diệu quang” (= paradeisos tês truphês: St 3,23.24 theo LXX); “Ngươi đã hưởng những thú vui tại thửa vườn của Thiên Chúa” (= In deliciis paradisi Dei fuisti: Ed 28,13 theo bản PT mới). Vì thế, theo ý nghĩa này do LXX và bản PT công nhận, cụm từ “vườn cây tại Ê-đen” được chuyển thành “vườn địa đàng” (“địa đàng” đối chiếu với “thiên đàng”) trong ngôn ngữ thông dụng.
v. Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã tỏ lòng ưu ái với con người khi dọn sẵn một thửa vườn, đặt con người vào đó (2,8a.15) và cho phép ăn hết mọi trái cây trong vườn, ngoại trừ trái của cây cho biết điều thiện điều ác (2,16b-17). Như thế, giữa Thiên Chúa và con người, có một mối tương quan riêng biệt. Sau này, Công Đồng Tren-tô (năm 1546) nói đến “tình trạng thánh thiện và công chính” nguyên thủy. Thần học và giáo lý công giáo xác định rõ hơn lời quả quyết ấy khi phân tích nội dung. Đối với con người tiên khởi, ở trong “tình trạng thánh thiện và công chính” nguyên thủy là được nâng lên hàng con Thiên Chúa, lãnh nhận những ơn “siêu nhiên” liên quan đến chủ thể và các hoạt động của con người: ơn thánh sủng (toàn chủ thể được biến đổi thành “thụ tạo mới”); các nhân đức (tức là những khả năng hoạt động trong lãnh vực siêu nhiên: a) đối thần: đức tin, đức cậy, đức mến; b) luân lý: hùng dũng, tiết độ, công bình, nhẫn nại, thanh khiết...); các hiện sủng (là những ơn Thiên Chúa ban để trợ giúp con người trong các hoạt động cụ thể, trong cuộc sống). Ngoài ra, theo St 2-3, còn có những ơn gọi là “ngoại nhiên” được ban cho con người tiên khởi cách đặc biệt trước thời sa ngã: ơn bất tử (2,17; 3,3.19.22); ơn được thoát khỏi khổ đau (3,16); ơn khỏi phải lao động vất vả và mệt nhọc (3,17-19); ơn được sống trong tình trạng trong trắng vô tội (2,25; 3,7).
x. C. 9 nói đến hai loại cây: cây trường sinh và cây cho biết điều thiện điều ác. “Cây trường sinh” (2,9b; 3,22b.24b) là cây sinh hoa trái; hoa trái này mang lại và duy trì sự sống (x. Cn 3,18; 11,30; 13,12; 15,4; so với Kh 2,7; 22,2.14). Do bản tính, con người là thụ tạo thế nào cũng phải chết (3,19). Cây trường sinh ở đây cho thấy ơn bất tử con người được hưởng khi sống trong vườn Ê-đen. Về “cây cho biết điều thiện điều ác”, cần xác định nội dung của cụm từ “biết điều thiện điều ác”: đây là một sự biết hoàn hảo tạo nên khả năng phân biệt phải trái, ác thiện, và quyết định phải ăn ở làm sao, hành động thế nào trong đời sống nhân loại. Thực ra, Thiên Chúa dành riêng cho Người sự “biết điều thiện điều ác” này, bởi vì chỉ có Người là Đấng Tối Cao có quyền tuyệt đối trên vạn vật.
y. Đối với các nhà chú giải, St 2,10-14 là một đoạn được ghép vào trình thuật căn bản ở đây; chắc đoạn này thuộc một hay vài truyền thống cổ về vườn địa đàng. Một con sông từ Ê-đen chảy ra tưới cả khu vườn, và chia làm bốn nhánh: Pi-sôn, Ghi-khôn, Tích-ra và Êu-phơ-rát. Hai nhánh cuối cùng này (Tích-ra và Êu-phơ-rát) là hai con sông lớn thuộc Mê-xô-pô-ta-mi-a (= miền Lưỡng Hà), bắt nguồn từ Ác-mê-ni-a. Nhưng chẳng ai biết rõ Pi-sôn và Ghi-khôn. Quả thật, Kha-vi-la (c. 11) liên quan đến Pi-sôn có thể ở A-ra-bi-a (theo St 10,29) hoặc ở một nơi gần Ai-cập, thuộc phía Nam Pa-lét-tin (theo St 25,18; 1 Sm 15,7); còn “Cút” (c. 13b) có liên hệ tới Ghi-khôn thì ở Nu-bi-a hay ở Ma-đi-an, phía đông nam Pa-lét-tin, gần vịnh A-ca-ba. Ngoài ra, theo các nhà chú giải, không chắc có thể hiểu hai tên này theo nghĩa thông thường. Tác giả St 2,10-14 sử dụng lại chủ đề về con sông ở vườn địa đàng làm cho trái đất được phì nhiêu (“bốn nhánh” trong c. 10b: con số “bốn” chỉ bốn phương trời, toàn thể trái đất). Theo 2,9-14, Thiên Chúa chuẩn bị cho vườn Ê-đen phì nhiêu được trở thành nơi cư ngụ đặc biệt của con người, một nơi linh thiêng trong đó Thiên Chúa sống gần gũi con người (x. 3,8: “Thiên Chúa đi dạo trong vườn”).
a. Lệnh truyền Thiên Chúa ban được diễn tả dưới hình thức trái cấm: không được ăn trái của cây cho biết điều thiện điều ác. Cứ ăn trái cấm, cố tình vi phạm lệnh truyền đó là coi thường, khước từ ý của Thiên Chúa, mệnh lệnh của Người, là không còn tôn trọng Thiên Chúa như Đấng Tối Cao có quyền tuyệt đối trên con người, là coi mình có tự do và quyền định đoạt về mọi sự mà không cần quy chiếu về những yêu sách của đời sống luân lý và tôn giáo do Thiên Chúa đưa ra, là biến ý cá nhân của mình thành chuẩn mực, quy tắc cho mọi hành động. Như thế, nguyên tội, tội nguyên tổ chính là tội kiêu ngạo, tội bất tuân, tội phản loạn chống lại quyền tối thượng của Thiên Chúa.
b. Trình thuật về việc dựng nên người nữ (2,18-24) đi theo ngay 2,7-8. C. 18a diễn tả lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với con người đầu tiên: Thiên Chúa không muốn con người sống cô đơn; con người sinh ra trên đời là để sống chung với người đồng loại. Vì thế, ý của Thiên Chúa là làm cho con người một trợ tá “như đối diện với nó” (ds 2,18b.20b), tương xứng với nghĩa là thích hợp với con người, có thể thông chia những tư tưởng, tâm tình, những nỗi lo âu về đời sống vật chất và tinh thần, về cuộc sống chung, và như thế bổ túc cho con người. Dã thú, chim trời không phải là “trợ tá tương xứng” với con người (cc. 19-20).
c. C. 21 nói đến một giấc ngủ say mê mệt làm mất ý thức, giấc ngủ do Thiên Chúa gây nên (Tar•Dëmâ: x. 15,12; 1 Sm 26,12; Is 29,10; G 33,15). Người nam tiên khởi không được chứng kiến hoạt động của Thiên Chúa. Như thế, công cuộc Thiên Chúa dựng nên người nữ là một tác động thuộc lãnh vực mầu nhiệm. “Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành (ds: “xây dựng”) một người đàn bà” (2,22). Có thể đây là một loại trình thuật mang tính cách tầm nguyên nhằm cắt nghĩa tại sao ở dưới ngực không có xương sườn. Mục tiêu chính vẫn là làm nổi bật mối tương quan giữa người nam và người nữ: hai bên có cùng một bản tính, thuộc cùng một loài, hết sức mật thiết với nhau vì được dựng nên với cùng một chất liệu; vì thế, hai bên đều bình đẳng. Tác giả ghi tiếp: Thiên Chúa “dẫn (người đàn bà) đến với con người” (c. 22b). Hành động đó của Thiên Chúa tương tự như hành động của người làm mai làm mối (môi giới), của người làm chủ hôn trong hôn lễ tiên khởi. Trong bầu khí tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi, con người như xướng lên bài tình ca đầu tiên gồm hai câu với ba từ zö´t (= “nàng”; ds là “người này”, một đại từ chỉ định ở giống cái chỉ phái nữ). Đây là St 2,23: “Phen này, nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì nàng đã được rút từ đàn ông ra”. Trong tiếng Do-thái, thành ngữ “là xương thịt của ai” (x. St 29,14; 37,27; Tl 9,2; 2 Sm 5,1; 19,13.14) được hiểu theo nghĩa: có họ hàng với. Tiếng Việt cũng diễn tả cách tương tự: có liên lạc máu mủ với; có quan hệ ruột thịt thân thích với... Từ sự kiện vừa kể (cc. 21-23a), lời của người đàn ông đầu tiên đưa tới kiểu chơi chữ nhằm cho biết gốc của tên (c. 23b): tên ´îšâ (= đàn bà) do ´îš (= đàn ông) (´îššâ là do ´îš + â được ghép vào). Cũng có chuyện tương tự trong một vài ngôn ngữ: virago do vir (La-tinh); épouse do époux (Pháp); Woman do man (Anh). Tên cũng diễn tả mối tương quan mật thiết giữa “đàn ông” và “đàn bà”.
d. C. 24 là một suy nghĩ của tác giả về bản năng muôn thuở của nam nữ đối với nhau và quy luật thông thường của những người sống trong hôn nhân. Động từ Híp-ri Däbaq có nghĩa là dính vào, khăng khít, gắn bó với. Đó là một sự hợp nhất rất chặt chẽ được thể hiện nơi thân xác cũng như giữa hai tâm hồn trong đời sống hôn nhân. C. 24 làm nền tảng cho giáo huấn Ki-tô giáo về hôn nhân: nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly (x. Mc 10,2-9; Mt 19,3-6; Ep 5,31). Tất cả đoạn 2,21-24 mang tính cách tầm nguyên, vì đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi: Tại sao nam nữ lại có hướng chiều tự nhiên đối với nhau, và tình yêu nam nữ lại mãnh liệt hơn cả tương quan với cha mẹ? Nền tảng của hướng chiều và tình yêu đó nằm ngay trong cơ cấu của người nam và người nữ do Thiên Chúa muốn tạo nên.
đ. Trước khi phạm tội, hai con người đầu tiên sống trong tình trạng trong trắng vô tội, vì sống hòa hợp với Thiên Chúa, với bản thân và tha nhân.