III. GIAO ƯỚC XI-NAI
1. GIAO ƯỚC VÀ MƯỜI ĐIỀU RĂN
Tới núi Xi-nai
1 Tháng thứ ba kể từ khi ra khỏi đất Ai-cập, chính ngày đó con cái Ít-ra-en tới sa mạc Xi-nai.2 Họ đã nhổ trại rời Rơ-phi-đim tới sa mạc Xi-nai, và dựng trại trong sa mạc. Ít-ra-en đóng trại ở đó, đối diện với núi.
Thiên Chúa hứa ban giao ước
3 Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, ĐỨC CHÚA gọi ông và phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho con cái Ít-ra-en thế này:4 Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta.5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta.6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en.”7 Ông Mô-sê về triệu tập các kỳ mục trong dân, trình bày cho họ biết tất cả những lời ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông.8 Toàn dân nhất trí đáp lại: “Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo.” Ông Mô-sê thưa lại với ĐỨC CHÚA những lời dân nói.
Chuẩn bị giao ước
9 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Này Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc, để khi Ta nói với ngươi thì dân nghe thấy và cũng tin vào ngươi luôn mãi.” Ông Mô-sê thưa lại với ĐỨC CHÚA những lời dân nói.
10 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy đến với dân và bảo họ: hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo,11 và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia ĐỨC CHÚA sẽ ngự xuống trên núi Xi-nai trước mắt toàn dân.12 Ngươi sẽ định rõ cho dân một giới hạn chung quanh núi và bảo họ: Anh em phải coi chừng không được lên núi và chạm đến chân núi. Ai chạm đến núi thì sẽ bị giết.13 Không bàn tay nào được chạm đến người đó; nó sẽ bị ném đá cho chết hoặc bị bắn bằng cung tên, dù là thú vật hay là người, nó sẽ không được sống. Khi tù và rúc, dân sẽ lên núi.”
14 Ông Mô-sê từ trên núi xuống với dân và bảo họ giữ mình cho khỏi nhiễm uế; họ giặt quần áo.15 Ông Mô-sê bảo dân: “Trong ba ngày, anh em phải chuẩn bị sẵn sàng. Đừng gần gũi đàn bà.”
Cuộc thần hiện
16 Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ.17 Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi.18 Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh.19 Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm.20 ĐỨC CHÚA ngự xuống trên núi Xi-nai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Mô-sê lên đỉnh núi, và ông đi lên.21 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy xuống cảnh cáo dân đừng kéo nhau lên để xem ĐỨC CHÚA, kẻo nhiều người phải lăn ra chết.22 Ngay các tư tế đến gần ĐỨC CHÚA cũng phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, kẻo bị ĐỨC CHÚA đánh phạt.”23 Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA: “Dân không thể lên núi Xi-nai được, vì chính Ngài đã cảnh cáo chúng con rằng: Hãy vạch rõ ranh giới của núi và tuyên bố đó là núi thánh.”24 ĐỨC CHÚA phán với ông: “Hãy đi xuống, rồi lại trở lên, đem theo A-ha-ron với ngươi. Còn tư tế và dân thì đừng có kéo nhau lên ĐỨC CHÚA, kẻo bị ĐỨC CHÚA đánh phạt.”25 Ông Mô-sê xuống với dân và nói với họ...
Đnl 4,34; 29,2; 32,11; Is 46,4; 63,9
o. Phần thứ ba của sách Xuất hành hầu như là công trình biên soạn của truyền thống tư tế: Xh 19,1-2a; 24,15b – 31,18a; 34,29 cho đến cuối sách. Cần đặt 20,22–23,33 (Bộ Luật Giao Ước) riêng ra, vì phần này được nối kết với biến cố Xi-nai một cách phụ thuộc. Phần còn lại xuất phát từ những nguồn cổ kính, đôi khi khó phân biệt đâu là của truyền thống Gia-vít, đâu là của truyền thống Ê-lô-hít.
Trong biên soạn cuối cùng, giao ước thời ông Mô-sê đánh dấu việc tuyển chọn dân và những lời hứa đã được ban trước đây cho dân (6,6-8) cũng như giao ước với ông Áp-ra-ham (được nhắc lại ở 6,5) đã từng xác nhận những lời hứa đầu tiên (St 17). Nhưng giao ước với ông Áp-ra-ham đã được lập với chỉ một cá nhân (cho dù có liên hệ tới cả dòng dõi) và chỉ bao gồm một lệnh truyền tức là phép cắt bì. Còn giao ước Xi-nai thì liên hệ đến toàn dân, toàn dân đón nhận một Lề Luật: Mười Điều Răn và Bộ Luật Giao Ước. Bộ Luật này sau được khai triển thêm và trở thành nền tảng của Do-thái giáo. Hc 24,9-27 đồng hóa Bộ Luật này với Đức Khôn Ngoan. Nhưng đồng thời Bộ Luật này cũng làm chứng cáo tội dân (Đnl 31,26) vì việc dân vi phạm làm cho các lời hứa ra vô hiệu và kéo theo sự nguyền rủa của Thiên Chúa. Bộ Luật này vẫn như là một giáo huấn, một sự thúc đẩy, chuẩn bị các tâm hồn đón Chúa Ki-tô, Đấng sẽ niêm ấn cho Giao Ước Mới. Sau này thánh Phao-lô sẽ giải thích vai trò tạm thời của Lề Luật, đối lại với những người Do-thái quá khích (Gl 3; Rm 7).
p. X. 3,1+. Xác định vị trí của núi Xi-nai là việc khó khăn. 1) Từ tk IV, truyền thống Ki-tô giáo cho là ở phía nam bán đảo Xi-nai, ở núi Mousa (2245m). 2) Nhưng một ý kiến phổ biến khác, căn cứ vào bản văn tả cuộc thần hiện có nói đến núi lửa (19,16tt) cũng như lộ trình theo sách Dân số (x. 33,1tt) thì núi Xi-nai ở miền Ả-rập, nơi các núi lửa bấy giờ vẫn còn hoạt động. 3) Ý kiến khác nữa cho núi Xi-nai ở gần Ai-cập, phía nam Pa-lét-tin, gần Ca-đê, dựa vào những bản văn cho Xê-ia, Ê-đôm và núi Pa-ran là những nơi có liên hệ với việc Thiên Chúa tỏ hiện (Tl 5,4; Đnl 33,2; Kb 3,3). Có lẽ lối giải thích khả dĩ nhất là cho rằng núi Xi-nai ở phía nam bán đảo Xi-nai.
Các biến cố và hệ thống luật pháp liên hệ đến núi Xi-nai có giá trị bền bỉ (Xh 3,1–4,17; 18; 19–40; Ds 1–10) nhưng dân Ít-ra-en ra như mau quên vị trí chính xác của núi Xi-nai! Chuyện ông Ê-li-a (1 V 19; x. Hc 48,7) là một biệt lệ. Còn đối với thánh Phao-lô, núi Xi-nai tượng trưng cho Giao Ước cũ đã hết hiệu lực (Gl 4,24tt).
q. Giao ước làm cho Ít-ra-en thành “sở hữu riêng” của Đức Chúa, nên phần sở hữu thánh (Gr 2,3), thành một dân được thánh hiến cho Đức Chúa (Đnl 7,6; 26,19), là dân thánh như Đức Chúa là thánh (Lv 19,2; x. 11,44tt; 20,7.26) và cũng là một dân tư tế (x. Is 61,6) vì sự thánh thiêng liên quan trực tiếp đến việc thờ phượng.
Lời hứa này được thực hiện trọn vẹn trong Ít-ra-en thiêng liêng tức là Hội Thánh, trong đó các tín hữu được gọi là các thánh (Cv 9,13) và – vì được kết hợp với Đức Ki-tô – Tư Tế – họ tiến dâng Thiên Chúa hy lễ là những lời ngợi khen (1 Pr 2,5.9; Kh 1,6; 5,10; 20,6).
r. ... giữ mình cho khỏi nhiễm uế, ds: làm cho nên thánh. Không hiểu theo nghĩa tu đức mà là những điều kiện phải giữ để xứng với Thiên Chúa là Đấng Thánh.
Thiên Chúa tự bản tính là Đấng uy nghi đáng sợ và Người là Đấng cao cả không thể đạt tới được.
Thiên Chúa siêu việt và thánh thiện. Những thuộc tính ấy lan tỏa ra cả những nơi Người hiện diện và đòi hỏi một khoảng cách nơi con người. Vì thế, những nơi Thiên Chúa hiện diện mang tính cách thánh và là nơi cấm (x. St 28,16-17; Xh 3,5; 40,35; Lv 16,2; Ds 1,51; 18,22). Hòm Bia cũng vậy, không ai được động vào (x. 2 Sm 6,7). Con người được tiếp xúc với những nơi ấy phải hội đủ những điều kiện làm cho họ được thánh (giặt y phục, kiêng cả quan hệ giới tính nữa).
s. Truyền thống Gia-vít (19,18), truyền thống tư tế (24,15b-17) và truyền thống Đệ Nhị Luật (Đnl 4,11b-12a; 5,23-24; 9,15) miêu tả cuộc thần hiện ở núi Xi-nai trong bối cảnh của núi lửa đang hoạt động. Truyền thống Ê-lô-hít lại tả như cơn gió bão (x. Xh 19,16; x. c. 19). Tất cả đều cảm hứng từ những quang cảnh trong thiên nhiên: chuyện núi lửa hoạt động như người Ít-ra-en từng nghe những người đã tới bắc Ả-rập thuật lại, hoặc đã thấy từ xưa, từ thời vua Sa-lô-môn (thám hiểm Ô-phia). Còn bão núi thì họ đã chứng kiến ở Ga-li-lê hoặc trên núi Khéc-môn. Nên nhớ truyền thống Gia-vít xuất phát từ phía nam, còn truyền thống Ê-lô-hít xuất phát từ phía bắc.
Các hình ảnh này diễn tả sự uy nghi, vinh quang của Đức Chúa (x. 24,16), sự siêu việt của Người cũng như nỗi kinh sợ có tính cách tôn giáo trước những cảnh tượng đó (x. Tl 5,4tt; Tv 29; 68,8; 77,18-19; 97,3-5; Kb 3,3-15).
t. Trả lời trong tiếng sấm, ds: trả lời trong (bằng) một tiếng. Từ qôl được dùng ở số nhiều có nghĩa là sấm (x. c. 16). Dùng ở số ít, như ở đây cũng có thể có nghĩa là sấm, nhưng cũng có thể hiểu là tiếng nói của Thiên Chúa mà ông Mô-sê có thể hiểu được.
u. Cc. 21-24 có thể đã được thêm vào sau, có liên quan đến cc. 12-13, và đề cập đến các tư tế là những người bấy giờ chưa được đặt lên.
v. Câu dở dang. Trình thuật gián đoạn vì câu chuyện Mười Điều Răn được xen vào.