Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
Lời mở đầu
1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít.4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.
7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tạ ơn và cầu xin
8 Trước hết, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em, vì trong khắp hoàn cầu, ai ai cũng đều nói đến lòng tin của anh em.9 Thiên Chúa là Đấng tôi hết lòng thờ phượng khi loan báo Tin Mừng về Con của Người, chính Người làm chứng cho tôi là tôi hằng nhắc nhở đến anh em:10 mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng xin Người cho tôi có ngày nào được dịp tốt đến thăm anh em, nếu Người muốn.11 Thật vậy, tôi rất ước ao được gặp anh em, để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần, nhờ đó anh em vững mạnh,12 nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau, bởi vì cả anh em lẫn tôi, chúng ta đều chung một niềm tin.13 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết là đã nhiều lần tôi có ý định đến thăm anh em, mong cũng thâu lượm được kết quả nào đó nơi anh em, như đã thâu lượm được nơi các dân ngoại khác, nhưng cho đến nay tôi cứ bị ngăn trở hoài.14 Tôi mắc nợ người Hy-lạp cũng như người man di, người thông thái cũng như người dốt nát.15 Bởi vậy, tôi nóng lòng loan báo Tin Mừng cho cả anh em nữa, những người đang sống ở Rô-ma.
CON NGƯỜI ĐƯỢC CỨU ĐỘ NHỜ ĐỨC TIN
1. THIÊN CHÚA LÀM CHO CON NGƯỜI NÊN CÔNG CHÍNH
Đề tài bức thư
16 Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp.17 Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.
A. NGƯỜI NGOẠI VÀ NGƯỜI DO-THÁI PHẢI CHỊU CƠN THỊNH NỘ CỦA THIÊN CHÚA
Người ngoại phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa
18 Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý.19 Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ.20 Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được,21 vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội.22 Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ.23 Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.
24 Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn.25 Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thụ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hóa. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.
26 Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên.27 Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.
28 Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng,29 lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu,30 vu oan giá họa. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ,31 không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương.32 Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.
a. Thánh Phao-lô theo quy ước văn chương thư từ ở thời đại của người: mở đầu thư bằng tên người gửi, rồi đến tên người nhận và kết bằng một lời chào. Lời mở đầu thư này (cc. 1-7) chỉ là một câu văn duy nhất. Rất khó giữ lại hình thức đó trong bản dịch. Thánh Tông Đồ khai triển công thức mở đầu thư này bằng cách liên kết ơn gọi làm Tông Đồ của người với Tin Mừng, rồi người lại khai triển khái quát nội dung của Tin Mừng là Đức Giê-su Ki-tô. Lời mở đầu này báo trước những đề tài sẽ được trình bày trong thư: Thiên Chúa chọn cách nhưng không; người ta được nên công chính nhờ đức tin, được cứu chuộc nhờ Đức Ki-tô đã chết và đã phục sinh; hòa hợp giữa Cựu Ước và Tân Ước.
k. Chúng tôi: có thể đây là cách nói long trọng nhưng chỉ về một mình thánh Phao-lô. Đặc ân và chức vụ Tông Đồ: nhận được ơn làm Tông Đồ và sứ vụ Tông Đồ. Nhưng có lẽ đúng hơn: cả hai từ đó đều nói về ơn làm Tông Đồ. Chính thánh Phao-lô vẫn coi chức vụ Tông Đồ như là một ân huệ cao quý (x. Rm 12,3; 15,15; 1 Cr 3,10; 15,10; Gl 2,9).
l. Vâng phục Tin Mừng: ds: vâng phục đức tin. Kiểu nói gặp nhiều lần trong thư Rô-ma (x. Rm 1,5; 5,19; 6,16; 15,18; 16,19.26). Ở đây có thể hiểu hai cách: một là chính hành động tin; hai là chỉ đối tượng của đức tin tức là Tin Mừng.
m. Được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô. ds: anh em, những người được gọi của Chúa Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa thương nên Người kêu gọi, để nhờ đức tin, người Ki-tô hữu thuộc về Chúa Ki-tô.
n. Những người được Thiên Chúa yêu thương, được gọi là thánh, tức là các Ki-tô hữu. Họ được Thiên Chúa gọi, và chính việc Thiên Chúa gọi làm cho họ nên thánh. Ý niệm thánh xuất phát từ Cựu Ước (x. Xh 19,1-5): Thiên Chúa chọn Ít-ra-en làm dân thánh, nghĩa là tách biệt họ ra, dành riêng cho Người để làm công việc Người trao phó. Ở đây không nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý hay đạo đức của người được gọi, mà nhấn mạnh đến lời mời gọi (x. 1 Pr 1,16), nhờ đó họ thuộc về Thiên Chúa, được là thánh. Đời sống luân lý, đạo đức chỉ là hiệu quả, là bổn phận đương nhiên xuất phát từ sự kiện được Thiên Chúa gọi (x. Rm 6,19.22; 2 Cr 1,12; 7,1...).
o. Hết lòng. ds: trong thần trí của tôi, tức là bằng tất cả con người của tôi. Nhưng có lẽ theo 1 Tx 5,23, khoa nhân học của thánh Phao-lô (hay đúng hơn là của triết học thời đại của người), thì con người gồm có: thần trí, tâm hồn và thân xác. Thần trí là phần cao quý nhất trong con người.
p. Thánh Phao-lô muốn sửa lại ý tưởng trước một chút: hai bên cùng được khích lệ hơn là chỉ một mình người viết thư làm ơn cho người đọc!
q. Anh em: từ mang nghĩa chuyên môn, tương đương với Ki-tô hữu, tín hữu, những người tin vào Tin Mừng, cả đàn ông lẫn đàn bà.
r. Thánh Tông Đồ phân biệt dân ngoại làm hai loại: Hy-lạp, tức là những người có văn minh, kể cả người Rô-ma, vì họ theo văn hóa Hy-lạp; man-di, là những dân sống ngoài ảnh hưởng văn minh Hy-lạp và Rô-ma. Người xác nhận vai trò Tông Đồ dân ngoại của Người, và coi trách nhiệm đó như món nợ người phải trả.
s. Phần thứ nhất tóm tắt nội dung quan trọng của thư Rô-ma và là phần tiêu biểu cho giáo lý trong các thư của thánh Phao-lô: 1) Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa thực hiện lời Người hứa ban ơn cứu độ. Và điều kiện duy nhất để nhận được ơn cứu độ, đó là đức tin, ngoài ra không có giới hạn nào (ch. 1-4). 2) Ơn được nên công chính là khởi đầu ơn được cứu độ hoàn toàn khi thân xác phục sinh. Lòng yêu mến của Thiên Chúa làm chứng cho điều đó (ch. 5-11).
t. X. Rm 1,1+, c. 16a chuyển tiếp lời cầu xin ở đầu thư sang đề tài chính yếu.
b. Tôi tớ. Kiểu nói của Cựu Ước để chỉ những nhân vật được Chúa trao trọng trách lo cho dân, ví dụ ông Mô-sê, ông A-ha-ron, các ngôn sứ, vua Đa-vít... Ngày nay kiểu nói này vẫn còn trong các lời nguyện phụng vụ và trong ngôn ngữ của Hội Thánh để chỉ những người được Chúa trao nhiệm vụ phục vụ cộng đoàn (x. Lc 22,27).
Tôi tớ của Đức Giê-su Ki-tô cũng còn có nghĩa là phục vụ Chúa Ki-tô, hoàn toàn tùy thuộc vào Người (x. Mt 6,4).
u. Rm 1,16-17 không những là đề tài, tóm tắt tất cả thư Rô-ma, nhưng còn loan báo cả phần trình bày: 1) Tin Mừng là sức mạnh của Thiên Chúa để ban ơn cứu độ, không phải chỉ nhằm làm cho con người được nên công chính hay được hòa giải với Thiên Chúa (ch. 1-4), nhưng còn làm cho con người được cứu độ, tức là được phục sinh (ch. 5-11). Thánh Phao-lô hiểu ơn cứu độ là một thực tại hướng tới ngày cánh chung, bao gồm cả việc thân xác được phục sinh (x. Rm 1,5.9.10; 8,24; 1 Cr 3,15; 5,5), nhưng ơn cứu độ cũng đã bắt đầu ngay từ bây giờ (x. 2 Cr 6,2; Tt 3,4; 2 Tm 1,9; Cl 2,2; Ep 2,6). Sức mạnh ban ơn cứu độ đó dành cho mọi người, không phân biệt ai, chỉ cần họ tin vào Đức Giê-su Ki-tô đã chết và đã phục sinh.
v. Người Hy-lạp: Ở đây nhấn mạnh về phương diện tôn giáo, chỉ về tất cả dân ngoại, khác với 1,14 nhấn mạnh về phương diện văn hóa. Người Do-thái được ưu tiên hưởng ơn cứu độ, nhưng cũng là người đầu tiên chịu hình phạt vì không tin (Rm 2,9-11).
x. Sự công chính của Thiên Chúa: không nhằm nói đến thuộc tính công bằng của Thiên Chúa, phạt kẻ có tội, thưởng người có công, nhưng nói đến hoạt động của Thiên Chúa làm cho con người có được mối liên hệ mới với Thiên Chúa trong ân sủng. Thiên Chúa công chính vì Người thực hiện lời hứa cứu độ.
y. Nhờ đức tin để đưa đến đức tin. Kiểu nói tối nghĩa nên cũng có nhiều cách giải thích. Có thể hiểu là nhờ tin mà con người đón nhận được ơn công chính của Thiên Chúa và một khi đón nhận ơn ấy rồi thì lại được gia tăng về đức tin, cứ thế cho đến khi đạt đến tình trạng hoàn hảo.
a. Có kiểu dịch khác: Người công chính nhờ đức tin sẽ sống (Hy-lạp). Ý nghĩa hơi tế nhị. Thánh Phao-lô đang nói về sự cần thiết phải có đức tin để được ơn công chính của Thiên Chúa, người dẫn ngôn sứ Kha-ba-cúc (2,4). Trong ngôn sứ Kha-ba-cúc, câu này được hiểu là: sự sống là phần thưởng cho người có lòng thành tín. Trong thánh Phao-lô, câu dẫn ấy được chuyển nghĩa một cách rất tế nhị: đức tin là căn nguyên giúp cho được ơn công chính của Thiên Chúa. Ơn công chính ấy là sự sống. Nhờ đức tin đặt ở giữa câu như thế cũng lại rất lý thú. Có thể đưa về trước: công chính nhờ đức tin, và cũng có thể ghép với sẽ sống. Đức tin đưa tới ân sủng là sự sống đời đời.
b. Thánh Phao-lô tạm treo tư tưởng ở c. 17 để vẽ một bức tranh toàn diện (1,18–3,20) về thế giới không có Tin Mừng, sau đó người tiếp tục ở 3,21. Ngoài Tin Mừng chỉ là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Rm 1,18–3,20). Nhưng trước hết, thánh Phao-lô nói về thế giới ngoại giáo (1,18-32): Những người ngoại không thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa bởi vì Người cũng cho họ biết Người qua những công trình thiên nhiên (1,19-20), nhưng họ đã không tôn thờ Người cho phải đạo (1,21-23). Vì thế Thiên Chúa để mặc cho họ rơi vào những đam mê của họ (1,24-32).
c. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa là một công thức rất quen thuộc của Cựu Ước nhằm nói đến hoạt động của Thiên Chúa để xét xử những người đã phạm tội. Thánh Phao-lô vừa nói đến việc Thiên Chúa mặc khải việc Người làm cho con người nên công chính, lại nói ngay đến việc Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người. Trong Cựu Ước, lời loan báo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thường đi liền với việc cứu độ, vd Tv 69,25-37; Xp 3,1 tt; Mk 7,9. Như vậy ở đây cũng có nghĩa là: 1) Việc Thiên Chúa làm cho con người nên công chính chỉ được mặc khải trong Tin Mừng; ngoài Tin Mừng, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được mặc khải. 2) Ngay từ bây giờ, việc Thiên Chúa làm cho con người hoàn toàn nên công chính ở thời cánh chung đã được mặc khải rồi, bởi vì cơn thịnh nộ của Người cũng đã được mặc khải rồi.
d. Hiểu là trước mắt nhân loại: mặc khải tự nhiên, lý trí con người có thể nhận biết, như văn mạch tiếp theo cho thấy.
đ. Công đồng Va-ti-ca-nô I (Denz. 1785) đã trưng dẫn Rm 1,20 khi quả quyết rằng:... Thiên Chúa, nguyên ủy và cùng đích mọi loài, có thể được nhận biết cách chắc chắn nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí con người, khi con người chiêm ngắm những vật đã được Người sáng tạo.
e. Biết Thiên Chúa: biết có Thiên Chúa, Thiên Chúa độc nhất, có ngôi vị.
c. Được gọi làm Tông Đồ (so với c. 7: các thánh nhờ được gọi). Tông Đồ: từ bắt nguồn từ tiếng Híp-ri có nghĩa là người được sai đi, sứ giả. Tân Ước dùng từ này đặc biệt để chỉ Nhóm Mười Hai, tức là những người đã ở với Chúa suốt thời gian Chúa sống và hoạt động ở trần gian (x. Mt 10,2; Mc 3,13-15; Lc 6,13; Cv 1,26; 2,37). Nhiệm vụ của các ông là làm chứng Người đã chết và đã Phục Sinh (x. Cv 1,18 tt).
Tân Ước mở rộng ý nghĩa của từ này để áp dụng vào các nhà truyền giáo (x. Cv 14,4.14; Rm 16,7; 1 Cr 12,28; Ep 4,11).
Thánh Phao-lô, tuy không thuộc Nhóm Mười Hai, cũng dành cho mình tước hiệu này và mạnh mẽ bênh vực (x. 1 Cr 9,1-2; 15,9; 2 Cr 12,11 tt), vì chính người đã được thấy Chúa Ki-tô phục sinh (x. Cv 9,1 tt; 22,6-16; 26,12-18) và được Chúa trao sứ mạng làm chứng cho Người (x. Cv 26,16-17).
g. Tôn vinh hay cảm tạ cho phải đạo. ds: tôn vinh hay cảm tạ xứng với Thiên Chúa. X. Lc 17,16-18.
h. Lý trí và tình cảm lẽ ra phải nhận biết, tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa cho phải đạo, thì lại rơi vào những suy nghĩ vô ích trống rỗng.
i. Thay vì dùng những hình ảnh mình thấy hoặc nghe biết, thánh Phao-lô lại dùng chính hình ảnh của Cựu Ước (x. Xh 4,15-18; Tv 106,19-20.40-41) để nói về thái độ bất trung của dân ngoại, tuy người cũng có kể thêm chim chóc, thú vật, rắn rết.
k. Thiên Chúa đã để mặc họ. ds: Thiên Chúa đã trao nộp họ... Kiểu nói này ở cc. 24.26.28: việc không nhận biết, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở đó, nhưng tự nó sẽ kéo theo những hỗn độn cả về luân lý lẫn xã hội (x. Ed 23,28-29; Is 64,6; Kn 11,15-16; 12,23-27).
l. Thánh Phao-lô hay có những lời chúc tụng tự phát như thế ở cuối những chỗ người nói về Thiên Chúa (x. 9,5; 11,36; 16,27).
A-men. Từ ngữ của Cựu Ước (x. Tv 41,14...) được Ki-tô giáo sử dụng (Rm 9,5; 11,36; 1 Cr 14,16; Kh 1,6-7; 22,20.21...) để tuyên dương lòng tin của mình đối với lời tung hô, lời cầu nguyện của cộng đoàn hoặc của cá nhân mình. Từ này còn được Hội Thánh thời sơ khai dùng như là một tên riêng để chỉ Chúa Giê-su, vì Người là chứng nhân đích thực cho những lời Thiên Chúa hứa (x. 2 Cr 1,20; Kh 1,2.5...).
m. Trong đoạn này, có lẽ thánh Phao-lô có ý đối chữ, đối nghĩa: vì dân ngoại đã tráo đổi vinh quang của Thiên Chúa bất tử để lấy hình tượng người phàm phải chết, nên họ cũng không còn giữ được sự đúng đắn trong phạm vi luân lý: theo điều trái tự nhiên thay vì theo lẽ tự nhiên (cc. 26-27 và cả c. 28).
n. Họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa. ds: họ đã không cho việc có sự hiểu biết Thiên Chúa là tốt. Thánh Phao-lô chơi chữ: vì thế Thiên Chúa cũng trao nộp họ vào tâm trí không tốt. Cũng vẫn là nguyên tắc ở cc 24.26: sai lầm trong nhận thức về Thiên Chúa tất yếu kéo theo sai lầm khi phê phán các nguyên tắc luân lý (x. cc. 29-31).
o. Trên thực tế, không phải dân ngoại đã mắc phải tất cả những tội kể trên đây hoặc chỉ có bấy nhiêu thôi. Thực ra, trong thư này cũng như trong nhiều thư khác, thánh Phao-lô đã sử dụng các bản liệt kê nết xấu trong văn chương ngoại giáo và nhất là Do-thái giáo ở thời đại của người (x. Rm 13,13; 1 Cr 5,10-11; 6,9-10; Gl 5,19-21; Ep 5,3-5; 1 Tm 1,9-10; 6,4-5; Tt 3,3; 2 Tm 3,2-5).
p. Có bản chép thêm: gian dâm.
q. Có bản dịch là: họ bị Thiên Chúa gớm ghét.
d. Và dành riêng (x. Gl 1,15). Thánh Phao-lô coi việc người được làm Tông Đồ không phải do sáng kiến của riêng người, không phải do lệnh của một ai trong loài người (x. Gl 1,1), nhưng là do ý của Thiên Chúa (x. Gl 1,1.12; Cv 13,2; 1 Cr 9,17) tương tự như Người Tôi Tớ (x. Is 49,1), như ngôn sứ Giê-rê-mi-a (x. Gr 1,5), như ông Gio-an Tẩy Giả (x. Lc 1,15). Như vậy, Thiên Chúa gọi thánh Phao-lô để ông tiếp tục sứ mạng của các ngôn sứ xưa: loan báo việc Thiên Chúa thực hiện những lời Người đã hứa.
r. Phán quyết của Thiên Chúa: có thể hiểu là luật của Thiên Chúa ghi trong lương tâm của mỗi người (x. Rm 2,14-16).
s. Truyền thống La-tinh đọc là: Dù biết rõ Thiên Chúa công chính, họ vẫn không hiểu rằng những ai làm các điều như thế thì đáng phải chết; và không phải chỉ những ai làm mà thôi, nhưng cả những người tán thành nữa.
đ. Tin Mừng của Thiên Chúa. Không phải là tên gọi một cuốn sách như ngày nay. Tin Mừng của Thiên Chúa là chương trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô; công bố Tin Mừng của Thiên Chúa là loan báo việc Người thực hiện Tin Mừng đó (x. Rm 15,16). Đối với thánh Phao-lô và Hội Thánh thời sơ khai, Tin Mừng là lời công bố Đức Giê-su Ki-tô, nhất là cái chết và Phục Sinh của Người.
e. ds: loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, đã được hứa trước trong Kinh Thánh nhờ các ngôn sứ. Nhắc đến Cựu Ước và nối kết với Tân Ước. Vừa nhắc tới sự hòa hợp và liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước, vừa giúp độc giả gốc ngoại giáo hiểu rằng họ cũng là những người được thừa hưởng lời Thiên Chúa đã hứa mà từ trước tới nay vẫn được coi là dành riêng cho người Do-thái.
g. ds: xét theo xác thịt thì Người trở nên con người từ dòng dõi vua Đa-vít. Trong cc. 3-4, thánh Phao-lô dùng một loạt những kiểu nói đối chọi nhau, dường như lấy từ một lời tuyên xưng đức tin: trở thành, được đặt; dòng dõi vua Đa-vít, Con Thiên Chúa quyền năng; theo xác thịt, theo Thần Khí thánh hóa; phục sinh từ trong kẻ chết. Đó là hai yếu tố chính trong Ki-tô học: Tin Mừng về Con Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra làm người (x. Ga 1,14; Gl 4,14) ở một điểm nhất định trong lịch sử. Sau khi đã chịu thương khó, chịu chết và phục sinh, Người được đặt làm Con Thiên Chúa quyền năng trong tương quan với tất cả vũ trụ: vũ trụ được Người cứu độ, thuộc quyền Người (x. Ep 11,9-10; Cl 1,15-16.19-20).
h. Người đã được đặt. Bản Phổ thông: Người đã được tiền định.
i. Trong bản văn Hy-lạp, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta đặt ở cuối c. 4. Xác định đối tượng của Tin Mừng, đó là Con Thiên Chúa làm người, chịu chết và phục sinh, có quyền năng và vinh quang trên toàn thể vũ trụ, Đấng ấy là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.