Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
LỜI MỞ ĐẦU
Lời chào thăm. Lời cảm tạ.
1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi,2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
4 Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.5 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em,7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.8 Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.9 Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
I. CHIA RẼ VÀ GƯƠNG XẤU
1. CÁC PHE PHÁI TRONG GIÁO ĐOÀN CÔ-RIN-TÔ
Các tín hữu chia rẽ nhau
10 Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau.11 Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em.12 Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.”13 Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao?14 Tôi tạ ơn Thiên Chúa, vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cơ-rít-pô và ông Gai-ô.15 Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi.16 À, tôi còn làm phép rửa cho gia đình Tê-pha-na nữa. Ngoài ra, tôi không biết có làm phép rửa cho ai khác nữa hay chăng.
Sự khôn ngoan của thế gian và sự khôn ngoan theo Ki-tô giáo
17 Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.18 Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.19 Vì có lời chép rằng: Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái.20 Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?21 Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin.22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
26 Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.27 Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;28 những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có,29 hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.30 Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em,31 hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.
Mt 12,38; Ga 2,18; 4,48; 6,30; Cv 17,19-23
Rm 8,17; Pl 3,10; 1 Ga 1,3
a. Xem ý nghĩa và cấu trúc trong dẫn nhập tổng quát (phần bố cục chung các thư).
k. Lòng trung tín của Thiên Chúa là một chủ đề mà Cựu Ước thiết tha nhắc đến luôn. Theo thánh Phao-lô, khi Thiên Chúa kêu gọi chúng ta thông phần sự sống của Con Một Người, là Người thực hiện lời hứa trong Cựu Ước. Và một khi Thiên Chúa đã gọi người Ki-tô hữu thông phần sự sống và sự thánh thiện của Con Một Người, Người sẽ gìn giữ họ đến cùng. Thánh Phao-lô mở đầu bức thư với cảm nghiệm sâu xa đó, nên tiếp theo sẽ đòi hỏi Hội Thánh thật nhiều.
l. Hiệp thông dịch chữ koinônia: nghĩa căn bản của chữ này là cộng đồng, cùng chung, chỉ nhiều người cùng chung một sở hữu, dù là tinh thần hay vật chất. Ơn hiệp thông với Đức Giê-su Ki-tô cho phép chúng ta đồng hưởng với Người biết bao thực tại thiêng liêng. Sau đó, koinônia, tạm dịch là cộng đoàn, trở thành đặc trưng cho các nhóm Ki-tô hữu sơ khai, cùng sống hiệp thông với Đức Ki-tô và với nhau.
m. Khi chia rẽ nhau, không hiệp thông với nhau, mỗi nhóm Ki-tô hữu viện lẽ mình thuộc về một bậc thầy khác: A-pô-lô –một tân tòng, nhưng lại rất sốt sắng và tài ba lỗi lạc, gây ấn tượng sâu xa trên cộng đoàn Cô-rin-tô–; Kê-pha, tên A-ram của thánh Si-mon Phê-rô -giáo dân Cô-rin-tô nêu tên thánh Phê-rô, hoặc vì ngài đã có đến Cô-rin-tô, hoặc vì họ cậy vào một uy tín lúc đó đã được mọi người thừa nhận-; Đức Ki-tô, có thể hiểu nhiều cách: hoặc là giáo dân Cô-rin-tô chỉ phục những môn đệ đã được con người lịch sử Giê-su Ki-tô dạy dỗ một cách trực tiếp (tức là những môn đệ chính qui hơn Phao-lô hay A-pô-lô), hoặc là họ không chấp nhận một trung gian nhân loại nào, mà chỉ muốn liên hệ trực tiếp với Đức Ki-tô, hoặc nữa đây không phải là bè phái thứ tư, mà là câu trả lời của thánh Phao-lô: chỉ có Đức Ki-tô là Thầy mà thôi.
n. Ở đây, chúng ta thấy rõ thánh Phao-lô ứng khẩu cho người khác chép. Nếu không, ngài đã sửa lại, đặt c. 16 trước c. 15.
o. Đối với thánh Phao-lô, rao giảng Tin Mừng để gây lòng tin là điều cốt yếu. Còn làm phép rửa thì bất cứ ai cũng có thể làm được. Câu này cũng nhắc chúng ta nên coi trọng sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô hơn là chú ý đến số lượng người chúng ta đã rửa tội.
p. Trong cả đoạn này, thánh Phao-lô đặt cái khôn của loài người đối lập với sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1,24 và 2,6). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là thể hiện công trình cứu độ toàn diện: công chính hóa, thánh hóa và cứu chuộc loài người. Vì vậy, tất cả các phương tiện Người dùng để hoàn thành công cuộc ấy đều được coi là khôn ngoan, tuy loài người cho là điên dại: thập giá, lời rao giảng, những gì yếu kém, hèn mạt, không đáng kể (cc. 27-28). Thánh Phao-lô không lên án phần trí tuệ của khôn ngoan loài người, vì nó là một ân huệ Chúa ban, giúp con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa; điều đáng lên án là cái khôn ngoan lý sự, tự mãn (của phần đông người Hy-lạp), hoặc đòi hỏi Thiên Chúa làm theo nguyện vọng của mình (như đa số người Do-thái đòi hỏi) (c. 20). Sức mạnh của Thiên Chúa là dùng chính những gì thế gian cho là điên dại, để thắng cái khôn ngoan của nó (cc. 18 và 25), làm cho kế hoạch cứu độ của Người được thành tựu. Khi đối chiếu hai lẽ khôn ngoan trên, thánh Phao-lô cũng nói rõ lập trường hoạt động của ngài: không rập theo óc tính toán (xã hội Cô-rin-tô thường ngả theo chiều hướng này), nhưng theo đường lối của thập giá Đức Ki-tô.
q. ds: rỗng không, chẳng có nội dung, nghĩa lý gì (x. Rm 4,14; 2 Cr 9,3).
r. Điên rồ trong cả đoạn này có một nghĩa rất xấu: không phải tính điên cuồng của lòng quả cảm, mà là cái ngu xuẩn của người dại dột, theo quan niệm người Hy-lạp.
s. Những câu này trích dẫn Cựu Ước: Tv 33,10 và sách I-sai-a (x. Is 19,11-12; 29,14; 33,18). Các câu này khẳng định rằng những mưu lược khôn khéo hoàn toàn nhân loại sẽ không thể cứu Ít-ra-en khỏi hiểm họa bị A-sua xâm chiếm.
t. Ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ... tức là những công trình sáng tạo của Người. ds: trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có thể diễn nghĩa: do sự an bài khôn ngoan của Người, hoặc trong thời kỳ khôn ngoan của Thiên Chúa, nghĩa là lúc Thiên Chúa hãy còn khôn ngoan, còn cân nhắc, ngược với lúc Người tỏ ra điên cuồng trong mầu nhiệm thập giá (câu tiếp theo). Ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người: bản dịch ở đây diễn ý một cách khái quát.
b. Thánh Phao-lô hay ghép được gọi với làm Tông Đồ để nhấn mạnh rằng làm Tông Đồ là do một ơn gọi, chứ không phải bởi hiếu động hay vụ lợi.
u. Thật ra, Do-thái và Hy-lạp, cả hai đều cùng một đòi hỏi: những bảo chứng trần tục; một bên là những phép lạ bảo đảm uy tín của lời rao giảng, bên kia là những lý lẽ có khả năng thỏa mãn trí khôn loài người. Những đòi hỏi này tự nó không xấu -và kỳ dị thay, Đức Ki-tô sẽ thỏa mãn họ (c. 24)-, nhưng sẽ là một trở ngại cho người Ki-tô hữu nếu họ coi đó là điều kiện tiên quyết để chấp nhận đức tin.
v. Thoạt đầu, lời rao giảng về thập giá đi ngược với sự chờ mong của trí khôn loài người: thất bại ô nhục thay vì vinh quang hiển hách, điên dại thay vì khôn khéo. Nhưng đối với những ai đã lướt thắng được bức tường đen tối này và đã trao gởi niềm tin, thập giá lại đáp ứng sự chờ mong của con người, biểu dương sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa.
x. Đây là một nét đặc thù của hoạt động Thiên Chúa, trở thành như một định luật. Định luật này được áp dụng trong việc tuyển chọn người Cô-rin-tô vào số các thánh cũng như trong việc rao giảng của thánh Phao-lô, như ta sẽ đọc thấy trong những câu tiếp theo (1,26-30 và 2,1-5).
y. ds: theo xác thịt, theo nghĩa thánh Phao-lô, tức là thế gian, ngược với Thần Khí. Theo xác thịt là theo quan điểm thế gian, do đó dịch trước mặt người đời. Lưu ý giọng mỉa mai của thánh Phao-lô, như muốn nhắc giáo dân Cô-rin-tô nên nhớ lại gốc gác khiêm tốn của mình.
a. ds: những gì bị khinh thường.
b. ds: không một xác thịt nào.
c. Nói cách khác: không có Thiên Chúa, người đời coi anh em như không có, vì anh em là những gì không đáng kể (c. 28), mà lại được Thiên Chúa tuyển chọn để được hiện hữu trong Đức Ki-tô. Vậy điều duy nhất anh em có thể tự phụ là chính ân huệ được hiện hữu này, chính đời sống mới này, trong Đức Ki-tô.
d. Như vậy, không phải do sức tự nhiên của trí khôn phàm nhân mà chúng ta đạt tới khôn ngoan Ki-tô giáo. Chúng ta chỉ đạt tới đó khi đành mất hết để được Đức Ki-tô (Pl 3,8), vì chính Người là nơi cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (Cl 2,3).
đ. Công chính hóa, thánh hóa cũng như cứu chuộc là ba chủ đề căn bản đang hình thành trong tâm tưởng thánh Phao-lô, và sẽ được triển khai trong thư Rô-ma.
e. Trích dẫn không nguyên văn Gr 9,22-23.
c. Đức Ki-tô Giê-su. Thánh Phao-lô viết khác nhau: khi thì Đức Ki-tô Giê-su, khi thì Đức Giê-su Ki-tô, và còn thường hơn nữa là Đức Ki-tô, nhất là trong cụm từ trong Đức Ki-tô, trong khi Đức Giê-su thì tương đối hiếm gặp. Có thể hiểu sự khác biệt ấy như sau: khi nghĩ tới độc giả Do-thái, thánh Phao-lô nói Đức Ki-tô Giê-su để nhấn mạnh tước vị Mê-si-a của Người, mà tiếng Hy-lạp dịch là Ki-tô. Còn khi nghĩ đến độc giả Hy-lạp, thì ngài viết Đức Giê-su Ki-tô, và cụm từ này có khuynh hướng trở thành một tên riêng.
d. Độc giả của bức thư là Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô. Đây là cách xưng hô mà thánh Phao-lô ưa thích, làm nổi bật điều căn bản này: Hội Thánh thật sự nhập thế, đâm rễ ở địa phương, nhưng dù bất cứ ở đâu, vẫn là Hội Thánh của Thiên Chúa.
đ. Thánh ở đây là do ơn gọi, cũng như làm Tông Đồ ở c. 1. Thiên Chúa là Đấng Thánh, nghĩa là siêu việt, mà vì Hội Thánh thuộc về Thiên Chúa, nên các thành viên đều được thông phần sự thánh thiện của Thiên Chúa. Do đó, mỗi Ki-tô hữu thật sự được gọi là thánh.
e. Trong Cựu Ước, sách ngôn sứ Giô-en có câu: Hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được ơn cứu độ (3,5); Tân Ước dùng lại câu này, mà áp dụng cho Đức Ki-tô (Cv 2,21; Rm 10,13; v.v...).
g. Dịch cách khác: ở xứ họ cũng như (ở xứ) chúng ta.
h. Dịch cách khác: giữa anh em. Theo ý này, phải hiểu là thánh Phao-lô ám chỉ những phép lạ và ân huệ Thánh Thần kèm theo công việc rao giảng của ngài.
i. Ds: mong đợi sự mặc khải của Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô. Để diễn hết nội dung hàm chứa trong mấy chữ súc tích như vậy, câu này được sắp lại: mặc khải trở thành động từ, chủ ngữ là Đức Giê-su Ki-tô, bổ ngữ (thêm vào) là vinh quang của Người. Và vì tiếng Việt, thay vì khẳng định những điều trừu tượng, thường có lối nói cụ thể, nên thêm ngày làm bổ ngữ cho động từ mong đợi. Điều chúng ta mong đợi là ngày Chúa Giê-su Ki-tô ngự đến trong vinh quang, tức là ngày sau hết. C. 8 tiếp theo gọi súc tích là Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, lấy lại bốn chữ của Cựu Ước Ngày của Đức Chúa, và nói rõ Đức Chúa của Cựu Ước là chính Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta. Còn có những chỗ trong Tân Ước chỉ gọi là Ngày (1 Cr 3,13,...)