C. VẤN ĐỀ ÍT-RA-EN KHÔNG TIN
Các đặc ân dành cho Ít-ra-en
1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Thiên Chúa không thất tín
6 Nói thế không có nghĩa là lời Thiên Chúa đã hóa ra vô hiệu. Vì không phải tất cả con cháu ông Áp-ra-ham đều là dân Ít-ra-en;7 cũng như không phải vì họ thuộc dòng dõi ông Áp-ra-ham mà họ đều là con cái ông. Nhưng chính dòng dõi I-xa-ác mới được mang tên ngươi,8 nghĩa là không phải hễ là con đẻ của ông Áp-ra-ham, thì là con cái Thiên Chúa; nhưng con cái sinh ra do lời Thiên Chúa hứa mới được kể là chính tông.9 Thật vậy, lời hứa là thế này: Sang năm, cũng vào thời kỳ này, Ta sẽ trở lại và Xa-ra sẽ có một con trai.10 Không phải chỉ có thế: bà Rê-bê-ca đã có thai với một người duy nhất là ông I-xa-ác, tổ tiên chúng ta.11 Nhưng khi các con bà chưa sinh ra, và do đó chưa làm gì tốt hay xấu, thì Thiên Chúa đã nói với bà: Thằng anh sẽ làm tôi thằng em. Như vậy là để giữ vững kế hoạch Thiên Chúa đã tự do chọn lựa,12 mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên Chúa là Đấng kêu gọi.13 Như có lời chép: Ta yêu Gia-cóp mà ghét Ê-xau.
Thiên Chúa không bất công
14 Vậy phải nói sao? Chẳng lẽ Thiên Chúa bất công ư? Không phải thế!15 Quả vậy, Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sê: Ta muốn thương xót ai thì thương xót, muốn cảm thương ai thì cảm thương.16 Vậy người ta được chọn không phải vì muốn hay chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót.17 Quả thế, trong Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng nói với Pha-ra-ô: Ta đã cất nhắc ngươi lên, chính là để dùng ngươi làm cớ cho mọi người thấy sức mạnh của Ta, và để cho danh Ta lẫy lừng trên khắp hoàn cầu.18 Vậy Thiên Chúa thương xót ai là tùy ý Người, và làm cho ai ra cứng cổ cũng tùy ý Người.
19 Hẳn bạn sẽ nói với tôi: “Vậy Thiên Chúa còn trách gì nữa? Vì ai cưỡng lại được ý Người?”20 Hỡi người, bạn là ai mà dám cãi lại Thiên Chúa? Chẳng lẽ sản phẩm lại nói với người sản xuất: Sao ông làm ra tôi như thế này?21 Phải chăng thợ gốm không có quyền dùng đất sét theo ý mình: từ cùng một nắm đất mà nắn ra đồ vật khác nhau, cái thì dùng vào việc cao quý, cái thì dùng vào việc thấp hèn.22 Thiên Chúa cũng vậy: dù muốn cho thấy cơn thịnh nộ và cho biết sức mạnh của Người, nhưng Người đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ và chờ sẵn ngày diệt vong.23 Thiên Chúa cũng muốn cho biết vinh quang của Người dồi dào biết mấy đối với những kẻ được Người thương xót, những kẻ mà Người đã chuẩn bị trước cho họ lãnh nhận vinh quang đó.24 Những kẻ ấy là chính chúng ta. Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta là những người không phải chỉ thuộc dân Do-thái, mà còn thuộc các dân ngoại nữa.
Cựu Ước thấy trước Ít-ra-en sẽ thất trung và dân ngoại sẽ được kêu gọi
25 Đó chính là điều Thiên Chúa phán trong sách Hô-sê: Dân trước đây không phải dân của Ta, Ta sẽ gọi là Dân của Ta; người chẳng được yêu, Ta sẽ gọi là Người Yêu.26 Và chính ở nơi đã nói về họ: “Các ngươi không phải là dân của Ta”, thì ở đó họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa hằng sống.27 Ngôn sứ I-sai-a đã lớn tiếng nói về dân Ít-ra-en rằng: Dù số con cái Ít-ra-en có nhiều như cát biển, thì chỉ phần còn sót lại mới được cứu.28 Quả thế, Đức Chúa sẽ thực hiện lời Người cách trọn vẹn và mau chóng trên mặt đất.29 Như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo: Nếu như Đức Chúa các đạo binh chẳng chừa lại cho chúng ta kẻ nối dõi, thì chúng ta đã trở nên như thành Xơ-đôm, và giống như thành Gô-mô-ra rồi.
30 Vậy phải nói sao? Phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin.31 Còn dân Ít-ra-en tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó.32 Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá làm cho vấp,33 như có lời chép rằng: Này đây Ta đặt tại Xi-on một hòn đá làm cho vấp, một tảng đá làm cho ngã; nhưng kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.
m. Ở đây (9,1–11,36), thánh Phao-lô quay sang một vấn đề riêng biệt, đó là mối tương quan giữa dân tộc Ít-ra-en với ơn công chính hóa hay ơn cứu độ. Sự kiện Ít-ra-en không tin, không đón nhận Đức Giê-su với sự kiện họ được chọn để chuẩn bị cho biến cố Đức Giê-su có tương quan như thế nào? Không lẽ vì Ít-ra-en không tin mà kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ra vô hiệu? Đồng thời thánh Phao-lô cũng cảnh giác các tín hữu gốc Dân Ngoại đừng vì thấy dân Ít-ra-en không tin mà tự cao tự đại, cho mình là hơn hẳn dân Ít-ra-en: sự bất trung của dân tộc Ít-ra-en nằm trong kế hoạch lịch sử cứu độ của Thiên Chúa: nhờ họ không tin mà dân ngoại được đón nhận ơn cứu độ, nhưng cũng chính vì đó mà tính cách nhưng không trong ân sủng của Thiên Chúa lại nổi bật lên.
n. 9,1-5: lời lẽ mạnh diễn tả lòng tha thiết gắn bó với anh em đồng bào, những người đã được Thiên Chúa chọn và ban biết bao ân huệ và nhờ họ mà bao ân huệ của Thiên Chúa đến với loài người. Đây là phần đặt vấn đề.
o. Có Đức Ki-tô chứng giám: ds: Trong Đức Ki-tô.
p.... tôi cũng cam lòng: thêm.
q. Có những cách chấm câu khác: Thiên Chúa là Đấng vượt trên mọi sự,... hoặc Đức Ki-tô, xét theo truyền thống, cũng cùng một nòi giống với họ; Người vượt trên mọi sự. Chúc tụng Thiên Chúa...
r. Rm 9,6-29. Thánh Phao-lô bắt đầu trình bày vấn đề đã khiến người buồn phiền và đau khổ: nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa trong 1) Lời Thiên Chúa hứa cho Ít-ra-en, do đó lời Người không hóa ra vô hiệu (9,6-13); 2) Qua thí dụ ông Mô-sê và vua Pha-ra-ô trong Cựu Ước, thánh Phao-lô nhấn mạnh đến quyền tối cao của Thiên Chúa trên vạn vật, thậm chí Thiên Chúa có thể dùng sự cứng lòng của con người để hoàn tất những mục đích Người muốn (9,14-24) và 3) Thiên Chúa không hành động độc đoán, bởi vì ơn gọi của Ít-ra-en, sự bất trung và số sót, là tất cả những gì đã được loan báo trong Cựu Ước (9,25-29).
s. Lời hứa trong Cựu Ước dành cho Ít-ra-en -theo thánh Tông Đồ- không hiểu theo nghĩa đen, nhưng hiểu theo nghĩa Ít-ra-en của lòng tin.
t. Thánh Phao-lô không nhằm lời hứa ông Áp-ra-ham sẽ có con cái đông đảo (St 15,5), nhưng nhấn mạnh vào lời hứa I-xa-ác sẽ được sinh ra (St 18,10.14), vì quả thực ông Áp-ra-ham có nhiều con trai (x. St 15,2; 16,15; 21,2; 25,1), nhưng con do lời hứa thì chỉ có I-xa-ác (St 21,12).
u. Ở đây, không phải là việc lựa chọn con của người mẹ này người mẹ kia (bà Xa-ra và bà Ha-ga, x. Gl 4,21-31), nhưng là giữa hai người con cùng một mẹ. Thiên Chúa đã chọn Gia-cóp một cách tự do và vô điều kiện (x. St 25,21-23).
v. X. St 21,12. Đây là một lý luận rất mạnh của thánh Phao-lô để chứng minh rằng việc người ngoại giáo được kêu gọi đón nhận đức tin hoàn toàn do ý muốn nhưng không của Thiên Chúa.
x. X. Ml 1,2. Ghét có nghĩa là không chọn vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa (quản lý lời hứa) chứ không phải có nghĩa là ghét bỏ (x. Lc 14,26; Mt 10,37). Như vậy, việc Ít-ra-en không tin thuộc về mầu nhiệm Thiên Chúa tuyển chọn, có Thiên Chúa hoạt động trong việc đó, giống như sự kiện chỉ là con cháu của ông Áp-ra-ham về huyết thống không đương nhiên là được hưởng lời hứa.
y. Rm 9,14-24: ví dụ về ông Mô-sê với vua Pha-ra-ô cũng cho thấy Thiên Chúa có toàn quyền tuyển chọn một người nào đó để đóng một vai trò nào đó trong kế hoạch của Người.
Không nói đến số phận cá nhân.
a. Kết luận: người ta được Thiên Chúa chọn, chỉ vì người ta được Thiên Chúa thương xót. Ngoài ra, mọi nỗ lực của con người đều vô ích. Cũng không thể lấy sự kiện được chọn để phê phán những người không được chọn. Chọn đây là chọn trong lịch sử cứu độ ở trần gian, chứ không phải là chọn lãnh ơn cứu độ cá nhân sau cái chết.
b. Xh 9,15-16. Lời Thiên Chúa nói với ông Mô-sê để ông Mô-sê nói lại với vua Pha-ra-ô. Vua Pha-ra-ô chỉ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa và chính sự cứng lòng của vua ấy đã trở thành phương thế để Thiên Chúa giải phóng dân Ít-ra-en, làm cho danh Người vang ra khắp thế giới.
c. Làm cho ai ra cứng cổ (x. Xh 4,21; 7,3; 9,12). Một kiểu nói chỉ chú trọng đến kết quả sau cùng của sự việc, chứ không phân tích những nguyên nhân phức tạp đã gây ra sự việc đó. Đó là cách nói của Cựu Ước, diễn tả việc Thiên Chúa biết một tạo vật từ khước lời mời gọi của Người. Người Do-thái quy tất cả mọi chuyện về Thiên Chúa, không quan tâm đến nguyên nhân khác.
d. Hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước (x. Is 29,16; 45,9; 64,8; Gr 18,6; Kn 15,7) được thánh Phao-lô ứng dụng vào trường hợp người đang chứng minh: Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ. Người có quyền năng, Người thống trị tất cả và hoàn toàn tự do.
đ. Những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ... những kẻ được Người thương xót, ds: cái bình của sự thịnh nộ... cái bình của sự thương xót. Thánh Phao-lô sử dụng một kiểu nói của Gr 50,25 nhân nói về người thợ gốm – bình đất. Cái bình hiểu theo nghĩa là đối tượng được thương xót hay phải chịu cơn thịnh nộ.
e. Rm 9,25-29: Chính tình trạng Ít-ra-en được kêu gọi, thất trung và số sót cũng đã được các ngôn sứ trong Cựu Ước loan báo.
g. X. Hs 2,25. Bản văn nguyên thủy loan báo lời hứa dân Ít-ra-en được phục hồi. Thánh Phao-lô áp dụng vào trường hợp dân ngoại.
h. X. Is 10,22-23 (LXX). Thánh Phao-lô chú trọng vào câu chỉ phần còn sót lại mới được cứu. Từ ngữ nguyên thủy được ngôn sứ I-sai-a dùng để chỉ về cuộc lưu đày của người Ít-ra-en. Thánh Phao-lô áp dụng vào trường hợp những người Do-thái được mời gọi tin vào Chúa Ki-tô; họ là số còn sót lại.
i. X. Is 1,9 (LXX). Ngôn sứ I-sai-a nói về hình phạt dành cho Ít-ra-en vì không tin. Những chỗ trích dẫn Cựu Ước này nhằm chứng minh rằng: Cựu Ước, nền tảng hy vọng của Ít-ra-en, cho thấy Ít-ra-en cũng sẽ giống như Xơ-đom và Go-mo-ra xưa, trừ một số còn sót lại giữ lấy tên tuổi và giống nòi.
k. Rm 9,30–10,21. Sau khi đã nói về sự tự do lựa chọn của Thiên Chúa, thánh Phao-lô muốn chứng minh rằng nguyên nhân Ít-ra-en vấp ngã không phải là do Thiên Chúa mà là do chính họ: 1) Ít-ra-en thích kiểu nên công chính của riêng mình hơn là của Thiên Chúa (9,31-33); 2) Thánh Phao-lô buồn phiền vì Ít-ra-en không nhìn nhận Chúa Ki-tô là cứu cánh của Lề Luật cũng như ai muốn được nên công chính đều phải qua / nhờ Người (10,1-4); 3) Đường lối để được nên công chính cũ khó khăn, còn đường lối mới thì dễ dàng, được loan báo cho mọi người, mọi người đều có thể đạt tới, như Kinh Thánh cho thấy (10,5-13) và 4) Ít-ra-en không thể tự bào chữa được (10,14-21).
l. Rm 9,30-33. Kinh Thánh đã nói về việc người ngoại và một số ít người Ít-ra-en trở lại. Thánh Phao-lô nối kết Is 28,16 và 8,14-15: Hòn đá Chúa đặt ở Xi-on (đồi Giê-ru-sa-lem + Đền Thờ) là biểu tượng ơn cứu thoát cho ai trông cậy vào đó; theo thánh Phao-lô, hòn đá ấy chỉ về Chúa Ki-tô, vấp phải hòn đá ấy là ngã. Nhưng ai tin vào đó (dân ngoại và số còn sót lại của Ít-ra-en) sẽ không thất vọng.