Nguyên văn theo Kinh Thánh Tân Ước Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu hay Phúc Âm Mátthêu là cuốn đầu tiên của Kinh Thánh Tân Ước. Sách gồm có 28 chương, tác giả là Thánh Mát-thêu, một trong mười hai Tông Đồ của Chúa Giê-su. Sách được viết vào khoảng cuối thế kỷ I SCN.

Chương 1
I. GIÁNG SINH VÀ THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô
1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-rôn; Khét-rôn sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 Gie-sê sinh Đa-vít.
Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn;7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giô-sa-phát; Giô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Giô-tham; Giô-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khim; A-khim sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
Truyền tin cho ông Giu-se
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
a. Thánh Mát-thêu chia Tin Mừng làm năm phần, dưới hình thức năm bài giảng về Nước Trời, để ngụ ý Chúa Giê-su là Mô-sê thứ hai, Đấng sáng lập Tân Ước. Mô-sê thứ nhất đã công bố Giao Ước Xi-nai, được coi là tác giả bộ Luật năm cuốn (Ngũ thư) và năm diễn từ trước khi chết, ghi trong sách Đệ Nhị Luật. Điều này tác giả cũng đã gợi lên ngay trong hai chương đầu về thời thơ ấu của Chúa Giê-su khi đưa ra năm sự việc. Riêng chương thứ hai còn gợi lên những trình thuật và truyền thuyết về thời thơ ấu của Mô-sê.
b. Gia phả là một thể văn quen thuộc trong Cựu Ước nhằm nói lên sự liên tục của dòng dõi loài người nói chung, dòng dõi Áp-ra-ham nói riêng. Sự liên tục này vừa nói lên sự trung thành của Thiên Chúa, vừa nói lên sự kế tục trong việc thừa hưởng những lời hứa của Thiên Chúa: từ lời hứa ban ơn cứu độ (x. St 3,15) đến lời hứa cho Áp-ra-ham (x. St 12,2-3) và lời hứa cho nhà Đa-vít (x. 2 Sm 7). Gia phả đầu tiên kể con cháu của A-đam cho tới ba người con trai ông Nô-ê (x. St 5). Những gia phả khác trong Cựu Ước đều kể con cháu của các bậc tổ phụ, còn gia phả của Chúa Giê-su kể lại tổ tiên của Chúa Giê-su. Mở đầu bằng hai tổ phụ Đa-vít và Áp-ra-ham, Mát-thêu gợi cho người đọc nhận ra rằng nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cho Áp-ra-ham và Đa-vít.
Chọn số 14 (nếu viết bằng chữ Híp-ri thì chính là tổng số giá trị số học của ba chữ ghép thành tên vua Đa-vít (DVD: D=4+V=6+D=4 = 14) để chia gia phả làm ba giai đoạn bằng nhau, dù phải bỏ đi tên của ba vua O-co-di-gia, Gio-át và A-ma-si-a, Mát-thêu gợi lên sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Số 3 và số 7 là hai con số được coi là biểu tượng cho sự hoàn chỉnh; 14 là 2 lần 7; 3 chuỗi 14 diễn tả sự đều đặn kỳ diệu trong lịch sử Áp-ra-ham tới Chúa Giê-su.
Một điểm đáng lưu ý nữa là Mát-thêu đưa vào trong gia phả này bốn người phụ nữ, trái với thói quen viết gia phả của người Do-thái; mà cả bốn bà đều có những hoàn cảnh đặc biệt khi làm mẹ. Đó là những lần can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, chuẩn bị cho sự can thiệp lạ lùng nơi Đức Ma-ri-a. Sự có mặt của bốn người phụ nữ ngoại đạo này còn cho thấy trong Chúa Giê-su có cả dòng máu dân ngoại, đó là dấu chỉ tính phổ quát của ơn cứu độ nơi Chúa Giê-su.
Như vậy, Mát-thêu sử dụng thể văn gia phả ở đây để cho người đọc thấy rằng Chúa Giê-su là điểm tới của lịch sử Cựu Ước, là sự thể hiện niềm hy vọng của các tổ phụ.
c. Lối kết cấu của câu 16 khác hẳn những câu có đề cập tới người mẹ trong gia phả (các câu 3.5.6) bắt ta phải thắc mắc: vậy thì bà Ma-ri-a thụ thai do nguyên nhân nào? Vai trò ông Giu-se trong gia phả như thế nào? Trình thuật truyền tin cho ông Giu-se trả lời hai thắc mắc ấy: Đức Ma-ri-a mang thai là do quyền năng Thánh Thần để ứng nghiệm sấm ngôn về Đấng Em-ma-nu-en; còn ông Giu-se, người trong dòng dõi Đa-vít, là chồng của Đức Ma-ri-a, có nhiệm vụ nhận người con do Đức Ma-ri-a sinh ra làm con của mình qua việc đặt tên cho con trẻ; nhờ thế Chúa Giê-su thuộc về dòng dõi vua Đa-vít.
Thành hôn: ds: đính hôn. Theo phong tục về hôn nhân của dân Ít-ra-en thì đính hôn đã là thành vợ chồng trước mặt pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả như có con với nhau trong giai đoạn này thì đứa con vẫn là con hợp pháp. Hai điểm khó giải thích trong đoạn này là: sự công chính của ông Giu-se ở chỗ nào và ông Giu-se có biết việc Đức Ma-ri-a thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần trước khi thiên thần báo tin không? Cách giải thích vấn đề thứ nhất tuỳ thuộc cách giải thích vấn đề sau. Lời thiên thần nói với ông Giu-se có thể hiểu là một lời báo cho biết sự thật về nguồn gốc bào thai trong lòng Đức Ma-ri-a, hoặc là một lời xác nhận điều ông Giu-se đã biết. Nếu nhờ lời thiên thần báo tin ông Giu-se mới biết sự thật, thì sự công chính của ông là ở chỗ không nhận là của mình cái gì không thuộc về mình, đồng thời tôn trọng điều ông không hiểu nơi Đức Ma-ri-a và chọn cách âm thầm bỏ đi. Còn nếu trước khi thiên thần báo tin ông đã biết sự thật, thì sự công chính của ông là tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Ma-ri-a. Dù sao thì lời thiên thần nói với ông Giu-se chính là nói với chúng ta để giải thích nguồn gốc và sứ mạng của Chúa Giê-su: Người từ Thiên Chúa mà đến, sinh làm người trong dòng dõi vua Đa-vít để cứu dân Người khỏi tội lỗi.