Chương I. Mục đích: Vinh quang và Ân sủng
“Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” — Rm 8,29
Để hiểu được sự tiến bộ thiêng liêng, trước tiên, chúng ta phải xem xét mục đích mà nó hướng tới. Thánh Phaolô đã bày tỏ ý niệm này trong trích dẫn Rm 8,29 nêu trên, cụ thể là, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời Thiên Chúa. Mặc dù thường được nhắc nhớ về giáo lý thần linh này, nhưng mức độ cao siêu của nó khiến chúng ta không bao giờ có thể làm bộ như mình đã hiểu về nó cách đầy đủ. Vì thế, nếu muốn thấm nhuần ý nghĩa sâu xa của nó, chúng ta phải dần dần vượt lên chính mình. Khi cố gắng xác định mục đích tối hậu của mình, chúng ta sẽ tiến hành phương pháp loại trừ, gạt sang một bên những điều nhỏ nhặt hơn mà tinh thần thế gian đề xuất với chúng ta cho đến khi, tiếp sau một sự vươn lên cần thiết, chúng ta đạt tới việc đề ra mục đích tối cao của mình một cách đúng đắn.
Câu trả lời của Thế gian
Tại sao chúng ta được tạo ra? Thế gian trả lời: “Chúng ta được tạo ra để hưởng thụ, để thỏa mãn, thỏa mãn về thân xác, giác quan, trí tưởng tượng, trí tuệ và tâm hồn.” Hưởng thụ! Đây là mục đích, quy tắc và động cơ cho mọi hoạt động của chúng ta. Đó là nguyên lý của ngoại giáo và mỗi ngày, nó càng lúc càng được lấy làm nguyên lý cho toàn thể thế giới hiện nay. Đôi khi, nó cũng là một cám dỗ đối với các Kitô hữu, và thậm chí, ngay cả với giới tu sĩ.
Đối với những người khốn khổ trên thế gian này, một câu trả lời cho vấn đề đời sống như vậy rõ ràng không thể chấp nhận được, nó có thể khiến họ cảm thấy bị kích động và đưa đến nóng giận, bực tức. Còn đối với những người khác, nó thực sự có ý nghĩa gì? Lý tưởng hay chuẩn mực đời sống như vậy trên thực tế chỉ khiến con người trở thành nô lệ cho những thứ mang lại hoặc lấy đi sự dễ chịu của anh ta; một nô lệ của những đam mê và ham muốn; một nô lệ của sự ghen tị và giận dữ nảy sinh từ ý chí; một nô lệ cho những người có thể cướp đi những thứ của cải tồi tàn mà anh ta lấy làm hạnh phúc. Bằng cách đặt mình vào trung tâm của tất cả và cố gắng quy tất cả về mình, con người dưới ách thống trị của thú vui sẽ trở nên nô lệ cho tất cả. Anh ta sẽ chỉ thấy vỡ mộng và chán ghét không ngừng trước những của cải phù vân, tồi tàn mà anh ta lấy làm cùng đích. Hơn nữa, anh tự hủy hoại phẩm giá con người của mình vì, giống như một con vật, anh chỉ sống cho thân xác. Với cái chết tất đến, anh sẽ đánh mất tất cả và điều tệ hơn là anh thường không tính đến những hình phạt khủng khiếp đang chờ đợi mình.
Một số người đã tìm cách sống theo con đường này ngay cả trong đời sống tu trì. Đời sống cộng đoàn đối với họ trở nên một cực hình và việc tuân giữ các quy luật là cái ách không thể chịu đựng nổi. Họ đau khổ cả đời và tìm kiếm thú vui ở khắp nơi, họ đã đánh mất linh hồn theo cách như thế.
Sau đó, thế gian sửa lại châm ngôn của nó và nói với chúng ta: “Mục đích của con người là một cuộc tìm kiếm có trật tự và được hoạch định rõ ràng vì lợi ích của riêng mình, một công việc không thể hoàn thành nếu không có lao động, nỗ lực và hy sinh.” Để có được một chỗ đứng trong thế gian! Ai dám phủ nhận rằng đôi khi đây cũng là một cám dỗ đối với chúng ta? Điều xảy ra là một số tu sĩ đã làm việc trong nhiều năm chỉ nhằm đạt tới một chức vụ trong cộng đoàn và thu lấy một phẩm giá nào đó. Mọi việc họ làm đều phục vụ cho mục tiêu bất xứng. Xu hướng này luôn hiện diện và sau cùng sẽ nắm quyền làm chủ người ấy nếu Thiên Chúa không đưa họ trở lại chính lộ qua một sự hạ nhục kịp thời.
Thái độ như vậy phát xuất từ tính ích kỷ lạnh lùng và khô khan cực độ. Tuy nhiên, người ích kỷ lại không hạnh phúc. Anh ta chỉ biết đến những thú vui và sự thỏa mãn cá nhân vốn chính là thủ phạm đã phá hủy những khát vọng cao cả hơn của tâm hồn. Mọi người đều tránh mặt anh, nên chặng cuối đời anh thật buồn bã và cô độc. Nếu anh nghĩ về đời sống mai hậu, mọi hy vọng dường như từ chối anh. Anh đã chỉ sống cho thế gian và giờ đây, phải rời bỏ nó.
Nhưng ngay cả châm ngôn như vậy cũng không làm thế gian thỏa mãn, nó tiếp tục đề xuất với chúng ta một châm ngôn thứ ba: quý trọng phẩm giá của mình, nghĩa là, hoàn thành các nghĩa vụ cá nhân và xã hội. Đó là câu trả lời dửng dưng phát xuất từ lòng kiêu hãnh của con người. Con người được tạo dựng để phát triển nhân cách trí tuệ và luân lý của chính họ. Trong những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Chủ nghĩa hiện đại, chúng ta đã thấy học thuyết này nhận được sự ủng hộ của ngay cả những người trong giới tu sĩ. Các nhân đức thụ động như khiêm nhường, vâng lời và nhẫn nại đã bị đánh giá khá thấp, trong khi các nhân đức chủ động và xã hội, những thứ giúp người ta khẳng định sáng kiến của cá nhân, lại được đề cao.
Thái độ này bao hàm trong nó một sự hiểu lầm. Người làm bộ yêu mến sự thiện thông qua việc yêu mến cả phẩm giá của mình lẫn phán đoán cá nhân về điều tốt nơi nhân cách của mình, trên thực tế, không yêu mến sự thiện, nhưng chỉ tôn thờ bản thân và tin mình là một vị thần. Nếu thực sự yêu mến sự thiện, họ chắc chắn sẽ dành tình yêu, hơn cả chính mình và trên hết mọi sự, cho nguồn mạch của mọi điều tốt lành và công chính, tức là Sự Thiện viết hoa, hay Thiên Chúa.
Sự kiêu ngạo luôn là một cái gì đó cứng cỏi và lạnh lùng. Những người ít nhiều từ chối cách có ý thức đối với các hành vi hạ mình, vâng phục, vượt lên chính mình để yêu mến Thiên Chúa, thì không thể tìm thấy hạnh phúc, hạnh phúc thực sự không tồn tại trong bất cứ sự thiện hữu hạn nào. Người ấy có thể hấp tấp dành thời gian cho các công việc bên ngoài vừa vì thú vui khi được truyền bá ý tưởng của mình vừa vì thú vui khi làm kẻ thống trị. Một ngày nào đó, cuộc sống này phải chấm dứt, và đối với những người thiếu đức ái, cái chết xuất hiện như một thứ gì đó phi lý, nó đến để phá hủy ngay lập tức tòa nhà đạo đức đã được xây dựng bằng nỗ lực của cả một đời.
Câu trả lời của Lý trí
Để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Chỉ nhờ riêng ánh sáng của lý trí, chúng ta cũng thấy rằng cùng đích của con người là nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự. Nếu chúng ta được tạo dựng trong tình trạng hoàn toàn tự nhiên, với linh hồn bất tử nhưng không có ân sủng, cùng đích của chúng ta chính là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, giống như các triết gia ngoại giáo vĩ đại, chúng ta chỉ biết đến Người qua những sự hoàn hảo tồn tại trong các thụ tạo của Người. Đối với chúng ta, Thiên Chúa chỉ là Nguyên Nhân Đệ Nhất của vũ trụ, Trí Năng Tối Thượng [hay Thượng Trí] đóng vai trò cai quản công trình sáng tạo. Chúng ta hẳn đã yêu mến Người như Tác Giả của tự nhiên, bằng một tình yêu hướng lên cấp trên từ cấp dưới. Sẽ không có sự thân mật nào, nhưng chỉ có sự ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn, thay vì sự gần gũi và thân thuộc trong linh hồn của con cái Thiên Chúa. Khi ấy, chúng ta sẽ chỉ là những tôi tớ chứ không phải con cái của Thiên Chúa.
Cùng đích tự nhiên như vậy tự nó đã là một cái gì đó cao cả và có thể được tất cả mọi người theo đuổi và chiếm hữu. Hơn nữa, việc chiếm hữu Thiên Chúa về phía một người sẽ không cản trở việc chiếm hữu của người khác và cũng không tạo ra bất cứ chút ghen tị nào. Nó bao gồm một tri thức không thể tạo ra sự no thỏa, trong một tình yêu không thể rút kiệt tâm hồn. Tri thức tự nhiên này về Thiên Chúa sẽ để lại nhiều mầu nhiệm không được giải đáp liên quan đến cách thức mà trong đó, những sự hoàn hảo của Thiên Chúa liên hệ với nhau, chẳng hạn, giữa đức công bình tuyệt đối không lay chuyển với lòng thương xót dịu dàng vô biên. Trí tuệ con người không thể làm gì khác hơn là kêu lên: “Ôi! Ước gì tôi có thể nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của mọi sự thật và mọi sự tốt lành! Giá như tôi được chiêm ngưỡng Mặt Trời rực sáng, nơi phát sinh sự sống của công trình sáng tạo, ánh sáng của trí tuệ và năng lượng của ý chí!”
Câu trả lời của Mặc khải
Mục đích đích thực của chúng ta, theo Mặc khải, là nhận biết Thiên Chúa như Người biết chính Người, thấy Người diện đối diện như Người thấy chính Người, một cách trực tiếp chứ không qua các thụ tạo. Thiên Chúa không buộc phải cho chúng ta tham dự vào sự sống thân mật của Người, nhưng Người có thể làm như vậy và muốn làm như vậy nhờ lòng thương xót tinh tuyền.
Thánh Phaolô nói: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Điều mà những vĩ nhân và những bậc thầy về khôn ngoan phàm nhân của thế gian này không hay biết, thì “chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2,10). Thánh Gioan viết: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3), và “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2). Tác giả Thánh Vịnh giải thích: “Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Người, khi thức giấc, được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17,15).
Thị kiến diện đối diện này về Thiên Chúa trổi vượt vô cùng so với triết học, dù là loại triết học cao siêu nhất. Chúng ta được định sẵn để chiêm ngắm tất cả những sự hoàn hảo thần linh, tập trung và hòa hợp vào nguyên lý đệ nhất của chúng; để hiểu làm sao cùng một tình yêu lại mang đến sự sống cho cả lòng thương xót dịu dàng vô biên lẫn đức công bình tuyệt đối không lay chuyển, nhờ đó, hợp nhất trong chính mình những đặc tính có vẻ đối lập nhau. Chúng ta được định sẵn để thấy tình yêu này được đồng nhất như thế nào với đức khôn ngoan thuần khiết; để hiểu vì sao nó không chứa đựng những sự khôn ngoan không ở mức vô cùng, và làm thế nào mà mọi sự khôn ngoan đều được biến đổi thành tình yêu. Chúng ta được kêu gọi bước tới để thấy tình yêu này, thứ được đồng nhất với Sự Thiện Tối Thượng đã được yêu mến tự muôn đời, để thấy Đức Khôn Ngoan thần linh được đồng nhất với Chân Lý Đệ Nhất luôn được nhận biết. Chúng ta được kêu gọi chiêm ngắm tính đơn thuần tuyệt diệu của Thiên Chúa, sự tinh tuyền tuyệt đối, là mẫu mực của mọi sự hoàn hảo.
Liệu ai có thể kể được niềm vui mà một thị kiến như vậy sẽ mang lại nếu ngay bây giờ chúng ta đã bị mê hoặc (1) bởi sự phản chiếu những nét hoàn hảo của Thiên Chúa vốn chỉ được phân bổ cách rải rác dưới một thước đo hạn hẹp nào đó trong các thụ tạo của Người, (2) bởi vẻ quyến rũ của thế giới khả giác, (3) bởi sự hài hòa của màu sắc và âm thanh, và hơn thế nữa, (4) bởi sự chói lọi của linh hồn như đã được tỏ lộ nơi các vị thánh?
Sau cùng, chúng ta được mời gọi để thấy sự phong phú vô tận của Thần tính tự hữu trong Ba Ngôi; để chiêm ngắm diện đối diện sự phát sinh vĩnh cửu của Ngôi Lời, vẻ huy hoàng của Chúa Cha và hình ảnh của bản thể Người (Dt 1,3); để thấy được sự Nhiệm xuất khôn tả của Chúa Thánh Thần, dòng suối thiêng liêng, tình yêu thương qua lại giữa Chúa Cha và Chúa Con mà tự muôn đời, đã hiệp nhất Ba Ngôi trong sự tự trao hiến cho nhau tuyệt đối.
Một thị kiến như vậy sẽ tạo ra trong chúng ta một tình yêu mạnh mẽ và tuyệt đối dành cho Thiên Chúa đến độ không gì có thể tiêu diệt hay thậm chí làm giảm bớt nó. Nó sẽ tạo ra một tình yêu được xây dựng dựa trên sự ngưỡng mộ, tôn kính và biết ơn, nhưng trên hết, là dựa trên tình bằng hữu, với sự giản dị và thân thuộc mà tình yêu này giả thiết. Qua tình yêu như vậy, chúng ta sẽ vui hưởng trên hết mọi điều khác rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, rằng Người thánh thiện vô cùng, thương xót vô cùng, công chính vô cùng. Đó là tình yêu sẽ giúp chúng ta vâng nghe mọi mệnh lệnh từ sự Quan phòng của Người vì vinh quang của Người, thôi thúc chúng ta tuân theo những gì đẹp lòng Người để Người có thể ngự trị muôn đời trong chúng ta. Sự sống đời đời đối với chúng ta sẽ là được nhận biết Thiên Chúa như Người biết chính Người, yêu mến Người như Người yêu chính Người.
Con đường đi tới Vinh quang
Khi xem xét điều này một cách kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ thấy rõ rằng tri thức và tình yêu như vậy không thể được hiện thực hóa nơi chúng ta trừ khi trước tiên, Thiên Chúa thần hóa chúng ta trong sâu thẳm linh hồn theo một cách thức nào đó. Trong trật tự tự nhiên, con người có khả năng về tri thức trí tuệ và tình yêu được soi sáng, thứ vượt trên tình yêu thể xác, chỉ vì chúng ta có linh hồn thiêng liêng. Tình trạng này cũng tương tự trong trật tự siêu nhiên, nơi chúng ta không có khả năng có được tri thức thần linh và tình yêu thần linh trừ khi trước tiên, chúng ta nhận được điều gì đó thuộc về chính bản tính của Thiên Chúa, trừ khi linh hồn chúng ta đã được thần hóa một cách nào đó, nghĩa là được biến đổi trong Thiên Chúa. Sở dĩ những người được chúc phúc trên Thiên đàng có thể tham dự vào các hoạt động thần linh, vào chính sự sống của Thiên Chúa, chính xác là vì họ đã nhận được bản tính này từ Người, giống như người con nhận được bản tính từ cha của mình vậy.
Từ đời đời, Thiên Chúa tất yếu sinh ra một Người Con giống như Người, đó là Ngôi Lời. Người thông truyền, mà không phân chia hay nhân lên, cho Người Con ấy bản tính của Người; Người đưa Người Con ấy làm Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, sự huy hoàng của bản thể Người. Hoàn toàn nhưng không, Người đã mong muốn có những người con khác nữa trong thời gian, những người được gọi là con nuôi [hay dưỡng tử] thông qua một tư cách làm con [hay tử hệ] không phải chỉ theo nghĩa luân lý, nhưng chân thật, vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho thụ tạo bổ sung thêm một sự hoàn hảo mới. Người đã yêu thương chúng ta, và tình yêu sáng tạo này giúp chúng ta tham dự vào chính nguyên lý của sự sống thân mật nơi Người. Thánh Phaolô nói: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ở đây, chúng ta tìm thấy chính xác bản tính của vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những kẻ được Người yêu mến: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).
Những người được tuyển chọn sẽ trở nên thành phần của chính gia đình Thiên Chúa, khi họ bước vào nội giới của Ba Ngôi. Nơi họ, Chúa Cha sẽ sinh ra Ngôi Lời của Người; Chúa Cha và Chúa Con sẽ sinh ra Tình Yêu. Đức ái sẽ đồng hóa họ với Chúa Thánh Thần, trong khi thị kiến vinh phúc sẽ đồng hóa họ với Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng sẽ làm cho họ nên giống với Chúa Cha mà chính mình là sự biểu lộ. Khi đó, chúng ta sẽ có thể nói một cách chân thực rằng chúng ta nhận biết và yêu mến Ba Ngôi ngự trong chúng ta như trong một đền thờ vinh quang, và chúng ta sẽ ở trong Ba Ngôi, trên đỉnh cao của Hữu Thể, Tư Tưởng và Tình Yêu. Đây là vinh quang, đây là mục đích mà sự tiến bộ thiêng liêng của chúng ta hướng tới—vâng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa.
Căn tính nền tảng của Đời sống ân sủng cùng với Đời sống vinh quang
Đời sống thiêng liêng có thể hướng tới một mục đích cao cả vì nó giả thiết trong chúng ta hạt giống vinh quang, tức là một đời sống thiêng liêng siêu nhiên mà về cơ bản, được đồng nhất với sự sống vĩnh cửu.
Quả sồi không thể trở nên cây sồi trừ khi nó cùng loài và về cơ bản, có cùng sự sống với cây đã trưởng thành; đứa trẻ không thể trở nên người trừ khi nó đã sở hữu bản tính người, mặc dù ở tình trạng không hoàn hảo. Tương tự như vậy, Kitô hữu dưới thế không thể trở nên một trong những người được chúc phúc trên Thiên đàng trừ khi trước đó, họ đã nhận được sự sống thần linh. Để hiểu thấu đáo bản chất của quả sồi, chúng ta tất yếu phải xem xét bản chất đó trong tình trạng hoàn hảo nơi một cây sồi. Cũng vậy, nếu chúng ta muốn hiểu bản chất của đời sống ân sủng nơi mình, chúng ta phải coi nó như một dạng phôi thai của sự sống vĩnh cửu, như chính hạt giống vinh quang, semens gloriae. Về cơ bản, đó là cùng một sự sống thần linh, tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý tới hai điểm khác biệt. Ở đời này, chúng ta chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa một cách mờ nhạt qua đức tin, chứ không phải trực tiếp qua ánh sáng thị kiến. Hơn nữa, do sự bất nhất của ý chí tự do, chúng ta có thể đánh mất sự sống siêu nhiên ở đời này, trong khi trên Thiên đàng, điều đó không thể bị mất. Ngoại trừ hai điểm khác biệt này, vẫn là cùng một sự sống thần linh. Chúa Thánh Thần đã phán qua miệng Ngôn sứ Êdêkien (Ed 36,25-26): “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch... Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.” Với người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã nói: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38). “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36); “vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Cũng giống như hạt cải, men trong bột hay kho báu cất giấu trong thửa ruộng, Nước Trời về bề ngoài cũng không có vẻ gì nổi bật. Tuy nhiên, về cơ bản, đời sống ân sủng đã giống với sự sống trên Thiên đàng. Chính Chúa Giêsu đã nói như vậy.
Chắc chắn rồi, khi ở trần gian, chúng ta không thể thấy Thiên Chúa bằng một thị kiến rõ ràng, tuy nhiên, thực sự Người chính là Đấng mà chúng ta chạm tới bằng đức tin, bởi lẽ chúng ta tin rằng lời của Người đã mặc khải cho chúng ta sự thâm sâu của Thiên Chúa. “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí. Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (1 Cr 2,12-14). “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
Chắc chắn rằng sự sống siêu nhiên nơi chúng ta, hay ân sủng, có thể bị đánh mất, nhưng điều đó phát xuất từ việc chúng ta có thể đi lạc và thất bại trong việc gìn giữ nó. Tuy nhiên, bản thân ân sủng, hay đức ái trong chúng ta, thì hoàn toàn không thể hư hoại, giống như nước suối có thể giữ được trong một khoảng thời gian vô định miễn là bình chứa bên ngoài không bị vỡ, hay như một lực tác động sẽ không bao giờ ngừng hoạt động chừng nào các khí cụ mà nó sử dụng còn hoạt động. “Tình yêu mãnh liệt như tử thần” (Dc 8,6). Tựa cái chết, tình yêu mãnh liệt và không gì có thể cưỡng lại được. Nhiệt huyết của nó là ngọn lửa, ngọn lửa của Đức Chúa. “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,7). Nó chiến thắng cả những cuộc bách hại, những cực hình khủng khiếp và những quyền lực của hỏa ngục. Chúng ta cũng sẽ bất khả chiến bại nếu chúng ta để cho tình yêu này thấm nhập mình. Không có thế lực thụ tạo nào có thể vượt qua chúng ta.
Vì vậy, tình yêu này đồng nhất với tình yêu của Thiên đàng. Nó giả thiết rằng chúng ta “được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13); rằng chúng ta là con cái và bạn hữu của Thiên Chúa chứ không phải chỉ là những tôi tớ của Người; rằng ngay ở đời này, chúng ta đã tham dự vào chính bản tính và sự sống vô hạn của Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,9). Chúng ta nói đến tư cách con nuôi nhưng là con thực sự, bởi vì tình yêu nhưng không của Thiên Chúa hoạt động cách chủ yếu trong quan hệ với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên giống Người, công chính và thánh thiện trước mặt Người và xứng đáng được hưởng sự sống đời đời.
Chúa Thánh Thần trong chúng ta
Bây giờ, chúng ta đã có thể hiểu tại sao mặc khải dạy chúng ta rằng trong tình trạng hiện tại, Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chắc chắn rằng trên Thiên đàng, toàn thể Ba Ngôi ngự trong linh hồn người được chúc phúc như trong đền thờ vinh quang, nơi Ba Ngôi được nhận biết và yêu mến. Mặt khác, mặc khải không nói rằng Ngôi Lời ngự trong chúng ta ở trần gian này, vì Người chưa được biểu lộ cho chúng ta như là Ngôi Lời, là Sự Vinh Quang của Chúa Cha. Tương tự như vậy, chúng ta không nói rằng Chúa Cha, Nguyên Lý của Chúa Con, ngự trong chúng ta, nhưng chúng ta nói điều đó về Chúa Thánh Thần, về Tình Yêu Bản Thể. Qua Tình Yêu này, Thiên Chúa đã biến chúng ta thành con cái của Người. Trên thực tế, trong tình trạng hiện tại của chúng ta, đức ái, đồng nhất với đức ái của Thiên đàng, đồng hóa chúng ta với Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần, nguyên lý của đức ái, giống như tâm hồn của tâm hồn chúng ta, nguồn mạch ban sự sống giúp đổi mới và thánh hóa sự sống của chúng ta. Người an ủi chúng ta trong những đau khổ của kiếp sống lưu đày, không ngừng lôi kéo chúng ta lại gần hơn với sự sống vĩnh cửu của Ngôi Lời, đồng thời, luôn làm cho chúng ta thêm phần giống với Chúa Con, Đấng sẽ đồng hóa chúng ta với Cha trên trời cách dứt khoát.
Vì thế, Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và làm cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người. Chúng ta nhận thức được Chúa Thánh Thần bằng một tri thức kinh nghiệm hoàn toàn ngập trong tình yêu phát xuất từ ơn khôn ngoan. Chúa Thánh Thần ở với chúng ta như bạn hữu, một người bạn mạnh mẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng luôn quan tâm đến những vết thương luân lý của chúng ta, củng cố và nâng đỡ chúng ta: Đấng An Ủi, Đấng Ban Sự Sống, Đấng Đổi Mới, Đấng Thánh Hóa.
Bằng cách này, Thiên Chúa ngự trong con thơ trẻ nhỏ, trong khi Người không ngự trong những triết gia ngoại giáo vĩ đại nhất. Người vui thích làm cho sự hiện diện của Người được cảm nhận trong tâm hồn của những Kitô hữu khiêm nhường hơn cả, trong khi Người không làm cho nhà thần học say mê với khoa học trừu tượng và suy lý của mình cảm nhận được Người.
Hãy nhìn xem hạt cải trong chúng ta! Giá như chúng ta hiểu được ơn của Chúa! Ước gì chúng ta hiểu, như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta (x. 1 Cr 13,2), rằng nó trổi vượt ơn nói tiên tri, ơn làm phép lạ, hay khoa học về các thiên thần! Những phép lạ và những lời tiên tri chỉ là những dấu chỉ cho phép con người nhận ra lời Chúa, trong khi ân sủng và đức ái thì làm cho chính Thiên Chúa có thể sống trong chúng ta và làm cho chúng ta sống với tình yêu của Người, qua đó, đưa chúng ta đến ngay sự sống đời đời. Vì đó là nguyên lý của mọi công phúc, nên mọi việc làm không phát xuất từ nó đều bị tiêu hủy mà không đem lại hoa trái cho ơn cứu độ. Đó là sự tiến bộ, là sự phát triển của hạt giống với mục đích đã được xác định mà chúng ta phải biết. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem xét những trở ngại có thể gây nguy hại hoặc ngăn cản hoàn toàn sự phát triển của nó.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được giá trị vô tận của sự sống đời đời mà Chúa đã đặt để trong chúng con. Hãy gieo vào lòng chúng con nỗi gớm ghét sâu sắc đối với sự dữ, thứ có thể khiến chúng con đánh mất tâm hồn. Xin chỉ dạy cho chúng con một con đường thực hành về cách mà sự sống ấy phải lớn lên trong chúng con, để chúng con có thể trở nên giống Chúa và xứng đáng được gọi là anh em và bạn hữu của Chúa trong Nước Trời.