Chương II. Tội

Kẻ yêu CHÚA, hãy ghét điều gian ác.” — Tv 97,10


Như vậy, chúng ta đã thấy cùng đích của cuộc sống, mục đích của sự tiến bộ thiêng liêng của con người, là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời Thiên Chúa, là tham dự vào sự sống thân mật của Con Một và vĩnh cửu, trong vinh quang của thị kiến. Bây giờ, chúng ta phải xét xem điều gì có thể chia cắt chúng ta với mục đích này, điều gì không những ngăn cản chúng ta đạt được nó, nhưng còn đẩy chúng ta vào vực thẳm của những nỗi khốn cùng ở mức độ khôn tả như vinh quang mà nó đã tước đoạt của chúng ta.

Chướng ngại

Điều làm chúng ta chệch hướng khỏi cùng đích là tội. Một cách thích đáng, chúng ta có thể tự hỏi: liệu mình có gớm ghét tội giống như Thiên Chúa không? Chúng ta có cố gắng hết sức để hiểu rằng sự gớm ghét như vậy, vốn đã tạo ra hỏa ngục, tất yếu phải phát xuất từ tình yêu mắc nợ với Thiên Chúa, và rằng sự gớm ghét đó phải sâu sắc, mãnh liệt và không có giới hạn như chính tình yêu này không?

Để ghét sự dữ, chúng ta cần phải biết sự dữ là gì. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ có tri thức bằng ngôn từ và hời hợt về nó. Chúng ta dạy trẻ nhỏ định nghĩa giáo lý sau đây: “Tội là sự lỗi luật Chúa; nếu là tội trọng, nó sẽ khiến linh hồn phải chết, cái chết đời đời. Tất cả sự dữ trên thế gian này cũng chẳng là gì khi so với chỉ một tội trọng duy nhất.”

Thế gian không tin vào giáo lý này, vốn đến từ Thiên Chúa. Họ không tin rằng tội là sự dữ tồi tệ nhất. Đối với thế gian, sự dữ thực sự phải là bệnh tật, lao phổi, bại liệt, đau yếu đủ thứ, nghèo đói, tàn tạ. Trái lại, trong mắt họ, kiêu ngạo không phải sự dữ; đúng hơn, nó thậm chí còn là thứ cần thiết để con người có được thành công. Một cuộc sống đắm chìm trong lạc thú hay biếng nhác không phải là sự dữ đối với những người có đủ giàu sang để sống như vậy. Việc lãng quên Thiên Chúa không phải sự dữ. Trên thực tế, theo thế gian, Thiên Chúa hoàn toàn dửng dưng với những việc tôn thờ và phụng sự của chúng ta, Người xa xôi vô cùng và không chút mảy may trước những nỗi khốn cùng của chúng ta. Chúng ta không muốn làm mất lòng Chúa. Chúng ta chỉ tìm kiếm thú vui cho riêng mình. Hơn nữa, sự dữ dội của đam mê và các trạng huống đời sống giúp chúng ta trốn thoát khỏi tội. Theo cách này, thế gian kết thúc với việc phủ nhận chính hiện hữu của tội.

Phải chăng tinh thần thế gian này không có ảnh hưởng gì đối với chúng ta, khi chúng ta đôi lúc nói về tội nhẹ có chủ ý như thế gian nói về tội trọng? Trong việc giải thích câu trả lời của giáo lý, có lẽ không quá cực đoan khi nói rằng tội trọng giống như những loại bệnh tật tấn công vào các cơ quan trọng yếu của cơ thể, như đầu hoặc tim, trong khi tội nhẹ tương tự như các bệnh làm tê liệt các chi thể và cơ quan đóng vai trò không tới mức không thể thiếu cho sự sống, chẳng hạn như tai và mắt.

Người phạm tội trọng hoàn toàn tách mình ra khỏi nguyên lý của sự sống siêu nhiên, tức Thiên Chúa. Anh ta bị cắt đứt khỏi cùng đích của mình, hay có thể nói, đã tự sát trong trật tự siêu nhiên. Trong khi đó, người phạm tội nhẹ sẽ cản trở hành động của Thiên Chúa được thực hiện cách tự do trên mình và dần dần, hủy hoại sức khỏe siêu nhiên của bản thân giống như người nghiện rượu hủy hoại sức khỏe của cơ thể. Mặc dù không hoàn toàn từ bỏ con đường dẫn đến Thiên Chúa, tuy nhiên, chúng ta vẫn tự cản trở hành trình của mình và tiêu tốn năng lượng bằng những sự trì hoãn tầm thường thay vì tiến thẳng về phía trước với sự mau lẹ. Tội nhẹ có chủ ý ở đây có thể là khoe khoang, nói xấu, nói dối, lười biếng và mê dâm dục. Một số tu sĩ phạm phải những tội như vậy theo cách hết sức dễ dàng trong mọi dịp. Mặc dù đã đọc được từ các tác giả thiêng liêng rằng tội nhẹ là một sự dữ tệ hơn bất cứ sự dữ thể lý nào, nhưng họ chưa nắm bắt được đầy đủ ý nghĩa của nó và chỉ định hình cho mình một quan niệm hết sức hời hợt. Vì thế, họ cảm thấy không mấy gớm ghét những sự dữ như vậy. Khi phạm tội, họ không thực sự ăn năn. Họ rơi vào tình trạng hâm hẩm ở nhiều mức độ khác nhau. Đó là một loại đầm lầy, nơi có sự gặp gỡ liên tục giữa không khí trong lành đổ xuống từ trên cao với những làn hơi độc hại trào lên từ âm phủ. Chúng ta sẽ cố gắng đi tìm ý nghĩa sâu sắc trong giáo lý của Chúa về tội và gớm ghét tội như Chúa đòi hỏi bằng cách cố gắng hiểu sự hiểm ác của nó cùng với hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.

Sự hiểm ác của tội

Về cơ bản, tội là sự bất tuân luật Chúa. Vậy bất tuân đối với Chúa có nghĩa là gì? Kinh Thánh dạy chúng ta rằng tội là sự điên rồ, hèn hạ, là kiểu vô ơn, bất công và xúc phạm tồi tệ nhất. Tội là một hành vi xúc phạm mà sức nặng của nó là vô hạn theo một nghĩa nào đó. Tất cả những điều này đều đúng, dù nói đến tội trọng hay tội nhẹ có chủ ý. Chúng ta nên cầu xin Chúa để Người giúp chúng ta hiểu thấu đáo điều này.

Trước hết, tội là sự điên rồ. Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định rằng những người mà thế gian cho là khôn ngoan đều là những kẻ điên rồ trước mặt Thiên Chúa. Sự khôn ngoan mà thế gian dùng để bào chữa và biện minh cho sự cứng tin, kiêu ngạo, lười biếng và ham muốn, là điên rồ. “Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 3,19). Xét rằng Thiên Chúa đã rủ thương với lòng nhân từ vô hạn, khi chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến hạnh phúc—“hãy học để nhận biết Ta, yêu mến Ta và phụng sự Ta, thì các con sẽ được sự sống đời đời”—chẳng phải chúng ta cũng điên rồ lắm sao, nếu chúng ta từ chối đi theo những gì Người đã chỉ dẫn? Chúng ta được tạo ra là để nói “vâng” trước lời kêu gọi của Thiên Chúa. Nhưng thay vì như thế, chúng ta nói “không.” Bởi vậy, trong khi Thiên Chúa muốn kéo chúng ta đến gần với Người, thì chúng ta lại tự mình tránh xa Người.

Con người thế gian lao vào những thú vui nhất thời của mình. Anh so sánh và đối chiếu những của cải tồi tàn của mình với Thiên Chúa và trong thực tiễn, qua đời sống và cách hành động của mình, anh không ngần ngại khẳng định rằng những thứ vô nghĩa đó đáng giá hơn Thiên Chúa, hơn tình bạn và sự sống đời đời của Người. Đã bao lần anh nói: “Chúa cấm nhưng tôi vẫn cứ làm! Thì sao?” Như thể anh muốn nói: “Nhục dục đáng giá hơn Chúa; tiền bạc, sự trả thù, danh dự đáng giá hơn Người; sự xét đoán của tôi hơn của Người, ý chí thất thường nhỏ bé của tôi còn hơn thánh ý vô cùng thánh thiện của Đấng Tối Cao.” Chúng ta đặt ý muốn trẻ con của mình chống lại ý muốn của Thiên Chúa, và nó đã chiến thắng. Đây không phải là sự điên rồ sao? Nó là sự điên rồ nhất thời, nhưng có thể trở thành thói quen và sau đó, tạo ra sự tăm tối hay mù quáng hoàn toàn về mặt thiêng liêng. Quả là một sự mù quáng, khi không chút do dự, sự thiện nhất thời lại được chuộng hơn sự thiện vĩnh cửu, trái cây có độc lại được chuộng hơn bánh sự sống, trong khi đó, tội nhân sau cùng sẽ đánh mất ý thức về việc làm điều dữ. Vì thế, các tội nhân “có mắt mà không nhìn, có hai tai mà chẳng thể nghe chi” (Tv 135,16-17) và họ “làm điều gian ác như uống nước lã” (G 15,16).

Một tội nhẹ có chủ ý phạm bởi một linh hồn đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, theo cách riêng của nó, là sự điên rồ, stultitia. Từ Latinh stultitia mà Kinh Thánh sử dụng có một ý nghĩa trong trật tự siêu nhiên đối lập với khôn ngoan, ơn khôn ngoan, cũng như từ “khốn cùng” diễn tả sự đối lập hoàn toàn với mối phúc siêu nhiên. Thật vậy, đức khôn ngoan xét đoán mọi sự trong tương quan của chúng với Thiên Chúa và phần rỗi cho các linh hồn, trong khi sự điên rồ xét đoán tất cả, kể cả Thiên Chúa, trong tương quan với chính chúng ta và những gì phát xuất từ bản tính yếu đuối thấp hèn của chúng ta, cụ thể là những đố kỵ nhỏ nhen và những tham vọng cá nhân, việc tìm kiếm tiện nghi và thỏa mãn nhất thời.

Một sự xét đoán vội vàng, một lời nói cứng cỏi làm tổn thương và chia rẽ linh hồn một người anh em khỏi chúng ta là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa và không chút cường điệu, tạo ra một sự mất mát tạm thời thói quen đức tin, giống như một cuộc tấn công điên cuồng của kẻ mất trí. Thay vì nhìn linh hồn người thân cận dưới ánh sáng đức tin và ánh sáng của Chúa Thánh Thần ngự trong họ, chúng ta nhìn họ dưới ánh sáng tự nhiên và thuần túy cảm giác, thứ khiến chúng ta thấy ngay một khía cạnh trong tính khí của họ đối nghịch với chúng ta. Sự đối lập như thế, thường là về thể lý và mang tính chất thể, sẽ trở thành tiêu chuẩn tối cao cho sự xét đoán của chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa, đó là hành vi sai lạc và đáng bị gọi là điên rồ. Sự xét đoán tự nhiên và nóng nảy đã làm lu mờ sự xét đoán siêu nhiên đúng đắn của chúng ta, giống như ở người điên, trí tưởng tượng được bệnh nhân sử dụng thay cho lý trí. Chúng ta vào tu viện để giúp xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, Giêrusalem Thiên Quốc, thành trì của các linh hồn, nhưng thay vào đó, chúng ta lại làm việc để gây chia rẽ và hủy hoại các linh hồn.

Thiên Chúa đã phán với chúng ta: “Hỡi con, hãy trung thành tuân giữ luật dòng, trọn vẹn chứ không chỉ một phần. Hãy phục tùng các bề trên của con, là những người đại diện cho Ta. Hãy sống khiêm nhường, bác ái, và Ta sẽ ban cho con sự thánh thiện, thói quen cầu nguyện, sự kết hiệp liên lỉ và bất khả phân ly với Con của Ta, Đấng đã chết vì yêu thương các con, Đấng dịu dàng tìm kiếm linh hồn các con và mong muốn trọn vẹn linh hồn các con cho chính Người. Ta sẽ biến linh hồn con thành người phối ngẫu của Người và cuộc hôn nhân thiêng liêng này sẽ thân mật đến mức sự kết hiệp trần thế sẽ chỉ là biểu tượng và hình bóng.” Đây là điều Chúa hứa. Tuy nhiên, chúng ta nói, không phải bằng lời nói mà bằng việc làm: “Lạy Chúa, con không muốn sự thánh thiện mà Chúa hứa ban, con không muốn kết hiệp liên lỉ với Chúa Kitô. Hãy để con sống trong sự tầm thường, hâm hẩm; như thế thì tốt hơn cho con.”

Đây là tội nhẹ có chủ ý, sự điên rồ thực sự trong trật tự siêu nhiên. Sự điên rồ như vậy có thể trở thành thói quen và kết thúc bằng sự tăm tối của tinh thần, khiến chúng ta chỉ còn nhìn thấy những khía cạnh bề ngoài, vật chất, chán ngán và khó chịu của việc thực hành đời sống tu trì. Dần dần từng chút một, nó khiến chúng ta mất đi sự hiểu biết về những gì thần linh. Những lời cảnh báo mà Sự Quan Phòng của Chúa gửi đến cho chúng ta sẽ trôi qua mà không được đếm xỉa. Và giống như con người thế gian, chúng ta cũng “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe,” và thậm chí, khi không nhận thức được điều đó, chúng ta phạm tội nhẹ giống như uống nước lã.

Tội không chỉ là sự điên rồ, một sự dữ nơi trí tuệ. Trên hết, nó còn là sự hèn hạ, một sự dữ sâu sắc trong ý chí của chúng ta. Thật vậy, dù mù quáng đến đâu, lương tâm của tội nhân vẫn ý thức được rằng hành động mình sắp thực hiện là trái với luật Chúa, trái với lợi ích của chính mình, trái với điều tốt đẹp hơn và cao quý hơn nơi mình, với lý trí đúng đắn, với ánh sáng đức tin, và với đức ái. Anh ta nhượng bộ trước cám dỗ và không còn hãm mình để muốn điều thiện nữa. Đã bao lần chúng ta được nghe các tội nhân nói rằng: “Vâng, con ý thức rõ rằng con hy sinh phần lớn thời gian, năng lượng, sức khỏe và của cải của mình cho đam mê đáng trách này. Ý chí của con đã suy yếu và con đang đánh mất phẩm giá và tư cách của mình. Con biết đó là điều điên rồ nhưng con không thể làm khác được.”

Đôi khi, chúng ta cũng nghe thấy những câu trả lời như thế trong các tu viện: “Con không thể làm khác được. Có phải cha muốn con giống như một đứa con dưới quyền vị bề trên này, người không trân trọng bất cứ việc gì con nghiêm túc làm, người không thích con, người không quan tâm đến con? Con không thể! Có phải cha muốn con yêu thương tu sĩ đó như một người anh em, trong khi anh ta ghen tị với con và tìm mọi cách để hạ nhục con? Con không thể! Có những sự xung khắc không thể chế ngự được!”

“Con không thể!” Hay đúng hơn, chúng ta nên nói: “Con không muốn; ý chí của con quá yếu.” Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ cầu nguyện, xin Chúa ban ơn để chiến thắng những chướng ngại cản trở chúng ta thi hành bổn phận của mình. Thiên Chúa không thể từ chối ban ân sủng này cho chúng ta, vì Thiên Chúa tuyệt đối không thể từ chối những gì cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta. “Con không thể!” Vậy thì việc Rước lễ, Tha tội và mẫu gương của các thánh nhằm mục đích gì?

Tôi kết luận với sự chắc chắn tuyệt đối nhất rằng chúng ta có thể nhưng chúng ta không muốn vì sự hèn nhát của mình. Kẻ hèn nhát sợ ánh sáng, họ tìm kiếm bóng tối. Trên thực tế, chính sự hèn nhát của họ đã làm gia tăng bóng tối. Người tu sĩ hâm hẩm không muốn nắm bắt sự cao cả của lý tưởng đời tu bởi vì họ không muốn thực hiện nó. “Anh ấy từ chối hiểu rằng mình nên sống đúng.”

Tội không chỉ là sự điên rồ và hèn hạ, nhưng xét trong mối quan hệ với Thiên Chúa, nó còn là sự vô ơn tồi tệ nhất, sự bất công ghê gớm nhất và sự xúc phạm nghiêm trọng nhất. Thiên Chúa là Người Cha đã ban cho chúng ta tất cả: hiện hữu, sự sống, trí tuệ, lương tâm để phân biệt điều thiện và điều dữ, ý chí để chọn điều thiện và tâm hồn yêu mến điều thiện. Để bày tỏ cho chúng ta tình yêu của Người, Thiên Chúa đã ban Con Một cho chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta trên Thánh giá; Người phục hồi lại ân sủng giúp chúng ta trở nên bạn hữu của Người; Người kêu gọi chúng ta bước tới một ơn gọi đặc biệt là sống trong sự thân mật của tình yêu với Người ngay cả khi vẫn còn ở trần gian; và Người mời gọi chúng ta Hiệp thông mỗi ngày, bao bọc chúng ta bằng muôn ngàn ân sủng bên trong. Thay vì cảm ơn Người, chúng ta lại tự đẩy mình ra xa Người. Chúng ta thậm chí còn đi đến chỗ cố ý coi thường những ân sủng Người ban, thậm chí cả tình bạn của Người. Đôi khi, chúng ta quên rằng mình đã nhận được tất cả từ Người. Chúng ta khoe khoang về trí tuệ và tài năng nhỏ bé của mình; chúng ta cố tình quý chuộng bản thân hơn người khác; chúng ta buông mình cho một tình bạn dựa quá nhiều vào cảm giác, từ đó, xúc phạm đến tình bạn với Thiên Chúa và làm phiền lòng Người Bạn yêu dấu của chúng ta. Vết thương gây ra trên trái tim Thiên Chúa như vậy khiến chúng ta dửng dưng và nguội lạnh. Đây là lòng biết ơn theo kiểu gì?

Tội cũng là sự bất công, bởi lẽ những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta vẫn là của Người. Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, có toàn quyền đối với sự sống của chúng ta. Là Chúa Tể Tối Cao, Người có quyền chiếm hữu tâm trí và tâm hồn chúng ta, quyền này, vốn hoàn toàn cao hơn bất cứ quyền sở hữu tài sản nào của chúng ta, vẫn có tính ràng buộc ngay cả khi chúng ta quên nó. Người sở hữu quyền này một cách tuyệt đối đến độ chính Người sẽ không còn là Thiên Chúa nữa nếu Người từ bỏ nó. Chẳng hạn, Người có quyền yêu cầu chúng ta không được nói những lời dối trá, vu khống bất kỳ ai, hoặc vi phạm dù chỉ một lỗi nhỏ về tính nết na; tuy vậy, chúng ta lại mong muốn sở hữu quyền này. Tất cả sự vĩnh cửu cũng sẽ không đủ để sửa chữa sự bất công ghê gớm của chúng ta đối với Thiên Chúa.

Mọi sự bất công quan hệ tới Thiên Chúa đều chứa đựng trong nó một sự hiểm ác đặc biệt; đó là một vết thương và một sự xúc phạm. Sự vu khống và phán xét vội vàng xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta; phát ngôn thiếu kiên nhẫn và giận dữ, sự không phục tùng đối với bề trên của chúng ta, người đại diện cho Chúa, là một sự xúc phạm đến chính Chúa. Theo một nghĩa nào đó, vết thương này là vô hạn vì nó chống lại sự uy nghi vô hạn của Thiên Chúa, nó từ chối thừa nhận các quyền tuyệt đối và vĩnh cửu của Người, nó ưa chuộng sự thỏa mãn nhất thời hơn là Người. Vì Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi, nên chúng ta xúc phạm trực diện tới Người, như khi đứa con ngỗ nghịch xúc phạm thẳng vào mặt cha mẹ. Thậm chí hơn nữa, đó không chỉ là sự sỉ nhục được thực hiện trước mặt Người, nhưng còn trong Người, vì chính Thiên Chúa là Đấng duy trì và bảo tồn sự hiện hữu của chúng ta. Do đó, chúng ta hướng trí tuệ và tâm hồn mình chống lại Thiên Chúa, trong khi Người tiếp tục ban cho chúng ta năng lực để suy nghĩ, sống, ước muốn và nói năng.

Tội nhẹ

Chỉ có các vị thánh mới có thể cho chúng ta biết tất cả sự dữ mà tội nhẹ có chủ ý chứa đựng trong nó. Tuy nhiên, ngay cả các vị ấy cũng không nắm được hết ý nghĩa của nó, tất cả những ảnh hưởng của nó đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu và đối với linh hồn.

Người ta hay nói tội nhỏ, tội nhẹ, tội không đáng kể. Chúng ta nên lưu ý để không rơi vào lỗi này. Ngay cả tội nhẹ nhất cũng là một sự dữ tệ hơn mọi đau khổ, mọi nỗi ô nhục, mọi sự tàn tạ và mọi sự dữ đơn thuần mang tính thể lý. Tất cả các vị thánh đều khẳng định điều này. Với Thánh Tôma, đó là một sự dữ quá lớn đến độ sự hỗn loạn mà tội nhẹ gây ra, theo một nghĩa nào đó, còn lớn hơn sự hỗn loạn gây bởi tội nguyên tổ (x. Commentary on the Sentences, II, d. 33, a. 1 ad 2).

Chắc chắn tội nhẹ không gây ra hậu quả tức thời là đánh mất Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó nghiêm trọng hơn tội tự nhiên theo nghĩa rằng, qua nó, chúng ta hành động chống lại Thiên Chúa, chúng ta cố ý xúc phạm đến Người, vì thế, dù không đáng khiến Người gớm ghét, nhưng nó đủ làm cho Người giận dữ—cơn giận này không thỏa hiệp với sự dữ.

Điên rồ, hèn hạ, vô ơn, xúc phạm, đó là tội, bất kể loại tội nào, dù tội trọng hay tội nhẹ. Những gì đã nói ở trên hẳn là đủ để khiến chúng ta ghét nó, khiến chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa ghê tởm nó đến mức nào và tình yêu vô cùng nhạy cảm của Người bị tổn thương bởi nó ra sao. Tội của một tu sĩ thì càng nghiêm trọng hơn và là thứ gì đó giống như tội của thiên thần hay của Giuđa, vì người ta phạm phải nó với một sự hiểu biết đầy đủ.

Hậu quả của tội nhẹ

Để thấu hiểu đầy đủ hơn mức độ nghiêm trọng của tội nhẹ, đặc biệt là tội nhẹ có chủ ý, chúng ta phải xem xét hậu quả của nó, nghĩa là nhìn thấy tất cả những sự dữ mà nó tạo ra nơi linh hồn chúng ta trong hiện tại và những gì nó gieo rắc cho tương lai, hậu quả của nó ở dưới thế và sau khi chết.

Trong hiện tại, ngay lúc chúng ta mắc phạm, tội nhẹ tước đi ân sủng quý giá của linh hồn. Trong khoảnh khắc đó, ân sủng đã được ban cho chúng ta để tiến bước trong sự hoàn thiện, trong việc sống theo đức ái, lòng nhiệt thành và sự siêng năng, bị tước đoạt. Nếu xứng hợp, công phúc của chúng ta hẳn sẽ gia tăng và chúng ta sẽ không ngừng được chiêm ngưỡng Thiên Chúa cách ngày càng mãnh liệt, diện đối diện. Chúng ta sẽ yêu mến Người nhiều hơn. Nhưng giờ đây, ân sủng ấy đã bị đánh mất do sự chểnh mảng, lười biếng và đức ái hạn hẹp của chúng ta.

Bạn sẽ nói: “Nhưng con có thể tìm được thời điểm khác, dịp khác để lấy lại những điều tốt mà con đã đánh mất.” Câu trả lời là: “không.” Bạn sẽ không thể lấy lại được dù chỉ một phần tư giờ mà bạn đã lãng phí. Ngay cả Thiên Chúa, với tất cả quyền năng của Người, cũng không thể khôi phục được nó. Ân sủng này, thứ quý hơn vũ trụ ngàn lần, đã vĩnh viễn mất đi. Đúng là ân sủng thánh hóa nơi bạn không hề giảm bớt mà vẫn ở mức độ như cũ. Tuy nhiên, tội nhẹ làm hạn chế quyền tự do hành động của nó và có thể gieo mầm mống khiến nó lụi tàn.

Tội nhẹ không hủy diệt đức ái nhưng làm tê liệt hoạt động và sự phát triển của nó, ngăn nó xuất hiện và khiến nó trở nên lạnh nhạt. Nó không giết chết linh hồn, nhưng làm cho linh hồn không còn năng lực và năng lượng để làm điều thiện. Nó khiến lòng nhiệt thành hướng về tình yêu Thiên Chúa bị suy giảm, đôi mắt linh hồn nên tăm tối và thị kiến về Thiên Chúa bị che mờ, giống như sự tê liệt một phần cơ thể, dù không tước mất mạng sống, nhưng đôi khi, khiến chúng ta không còn có được sự tự do trong việc di chuyển.

Tội nhẹ thường tước khỏi chúng ta những ân sủng quý giá trong tương lai. Vậy phải chăng từ nay Thiên Chúa sẽ bớt tử tế và ít giao tiếp hơn với chúng ta? Không, chính chúng ta mới là người thay đổi. Những ân sủng mà chúng ta từ chối do lỗi lầm của mình sẽ quay trở lại trong lòng Thiên Chúa, hay chính xác hơn, chúng lại được đổ xuống trên các linh hồn khác. Tài năng của chúng ta sẽ được trao cho những người biết cách làm nó sinh hoa trái. Vì thế, ánh sáng thần linh trở nên kém sống động đối với chúng ta, những lời mời gọi của ân sủng cũng ít thường xuyên hơn, ít mãnh liệt hơn và ít đem lại chiến thắng hơn.

Nếu hôm nay chúng ta lãng phí thời giờ vào những cuộc chuyện trò vô bổ, hoặc cho phép mình nổi giận vô cớ, thì ngày mai Thiên Chúa sẽ tước đi ánh sáng của Người trong giờ cầu nguyện. Ánh sáng và năng lượng lẽ ra sẽ thánh hóa chúng ta sẽ bị lấy đi vì những lỗi lầm có chủ ý và lặp đi lặp lại của chúng ta. Chẳng hạn, nếu chúng ta cố ý và lặp đi lặp lại việc tuân theo những phán xét vội vàng, đức ái của chúng ta sẽ dần mất đi sức sống. Đôi khi, những tội nhẹ lặp đi lặp lại sẽ gián tiếp kéo chúng ta sa vào tội trọng. Trong khi các ân sủng ngày càng hiếm hoi, thì những khuynh hướng xấu lại chiếm thế thượng phong và ân sủng thánh hóa ngự trong tâm hồn chúng ta sẽ dần dần mất đi sự tự do để hành động. Trí tuệ bị bóng tối đè nặng, ý chí trở nên yếu nhược, tâm hồn hóa ra chai cứng và chúng ta ngày càng chìm đắm sâu hơn trong sự nguội lạnh. Những cám dỗ của kẻ thù ngày càng trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Chúng ta trở nên xa cách với một người anh em do liên tục đưa ra phán xét vội vàng nhắm vào họ. Ngày này hay ngày khác, sự đố kỵ và ghen tị sẽ chiếm phần nhiều đến mức đức ái bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thánh Têrêsa Avila nói rằng: “Chúng ta bắt gặp ở cư sở này một số loài rắn độc có thể gây chết người. Trong những đầm lầy này, có những cơn sốt làm linh hồn trở nên suy yếu cách khó tin và có thể khiến nó bị chết.” Thật vậy, chúng ta rơi vào trạng thái hâm hẩm nguy hiểm và trong tình trạng đó, tội trọng có thể khiến chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta có thể phạm phải nó mà hầu như không cần để ý. Về người hâm hẩm, Kinh Thánh viết: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15-16). (Về tình trạng hâm hẩm của các tu sĩ, xem: Thánh Catarina thành Siêna, Dialogue, “Tract on Obedience,” ch. 162, 1-5.)

Mặc dù chúng ta nhận thấy rằng Lòng thương xót Chúa có thể ngăn chúng ta đi vào con đường ít nhiều có ý thức dẫn đến tội trọng, nhưng tội nhẹ, khi chưa được đền bù cân xứng ở đời này, vẫn gây ra một số hậu quả sau khi chết, chúng đáng sợ đến mức chúng ta không thể lờ đi được, tức là một luyện ngục có thể rất dài và khủng khiếp.

Luyện ngục

Luyện ngục là nơi tạm thời khuyết đi sự thiện lớn nhất, đó là diện kiến tôn nhan Chúa. Đây là trạng thái bị bỏ rơi mà trong đó, linh hồn, đang chìm ngập trong màn đêm đen tối nhất, bị cắt đứt liên lạc với bất cứ thụ tạo nào, nó dường như nằm lơ lửng giữa Trời và đất, giữa thế gian mà nó đã bỏ lại phía sau và Thiên đàng là nơi mà nó đang hướng tới nhưng chưa tới được. Khả năng nhận biết và yêu thương bất cứ đối tượng nào cũng sẽ bị tước bỏ, trong khi người ta tìm cách bám víu vào một cái gì đó nhưng vô ích.

Các nhà thần bí vĩ đại đã mô tả cho chúng ta sự thanh lọc thụ động khủng khiếp trên các giác quan và tinh thần mà qua đó, Thiên Chúa chia cắt linh hồn khỏi mọi thụ tạo, từ chối ban cho nó mọi sự an ủi, mọi sự trợ giúp của con người và lòng sùng kính khả giác. Người chỉ để lại cho nó các nhân đức, tức là đức tin với tất cả bóng tối của nó, đức cậy chống lại mọi hy vọng [hy vọng dù không còn gì để hy vọng], và một đức mến đau khổ được nuôi dưỡng chỉ bằng chính nỗi đau khổ mà nó chịu đựng cách anh hùng.

Thánh Gioan Thánh Giá khẳng định rằng những cuộc thanh tẩy giúp chuẩn bị các thánh cho sự chiêm niệm ở cấp độ cao nhất còn khủng khiếp hơn cả ngàn cái chết. Trên thực tế, linh hồn không có ân sủng đặc biệt sẽ không có đủ sức để tồn tại.

Luyện ngục sẽ là như thế. Nếu linh hồn chúng ta bị vấy bẩn bởi tội, nó tất yếu phải được thanh tẩy ở đời này hoặc sau khi chết. Chúng ta có thể tin rằng luyện ngục sẽ chỉ khốc liệt ở mức độ vừa phải đối với những linh hồn chỉ phạm phải các tội nhẹ không có chủ ý. Nhưng đối với những linh hồn phạm phải tội nhẹ với đầy đủ ý định, hiểu biết và sự lơ là đáng trách, luyện ngục sẽ thật khủng khiếp và kéo dài. Có lẽ không bao giờ dám nói ra ngoài miệng, nhưng hành động và sự sống của họ, vốn cởi mở hơn miệng, sẽ kêu lên: “Con đang xúc phạm đến Chúa. Con biết rằng con đang làm tổn thương tình yêu của Người, lạm dụng máu của Đấng cứu độ con và phung phí các ân sủng Tha tội, Rước lễ và nhiều ân sủng khác. Đó là cái giá để thỏa mãn trong chốc lát tính ích kỷ của con, lòng tự ái của con, nhục dục của con, sự phù phiếm của con.” Chúng ta sẽ phải trả giá thế nào trong luyện ngục để mua lấy vẻ quyến rũ nơi những sự thỏa mãn khốn khổ của chúng ta!

Làm chủ

Phương thế để thoát khỏi tình trạng hâm hẩm này là: một kỳ tĩnh tâm tốt; một sự linh hướng có tính siêu nhiên, khôn ngoan, nhiệt tâm và mạnh mẽ; một cây thánh giá lớn; hoặc một sự hạ nhục đủ mạnh để khiến chúng ta phải quay trở vào nội tâm, chỉ cho chúng ta thấy những thứ thuộc về thế gian này và những điều của cõi đời đời dưới ánh sáng thích hợp. Một cây thánh giá lớn có thể soi sáng sự hèn mọn, bần cùng và khốn khổ của chúng ta. Cuối cùng là cầu nguyện. Dù tâm hồn hâm hẩm, nghèo nàn, bị tước đoạt, thì vẫn luôn có ân sủng cầu nguyện. Chỉ có những người bị chúc dữ mới bị tước đoạt điều này. “Đừng cứng lòng nữa!” Chúa Giêsu kêu gọi tất cả chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Người mong muốn được tha thứ như vậy! Người đã hé lộ điều này với Thánh Giêrônimô: “Giêrônimô, hãy trao cho Ta tội của con, để Ta có thể tha thứ cho con.” Tuy nhiên, “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14), vì không phải ai cũng muốn đi qua cửa hẹp (Mt 7,13). (Xem Thánh Catarina thành Siêna, Dialogue, “Means to Escape from Lukewarmness,” 1, ch. 162; Thomas à Kempis, The Imitation of Christ, “Corruption of Nature,” III, ch. 55).

Nếu chúng ta có vận may được sống nhiệt thành, chúng ta nên nhiệt thành cầu nguyện cho những tâm hồn hâm hẩm, những người thường ít cầu nguyện và thực hành nó theo cách vụng về. Chúng ta nên cầu xin Chúa Giêsu đừng để chúng ta lạc xuống những khu vực độc hại giáp với vực thẳm, nhưng xin làm cho chúng ta luôn luôn tiến sâu hơn vào các thung lũng màu mỡ và từng chút một, nâng chúng ta vươn tới những đỉnh cao mà phận làm con cái Chúa và làm người tu sĩ mời gọi.

Chương I. Mục đích: Vinh quang và Ân sủngChương III. Quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô