Chương IV. Tình yêu đối với Thiên Chúa

Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” — 1 Ga 4,19


Chúng ta đã xem xét mục đích của đời sống thiêng liêng, những chướng ngại cản trở nó và quyền năng thần linh mà nó lấy làm nền tảng. Bây giờ, chúng ta sẽ xét xem sự cộng tác của chúng ta với hành động của Thiên Chúa phải như thế nào, đời sống thiêng liêng là gì và những quy luật chung nào điều chỉnh sự phát triển của nó. Lý trí và đức tin sẽ mô tả điều này cho chúng ta.

Giới răn thứ nhất

Sự cộng tác của chúng ta đòi hỏi việc thuận theo ý muốn của Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn của Người. Giới răn đầu tiên, khởi đầu và kết thúc của tất cả các giới răn khác (mà tất cả các lời khuyên trong đời sống tu trì đều phụ thuộc vào) cốt ở tình yêu với Thiên Chúa: “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6,5).

Đức ái được gọi là mối dây liên kết tuyệt hảo, vinculum perfectionis (x. Cl 3,14), bởi lẽ nó kết hiệp linh hồn chúng ta với Thiên Chúa, mục đích tối hậu của chúng ta, và làm cho mọi sức lực cũng như mọi hành động của chúng ta đều quy hướng về Người. Vì phải dẫn dắt chúng ta đến với mục đích tối hậu, nên đức ái tất phải điều khiển mọi nhân đức khác và bắt chúng phải phục tùng mục đích này.

Thánh Francis de Sales nói rằng: “Đó là nguyên lý đóng vai trò tướng lĩnh của đội quân nhân đức, và chúng ta phải quy mọi việc làm về nó để giành được chiến thắng.”

Do đó, nếu không có đức ái, chúng ta chẳng là gì cả: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần... Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13,1-3). Nếu không có đức ái, ý muốn của chúng ta sẽ không thuận theo ý muốn của Thiên Chúa, trong khi đức ái, đức ái đích thực, lại đủ cho tất cả, bởi lẽ nó bao gồm tất cả các nhân đức khác phụ thuộc vào mình. Theo nghĩa này, Thánh Augustinô có thể nói rằng: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.” Nếu bạn thực sự yêu thì việc gì bạn làm cũng sẽ tốt.

Chúng ta phải suy ngẫm về bản tính của đức ái và xem làm thế nào mà tình yêu siêu nhiên này của Thiên Chúa lại có thể trở thành nguyên lý cho toàn bộ đời sống của chúng ta và có thể đưa chúng ta vào con đường dẫn đến vinh quang, đến trạng thái đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời và chiếm hữu Thiên Chúa một cách hoàn hảo.

Tình yêu tự nhiên, Tình yêu siêu nhiên

Lý trí và kinh nghiệm tự nhiên có thể cho chúng ta biết tình yêu không phải là gì; nhưng chỉ có đức tin mới có thể hé lộ cho chúng ta biết nó là gì. Lý trí và kinh nghiệm thông thường cho chúng ta thấy rằng tâm hồn chúng ta ở đời này không thể tìm thấy bất cứ thứ gì có thể khiến nó thỏa mãn một cách trọn vẹn. Khi chúng ta tin rằng mình đã tìm thấy hạnh phúc ở nơi một thụ tạo tốt, ở một vị trí mà chúng ta đã khao khát từ lâu, nơi một khoa học mới, nơi một tình bạn rất thân thiết và cao cả, thì chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng đó chỉ là một sự thiện có giới hạn, và do đó, không đủ đối với một bản tính như của chúng ta, bản tính có thể quan niệm một sự thiện tuyệt đối, trọn vẹn, không giới hạn mà nó khao khát cách tự nhiên.

Nỗi chán nản sâu sắc mà con người ở đời này kinh nghiệm được và đeo đẳng họ đến mọi nơi trên thế gian là dấu chỉ cho thấy tâm hồn họ được tạo ra cho một sự thiện cao hơn vô cùng so với bất cứ thứ gì mà họ đang tìm kiếm. Nhu cầu thay đổi không ngừng nghỉ, thứ đẩy họ đi hết từ thụ tạo này đến thụ tạo khác, rồi sau đó, lần lượt từ bỏ mỗi thụ tạo ấy sau khi đã tận hưởng thú vui mà chúng mang lại, là dấu chỉ cho thấy rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng vô tận của tâm hồn họ.

Theo một nguyên lý triết học nghiêm ngặt, ý chí của chúng ta có chiều sâu vô hạn đến nỗi những thiện ích, của cải, hàng hóa hữu hạn không thể nào chạm tới chiều sâu của nó, thậm chí khó có thể lướt qua bề mặt của nó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta và ban cho chúng ta mạch nước hằng sống mà Người đã nói với người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp, và chỉ có mạch nước hằng sống ấy mới có thể thực sự làm dịu cơn khát của chúng ta. Vì lý do này, Thánh Catarina thành Siêna nói với chúng ta: “Bạn có muốn một tình bạn lâu bền không? Bạn có muốn làm dịu cơn khát của mình một cách liên tục từ chiếc cốc này không? Hãy để nó luôn được đổ tràn từ mạch nước hằng sống; nếu không, bạn sẽ sớm uống cạn và nó sẽ không thể thỏa mãn cơn khát của bạn nữa.”

Lý trí và kinh nghiệm thông thường cho chúng ta thấy được khả năng và tính thiết yếu của việc yêu mến Thiên Chúa. Chúng thậm chí còn nói với chúng ta rằng tình yêu này phải là nguyên lý sống của mỗi người, cũng giống như tình yêu nghệ thuật là nguyên lý sống của người nghệ sĩ, tình yêu khoa học là nguyên lý sống của nhà khoa học, tình yêu đất nước là nguyên lý sống của người lính, của sự lao động vất vả và những hy sinh mà anh ta đặt ra cho mình. Nhưng tình yêu với nghệ thuật, khoa học và đất nước không đủ để thỏa mãn trái tim con người, những thụ tạo có thể quan niệm sự thiện tuyệt đối, khao khát nó và cảm thấy rằng mình phải lệ thuộc vào nó suốt đời.

Do đó, có một tình yêu tự nhiên dành cho Thiên Chúa mà chính lý trí tự nó cũng có thể dạy chúng ta, đồng thời, được các triết gia ngoại giáo vĩ đại ca tụng. Nhưng tình yêu tự nhiên hướng lên Thiên Chúa như vậy vẫn cách xa vô cùng với đức ái Kitô giáo vốn cơ bản là siêu nhiên. Tình yêu siêu nhiên là tình bằng hữu với Thiên Chúa mà lý trí thông thường không thể nắm bắt được.

Trên thực tế, các triết gia tâm linh ngoài Kitô giáo không ngần ngại khẳng định rằng họ thực sự có thể có những cảm giác ngưỡng mộ, biết ơn và kính trọng đối với Thiên Chúa một cách lý tưởng. Tuy nhiên, theo họ, chúng ta không thể yêu bằng tình bạn đối với một hữu thể mà chúng ta chưa bao giờ nhìn thấy, một hữu thể trổi vượt đến mức tự bản tính là vô hình và không thể hiểu được, một hữu thể mà chúng ta mắc nợ mọi thứ nhưng chính mình lại không thể làm được gì cho đối phương. Trong khi đó, tình bạn giả thiết rằng người được yêu cần phải được nhìn thấy. Nó đòi hỏi hai bên phải có một sự bình đẳng nhất định, chung một sự sống nhất định, có sự thổ lộ qua lại những suy tư sâu sắc và khả năng làm điều tốt của mỗi bên dành cho bên còn lại. Giữa Thiên Chúa và chúng ta, một tình bạn như vậy không thể thực hiện được. Tự mình nó, lý trí sẽ chỉ nói được đến như vậy.

Mặc khải. Điều mà lý trí không thể khám phá được, thì Chúa Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Thánh Phaolô nói rằng Người đã cho chúng ta thấy được tình yêu dư đầy của Thiên Chúa dành cho nhân loại, đồng thời, dạy chúng ta phải đáp trả tình yêu ấy bằng một tình yêu phỏng theo chính nó. “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). Chúng ta phải cùng nhau suy ngẫm về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, về lời đáp trả của các thánh và nghĩ xem lời đáp trả của chúng ta sẽ phải như thế nào.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Người ta nói rằng tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta là dư đầy và điên dại. Thánh Phaolô định nghĩa tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là “dư đầy,” hay “thái quá,” vì nó vượt quá và vượt xa những gì lý trí có thể hiểu và tâm hồn có thể khao khát. So với chúng ta thì quá mức, nhưng tự nó thì không. Thánh Phaolô cũng gọi nó, không chút cường điệu, là “sự điên rồ,” bởi lẽ tình yêu này đã đảo ngược một cách nào đó mối quan hệ tự nhiên giữa Thiên Chúa với thụ tạo. Trong Chúa Kitô, Thiên Chúa chọn cách chết thay cho thụ tạo vốn đã trở thành kẻ thù của Người. Một tình yêu như vậy là sự điên rồ không thể quan niệm được đối với lý trí tự nhiên. Do đó, nó được định nghĩa một cách thích hợp là “sự điên rồ của Thập Giá.” Và “sự điên rồ” đó đền bù cho sự điên rồ của tội.

Chúng ta nên suy ngẫm về sự dư đầy này trong tình yêu. Tình yêu đích thực mà qua đó, một bên yêu bên còn lại không phải vì lợi ích của bản thân nhưng vì chính bên kia, thì đó không phải là tình yêu thụ động, nhưng là tình yêu chủ động. Đó không phải là sự thỏa mãn đơn thuần về mặt cảm xúc được sinh ra khi nhìn thấy một đối tượng ưng ý, nhưng là một tình yêu hữu hiệu và hiệu quả, nơi điều thiện cho người mình yêu là thứ mà người ta ước muốn.

Tình yêu chủ động này cốt ở việc ra khỏi chính mình và tính ích kỷ của mình để hướng tới người mà mình muốn điều thiện cho họ; ở việc kết hiệp bản thân mình với người ấy bằng một sự hiệp thông về ý chí và tình cảm; ở việc dâng hiến chính mình cho người ấy để nâng cao họ, làm cho họ tốt hơn và đẹp hơn.

Vì thế, người mẹ cúi xuống đứa con của mình, quên đi chính mình và mọi mối bận tâm, để dâng hiến trọn vẹn cho sinh linh bé nhỏ đang sống chỉ nhờ vào mình. Rồi bà bế đứa bé lên, ôm lấy nó, ép nó vào mình như thể muốn hai mẹ con làm thành một hữu thể duy nhất. Ngày cũng như đêm, mẹ dâng hiến cho con, và mẹ ban cho con lương thực bởi thể xác và linh hồn để con lớn lên và dần dần mở ra với đời sống của lý trí và ân sủng.

Kiểu tình yêu đích thực của quan hệ mẫu tử giúp chúng ta thoáng thấy tình yêu dư đầy của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức ái của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu thực sự chủ động và hiệu quả. Làm sao đó có thể là sự thỏa mãn đơn thuần về mặt cảm xúc, khi mà tất cả những gì Thiên Chúa cảm thấy hài lòng nơi chúng ta đều đến từ Người và không thể được ban cho chúng ta qua con đường nào khác ngoại trừ tình yêu nhưng không của Người? Tình yêu của Thiên Chúa không giả thiết sự đáng yêu nơi người được yêu, nhưng đã tạo ra nó nơi họ thông qua lòng nhân từ thuần khiết.

Chúa không cần phải có chúng ta. Nếu không có chúng ta, Người vẫn vô cùng hạnh phúc vì chính Người là sự thiện vô hạn. Người đã tạo dựng chúng ta bằng tình yêu nhân từ thuần khiết, và qua tình yêu thuần khiết ấy, Người ban cho chúng ta tất cả những gì cần thiết cho sự sống thể lý, trí tuệ và luân lý của chúng ta ở mọi nơi mọi lúc. Tình yêu Người dành cho chúng ta vượt xa những đòi hỏi của bản tính con người và bất cứ điều gì mà nó có thể khao khát và quan niệm, nâng nó lên trật tự siêu nhiên, cho phép nó tham dự vào sự sống thân mật của Người nhờ ân sủng.

Tuy nhiên, con người đã không biết lượng định giá trị vô hạn của sự sống thần linh này một cách thỏa đáng. Trong sự mù quáng của mình, anh đã coi thường nó, thậm chí đến mức quý chuộng một sự sống vô cùng hư hèn hơn là nó. Vì thế, do lỗi của chính mình, con người lao xuống từ những độ cao siêu nhiên tới nơi mà Lòng thương xót Chúa đã nâng anh trở lại.

Nhưng trong sự tàn tạ và khốn cùng của con người, hãy xem tình yêu Thiên Chúa đã đi tìm kiếm anh như thế nào. Chính tại đây, sự điên rồ của Thiên Chúa, sự điên rồ làm đảo ngược mối quan hệ tự nhiên giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo theo một nghĩa nào đó, chính thức bắt đầu.

Chúng ta sa ngã, nhưng Thiên Chúa muốn cúi xuống trên chúng ta, hạ mình xuống ngang hàng với chúng ta, giống như người mẹ cúi xuống ôm lấy con của bà. Người đã trút bỏ vinh quang và sự uy nghi vô hạn của mình. Người không muốn xuất hiện trong vẻ huy hoàng tự nhiên như trong cuộc thần hiện ở Xinai. Có thể nói, Người muốn biến mình thành không là gì cả. Như Thánh Phaolô nói: Người đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” để hạ mình xuống ngang hàng với chúng ta. Người đã nhận lấy một thân xác và một linh hồn giống như chúng ta, trút bỏ mọi vinh quang và chọn lấy một thân phận khiêm nhường nhất giữa loài người. Người mong muốn được sinh ra làm con của một người lao động và đặt mình vào hàng ngũ những người nghèo nhất, để tất cả có thể đến với Người mà không phải sợ sệt.

Khi hạ mình xuống và kết hiệp với chúng ta bằng cách mặc lấy bản tính nhân loại, Thiên Chúa muốn tham dự vào chính sự sống của chúng ta. Do đó, Người đã chu toàn các bổn phận của chúng ta, chịu đựng những nỗi đau của chúng ta, kinh nghiệm sự mệt mỏi của chúng ta, đổ mồ hôi, rơi nước mắt như chúng ta, ôm lấy chúng ta và khao khát niềm hạnh phúc của chúng ta hơn cả chúng ta khao khát. Không dừng ở đó, Ngôi Lời Thiên Chúa còn muốn rửa chân cho chúng ta.

Sau cùng, Người mong muốn hoàn tất việc tự hiến mình trọn vẹn bằng cách chịu chết trên Thập Giá vì chúng ta. Sau khi nếm trải những sự sỉ nhục thậm tệ nhất, Người đã đổ máu mình ra giữa những nỗi đau tột cùng. Người làm điều này để khôi phục lại gia nghiệp của chúng ta và làm cho chúng ta, theo một cách nào đó, ngang bằng với Người. Người đã nâng chúng ta lên trật tự của sự sống siêu nhiên, thần linh và vĩnh cửu mà chúng ta đã khinh thường và đánh mất trong sự mù quáng.

Vâng, Thánh Phaolô có thể nói về một “tình yêu dư đầy,” bởi lẽ mối quan hệ tự nhiên giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo đã bị vượt quá. Ngài còn có thể nói đến “sự điên rồ,” vì mối quan hệ tự nhiên của Đấng Sáng Tạo với thụ tạo, theo một nghĩa nào đó, đã bị đảo ngược. Thiên Chúa chịu xúc phạm và chịu chết thay cho thụ tạo có tội, những kẻ đã khinh thường và lẩn tránh Người! Chúng ta có thể thoáng thấy điều gì đó về “sự điên rồ” này từ gương sống của một số bà mẹ Kitô giáo, những người vì quá yêu, đã hiến mình làm nạn nhân cho những đứa con xúc phạm và sỉ nhục họ.

Những người theo thuyết duy lý quả không sai khi nói rằng lý trí, nếu chỉ mình nó, không thể hiểu được điều này. Trên thực tế, người ta đang phải đối mặt với một sự điên rồ mà tự nhiên không thể quan niệm được, sự điên rồ mà các nhà duy lý cho là không xứng đáng với Thiên Chúa. Người ta đang đối mặt với một vực thẳm của tình yêu siêu nhiên, nơi lý trí đã không còn; chỉ đức tin mới có thể giúp chúng ta đón nhận nó, chỉ cái nhìn của các vị thánh mới có thể xuyên qua nó. Tuy nhiên, sự hài hòa vô cùng trổi vượt của mầu nhiệm này cũng chỉ được hoàn toàn vén mở dưới ánh sáng của sự diện kiến tôn nhan Chúa trên Thiên đàng.

Ngoài ra, chỉ ánh sáng đức tin thôi thì chưa hoàn toàn đủ. Ánh sáng của kinh nghiệm và thị kiến cũng là những điều cần thiết. Chỉ dưới ánh sáng đức tin, thần học tự nó không thể chứng minh được tính lợi ích của Thập Giá. Nó khó có thể giải thích được một số câu nói mà Chúa Giêsu đã thốt lên, chẳng hạn: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34; Mt 27,46).

Và Chúa Giêsu vẫn còn yêu chúng ta nhiều hơn nữa, nếu có thể nói như vậy. Quả thế, vào lúc rời bỏ chúng ta và cất đi sự hiện diện khả giác trước mắt chúng ta, Người đã nói lên ước muốn được ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và trao ban chính Người cho chúng ta một cách thân mật và trọn vẹn hơn. Việc hạ mình xuống ở cấp độ Nhập Thể vẫn chưa đủ; Người còn muốn hạ mình xuống cấp độ của Bí tích Thánh Thể, hủy mình tới mức tan biến dưới hình bánh và rượu. Mặc dù đã thấy trước một cách tường tận tất cả những hành vi phạm thánh sẽ xảy ra, nhưng Người vẫn chọn cách nằm ngoan ngoãn trong tay vị linh mục phạm thánh cũng như khi nằm trong tay vị linh mục thánh thiện. Việc kết hiệp với chúng ta để trở nên sự sống của chúng ta vẫn chưa đủ; Người còn muốn kết hiệp với chúng ta, với từng người chúng ta, cả hồn lẫn xác trong việc Rước lễ. Chỉ đổ máu mình ra cho chúng ta vẫn chưa đủ; Người còn muốn ban cho chúng ta Mình và Máu làm của ăn đàng, Người muốn được chúng ta ăn thịt và uống máu để có thể biến đổi và đồng hóa chúng ta nhiều hơn với Người. Đó là tình yêu dư đầy quá mức mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhưng tình yêu này đòi hỏi một lời đáp trả.

Lời đáp trả của các thánh

Lời đáp trả mà các thánh đưa ra là thế này. Họ đã cố gắng hết mình để yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu đồng nhất với tình yêu của Người. Tình yêu của Thiên Chúa căn bản là một tình yêu chủ động và hiệu quả, một tình yêu hành động và sáng tạo. Các thánh không hài lòng với một sự thỏa mãn về mặt cảm xúc đơn thuần, một sự ngưỡng mộ phi thường, hay một sự nhiệt tình hời hợt phát sinh từ ý niệm về những sự hoàn thiện thần linh. Họ hiểu câu nói này của Chúa Giêsu: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Họ không đo lường đức ái của mình dựa trên sự ngọt ngào của lòng sùng kính khả giác; thay vào đó, họ yêu mến Thiên Chúa bằng một tình yêu sâu sắc của ý chí, một tình yêu vẫn tồn tại ngay cả giữa những nỗi sầu khổ và khô khan thiêng liêng. Theo Thánh Catarina thành Siêna, đó là một tình yêu sâu sắc được nuôi dưỡng không chỉ bởi dòng sữa an ủi thiêng liêng, nhưng còn bởi thức ăn là những nỗi gian truân khốn khổ [x. 1 Cr 3,2]. Đó là tình yêu mà qua nó, các thánh khao khát trước hết và hơn hết là vinh quang của Thiên Chúa và Vương quốc của Người. Họ đã cháy hết mình với niềm ước ao sự công chính và Nước Thiên Chúa.

Tình yêu của ý chí năng động đã cố gắng phỏng lại tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Thiên Chúa đã cúi mình xuống trên chúng ta, trong tình yêu dư đầy của Người, đã tự hạ mình xuống ngang hàng với chúng ta; Người đã hạ mình xuống mức thấp hơn so với chúng ta, thậm chí tới mức phải chịu những sỉ nhục thậm tệ nhất. Tới lượt mình, các thánh hiểu rằng họ phải hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã đảo ngược vị trí của Người. Họ muốn tự hạ mình, muốn bước xuống từ ngai vàng của lòng yêu mến bản thân, đi tìm chỗ cuối và bổn phận của kẻ phục vụ mà Thiên Chúa đã tự chọn lấy khi còn ở dưới thế.

Chúng ta đã thấy một vị vua như Thánh Louis dập đầu bái lạy trước các cổng thành ở Palestine và cầu xin Thiên Chúa đừng để lời nguyền rủa nào giáng xuống các thành phố ấy vì tội lỗi. Chúng ta đã thấy một số vị thánh, chẳng hạn như Thánh Benedict Labre, rất để tâm tới việc ở lại với những người xúc phạm và trốn khỏi những người tung hô ca tụng mình.

Như Thiên Chúa đã hủy mình ra không và trút bỏ vinh quang để sống kiếp phàm nhân, các thánh cũng khao khát được chết cho đi sự sống thuần túy tự nhiên của các giác quan, của lòng yêu mến bản thân và tính ích kỷ, để cho mình được sự sống thần linh thấm nhập. Như tòa nhà càng cao thì nền móng càng phải sâu, họ hiểu rằng ân sủng thần linh càng đổ xuống dồi dào trên mình bao nhiêu, thì lòng vị tha mà đức khiêm nhường phải khoét vào trong mình càng phải sâu hơn tương ứng.

Sau khi bị sỉ nhục như vậy, các thánh đã đạt tới sự kết hiệp mật thiết nhất với Thiên Chúa. Giống như Thiên Chúa đã muốn hành động theo cách của con người, họ muốn được hành động theo cách của Thiên Chúa. Họ lui vào cô tịch để sống trong sự hồi tâm liên tục. Trong khi không thể tách mình ra khỏi thế gian về mặt thể xác, họ đã xây dựng cho mình, như Thánh Catarina thành Siêna đã thực hiện, một căn phòng ở nơi sâu thẳm nhất trong trái tim, để sống ở đó trong sự kết hiệp liên lỉ với Thiên Chúa.

Ai có thể cho chúng ta biết đối tượng của tình yêu nơi Thánh Đa Minh hay Thánh Tôma Aquinô trong những đêm sám hối và cầu nguyện trôi đi trong nước mắt dưới chân bàn thờ? Đó là Thiên Chúa, Đấng được quý chuộng hơn hết thảy, được yêu mến hơn hết thảy bằng một trái tim không bị phân chia, dù không loại trừ—vì tình yêu này bao trùm, nâng cao và củng cố mọi tình cảm chính đáng. Trong ngọn lửa đức ái, những tình cảm này đã trở thành một cơn khát cháy bỏng và mãnh liệt hướng về phần rỗi cho các linh hồn.

Sau cùng, như Thiên Chúa đã hiến mình cho chúng ta trên Thập Giá, các thánh cũng đã hiến mình cho Thiên Chúa, thậm chí đến mức tử đạo, để ý muốn của Người được thể hiện, để Vương quốc của Người được hiển trị nơi các linh hồn, để chính Người được tôn vinh chúc tụng. Và khi không thể được hưởng phúc tử đạo dù lòng rất mong muốn (như trường hợp của Thánh Đa Minh), họ vẫn phải trải qua cái chết hàng ngày, dù không kém phần anh hùng, của lao động, của đau đớn, của những nỗi gian truân khốn khổ liên miên. Như Thiên Chúa đã ban chính Người cho họ làm lương thực, họ cũng biến mình thành “lương thực” để cho Người tiêu thụ cả hồn lẫn xác và để đáp lại tình yêu của Người.

Thánh Đa Minh, Thánh Catarina thành Siêna, Thánh Phêrô Tử Đạo, Thánh Rose thành Lima, Thánh Catarina Ricci, Thánh Piô V, Thánh Louis Bertrand và tất cả các vị thánh đều nói với chúng ta cùng một điều qua đời sống của họ, đó là đức ái nồng nàn cháy bỏng trong trái tim đã thiêu đốt họ từng chút một, vì đây là luật của tình yêu. Tình yêu, mãnh liệt như cái chết, khiến chúng ta chết đi cho chính mình để được tái sinh một đời sống mới. Không gì có thể dập tắt ngọn lửa rực cháy này vì người ta được đắm mình trong ngọn lửa đức ái là Thiên Chúa. Đó là lời đáp trả của các thánh đối với tình yêu của Thiên Chúa.

Lời đáp trả của chúng ta

“Hãy nhìn trái tim này, trái tim đã yêu thương con người đến mức không nuối tiếc điều gì, thậm chí đã tự rút kiệt và cháy hết mình để chứng thực tình yêu dành cho họ. Nhưng từ phần đông trong số họ, Ta chỉ nhận được sự vô ơn thể hiện qua những khinh miệt, bất kính, phạm thượng và nguội lạnh mà họ dành cho Ta và Bí Tích Tình Yêu của Ta. Nhưng điều làm Ta đau đớn hơn là sự vô ơn đó lại xuất hiện nơi những linh hồn đã tận hiến cho Ta” (Thánh Margaret Mary Alacoque).1

Trong bốn từ khinh miệt, bất kính, phạm thượng và nguội lạnh, tôi e rằng từ cuối cùng là dành cho chúng ta. Nguội lạnh! Sự ấm áp của đức ái không phải là sự ấm áp khả giác. Đó là một ngọn lửa hoàn toàn thiêng liêng không ngừng cháy sáng ngay giữa những nỗi sầu khổ và sự khô khan mà Thiên Chúa dùng để thanh lọc cảm giác của chúng ta. Nhưng tình yêu này phải là tình yêu hoạt động. Điều chắc chắn là tất cả chúng ta, cũng như mọi Kitô hữu, đều phải đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng tình yêu, bởi vì đức ái là một giới luật chứ không phải một lời khuyên. Tuy nhiên, liệu tình yêu của chúng ta có phải là tình yêu hiệu quả và đang hoạt động, hay chỉ là một thứ thụ động, tự thỏa mãn? Liệu nó có tồn tại bất chấp những nỗi sầu khổ và sự khô khan thiêng liêng vốn cần thiết để thanh lọc cảm giác của chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng ra khỏi chính mình, cúi mình trước Chúa, hạ mình xuống như Người đã hạ mình không? Chúng ta có đang chết đi cho sự sống tự nhiên và cảm giác để được sống sự sống của Chúa Kitô không? Chúng ta có chấp nhận sự hy sinh hàng ngày mà đời sống cộng đoàn đòi hỏi không? Tình yêu của chúng ta có giống với tình yêu của các thánh không?

Phẩm chất của đức ái nơi chúng ta không được đo lường bằng sự ngọt ngào của lòng sùng kính khả giác. Dấu chỉ không thể sai lầm của sự tiến bộ trong đức ái là thái độ ghét tội và sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ sự tiến bộ trong mọi nhân đức và ân sủng của Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta không muốn chết đi cho tội lỗi, nếu chúng ta không muốn khổ chế, hãm mình, thì chúng ta không yêu mến Chúa và sống đời tu một cách vô ích.

Trong các cộng đoàn tu, những sự bất tuân, xét đoán khắc nghiệt, những ác cảm không thể vượt qua và sự chia rẽ bắt nguồn từ đâu? Chúng phát xuất từ việc người ta không muốn chết đi cho cái tôi của mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể bước vào đời sống tu trì mà không để cái tôi của mình phải chết. Chỉ khi chúng ta biết để cái tôi của mình chết đi thì Chúa Kitô mới có thể lớn lên trong chúng ta.

Nếu điều này xảy ra thì không chỉ các nhân đức tự nhiên mà thế gian có thể nhận ra, nhưng những nhân đức vô cùng cao cả, tức là các nhân đức Kitô giáo và ân sủng của Chúa Thánh Thần, cũng sẽ xuất hiện trong đời sống của chúng ta. Những nhân đức này bao gồm một tinh thần đức tin được nuôi dưỡng bằng những tư tưởng của Thiên Chúa; đức cậy vững vàng chỉ trông cậy vào Thiên Chúa; đức ái luôn kết hiệp chúng ta mật thiết hơn với Người bất chấp mọi nỗi buồn phiền, đau đớn nội tâm, mọi gian truân khốn khổ và chỉ xin có thể đổ ra vì người thân cận; đức khôn ngoan Kitô giáo luôn đối nghịch với sự khôn ngoan của tính xác thịt; đức công bình trong cách đối nhân xử thế giúp ngăn cản chúng ta đưa ra những phán xét vội vàng dù là nhỏ nhất về linh hồn của một trong những anh em của chúng ta; đức dũng cảm không bao giờ rút lui khỏi những công việc mà Thiên Chúa đã ấn định và kiên nhẫn chịu đựng thử thách; đức tiết độ dần làm cho những chuyển động bản năng của giác quan và tâm hồn của chúng ta trở nên ngoan ngoãn, thấm nhuần chúng trong sự sống thần linh. Nhờ đó, giống như các thánh, chúng ta cũng sẽ có được cách hành động thần linh. Thần trí khôn ngoan, thông hiểu, suy biết, lo liệu, dũng cảm, đạo đức và kính sợ Chúa sẽ ngày càng thấm nhập vào chúng ta.

Khi đó, chúng ta sẽ không ao ước điều gì khác hơn là dâng mình cho Thiên Chúa đến chết. Tình yêu của chúng ta sẽ tìm được nguồn nuôi dưỡng mới trong những lao động và hy sinh hằng ngày của đời sống cộng đoàn. Nếu thân xác chúng ta bị hao mòn dần dần, nên nhớ rằng Thiên Chúa đang đói khát chúng ta. Cũng như Chúa đã ban chính Mình Người cho chúng ta làm lương thực, chúng ta cũng phải hiến mình cho Người để Người biến đổi chúng ta thành chính Người và đưa chúng ta ra khỏi cuộc sống khốn khổ ở trần gian này, thứ chẳng khác nào một cái chết nếu so với cuộc sống đang chờ đợi chúng ta trên Thiên đàng.


Chú thích

1 “Và vì lý do này, Ta muốn rằng ngày Thứ Sáu đầu tiên sau tuần bát nhật kính Mình Máu Ta, các con hãy dành một lễ đặc biệt để tôn vinh Thánh Tâm Ta, biến nó thành một sự đền tạ tình yêu bằng những sự sửa chữa về danh dự, hãy rước lễ vào ngày hôm đó để sửa chữa những sự sỉ nhục mà Bí tích Thánh Thể đã phải nhận khi được bày ra trên các bàn thờ. Ta hứa với các con rằng Trái Tim Ta sẽ mở rộng để ban dồi dào ân sủng cho những ai dâng lên sự tôn vinh này và nỗ lực để ngày lễ hoàn thành mục đích của nó.”

Chương III. Quyền năng cứu chuộc của Chúa KitôChương V. Đức ái huynh đệ