Chương V. Đức ái huynh đệ

Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một.” — Ga 17,22


Khi linh hồn chúng ta được thanh lọc bằng việc khổ chế và bỏ mình, ánh sáng siêu nhiên được ban cho chúng ta trong lời cầu nguyện sẽ làm tăng thêm tình yêu với Thiên Chúa trong chúng ta và cho phép chúng ta chu toàn, một cách ngày càng hoàn hảo hơn, giới răn đầu tiên của Lề Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37). Tuy nhiên, vẫn còn có một giới răn thứ hai tất yếu phát sinh từ giới răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39).

Tình yêu đối với người thân cận được Chúa Giêsu trình bày như một hệ quả tất yếu và là dấu chỉ cho tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Thánh Gioan viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1 Ga 4,20).

Một ngày nọ, Chúa chúng ta muốn làm cho Chân phước Henry Suso hiểu được chân lý này, khi thánh nhân cầu xin được thấy một người thực sự hoàn thiện. Và đây là thị kiến mà ngài nhận được. Ở giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, ngài nhìn thấy một cây thánh giá và dưới chân nó là một người đàn ông trong dáng vẻ nhu mì, nhân hậu và hiền lành; xa hơn một chút, có hai nhóm người rất khác nhau đang cố gắng tiếp cận người đàn ông này nhưng vô ích. Trong thị kiến đó, người đàn ông là đại diện cho Chúa Kitô và tất cả những ai đã đạt tới sự kết hiệp với Người, họ được nhận biết bằng sự dịu dàng và hòa nhã. Còn trong hai nhóm người kia, một nhóm đại diện cho các nhà trí thức, những người chiêm ngắm và ngưỡng mộ sự thật nhưng không đưa nó vào thực tiễn như những gì sự hoàn thiện đòi hỏi; và nhóm còn lại đại diện cho những người đã hiến mình theo mọi thực hành mà các tác giả thiêng liêng chỉ dạy, cũng như mọi hành vi khổ chế dù là khó khăn nhất. Cả hai nhóm này đều không thể tiếp cận được Chúa Kitô vì cùng một lý do. Những người suốt đời sống trong sự chiêm niệm, hay nói đúng hơn là suy lý, đã không áp dụng những chân lý này vào thực tiễn, đã xét đoán và kết án tha nhân mà không chút mảy may thương xót; còn những người kia, trong khi đưa ra một lời khấn về khổ chế, cũng lại lên án không thương tiếc những ai không đi theo con đường của mình. Những tu sĩ này đã không đến được với Chúa Kitô vì họ không yêu thương nhau, sự thiếu sót về đức ái của họ được thể hiện qua tính khắc nghiệt của hành vi xét đoán. Henry Suso đã tạ ơn Chúa về bài học này, và mặc dù đã tiến bộ rất nhiều trên con đường trở nên hoàn thiện, vẫn đấm ngực vì thấy mình thiếu đức ái huynh đệ và vì đã xét đoán nghiêm khắc đối với các anh em.

Chúng ta phải suy ngẫm về bổn phận cao cả là thực thi đức ái đối với người thân cận. Nếu chúng ta thiếu nó quá nhiều lần hoặc để cho mình tự phát triển một tình cảm hoàn toàn khác biệt với điều Chúa đòi hỏi, thì đó là vì chúng ta không hiểu một cách thực tiễn rằng đức ái huynh đệ không gì khác hơn là sự mở rộng của tình yêu mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa. Tình yêu này, vốn cơ bản là siêu nhiên và mang tính đối thần, cần phải được mở rộng đến tất cả các anh em của chúng ta. Vì thế, chúng ta nên xét xem tại sao tình yêu cho Thiên Chúa lại phải được mở rộng sang những người thân cận, và xem liệu chúng ta sẽ phải thực hành đức ái huynh đệ đó như thế nào.

Tại sao Tình yêu với Thiên Chúa cũng phải được mở rộng sang người thân cận

Chúng ta hẳn đều nhận ra rằng bản tính nhân loại là thứ khiến chúng ta yêu những người tốt với mình, ghét những người làm hại mình, trong khi thờ ơ với những người còn lại. Trước khi Chúa Kitô đến, người Pharisêu dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại,” và họ thêm vào: “hãy ghét kẻ thù” (Mt 5,43). Còn Chúa Giêsu dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,44-48).

Đức ái huynh đệ được đòi hỏi nơi chúng ta không thuộc về trật tự tự nhiên giống như tình huynh đệ có thể có giữa những người ngoại giáo; thay vào đó, nó cơ bản thuộc về trật tự siêu nhiên. Tình yêu tự nhiên khiến chúng ta yêu thương người thân cận chỉ vì những lợi ích nhận được từ họ, hoặc vì những phẩm chất tốt có ở nơi họ. Trong khi đó, đức ái làm cho chúng ta yêu mến người thân cận vì Thiên Chúa, vì họ là con Thiên Chúa hoặc được kêu gọi để trở thành một người như vậy.

Vậy liệu chúng ta có thể yêu mến tha nhân bằng cùng một tình yêu dành cho Thiên Chúa, hay thậm chí với cùng một tình yêu thần linh không? Thần học chặt chẽ nhất có thể trả lời cho chúng ta là “có” và giải thích điều này bằng một ví dụ rất đơn giản. Ai yêu sâu sắc một người bạn thì cũng yêu các con của bạn vì yêu cha của chúng; và người ấy yêu các con của bạn bằng một tình yêu đích thực, mà trong trường hợp cần thiết, cũng sẽ cố gắng bày tỏ.

Vì thế, nếu tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa, hay ít nhất đều được mời gọi làm con Thiên Chúa, thì chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người và yêu thương họ như chúng ta yêu mến Cha chung của chúng ta. Để yêu người thân cận một cách siêu nhiên, chúng ta chỉ cần nhìn anh ta bằng con mắt đức tin và nhớ rằng, dù khác biệt với chúng ta về hoàn cảnh và tính cách tới mức nào đi nữa, thì anh vẫn được sinh ra, giống như chúng ta, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa (Ga 1,13). Hoặc ít nhất, anh được kêu gọi sinh ra trong sự sống của Thiên Chúa, tham dự vào bản tính thần linh và hạnh phúc vĩnh cửu với Người. Như thế, cả tôi và người thân cận đều thuộc về cùng một gia đình của Thiên Chúa. Vậy thì làm sao tôi có thể không yêu anh ta nếu tôi thực sự yêu Chúa? Nhưng nếu tôi không yêu anh ta mà lại làm bộ yêu mến Thiên Chúa, thì chắc chắn rằng tôi đang nói dối (1 Ga 4,20). Mặt khác, nếu tôi yêu anh ta bằng tình yêu dành cho Chúa, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy tôi yêu Chúa, bởi lẽ tình yêu đối với Chúa cũng chính là tình yêu hướng đến thực tại siêu nhiên thực sự của người thân cận. Nói khác đi, tôi yêu người thân cận vì anh là con Thiên Chúa và là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, vì Chúa Thánh Thần ngự hoặc ao ước được ngự trong anh. Tôi yêu anh vì giống như tôi, anh được tiền định để trở nên viên đá sống động của Giêrusalem Thiên Quốc, và có lẽ anh là một viên đá quý giá và được cắt gọt tỉ mỉ hơn tôi. Tôi yêu sự hiện thực hóa ý tưởng thần linh ở nơi anh, thứ chi phối vận mệnh của anh, và tôi có thể yêu anh bằng một tình yêu thần linh, bởi tôi yêu anh vì vinh quang mà anh sẽ vĩnh viễn dâng lên Thiên Chúa.

Đôi khi, con người thế gian sẽ phản đối: “Nhưng yêu như vậy có thực sự là yêu người thân cận không? Chẳng phải nó đúng hơn chỉ là yêu Thiên Chúa và yêu Chúa Kitô trong anh ta thôi sao? Con người phải được yêu thương vì chính họ.” Trước hết, có thể nói rằng con người xét như con người không thể đòi hỏi quyền nhận được một tình yêu thần linh. Tuy nhiên, trên thực tế, đức ái không chỉ yêu mến Thiên Chúa trong con người, nhưng còn yêu mến con người trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa, bởi lẽ nó yêu những gì con người hẳn phải trở thành, tức là một chi thể vĩnh cửu trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hơn nữa, đức ái làm hết sức mình để con người có thể đạt tới vận mệnh đích thực của anh ta. Ngoài ra, nó yêu những gì anh ta đã đạt tới nhờ ân sủng. Nếu anh ta không có ân sủng, thì đức ái yêu bản tính của anh ta, tất nhiên không phải trong chừng mực mà bản tính ấy là thù địch của ân sủng do hậu quả của tội nguyên tổ, nhưng trong chừng mực nó có khả năng đón nhận ân sủng. Đức ái yêu mến con người tự thân với cùng một tình yêu hướng lên Thiên Chúa. Sau cùng, nó yêu mến anh ta vì Thiên Chúa, vì vinh quang mà anh được kêu gọi dâng lên cho Người.

Nếu đúng như vậy, thì chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người. Thực ra, tất cả những người thân cận đều giống như chúng ta, bởi vì tất cả đều đã được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi để trở thành thành viên trong gia đình của Người và chung hưởng vinh quang. Vì thế, chúng ta rõ ràng phải yêu thương kể cả những người thờ ơ cách tự nhiên đối với chúng ta, và thậm chí cả kẻ thù của chúng ta nữa, bởi lẽ, vì lý do này, họ không khi nào ngừng trở thành con Thiên Chúa hoặc ít nhất ngừng được kêu gọi trở thành con Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta phải sẵn sàng giúp đỡ kẻ thù của mình, ít nhất là nếu chúng ta thấy họ trong một tình huống cực kỳ cấp bách và cần tới sự giúp đỡ khẩn cấp của chúng ta. Đây là một giới răn. Ngay cả khi không phải là tình huống cực kỳ cấp bách, Chúa khuyên chúng ta cũng hãy giúp đỡ họ.

Ngoài ra, đức ái của chúng ta không nên có giới hạn; nó không thể loại trừ bất cứ ai dưới trần gian, trong luyện ngục hay trên Thiên đàng. Nó chỉ dừng lại trước hỏa ngục mà thôi. Thực ra, chỉ những kẻ bị nguyền rủa mới không thể được đức ái yêu thương, bởi lẽ họ không còn khả năng trở thành con Thiên Chúa; và vì đã vĩnh viễn căm ghét Thiên Chúa, cũng như không có khả năng hay ước muốn được nâng lên, họ không còn khả năng lôi kéo lòng trắc ẩn của chúng ta nữa. Ngoại trừ trường hợp không thể nghi ngờ của những người bị nguyền rủa, chúng ta buộc phải thực thi đức ái đối với tất cả mọi người, bởi lẽ đức ái không có bất cứ giới hạn nào khác ngoài chính những giới hạn của tình yêu nơi trái tim Thiên Chúa.

Chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình, nghĩa là không phải vì tư lợi hay lạc thú, nhưng mong muốn cho họ cũng như cho chính mình, có được ân sủng và vinh quang mà sau đó sẽ là vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không nên yêu người thân cận hơn chính mình. Chúng ta phải ưu tiên ơn cứu độ của mình hơn ơn cứu độ của người khác. Chúng ta không thể rời xa Thiên Chúa để cứu người thân cận, mặc dù chúng ta có thể chết vì ơn cứu độ của họ. Quả thế, đôi lúc chúng ta có bổn phận phải làm như vậy, khi người thân cận là kẻ được trao phó cho chúng ta.

Sau cùng, đức ái không hề hủy diệt tình yêu tự nhiên, nhưng còn nâng nó lên tầm vóc vô hạn, vì nó tôn trọng trật tự tự nhiên như đã đến từ bàn tay Thiên Chúa. Trước hết, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, rồi đến các linh hồn, rồi đến người thân cận, và cuối cùng là thân xác. Thiên Chúa muốn được ngự trị trong linh hồn chúng ta, nhưng không vì thế mà Người có ý loại trừ mọi tình cảm khác vốn có thể phụ thuộc vào tình cảm dành cho Người. Trái lại, Người nâng nó lên, làm cho nó lớn lên từng ngày tương ứng với sự tiến bộ của chúng ta trong đức ái.

Đức ái huynh đệ này phải giống như tình yêu dành cho Thiên Chúa, nó không những có tính cảm xúc nhưng còn phải có tính hữu hiệu. Ở điểm này, chúng ta chỉ cần nhớ đến mẫu gương của các thánh là đủ. Thánh Đa Minh đã bán sách vở của mình để có tiền nuôi người nghèo và mong muốn bán mình làm nô lệ để chuộc lại một tù nhân. Cuộc đời của các vị thánh, giống như cuộc đời của Chúa, là một hành vi liên lỉ của đức ái huynh đệ. Giống như Thầy mình, họ yêu thương anh em mình đến nỗi bằng lòng chịu đựng Thập Giá và nhận lấy triều thiên tử đạo. Họ hiểu câu nói này của Chúa theo nghĩa đen: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Để loan báo Tin Mừng cho anh em mình, họ chấp nhận phải đối mặt với những đau khổ tồi tệ nhất.

Làm sao để thực hành Đức ái huynh đệ

Những dịp tội có thể cám dỗ khiến chúng ta thiếu đức ái huynh đệ luôn hiện diện khắp nơi, ngay cả trong một tu viện. Những linh hồn mà người ta phải chung sống chắc chắn là những linh hồn được chọn, tuy nhiên, chỉ ở một khía cạnh nào đó.

Bất cứ khi nào người ta phải gặp nhau từ sáng đến tối trong suốt nhiều năm, trong những trạng thái tinh thần và hoàn cảnh khác biệt nhất—ốm yếu và khỏe mạnh, đau khổ và vui cười—họ không thể không nhận ra rằng bên cạnh nhiều nhân đức tốt đẹp, người bạn của mình cũng mang lấy một số thiếu sót thực sự về mặt luân lý. Tu viện chưa phải là Thiên đàng; đó chỉ là tập viện của Thiên đàng, một trường học về sự hoàn thiện. Và ngay cả khi tất cả những thiếu sót đó biến mất, thì những dịp tội gây ra các vết bầm tím và những xung đột nhỏ vẫn sẽ tồn tại, vì sự đa dạng về mặt cảm xúc, tính cách, trình độ học vấn và vì sự căng thẳng thần kinh phát xuất từ một đời sống khắc nghiệt như vậy. Hơn nữa, chúng còn tồn tại vì thực tế là trong khi Chúa chúng ta cố gắng hiệp nhất, thì Ma quỷ lại tìm cách chia rẽ.

Chúa Quan Phòng có ý cho phép tồn tại nhiều dịp tội là để chúng ta có thể hạ mình và thực hành đức ái huynh đệ. “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Những nỗi khốn cùng của bản thân giúp chúng ta khiêm nhường, những nỗi đau khổ của người thân cận giúp chúng ta thực hành các nhân đức. Chỉ trên Thiên đàng, những nguyên nhân gây bất hòa mới hoàn toàn biến mất, bởi vì ở đó, tất cả những người được chúc phúc sẽ nhìn thấy nơi Thiên Chúa, trong ánh sáng vinh phúc của Người, những gì họ nên khao khát và thực hiện.

Còn ở dưới thế này, ngay cả các vị thánh cũng đôi khi có thể vướng phải những sự bất đồng và bảo vệ các quan điểm đối lập một cách thiếu linh động với xác tín rằng đó là vấn đề về ý muốn của Thiên Chúa. Câu chuyện như thế đã xảy ra với Thánh Philip Nêri và Thánh Charles Borrômêô đến nỗi họ không thể đồng ý với nhau trong vấn đề liên quan đến các tu sĩ Dòng Oratôriô ở Milan. Chính vì thế, một người đã phải triệu hồi các tu sĩ của mình trở về Rôma, trong khi người kia thành lập Dòng Hiến sĩ của Thánh Ambrôsiô ở Milan.

Giữa những khó khăn như vậy, cũng như những khó khăn mới liên tục tái diễn, làm sao người ta có thể thực hành được đức ái huynh đệ? Có hai điều cần thiết ở đây: thứ nhất, nhìn người thân cận bằng con mắt đức tin, nghĩa là khám phá nơi họ hữu thể siêu nhiên mà chúng ta phải yêu mến; và thứ hai, yêu mến anh ta bằng cách chịu đựng anh ta, làm cho nhau trở nên hữu ích và cầu xin Thiên Chúa vì sự hiệp nhất của hai linh hồn.

Trước hết, chúng ta phải nhìn người thân cận bằng con mắt đức tin. Cũng như tình yêu Thiên Chúa nảy sinh từ đức tin vào Người, thì tình yêu đối với người thân cận cũng như vậy. Do đó, điều cần thiết là nhìn người thân cận của chúng ta bằng cái nhìn đức tin để khám phá nơi họ thực tại siêu nhiên mà chúng ta phải yêu mến. Vì điều thần linh trong anh ta đôi khi bị ẩn sâu khỏi tầm nhìn của chúng ta—không phải bởi những lỗi lầm nghiêm trọng trong mắt Chúa, nhưng bởi những thiếu sót về tính khí khiến chúng ta khó chịu và tồn tại ngay giữa các nhân đức—để nhìn thấy điều thần linh trong anh ta, chúng ta phải có một con mắt trong sáng và ân cần. Chúng ta sẽ thấy nó, nếu chúng ta xứng đáng được thấy nó.

Cũng như nước hằng sống của lời cầu nguyện chỉ được ban sau khi đã chịu thanh tẩy bằng hành vi bỏ mình, chúng ta cũng không được phép nhìn thấy Thiên Chúa trong các linh hồn cho đến khi ra khỏi chính mình. Như vậy là để chúng ta không chỉ có thể nhìn thấy vẻ đẹp của một linh hồn bất chấp những khác biệt về tính cách, nhưng còn có thể thầm nghĩ mỗi khi tiếp xúc với người khác rằng: “Đây là một linh hồn được Thiên Chúa yêu thương, nơi Chúa Thánh Thần ngự trị; anh/chị/em này là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô, được mời gọi để chung hưởng cùng một mối phúc với tôi, và có lẽ, để bước tới một cấp độ cao hơn tôi.”

Đây là một suy nghĩ hết sức đơn giản, tuy nhiên, những điều Chúa muốn nơi chúng ta lại đều được tìm thấy trong nó. Chúa Giêsu không muốn chúng ta tự dối lòng mình khi xét đoán người thân cận. Trên thực tế, chỉ có lòng nhân từ siêu nhiên mới có thể giúp chúng ta nhìn mọi sự một cách chính xác, trong khi sự xét đoán vội vàng thường đi ngược với cách hành động này. Lời khiển trách thường xuyên nhất mà Chúa hướng tới chúng ta vì tình trạng thiếu đức ái đối với người thân cận rõ ràng có liên quan tới sự xét đoán vội vàng: “Đừng xét đoán” (Mt 7,1). Sự xét đoán vội vàng về cơ bản là ác tâm. Đó là quyết định của một thẩm phán tự cho mình quyền tài phán mà anh ta không có đối với linh hồn của anh em mình. Đó là phán quyết của một thẩm phán bị mua chuộc, một thẩm phán không khoan dung, không thương xót và chỉ biết lên án.

Trong khi mới thấy một chút dấu hiệu của sự dữ, chúng ta đã lập tức khẳng định rằng sự dữ đó là hiển nhiên rõ ràng. Chúng ta nhìn thấy hai và khẳng định bốn. Tất cả những điều này phát xuất từ tính ích kỷ và lòng kiêu ngạo. Hơn nữa, cần lưu ý thêm rằng nếu đó là vấn đề nghiêm trọng, thì chúng ta đã phạm phải một tội trọng.1

Chúa chúng ta rất nghiêm khắc trong việc đối xử với những người xét đoán vội vàng, vì họ phạm phải hai lỗi cùng một lúc, nghịch lại đức công bình và nghịch lại đức ái. Họ tự gán cho mình quyền tài phán mà chính mình không sở hữu. Để xét đoán, người ta cần phải có loại chứng cứ của một phiên tòa, nhưng khi xét đoán ý hướng nội tâm của người thân cận, chúng ta không thể có được chứng cứ của một phiên tòa như thế. Trong trường hợp này, thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt chỗ sâu nhất của lương tâm, nói chuyện với nó, biết rõ sự điên rồ, những lỗi lầm, những trở ngại, những cám dỗ, cũng như thiện chí và những sự ăn năn của nó.

Thánh Catarina thành Siêna nói: “Chúng ta muốn ra luật lệ cho Chúa Thánh Thần và áp đặt đường lối của mình cho các linh hồn khác mà không hề nhận thức được điều đó; thường thì sự xét đoán của chúng ta là sai, và điều tệ hơn trong mắt Chúa là sự xét đoán này có ác ý và sinh ra từ tính ích kỷ và kiêu ngạo của chúng ta, bất kể vẻ ngoài của lòng nhân từ mà chúng ta muốn chứng tỏ có như thế nào.” Thay vì coi người thân cận là con Thiên Chúa, một người được kêu gọi vui hưởng cùng một mối phúc như mình, chúng ta lại thấy nơi anh ta một đối thủ mà chúng ta muốn lật đổ và hạ bệ.

Chúng ta nên để tâm và đấm ngực, vì Chúa đã phán: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 7,1-2). Làm sao chúng ta lại có thể dám hành động như những thẩm phán? Có phải chúng ta muốn lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em trong khi mắt mình vẫn còn một cái xà? (x. Mt 7,3). Và liệu ai có thể đảm bảo với chúng ta rằng đêm nay chúng ta không phạm phải một tội còn trọng hơn điều mình đang lên án?

Nhưng có người sẽ nói: nếu sự dữ rõ ràng, thì Thiên Chúa có đòi chúng ta phải tự dối mình không? Thánh Catarina thành Siêna trả lời: “Chúng ta không được thấy nó để xét đoán và phàn nàn, nhưng để có lòng trắc ẩn và để gánh lấy sức nặng của nó trước mặt Thiên Chúa, theo gương Chúa chúng ta.” Đây là đức ái. Nếu chúng ta kiềm chế sự xét đoán vội vàng của mình, chúng ta sẽ quen với việc nhìn người thân cận bằng con mắt đức tin, bằng con mắt trong sáng vốn chính là con mắt của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ nhìn thấy nơi người thân cận đền thờ của Chúa Thánh Thần, hoặc ít nhất là linh hồn mà Người muốn đến gần và ngự trong đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ chiêm ngắm hữu thể siêu nhiên của người thân cận dưới ánh sáng đức tin thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải yêu mến anh ta, chịu đựng anh ta, làm cho nhau trở nên hữu ích và mong muốn sự hiệp nhất của hai tâm hồn.

Trước hết, chúng ta cần phải gánh lấy những thiếu sót của người thân cận. Đối với các thánh, điều khiến các ngài đau khổ nhất chính là những sự xúc phạm đến Thiên Chúa, trong khi đối với chúng ta, điều làm đau lòng hơn và khiến chúng ta đánh mất sự kiên nhẫn là những thiếu sót bên ngoài và thường là những điều nhỏ nhặt trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta chịu đựng một số tội nhân mà cảm thấy không khó khăn gì, trong khi một số người có nhân đức lại là những đối tượng khiến chúng ta phải rèn luyện sự kiên nhẫn cực lớn.

Thiên Chúa muốn chúng ta chịu đựng nhau trong đức ái. “Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Người không muốn chúng ta vấp ngã hay khó chịu vì sự dữ mà Người cho phép. Người không muốn lòng nhiệt thành của chúng ta bị biến thành sự thiếu kiên nhẫn hay gắt gỏng chua cay. Và Người không muốn chúng ta phàn nàn về người khác đến mức bị thuyết phục rằng sự lý tưởng nằm ở nơi chúng ta, hoặc ít nhất là chúng ta yêu thích nó trong khi người khác thì không. Nói tắt một lời, Người không muốn chúng ta cầu nguyện bằng lời nguyện của người Pharisêu.

Chúng ta nên chịu đựng lẫn nhau mà không để bị vấp ngã vì sự dữ được Thiên Chúa cho phép. Từ đó, rút ra được điều tốt hơn. Nghệ thuật của Chúa cốt ở việc rút ra sự lành từ sự dữ. Chính những vấp ngã vì sự dữ đã phần nào khiến cho biết bao nỗ lực nhằm cải cách trong Giáo Hội và các dòng tu trở nên vô hiệu. Chúng ta nên trợ giúp lẫn nhau. Và quả thực, chúng ta nên làm gì đó hơn thế nữa. Như Thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2), giống như Chúa đã mang gánh nặng của tất cả chúng ta trên vai Người.

Tuy nhiên, sự hoàn thiện không chỉ bao gồm việc chịu đựng lẫn nhau, nhưng còn ở việc lấy thiện báo ác. Trước hết, chúng ta phải nêu gương tốt để gây dựng và phải cầu nguyện. Khi chúng ta bị cám dỗ xét đoán người thân cận một cách nghiêm khắc, vấp ngã hoặc cáu kỉnh vì bị chọc tức, chúng ta nên cầu nguyện và ánh sáng sẽ chiếu rọi trong chúng ta và trong linh hồn của người mà chúng ta đang cầu nguyện cho họ. Chúng ta sẽ nhận được ơn phúc của Chúa từ người ấy. Chúng ta cũng nên cầu nguyện cho tất cả các thành viên trong cộng đoàn và cho các bề trên của chúng ta. Sau cùng, chúng ta nên đặt mình vào vị trí phục vụ mọi người với lòng khiêm nhường và thận trọng. Khi đó, với sự trợ giúp của lời cầu nguyện, sự hiệp nhất các tâm hồn cũng như ước muốn của Chúa chúng ta sẽ được thực hiện: “Để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).

Trong những thế kỷ đầu, sự hiệp nhất này chính là đặc tính của đời sống Giáo Hội trong lòng thế giới. Có một sự kết hiệp mật thiết giữa những người Do Thái trở lại Đạo với người Hy Lạp và người Rôma; giữa người dốt nát với người khôn ngoan; giữa người giàu với người nghèo. Tất cả tạo nên một gia đình duy nhất, gia đình của con cái Thiên Chúa, và của cải trần thế đã được dùng làm của chung. Các môn đệ Chúa Kitô đã thực sự được nhận biết qua dấu chỉ mà chính Người đã ban cho họ. Những người ngoại giáo đã phải thốt lên rằng: “Hãy nhìn xem, họ yêu thương nhau biết mấy!”

Với sự lan rộng của Giáo Hội ra khắp hoàn cầu, sự kết hiệp sâu sắc và hiệp thông mật thiết này không còn có thể được duy trì như xưa nữa. Tuy nhiên, Thiên Chúa mong muốn một mẫu gương như thế phải được lưu giữ giữa loài người. Đây là một trong những lý do của việc thành lập các tu viện. Tính chân, thiện, mỹ của một tu viện được tạo nên bởi sự hiệp nhất. Trong khi một cộng đoàn chia rẽ là hiện thân của một lời dối trá sống động, chiếu theo câu nói của Thánh Gioan (1 Ga 4,20): “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.”

Trong một tu viện, tất cả đều là chung để biểu lộ ra bên ngoài sự hiệp nhất của các tâm hồn: cùng một nơi ở, cùng một thói quen, cùng một quy luật, cùng một của ăn thức uống, cùng một lời cầu nguyện trong cùng một nhà thờ, và trên hết, cùng một sự Hiệp lễ nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, nơi tất cả được nuôi dưỡng bởi cùng một Thân Mình Chúa Kitô. Nhưng nếu các linh hồn không hiệp nhất, thì tất cả sẽ chỉ là dối trá trước mặt Thiên Chúa, trước mặt những người mà họ phải nêu gương và trước cả chính họ. Một cộng đoàn chia rẽ sẽ trở ra vô hiệu và làm tổn thương trái tim của Thiên Chúa, Đấng sẽ tước đi những ơn phúc của Người.

Trái lại, nếu mọi tâm hồn được hiệp nhất nhờ sự thinh lặng, bỏ mình, tinh thần đức tin và đức ái, thì mọi linh hồn sẽ thực sự giống như các chi thể của cùng một thân thể. Mỗi người hành động vì mọi người và mọi người hành động vì mỗi người. Chỉ có một sự sống, chỉ có một linh hồn. Quả không có gì cường điệu khi nói rằng “chỉ có một linh hồn”, bởi lẽ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho tất cả các linh hồn này, sẽ thực sự linh hứng cho họ và khiến họ hành động. Không phải vô ích mà Chúa Giêsu đã nói: “Để họ nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).

Chúa Cha và Chúa Con là một nhờ sự hiệp nhất về bản tính, tư tưởng và tình yêu. Mọi hoạt động của hai Ngôi đều kết thúc ở tình yêu chung và hỗ tương của Họ: trong Chúa Thánh Thần. Cũng vậy, trong một cộng đoàn nhiệt thành và hiệp nhất, các linh hồn phải hoàn toàn là một nhờ sự hiệp nhất về đời sống siêu nhiên, tư tưởng và tình yêu. Mối dây liên kết họ phải giống như mối dây liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí chung, và ban sự sống cho tất cả họ.

Ôi Linh Hồn của Nhiệm Thể, Đấng làm sống động nhân tính của Chúa Kitô và mọi chi thể của Người, xin hé lộ cho chúng con sự sống sâu xa và sự hiệp nhất của Thân Thể vinh hiển trên Thiên đàng, đau khổ trong luyện ngục và đấu tranh ở trần gian này. Xin làm cho chúng con hiểu rằng ngay cả giờ này, chúng con cũng thuộc về gia đình của các thánh và gia đình của Thiên Chúa, và, cho dù có tính cách khác nhau, xin giúp chúng con yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng con. Amen.


Chú thích

1 Thánh Tôma nói rằng: “Nếu chúng ta không thể tránh được sự nghi ngờ, thì ít nhất nên kiềm chế các phán đoán của mình, nghĩa là không đưa ra những phán đoán dứt khoát và không thể hủy bỏ” (ST II-II, Q. 60, a. 3). ĐHY Cajetan và nhiều người khác nghĩ rằng sự nghi ngờ vội vàng, khi chỉ giới hạn ở mức độ hoài nghi hay quan điểm, thì tự nó không phải là một tội trọng. Tuy nhiên, Banez, Medina và Billuart lại có quan điểm trái ngược.

Chương IV. Tình yêu đối với Thiên ChúaChương VI. Khổ chế