Chương VII. Khiêm nhường

Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” — Mt 20,28


Vì chúng ta đang chủ yếu nói về các nhân đức luân lý có tính thân thuộc đặc biệt với các nhân đức đối thần và đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, nên chúng ta tất yếu phải ngẫm xem những người muốn trở nên thành thạo phải có đức khiêm nhường như thế nào. Tầm quan trọng và bản tính của nhân đức Kitô giáo này sẽ chứng minh cho chúng ta thấy sự cách biệt giữa các nhân đức tập thành mà nhiều triết gia ngoại giáo mô tả, với các nhân đức phú bẩm được nói đến trong Tin Mừng.

Xuyên suốt truyền thống Kitô giáo, nhân đức này luôn được coi là nền tảng của toàn bộ đời sống thiêng liêng. Nó là nền tảng trong chừng mực giúp ngăn cách chúng ta với thói kiêu ngạo vốn được Thánh Kinh xác định là căn nguyên của mọi thứ tội vì gây ra sự chia rẽ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đức khiêm nhường thường được ví như nền móng cần phải được đào xuống để xây nên một tòa nhà. Tòa nhà mong muốn càng cao, thì nền móng đào xuống càng phải sâu hơn nữa. Hai cột trụ nổi bật của ngôi đền được xây lên là đức tin và đức cậy, trong khi đức ái là mái vòm.

Chắc chắn đức khiêm nhường phải ngăn chặn sự kiêu ngạo dưới mọi hình thức, cả về trí tuệ lẫn tinh thần. Tuy nhiên, hành vi khiêm nhường chính yếu và cao quý nhất lại không hẳn là việc kiềm chế thực sự những hành vi kiêu ngạo. Quả thế, rõ ràng là nơi Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria, không bao giờ có bất cứ mối kiêu ngạo nào cần phải được kiềm chế. Tuy nhiên, ở nơi Chúa và Mẹ, có sự thực hành liên lỉ và không chút gián đoạn đức khiêm nhường. Vậy hành vi khiêm nhường đặc biệt đối với Thiên Chúa và tha nhân là gì?

Khiêm nhường đối với Thiên Chúa

Hành vi khiêm nhường đặc biệt cốt ở việc cúi mình xuống đất (tên gọi của nhân đức này phát xuất từ chữ humus1 trong tiếng Latinh). Nói mà không dùng ẩn dụ, hành vi độc đáo này cốt ở việc hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa và trước những gì thuộc về Người trong mọi thụ tạo. Hạ mình trước Đấng Tối Cao có nghĩa là nhận ra sự thấp hèn, nhỏ bé và nghèo nàn của mình không chỉ về mặt lý thuyết nhưng còn cả thực tiễn. Ngay cả trong trạng thái vô tội, chúng ta cũng ý thức được điều này, nhưng sau khi phạm tội, chúng ta còn nhận thức được tình trạng khốn cùng của mình nữa.

Vì thế, đức khiêm nhường được kết hiệp với đức vâng phục và đức thờ phượng. Tuy nhiên, nó khác với hai nhân đức này. Đức vâng phục liên quan đến thẩm quyền của Thiên Chúa và giới răn của Người, trong khi đức thờ phượng tôn kính sự ưu việt của Người, cũng như sự thờ phượng và tôn sùng xứng đáng với Người. Đức khiêm nhường, trong khi khiến chúng ta cúi mình xuống đất, thừa nhận sự nhỏ bé và nghèo khó của chúng ta, và theo cách này, tôn vinh sự cao cả của Thiên Chúa. Nó ca ngợi vinh quang của Người giống như Tổng lãnh thiên thần Micae, khi ngài nói: “Ai giống Thiên Chúa?”

Có thể nói, linh hồn bên trong kinh nghiệm được một niềm vui thánh thiện khi biến mình thành không là gì trước mặt Chúa để có thể nhận ra một cách thực tiễn rằng chỉ có Người mới là Đấng cao cả, và rằng so với sự uy nghi của Người, mọi sự cao cả của con người đều không thật, đều giống như một lời nói dối. Đức khiêm nhường được quan niệm theo cách này lấy sự thật làm nền tảng, đặc biệt là sự thật rằng có một khoảng cách vô hạn giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo. Càng nhận ra khoảng cách này một cách sống động và cụ thể, thì chúng ta càng khiêm nhường hơn. Dù một thụ tạo có cao quý đến đâu, vực thẳm này vẫn luôn sâu vô hạn; khi chúng ta càng nâng cao mình lên, điều này càng trở nên rõ ràng. Do đó, người cao nhất là người khiêm nhường nhất bởi lẽ anh ta là người được soi sáng nhất. Đức Trinh Nữ Maria là vị thánh khiêm nhường nhất trong tất cả các vị thánh, còn Chúa chúng ta lại khiêm nhường hơn Mẹ Người rất nhiều.

Sự thân thuộc của đức khiêm nhường với các nhân đức đối thần có thể thấy được bằng cách xem xét nền tảng tín điều kép của nó mà các triết gia ngoại giáo chưa từng biết đến. Trước hết, nó dựa trên mầu nhiệm sáng tạo ex nihilo2 mà các triết gia thời cổ đại không biết, hay ít nhất là không rõ ràng, nhưng lý trí nào có thể biết được bằng năng lực tự nhiên của nó. Chúng ta được tạo dựng từ hư vô. Đây là nền tảng của đức khiêm nhường dưới ánh sáng của lập luận chính xác. Dưới khía cạnh này, đó là vấn đề của đức khiêm nhường tập thành. Ở đây, chúng ta đặc biệt quan tâm đến đức khiêm nhường phú bẩm. Đức khiêm nhường như thế dựa trên mầu nhiệm ân sủng, dựa trên sự cần thiết của ơn hiện sủng để thực hiện hành vi nhỏ nhất có ích cho ơn cứu độ. Mầu nhiệm này vượt quá năng lực tự nhiên của lý trí và chỉ có đức tin mới nhận biết được. Chúa Giêsu đã bày tỏ điều này khi Người nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5)—để hưởng ơn cứu độ.

Từ điều này, nảy sinh một số hệ quả nhất định liên quan đến Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, Sự quan phòng của Người, lòng nhân lành của Người trong chừng mực đó là nguồn mạch ân sủng, và lòng nhân lành của Người trong chừng mực nó mang lại ơn tha tội cho chúng ta.

Trước hết, đối với Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, chúng ta thừa nhận không chỉ một cách trừu tượng, nhưng phải theo cách thực tiễn và cụ thể rằng tự thân mình, chúng ta chẳng là gì cả. “Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không!” (Tv 39,6); “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4,7). Chúng ta được tạo dựng từ hư vô nhờ mệnh lệnh [fiat]3 của Thiên Chúa, Đấng có tự do bởi chủ quyền, và hiện hữu của chúng ta được bảo tồn cũng là nhờ tình yêu nhân từ của Người, tình yêu mà nếu như không có, chúng ta sẽ bị hủy diệt ngay lập tức. Mặc dù sau sáng tạo, có rất nhiều hữu thể vô cùng đa dạng xuất hiện, tuy nhiên, tính hiện thực, sự hoàn thiện, sự khôn ngoan và tình yêu cũng không hề tăng lên, bởi lẽ đức khôn ngoan vô hạn và tầm vóc viên mãn của sự hoàn thiện thần linh đã tồn tại ngay cả trước sáng tạo. Ngoài ra, nếu tất cả những gì đến từ Thiên Chúa bị tước khỏi hành vi tự do hoàn hảo nhất của chúng ta, thì nói theo nghĩa chặt, sẽ không có gì còn tồn tại, vì hành vi này không phải được thực hiện một phần bởi Thiên Chúa và một phần bởi chúng ta. Đúng hơn, toàn bộ đều đến từ Thiên Chúa trong chừng mực Người là nguyên nhân đệ nhất của nó, và toàn bộ đều đến từ chúng ta trong chừng mực chúng ta là nguyên nhân đệ nhị. Tương tự như vậy, trái cây hoàn toàn đến từ Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, và cũng hoàn toàn đến từ cây là nguyên nhân đệ nhị. Điều này phải được thừa nhận trong thực tiễn. Nếu không có Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và bảo tồn vạn vật, chúng ta sẽ không tồn tại.

Tương tự như vậy, nếu không có Thiên Chúa là Đấng Tối Cao cấp ban mọi sự, nếu không có Sự Quan Phòng của Người giúp “hướng dẫn mọi sự”, cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn thiếu phương hướng. Do đó, chúng ta vừa phải khiêm nhường đón nhận chỉ dẫn chung trong các giới răn của Người để đạt tới sự sống vĩnh cửu, vừa phải tuân theo chỉ dẫn riêng mà Đấng Tối Cao đã chọn từ cõi đời đời cho mỗi người chúng ta. Chỉ dẫn riêng này được thể hiện qua các bề trên của chúng ta—những vị trung gian giữa Thiên Chúa và chúng ta, những vị mà chúng ta nên cậy nhờ đến những lời khuyên của họ—cũng như qua các sự kiện, và qua sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta nên khiêm nhường đón nhận địa vị, có lẽ rất khiêm tốn, mà Thiên Chúa đã định sẵn cho mỗi người chúng ta từ trước muôn đời.

Như vậy, trong đời sống tu trì, theo ý định của Thiên Chúa, một số người phải giống như cành cây, trong khi số khác thì giống như những bông hoa, và số khác nữa thì giống như rễ cây ẩn dưới đất. Trên thực tế, rễ cây, ngay cả khi ẩn khuất, vẫn hữu ích hơn các bộ phận khác vì chúng lấy chất dinh dưỡng từ đất để tạo ra nhựa sống cần thiết để nuôi cây. Nếu tất cả rễ bị chặt đi thì cây sẽ chết, trong khi bản thân nó lại không chết nếu tất cả các cành và hoa bị chặt đi.

Đức khiêm nhường giúp người tín hữu và người tu sĩ sẵn lòng chấp nhận một địa vị ẩn khuất, một địa vị rất có ích lợi không chỉ cho chính họ nhưng còn cho người khác. Trong cuộc đời đau khổ của mình, Đấng Cứu Độ đã khiêm nhường đi tìm chỗ cuối, Người cho phép Baraba được ưu tiên hơn mình, đã chọn sự khinh bỉ và nhục nhã ê chề trên Thập Giá. Chính vì lý do này mà trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa, Đức Kitô đã trở nên đá tảng góc tường. “Đức Giêsu bảo họ: Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21,42). Và Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Êphêxô: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu” (Ep 2,19-20). Đó là đức khiêm nhường vững chắc, phong phú kỳ diệu, mà ngay cả ở những nơi kín đáo nhất cũng ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cần phải khiêm nhường đón nhận sự chỉ dẫn đặc biệt mà Thiên Chúa đã chọn cho chúng ta, cho dù điều đó có dẫn chúng ta đến một sự hy sinh sâu sắc. Chính Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và cái chết (x. Đnl 32,39). Người dẫn chúng ta từ thái cực này đến thái cực khác. Người hạ chúng ta xuống và nâng chúng ta lên theo ý Người (x. 1 V 2,7). Đây là một trong những những câu điệp đẹp nhất của Thánh Kinh.

Vì chúng ta không thể tiến lên dù chỉ một bước nhỏ nhất, không thể thực hiện được dù chỉ một hành vi ít công phúc nhất hay ít tác dụng nhất cho ơn cứu độ, nếu không có sự trợ giúp của ơn hiện sủng, và vì chúng ta đặc biệt cần đến nó để bền chí đến cùng, nên chúng ta nên khiêm nhường cầu xin ân sủng này.

Ngay cả khi chúng ta sở hữu ân sủng thánh hóa và đức ái ở một mức độ cao hơn, giống như có mười khả năng chẳng hạn, chúng ta vẫn cần đến ơn hiện sủng cho hành vi có tính cứu độ dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, chúng ta cần đến ân huệ lớn lao là sự bền chí cuối cùng để được chết lành. Chúng ta nên khiêm nhường và tin tưởng cầu xin điều này mỗi ngày trong Kinh Kính Mừng.

Cùng với Thánh Phaolô, đức khiêm nhường Kitô giáo vui vẻ cất lời: “Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa” (2 Cr 3,5). “Vì thế, tôi nói cho anh em biết: chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giêsu là đồ khốn kiếp!’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3).

Nói tắt một lời, đức khiêm nhường phải nhìn nhận một cách thực tiễn và hơn thế nữa mỗi ngày về sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và Đấng cấp ban mọi sự, Tác Giả của ân sủng. Đức khiêm nhường này, vốn nhận ra sự nghèo khó của chúng ta, hẳn phải được tìm thấy nơi mọi người công chính. Nó hẳn cũng được tìm thấy nơi một người vô tội.

Tuy nhiên, sau khi phạm tội, chúng ta phải nhìn nhận không chỉ sự nghèo khó của mình, nhưng còn cả nỗi khốn cùng của mình nữa: (1) nỗi khốn cùng của một tâm hồn xấu xa và ích kỷ, của ý chí bất ổn, của tính khí thất thường, bạo lực và hỗn loạn; (2) nỗi khốn cùng của tinh thần, thứ gây ra sự lãng quên không thể tha thứ và rơi vào những mâu thuẫn mà nó vốn có thể tránh và phải tránh; và (3) nỗi khốn cùng của tính kiêu ngạo và dục vọng, thứ dẫn đến sự dửng dưng đối với vinh quang của Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn.

Sự khốn cùng này không hơn gì hư vô vì nó tạo ra một tình trạng hỗn loạn mà đôi khi, đẩy tâm hồn chúng ta vào trạng thái hư hèn đến mức đáng khinh. Lời kinh “Xin xót thương” trong Kinh nhật tụng thường nhắc nhở chúng ta về những chân lý vĩ đại này:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 51,3 tt.).

Nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay (Tv 19,13).

Sự hạ mình qua đức khiêm nhường đích thực này vô cùng khác biệt so với sự hèn nhát nảy sinh từ lòng tôn kính phàm nhân và sự biếng nhác thiêng liêng! Sự hèn nhát, trái ngược với đức cao thượng, tìm cách chạy trốn khỏi những công việc cần. Còn đức khiêm nhường thì không hề đối lập với sự cao cả của tâm hồn, nhưng kết hiệp một cách mật thiết với nó. Vì thế, người Kitô hữu đích thực phải hướng tới những điều lớn lao xứng đáng với một tâm hồn vĩ đại. Tuy nhiên, anh ta nên nhắm đến mục tiêu này một cách khiêm nhường, và nếu cần, hãy tiến hành những sự hạ mình hết sức. Người ấy phải học cách nói thường xuyên: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy CHÚA, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ” (Tv 115,1).

Người hèn nhát là người từ chối những gì mình có thể làm và phải làm. Anh ta cũng có thể phạm phải tội trọng khi từ chối làm những gì thuộc về bổn phận. Trái lại, đức khiêm nhường cúi mình trước Thiên Chúa và đặt mình vào đúng vị trí. Nó không hạ thấp chúng ta trước mặt Thiên Chúa mà không để cho Người hành động cách tự do hơn trên chúng ta. Linh hồn khiêm nhường phó mình trong tay Thiên Chúa mà không hề chán nản, và nếu Thiên Chúa làm được những điều lớn lao qua hành vi khiêm nhường đó, người ấy cũng không khoe khoang, giống như chiếc rìu trong tay người tiều phu hay cây đàn trong tay người nghệ sĩ. Nó lên tiếng nói cùng Đức Trinh Nữ Maria rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38)!

Khiêm nhường đối với người thân cận

Về chủ đề này, Thánh Tôma nói một cách đơn giản nhưng sâu sắc: “Mỗi người đều phải thừa nhận rằng, trong những gì sở hữu nhờ chính mình, chúng ta thua kém tất cả những gì mà người khác có được nhờ lãnh nhận từ Thiên Chúa.” Bản thân mỗi người không có gì khác ngoài sự nghèo khó, thiếu sót và yếu kém. Anh ta phải thừa nhận, không chỉ về mặt lý thuyết nhưng còn cả thực tiễn, rằng tất cả những gì anh ta có từ chính mình đều thấp kém hơn mọi sự mà mọi người khác có được từ Thiên Chúa, cả trong trật tự tự nhiên lẫn ân sủng.

Vị Tiến Sĩ thánh thiện còn nói thêm một cách ngắn gọn: “Người thực sự khiêm nhường coi mình thấp kém hơn người khác không phải vì những hành vi bên ngoài, nhưng vì anh ta sợ rằng mình có thể đang hoàn thành ngay cả những việc tốt lành thông qua một sự kiêu ngạo ngầm ẩn.” Vì lý do này, tác giả Thánh Vịnh nói: “Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay.” Hoặc tốt hơn là: “Lạy Chúa, xin thanh tẩy con khỏi những lỗi lầm đang ẩn giấu của con.” Hơn nữa, theo Thánh Augustinô: “Hãy tin rằng người khác tốt đẹp hơn bạn, cho dù họ hơn theo một cách thức ngầm ẩn, cho dù bạn có vẻ trổi vượt hơn họ về mặt luân lý.”

Một lần nữa, cùng với thánh Augustinô, chúng ta phải nói: “Không có tội nào người khác phạm mà tôi lại có thể không phạm vì sự yếu đuối của mình; và nếu tôi không phạm, thì đó là vì Thiên Chúa, với lòng thương xót của Người, đã không cho phép điều đó xảy ra và đã giữ tôi ở lại trong điều lành.” Kinh Thánh nói: “Lạy Chúa, xin tạo cho con một quả tim trong sạch và một tinh thần kiên định; xin biến đổi con nên một với Chúa, và con sẽ được biến đổi; Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Thánh Tôma viết: “Vì tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là nguyên nhân của mọi điều lành, nên không ai tốt hơn người khác nếu họ không được Thiên Chúa yêu thương nhiều hơn” (ST q. 20, a. 3).

“Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4,7). Điều này khiến các thánh tự nhủ mỗi khi nhìn thấy một tội nhân bị kết án tử hình: “Nếu anh ấy nhận được những ân sủng giống như tôi đã nhận trong suốt bao nhiêu năm, có lẽ anh sẽ bất trung ít hơn tôi; và nếu Chúa cho phép cuộc đời tôi phạm phải những sai lầm giống như anh đã phạm; thì hai chúng tôi đã hoán đổi vị trí cho nhau rồi.”

“Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” Đây là nền tảng đích thực của đức khiêm nhường Kitô giáo. Mọi niềm kiêu hãnh đều phải bị đập tan dưới câu nói thần linh này! Do đó, lòng khiêm nhường của các vị thánh càng lúc càng trở nên sâu sắc hơn, vì các ngài ngày càng nhận biết rõ hơn sự mỏng giòn, yếu đuối của mình, thứ trái ngược với sự cao cả và tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta phải luôn luôn hướng tới đức khiêm nhường này của các thánh. Tuy nhiên, chúng ta không nên sử dụng những công thức mà các ngài đã dùng cho đến khi xác tín một cách sâu sắc vào chân lý của chúng; bởi nếu không, chúng ta sẽ tự dẫn mình đến một sự khiêm nhường giả tạo, thứ mà so với đức khiêm nhường cũng giống như những viên kim cương giả so với một viên kim cương thật.

Đức khiêm nhường đối với người thân cận, như đã được xác định bởi Thánh Tôma, khác hẳn với sự tôn kính phàm nhân và sự hèn nhát. Sự tôn kính phàm nhân là nỗi sợ dư luận và cơn giận dữ của kẻ ác; nỗi sợ hãi này làm chúng ta xa cách Thiên Chúa. Trong khi sự hèn nhát trốn tránh công việc cần; nó rút lui trước những điều lớn lao cần phải hoàn tất và có xu hướng nhắm tới những điều nhỏ mọn. Đức khiêm nhường uốn chúng ta cúi đầu một cách cao thượng trước Thiên Chúa và trước những gì là thần linh nơi người thân cận.

Thánh Tôma nói rằng người khiêm nhường không nhượng bộ trước quyền bính của kẻ ác, và ở điểm này, họ khác biệt với những người tham vọng, những người hạ mình quá mức cần thiết cốt để đạt được mục đích mà họ mong muốn, họ hạ mình theo cách của người nô lệ hòng có được quyền lực. Đức khiêm nhường không trốn tránh những điều vĩ đại. Trái lại, nó củng cố đức cao thượng, khiến người ta hướng tới những điều cao cả một cách khiêm nhường. Khiêm nhường và cao thượng là hai nhân đức bổ túc cho nhau như hai nửa của một mái vòm. Hai nhân đức này được thể hiện một cách tuyệt vời nơi Chúa Giêsu, khi Người nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ [đây là đức khiêm nhường], nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người [đây là đức cao thượng với sự nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn]” (Mt 20,28).

Đấng Cứu Độ của chúng ta không thể nhắm đến điều gì cao hơn hay có xu hướng nhắm tới với lòng khiêm nhường lớn hơn. Người muốn ban cho chúng ta sự sống đời đời, và để thực hiện điều này, Người đã chọn con đường khiêm nhường, Khổ nạn và Thập giá.

Theo đúng tỷ lệ, hai nhân đức có vẻ trái ngược nhau này lại được hợp nhất nơi các vị thánh. Vì thế, Gioan Tẩy Giả khiêm nhường đã không sợ cơn giận của vua Hêrôđê khi nói với vua: “Việc ngài đang làm là trái luật” (x. Mt 14,4; Mc 6,18). Các tông đồ, với lòng khiêm nhường của mình, không sợ quan điểm của người đời và cao thượng tới mức tử đạo. Có điều gì đó tương tự cũng xuất hiện nơi tất cả các vị thánh. Càng khiêm nhường, họ càng mạnh mẽ và càng ít sợ hãi ý kiến ​​của phàm nhân cho dù họ có đáng sợ đến đâu. Đó là Thánh Vincent de Paul, người rất mực khiêm nhường nhưng không hề run sợ trước sự kiêu ngạo của phái Jansen mà ngài đã tố cáo để bảo tồn ân sủng được Rước lễ thường xuyên cho các linh hồn.

Các cấp độ của khiêm nhường

Nếu không có đức khiêm nhường, thì không thể có được đức ái trọn hảo. Vậy thì, nói một cách thực tiễn, chúng ta phải làm gì để đạt tới đức khiêm nhường hoàn hảo? Trên hết, chúng ta cần phải duy trì thái độ đúng đắn đối với những lời khen ngợi và chê trách.

Về việc khen ngợi, chúng ta không được tự khen mình. Điều này sẽ làm chính chúng ta bị vấy bẩn, như câu châm ngôn: “Ai tôn vinh mình là tự làm mình vấy bẩn.” Những người tự khen ngợi bản thân nhận thấy rằng họ không bao giờ được người khác khen ngợi đủ. Chúng ta không được tìm kiếm những lời khen ngợi, vì chúng ta sẽ khiến mình trở nên lố bịch và đánh mất công phúc từ những việc tốt đẹp của mình. Cuối cùng, chúng ta không được tự mãn khi nhận được những lời khen ngợi. Chúng ta có thể đánh mất tất cả công phúc từ những hành động tốt đẹp của mình, hay ít nhất là tinh hoa của công phúc đó.

Đối với những lời khiển trách, chúng ta phải kiên nhẫn chấp nhận những gì chúng ta đáng phải nhận, nhất là khi bề trên có quyền và nghĩa vụ phải làm như vậy. Nếu một người trở nên hờn dỗi, ích lợi của việc sửa dạy chính đáng này sẽ không còn. Đôi khi, việc kiên nhẫn chấp nhận những lời khiển trách hầu như hay hoàn toàn không đáng cũng là chuyện nên làm. Khi còn là tập sinh, Thánh Tôma đã từng bị sửa sai một cách thiếu công bằng về một lỗi trong tiếng Latinh khi đọc sách trong phòng ăn. Ngài đã tự sửa chữa như được dạy bảo, nhưng trong giờ nghỉ, các anh em khác đã lấy làm ngạc nhiên và hỏi ngài: “Anh nói đúng, anh đọc rất tốt; vậy tại sao anh lại sửa lỗi chính mình?” Và Thánh Tôma đã trả lời: “Trước mặt Chúa, thà mắc lỗi ngữ pháp còn hơn là thiếu vâng lời và khiêm nhường.”

Sau cùng, thật tốt khi đòi hỏi bản thân phải yêu mến việc bị khinh thường, hãy nhớ đến gương sáng của các vị thánh. Khi Chúa hỏi Thánh Gioan Thánh Giá: “Con muốn phần thưởng gì?” Ngài trả lời: “Bị khinh thường và chịu đau khổ vì tình yêu của Ngài.” Lời cầu nguyện của thánh nhân đã được chấp nhận. Chỉ vài ngày sau, trong một chương rất buồn của cuộc đời, ngài đã bị đối xử như một tu sĩ bất xứng và theo cách chúng ta khó có thể tưởng tượng được.

Thánh Phanxicô thành Assisi nói với thầy Lêô: “Nếu chúng ta đến cổng tu viện lúc đêm khuya mà người gác cổng không muốn mở, nhưng bắt chúng ta làm kẻ trộm và dùng gậy đánh chúng ta, bỏ mặc chúng ta suốt đêm trong mưa và lạnh, thì chính lúc đó, chúng ta phải thốt lên: ‘Thật là niềm vui trọn vẹn! Lạy Chúa, con thật vui mừng khi được chịu đau khổ vì Chúa và trở nên giống Chúa một chút.’” Các thánh đã tự nâng mình lên đến mức này!

Thánh Anselmô đã mô tả một cách xuất sắc các cấp độ của khiêm nhường:

  1. thừa nhận rằng trong một số khía cạnh nhất định, chúng ta đáng bị khinh thường;
  2. chấp nhận bị như vậy;
  3. thú nhận rằng chúng ta là như vậy;
  4. ước gì người thân cận của chúng ta tin vào điều này;
  5. kiên nhẫn chịu đựng khi người khác nói điều này về chúng ta;
  6. chấp nhận không chút e ngại khi bị đối xử như một người đáng khinh;
  7. mong muốn được đối xử theo cách này.

Những cấp độ cao hơn này được mô tả trong tất cả các cuốn sách về lòng đạo đức, nhưng, như Thánh Têrêsa thành Avila nói, “chúng là một ân huệ của Thiên Chúa; chúng là những thiện ích siêu nhiên.” Chúng đòi hỏi phải có một sự chiêm niệm thiên phú nhất định về đức khiêm nhường của Chúa chúng ta, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, cùng với một ước muốn sống động trong chúng ta là được trở nên giống như Người.

Việc hướng tới sự hoàn thiện cao cả này chắc chắn là điều đúng đắn. Tuy nhiên, rất ít linh hồn đạt tới điều đó. Trước khi đạt tới điều đó, linh hồn nội tâm có nhiều dịp nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, rất đơn giản và sâu sắc nhưng thực sự có thể bắt chước được, ít là theo cách tương đối: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đây là đức khiêm nhường sâu sắc nhất, được kết hiệp với sự cao cả đáng quý nhất của linh hồn.

Một trong những công thức đẹp nhất mà trong đó, đức khiêm nhường và cao thượng được dung hòa là công thức được lấy từ các tác phẩm của Thánh Tôma. “Người tôi tớ Chúa phải luôn coi mình là người tập sự và luôn hướng tới một cuộc sống hoàn thiện và thánh thiện hơn mà không bao giờ dừng lại.”


Chú thích

Trong tiếng Latinh:

1 humus có nghĩa là đất, mặt đất, trái đất.

2ex nihilo” có nghĩa là “từ hư vô.”

3 fiat có nghĩa là “hãy để việc đó được hoàn thành” hoặc “hãy để...”

Chương VI. Khổ chếChương VIII. Khó nghèo