Chương VI. Khổ chế
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” — Mt 16,24
“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.” — 2 Cr 4,10; x. Chú giải của Thánh Tôma
Chúng ta đã thấy rằng sự tiến bộ thiêng liêng của chúng ta tùy thuộc vào sự cộng tác vốn trước hết cốt ở đức ái. Vì thế, chúng ta có bổn phận đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng tình yêu. Chúng ta đã xét thấy rằng đức ái này không được đo lường bằng sự thỏa mãn khả giác đôi khi đi kèm với lòng sùng kính, nhưng bằng hai dấu chỉ thiết yếu: cái chết đối với tội lỗi và sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô qua việc gia tăng các nhân đức Kitô giáo. Đây là hai biểu hiện của sự tiến bộ trong đức ái mà chúng ta đang cùng nhau học hỏi.
Trước hết, Chúa đòi chúng ta phải chết cho tội lỗi, khi Người nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” “Phải từ bỏ chính mình” là luật khổ chế mà chúng ta phải đặt lên chính mình. “Vác thập giá mình mà theo” là bổn phận phải chịu đựng cách kiên nhẫn những thử thách mà chính Chúa đã đặt lên chúng ta nhằm thanh tẩy chúng ta.
Để giúp chúng ta hiểu rằng việc bỏ mình không phải là mục đích, nhưng là phương thế dẫn đến ánh sáng và đức ái nồng nàn hơn bao giờ hết, các bậc thầy về đời sống thiêng liêng đã dùng tên gọi “thanh tẩy chủ động” cho khổ chế và “thanh tẩy thụ động” cho tất cả những thập giá mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta. Bây giờ, tôi muốn nói với anh em một cách tổng quát về việc khổ chế, hay “thanh tẩy chủ động.” Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu nó chi tiết hơn và nhấn mạnh vào tinh thần của ba lời khấn tu trì vốn quy định việc khổ chế theo con đường bền vững trong đời sống của chúng ta.
Trong những năm gần đây, Chủ nghĩa tự nhiên, dưới cái tên Chủ nghĩa hiện đại, đã cố gắng hạ thấp việc khổ chế và đặc biệt là các lời khấn tu trì, coi chúng như một trở ngại cho sự phát triển tự do của nhân cách đời tu. Họ hỏi tại sao chúng ta lại nói nhiều đến việc khổ chế trong khi Kitô giáo chủ yếu là một học thuyết về sự sống. Tại sao lại nói nhiều về sự bỏ mình nếu Kitô giáo muốn tham gia vào toàn bộ hoạt động của con người thay vì phá hủy nó? Tại sao lại nói nhiều về đức vâng phục nếu Kitô giáo là một học thuyết về tự do?
Tại sao không đánh giá cao hoạt động tự nhiên của chúng ta? Phải chăng bản tính của chúng ta không tốt? Chẳng phải nó do Thiên Chúa tạo ra hay sao? Bản thân những đam mê của chúng ta, như Thánh Tôma đã dạy, dựa theo Aristotle, không tốt cũng không xấu. Chúng là những năng lực cần phải được sử dụng. Chúng ta không cần phải chế ngự chúng, nhưng chỉ cần điều chỉnh, tiết chế chúng. Tại sao lại phải đấu tranh với sự xét đoán và ý chí của chính mình đến vậy? Như thế có nghĩa là rơi vào trạng thái đắn đo và đặt mình vào thân phận nô lệ và phụ thuộc đến mức phá hủy mọi sáng kiến, nhân cách và sự tự do bên trong của mình. Nó có nghĩa là coi thường và hạ thấp con người với cái cớ là để thần thánh hóa họ. Tại sao lại lên án cuộc sống trần thế này trong khi chính Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào nó và trong khi chúng ta phải dẫn dắt nó?
Giá trị của đời sống tu trì được đo lường bằng ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội. Để tạo ra ảnh hưởng này, nó phải không bị cản trở bởi mối bận tâm quá mức về việc bỏ mình, khổ chế, khó nghèo và vâng phục. Trái lại, chúng ta phải cho phép tinh thần sáng tạo và mọi khát vọng tự nhiên của mình được phát triển tự do. Điều này sẽ cho phép chúng ta hiểu được con người ở thời đại mình và tiếp xúc với thế giới, nơi chúng ta không nên đấu tranh nhiều mà phải cải thiện.
Học thuyết này đã được giảng dạy qua một số năm trong một số giới tu sĩ. Nhưng như mọi khi, cái cây chỉ được đánh giá khi xem quả của nó. Chúng ta đã thấy những tông đồ cải cách này, trong khi mong muốn làm hài lòng thế gian một cách quá đáng, đã để cho mình bị nó biến đổi thay vì hoán cải nó; thay vì đồng hóa các linh hồn với Chúa Kitô, họ lại để mình bị thế gian đồng hóa, và dần dần, muối đã trở nên nhạt đi.
Tất cả chúng ta đều đã quan sát thấy hậu quả của thái độ này. Chúng ta đã thấy các tông đồ này phủ nhận hậu quả của tội nguyên tổ, và thậm chí nghiêm trọng hơn, họ dần quên đi sự hiểm ác vô hạn của tội xét như một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Họ chỉ xem xét tội lỗi trong chừng mực nó là một sự dữ đối với con người, một sự dữ hữu hình và có thể sờ chạm được trong xã hội tại thế. Từ đó, họ bắt đầu phớt lờ tính nghiêm trọng của tội về tinh thần: vô tín, cứng cỏi đối với Tòa Thánh, tự phụ và kiêu ngạo. Trong một số giới nhất định, tội trọng nhất được người ta xác định là việc tránh tham gia vào các công tác xã hội, và bất kể động cơ là gì, luôn bị gán cho tính ích kỷ. Trong khi đó, đời tu chân chính, và đặc biệt là đời sống chiêm niệm, bị coi là số phận của tất cả những người không đủ tư cách, năng lực, của những người không có khả năng thực hiện bất cứ hoạt động bên ngoài nào. Những tông đồ kiểu mới này, sau khi hiểu sai về sức nặng vô hạn của tội, đã dần quên đi tính cao cả của mục đích siêu nhiên mà chúng ta được kêu gọi hướng tới. Thay vì nói với chúng ta về Thiên đàng, về sự diện kiến tôn nhan Chúa, về sự đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời, họ bắt đầu đề xuất với chúng ta một lý tưởng mơ hồ về luân lý, thứ mặc dù mang màu sắc tôn giáo, nhưng dường như coi thường đời sống mai hậu và ngăn chặn sự đối lập triệt để giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Từ đó, học thuyết mới này thể hiện nguyên lý của nó: Chủ nghĩa tự nhiên, sự phủ nhận đối với những gì siêu nhiên.
Tính thiết yếu của Khổ chế
Những đổi mới này rõ ràng không có điểm gì chung với giáo lý của Chúa và các Tông đồ, cũng như với cuộc đời của Chúa Kitô và các vị thánh. Chúa chúng ta đến thế gian này không phải là để hưởng thụ và đảm nhiệm một công việc của con người, nhưng để làm theo ý muốn của Cha và thi hành sứ vụ cứu chuộc mà Người đã hoàn tất bằng cái chết trên Thập Giá. Đây là mục đích cho toàn bộ đời sống của Người.
Các thánh đã noi theo mẫu gương của Người. Chúng ta chỉ cần nhớ lại những lần đánh tội của Thánh Đa Minh; những dịp khổ chế của Thánh Catarina thành Siêna, người đã buộc mình phải uống mủ từ vết loét của bệnh nhân ung thư để chiến thắng chính mình; việc Thánh Antoninus đã làm khi ném chiếc chìa khóa dùng để mở tấm áo sám hối bằng sắt xuống sông Arno khiến ngài không thể cởi nó ra được nữa. Hãy nhớ đến Thánh Rose thành Lima, Chân phước Henry Suso, Thánh Louis Bertrand, và gần hơn với chúng ta là cha Henri Lacordaire. Họ có bỏ luật khổ chế không?
Chúa dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình” (Lc 9,23). Và một lần nữa: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (x. Ga 12,24); ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời (x. Ga 12,25); nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (x. Mt 16,26).
Thánh Phaolô: Tội nguyên tổ và hậu quả
Thánh Phaolô không chỉ nói rằng chúng ta phải điều chỉnh và tiết chế các đam mê của mình, nhưng còn nói thêm rằng chúng ta phải phạt xác để biến nó trở thành kẻ phục tùng (1 Cr 9,27). Trong các chi thể của chúng ta, có một thứ luật trái ngược với lý trí, tức là xác thịt có những ước muốn trái với ước muốn của tinh thần (Rm 7,14-25). Và ngài còn đi xa hơn: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24). Xác thịt, hay nói như Thánh Tông đồ, “con người cũ,” không chỉ là thân xác. Đó là con người toàn diện với đời sống thể lý và luân lý như đã được sinh ra từ Ađam.
Con người tự nhiên này luôn ở trong chúng ta khi vẫn còn dưới thế, ngay cả khi ân sủng của Chúa Kitô đã làm cho chúng ta sống lại, đã chữa lành, và đã khởi sự nơi chúng ta công việc thần hóa, tức là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời. Con người tự nhiên này không đại diện cho bản tính nhân loại trong tình trạng tinh tuyền như đã đến từ bàn tay của Thiên Chúa, nhưng là một bản tính sai lỗi hướng mình về đất, thèm khát những thứ là của riêng và ham muốn những thú vui, khoái lạc. Đó là con người chịu sự thống trị của tính ích kỷ vô thức, mơ tưởng về hạnh phúc tối hậu ở đâu đó nơi trần gian. Anh ta được gọi là “kẻ dám nghĩ dám làm”, người chỉ mong muốn có được một chỗ đứng, địa vị. Chúng ta thấy anh ta được tái hiện ở khắp nơi, trong mọi bậc sống và ngay cả nơi những người đã tuyên khấn bỏ mình và sống khiêm nhường.
“Con người cũ” này luôn sống trong bản tính không có ân sủng của chúng ta. Chúng ta phải chế ngự anh ta, biến anh ta thành kẻ bất lực và bị vô hiệu hóa, không cho phép anh ta sinh hoa trái, tức là tội. Chúng ta sống hai sự sống, hai sự sống trái ngược, đối nghịch và xung khắc với nhau. Một trong hai bên phải biến mất để bên còn lại có thể phát triển.
Quả đúng là tự bản tính, những đam mê của chúng ta không tốt cũng không xấu. Chúng là những năng lực để sử dụng chứ không phải để loại trừ. Tuy nhiên, sau tội nguyên tổ, bản tính của chúng ta có khuynh hướng làm điều dữ. Chính vì khuynh hướng dai dẳng này mà chúng ta nhất định phải chết đi, phải khổ chế. Ở đây, đức tiết độ Kitô giáo rất khác so với sự tiết độ thuần túy tự nhiên vốn đã được thế gian biết đến. Như thế, có thể suy ra rằng, nếu tín điều về tội nguyên tổ và những hậu quả của nó là một phần thiết yếu trong giáo lý Kitô giáo, thì khổ chế cũng phải là một phần thiết yếu như vậy.
Hiện tội và hậu quả
Không chỉ hậu quả của tội nguyên tổ, nhưng cả hiện tội và hậu quả của nó cũng buộc chúng ta phải khổ chế. Hiện tội lặp đi lặp lại sẽ sinh ra nết xấu. Mặc dù trong việc phục hồi ân sủng, phép giải tội đã trả lại cho chúng ta những nhân đức siêu nhiên giúp chống lại các nết xấu này, tuy nhiên, những nhân đức này hầu như không hoạt động trong chúng ta do sự tăng trưởng và phát triển của chúng vẫn bị cản trở bởi những khuynh hướng do nết xấu để lại, những khuynh hướng vẫn sót lại trong tính khí và thường hầu như không được để ý tới.
Chúng ta không những phải tiết chế và điều chỉnh những hậu quả của tội, nhưng còn phải loại trừ chúng, bởi lẽ chúng tạo thành một trong những thứ men nguy hiểm nhất mà chúng ta mang trong mình. Chủ nghĩa tự nhiên ít chú ý đến điều này vì nó bỏ qua cả sức nặng vô hạn của tội xét như một sự xúc phạm đến Thiên Chúa lẫn những hậu quả sâu sắc của tội đối với đời sống nội tâm của linh hồn ở đời này và đời sau. Vì Chủ nghĩa tự nhiên về cơ bản là nông cạn, nên nó hài lòng với việc thiết lập một sự hòa hợp hời hợt giữa tinh thần và thể xác, giữa lòng kiêu ngạo với tính ích kỷ và yêu thích chức vụ. Nó không quan tâm đến việc loại bỏ các tàn dư của tội vốn là nguồn suối không ngừng nghỉ sản sinh ra vô số tội nhẹ: dâm ô, biếng nhác, phóng đãng, nói xấu, vu khống, xét đoán vội vàng, kiêu ngạo, vô tín, tự phụ và lãng quên Thiên Chúa.
Khi tội nhẹ được coi là một điều gì đó không đáng kể, khi nó được “uống như nước lã”, thì làm sao người ta có thể quan tâm đến việc khổ chế hay bỏ mình? Nhưng nếu tội được coi là sự dữ lớn nhất, thì khổ chế, vốn cơ bản không gì khác hơn là cái chết đối với tội, tất phải là một phần thiết yếu của Kitô giáo. Vì thế, người Kitô hữu đích thực hiểu rằng nhiệm vụ đầu tiên của mình là sám hối, tức là ghét tội, ăn năn nội, lánh tội và đền tội. Phần khổ chế này rõ ràng cần thiết đối với tất cả mọi người. Hơn nữa, người Kitô hữu còn phải thực hành đức khiêm nhường, họ phải nhìn nhận rằng nếu chỉ có mình mà không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, họ không thể làm được gì để được cứu độ; rằng tất cả những gì họ có được từ bản thân đều thấp kém hơn rất nhiều so với những gì các linh hồn khác có được nhờ ân sủng. Do đó, con người phải xem nhẹ chính mình, nghĩa là xem nhẹ tất cả những gì có ở nơi mình nhưng không đến từ Thiên Chúa, thay vào đó, chỉ là một dạng méo mó của sứ vụ thần linh.
Hơn nữa, như các thánh đã nói và như Thánh Catarina thành Siêna đã liên tục lặp đi lặp lại, người Kitô hữu phải ghét chính mình vì yêu mến đức công chính thần linh. Nói khác đi, anh ta phải ghét tất cả những gì không đến từ Thiên Chúa và làm tổn hại đến những quyền tự nhiên mà Người có đối với tư tưởng, tâm hồn, thể xác và linh hồn của mình. Anh ta phải được trang bị nỗi gớm ghét thánh thiện đối với tàn dư của tội còn sót lại trong anh ta, và như Thánh Phaolô nói, phải đóng đinh tính xác thịt cùng với những dục vọng và đam mê của nó.
Đó là những luật lệ nghiêm ngặt chống lại tội trong giáo lý của Tin Mừng mà thế giới ngoại giáo và các triết gia vĩ đại nhất không hề biết đến. Thuật tu đức khổ chế này, như đã được Thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng thậm chí trước khi Chúa Giêsu đến, nhằm chuẩn bị các linh hồn sẵn sàng đón Người, là một phần thiết yếu của Kitô giáo.
Sự cao cả tột cùng của Mục đích siêu nhiên
Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác dẫn đến việc khổ chế mà Chủ nghĩa tự nhiên không hề biết đến. Đó là sự cao cả tột cùng của mục đích siêu nhiên mà Chúa mời gọi chúng ta đạt tới. Nó buộc chúng ta phải tách mình ra khỏi tất cả những gì là trần thế, tất cả những gì khiến chúng ta hướng tới những công việc thuần túy con người; nó buộc chúng ta phải chiến đấu chống lại mọi khuynh hướng của tinh thần và tâm hồn vốn sẽ thu hút toàn bộ hoạt động của linh hồn đến mức gây tổn hại nghiêm trọng cho đời sống ân sủng.
Chúa Giêsu đã đặt việc khổ chế lên chúng ta vào ngày mà trong Bài Giảng Trên Núi, Người công bố tính trổi vượt khôn sánh của Luật Mới, Luật Tình Yêu, so với Luật Cũ và những gì thuần túy tự nhiên: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20).
Khổ chế đối với mọi cảm giác giận dữ, ác cảm và hận thù
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,21-24).
Khổ chế đối với các giác quan và tâm hồn
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục” (Mt 5,27-30).
Tiếp theo, Chúa không cho phép ly dị, từ đó, đặt khổ chế lên hôn nhân Kitô giáo. Khi đôi bạn không còn hài lòng về nhau nữa, họ vẫn buộc phải kết hiệp nên một, sự khổ chế này đôi khi còn khắc nghiệt hơn cả sự khổ chế trong tu viện.
Khi nói đến những bổn phận thực sự của đức ái, Chúa Giêsu đặt khổ chế lên tâm hồn, lên phán đoán và ý chí của một người đến một mức độ mà các triết gia vĩ đại nhất chưa bao giờ biết đến, một mức độ mà nhiều Kitô hữu, ngay cả những người tốt lành, hầu như đã bỏ qua. Nó biến đổi việc thực hành đức công bình và hấp thụ nó vào đức ái. Khi đối xử với anh em, chúng ta không chỉ phải nghĩ đến quyền lợi của họ và của chúng ta, nhưng còn phải luôn quan tâm đến linh hồn họ, phải cố gắng làm mọi cách có thể để khiến nó tốt hơn, phải mềm dẻo và luôn luôn mềm dẻo để linh hồn họ có thể được soi sáng.
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,38-46).
Vậy thì tại sao lại có sự khổ chế đối với các giác quan, đam mê và tâm hồn như vậy? Tại sao lại có sự khổ chế đối với ý chí và phán đoán bằng cách thực thi đức công bình và đức ái Kitô giáo? Bởi vì đó là vấn đề của việc được nâng lên một sự sống cao hơn rất nhiều so với sự sống tự nhiên. Bạn không được sống như những người ngoại giáo. “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hãy cẩn thận để không chỉ hoàn thành những công việc thuần túy con người. Ở dưới thế này, bạn sẽ chỉ nhận được một phần thưởng thuần túy con người. Hãy cẩn thận đừng để việc thực hành nhân đức của bạn chỉ nhằm được người ta kính trọng. Bạn sẽ nhận được thù lao ở đời này, nhưng sẽ không có phần thưởng nào dành cho bạn ở đời sau (x. Mt 6,1).
Sự sống mà chúng ta phải đạt tới là sự sống của Chúa Kitô phục sinh, tức là sự sống đã trải qua sự chết. Sự sống đó không ngụ ý sự hòa hợp hời hợt, nhưng là sự hòa hợp sâu sắc giữa thể xác với linh hồn, giữa linh hồn với Thiên Chúa, vốn là đặc ân của tình trạng công chính nguyên thủy và sẽ được ban xuống cho người ở tình trạng vinh quang. Chúng ta không nên tin tưởng vào sự hòa hợp hời hợt, thứ có thể đạt tới mà không cần bất cứ sự bỏ mình hay khổ chế gắt gao nào; nó chỉ có vẻ giống như thật. Trong chúng ta, những nguyên lý đối lập đang đấu tranh mà chúng ta không hề hay biết. Tính ích kỷ và sự kiêu ngạo vô thức khi đã phát triển, trong một số trường hợp, có thể là nguồn gốc của những sự xúc phạm rất nghiêm trọng, có khả năng gây chia rẽ và giết hại linh hồn.
Chúng ta nên dành sự nghi ngờ tối đa có thể cho sự hòa hợp hời hợt, bởi trừ khi đã đạt tới sự hòa hợp sâu sắc ngay ở đời này (nếu chúng ta tránh được tội trọng), bằng không, chúng ta sẽ phải đạt tới nó trong luyện ngục về sau mà không phải chủ động nữa, nhưng do bị đòi buộc. Những ai không muốn trải qua sự khổ chế ở đời này sẽ buộc phải kinh nghiệm nó ở đời sau. Và đây là hai động cơ chính của khổ chế: hậu quả của tội và việc nâng mình lên mục đích siêu nhiên. Nói cách khác, chúng ta phải thực hành khổ chế vì gớm ghét tội và vì tình yêu với Thiên Chúa, Đấng là mục đích tối hậu của chúng ta.
Những con đường khổ chế
Nếu chỉ biết lý do khiến phải khổ chế thôi thì chưa đủ. Chúng ta còn phải biết cách để có thể khổ chế.
Tất cả các luận thuyết về tu đức khổ chế đều phân biệt khổ chế bên trong với khổ chế bên ngoài. Cả hai đều cần thiết. Trên thực tế, việc khổ chế đối với các giác quan—thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác, những cánh cửa mà cám dỗ có thể xâm nhập—sẽ chẳng có ích gì trừ khi chúng ta cũng đồng thời thực hành khổ chế trí tưởng tượng và ký ức. Trí tưởng tượng là thứ dẫn chúng ta đến những ảo tưởng trống rỗng mà Ma quỷ có thể dùng để biến chúng ta thành kẻ ngốc; trong khi ký ức thường nhắc nhở chúng ta về lỗi lầm của người thân cận hơn là công trạng của họ.
Chúng ta phải chế ngự tâm hồn mình. Chúa không hài lòng với một tâm hồn bị chia rẽ. Người muốn ngự trị trong chúng ta. Điều này chắc chắn không loại trừ hay ngăn cấm những tình cảm khác; mà thực sự hoàn toàn ngược lại. Nhưng mọi tình cảm đều phải phục tùng tình yêu của Người, nếu nó thực sự siêu nhiên và hữu ích cho ơn cứu độ đời đời.
Hơn nữa, chúng ta phải chế ngự phán đoán của mình, thứ thường xuyên bị ô uế bởi những thành kiến và thường là nguồn gốc của những sự bướng bỉnh, những ý tưởng ngông cuồng và hành vi lập dị. Trên hết, chúng ta phải chế ngự ý chí và tính ích kỷ của mình, là những thứ khiến chúng ta trở thành tù nhân cho chính mình. Đây là kiểu nô lệ tồi tệ nhất và thường là vô thức nên càng nguy hiểm hơn. Nó cản trở mọi tiến bộ hướng tới Thiên Chúa và làm cho những hành động tốt nhất của chúng ta mắc phải thiếu sót. Chúng ta cần phải loại trừ tính ích kỷ này vì chúng ta không phải là trung tâm và mục đích của chính mình; chúng ta phải làm cho ý muốn của mình nên đồng hình đồng dạng một cách hoàn hảo với ý muốn của Thiên Chúa, đến mức mà cả hai không bao giờ có thể tách rời.
Giữa tất cả những khuynh hướng khiến chúng ta xa cách tình yêu với Thiên Chúa, điều quan trọng là phải nhận ra khuynh hướng nào là mối nguy hiểm trầm trọng nhất, là lỗi lầm chủ yếu mà chúng ta phạm phải. Từ đó, hướng toàn bộ nỗ lực để chống lại nó.
Hãy giả sử rằng chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để chế ngự các giác quan, các đam mê và tâm hồn của mình, chúng ta đã quyết tâm hiến mình cách trọn vẹn cho đời sống nội tâm. Nhưng rồi, biết bao thiếu sót vẫn còn tồn tại trong chúng ta, và khoảng cách giữa chúng ta với lý tưởng đời tu vẫn còn xa vời vợi! Để nhận thức được chúng, chúng ta hẳn phải thường xuyên đọc phần mô tả của Thánh Gioan Thánh Giá về những thiếu sót của người mới bắt đầu hiến thân cho đời sống nội tâm. Ngài tìm thấy ở họ bảy mối tội đầu, bảy loại thiếu sót mà chúng ta có thể giản ước về hai, nhục dục thiêng liêng và kiêu ngạo thiêng liêng.
Nói tới nhục dục thiêng liêng, thánh nhân liệt kê ra dâm dục, mê ăn uống, hà tiện và biếng nhác thiêng liêng, bao gồm việc cho phép mình bị dẫn đi sai đường bởi sự an ủi khả giác được đổ vào linh hồn ở khởi điểm của đời sống nội tâm. Nhiều người, bị mê hoặc bởi sự hấp dẫn của những lời an ủi, đã cố gắng tìm kiếm những tình cảm thích thú này hơn là sự thanh sạch của tâm hồn và lòng sùng kính đích thực. Họ đọc tất cả các cuốn sách bàn về đề tài này và dành nhiều thời gian cho nó hơn là thực hiện những hành vi đáng thưởng. Với cái cớ là mục đích thiêng liêng, họ kết bạn với một số người không phải vì vinh quang Thiên Chúa, nhưng là vì niềm vui khi được nói về những cảm nhận của mình. Họ không bao giờ hài lòng với những ân huệ của Thiên Chúa. Và nếu như các thực hành của lòng đạo đức không mang lại niềm an ủi, họ sẽ bỏ cầu nguyện vì lười biếng, hoặc, để lấy lại những gì đã mất, họ kiệt sức vì gánh nặng của những việc đền tội mà họ thực hiện một cách thiếu thận trọng, không có quy tắc và không vâng lời. Từ đó, họ tự đặt mình vào tình trạng kiệt sức và dễ bị sa ngã bởi đủ loại cám dỗ.
Vậy có cần phải từ bỏ lòng sùng kính khả giác không? Hoàn toàn không! Nó rất hữu ích cho sự tiến bộ thiêng liêng của chúng ta, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Chúa ban cho chúng ta sữa an ủi trước khi nuôi dưỡng chúng ta bằng thức ăn là những nỗi gian truân khốn khổ. Tuy nhiên, lòng sùng kính khả giác này chỉ nên được yêu mến như một phương thế, không phải vì chính nó nhưng vì Thiên Chúa; và được yêu mến trong chừng mực nó là hữu ích cho ơn cứu độ đời đời của chúng ta. Vì thế, chúng ta không nên than khóc quá mức khi Chúa quyết định lấy đi điều đó khỏi chúng ta.
Một thiếu sót khác của những người mới bắt đầu (và có biết bao người trong chúng ta vẫn luôn là những người mới bắt đầu!) là sự kiêu ngạo thiêng liêng, một sự kiêu ngạo thầm kín phát xuất từ việc chúng ta suy ngẫm quá nhiều về lòng nhiệt thành của mình, tự mãn về bản thân và hành động của mình, để rồi dễ dàng bị xui khiến để nói về những điều thiêng liêng, tự coi mình là bậc thầy hơn là môn đệ. Chúng ta xét đoán người khác và lên án họ trong lòng vì họ không thực hành lòng sùng kính theo cách của chúng ta. Vì thế, sau cùng, chúng ta hành động như người Pharisêu, kiêu căng về các việc tốt của mình và khinh thường người thu thuế. “Thường thì Ma quỷ khuyến khích lòng nhiệt thành nơi những người mới này, gợi cho họ ước muốn thực hiện một số công việc tốt để nuôi dưỡng tính tự phụ của họ.
“Sự kiêu ngạo thiêng liêng này sinh ra sự ghen tị thiêng liêng. Linh hồn ấy trở nên buồn bã và bực bội trước sự tốt lành của những người có nhân đức trổi vượt hơn họ. Họ khó có thể chịu đựng nổi khi thấy người kia được khen ngợi và tìm cách vô hiệu hóa càng nhiều càng tốt sức tác động của những lời khen dành cho người ấy một cách quá hào phóng. Linh hồn này muốn mình được quý chuộng hơn tất cả.
“Tất cả những điều này hết sức trái ngược với đức ái, trong khi đó, đức ái lại luôn vui mừng trước sự tốt lành thiêng liêng của những người cao trọng hơn chúng ta, khiến chúng ta bắt chước họ và không bận tâm đến sự trổi vượt của họ” (Thánh Gioan Thánh Giá, The Dark Night, I, ch. VII).
Ở đời này, có rất nhiều vấn đề để khổ chế. Chúng ta cần xác tín rằng mình sẽ phải chiến đấu đến cùng, bởi lẽ chỉ trên Thiên đàng, tất cả những hạt giống này của tội mới không còn nữa.
Tinh thần khổ chế đã được Chúa dạy cho chúng ta khi Người phán: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,16-18). Việc khổ chế của chúng ta phải diễn ra trong vui vẻ, vì nó chủ yếu được linh hứng bởi tình yêu hướng lên Thiên Chúa. Trên thực tế, chính vì Người—để tiến về phía Người—mà chúng ta mới khao khát loại bỏ mọi hạt giống của tội trong chúng ta. Vì thế, mọi hành vi khổ chế phải là một nấc thang trong tình yêu hướng tới Người.
Như vậy, nếu chúng ta nâng cao mình hơn nữa, tình yêu sẽ trở thành sự tôn thờ, và sự biểu lộ của lòng tôn thờ đối với Thiên Chúa là hy sinh, là sự khổ chế Kitô giáo. Điều chúng ta chiêm ngắm nơi các thánh là hy tế của các ngài được dâng lên để kết hiệp với hy tế của Chúa chúng ta trên Thập Giá và trên bàn thờ. Những ngọn roi của Thánh phụ Đa Minh, vì tội của ngài và của các tín hữu mà ngài phải rao giảng, là một hy tế chuộc tội và cũng là hy tế đền tội để ân sủng của Thiên Chúa được ban xuống trên các linh hồn. Trên hết, chúng là một hy tế tôn thờ, qua đó, Thánh phụ đã tự hạ mình xuống thành không là gì trước mặt Chúa để thừa nhận một cách trọn vẹn hơn rằng Người là “Đấng hiện hữu,” và rằng tự bản thân mình, chúng ta chẳng là gì cả.
Hiệu quả của Khổ chế
Trái ngược với những gì Chủ nghĩa tự nhiên khẳng định, khổ chế dẫn tới sự sống—sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa và Chúa Kitô chứ không phải từ bản tính sa ngã, những đam mê hỗn độn hay từ sự kiêu ngạo của chúng ta. Khổ chế Kitô giáo không hề hạ thấp nhân cách con người, nhưng còn đề cao nó tới mức khiến chúng ta trở nên độc lập với thế gian, với những châm ngôn, lý thuyết, phong cách, sự điên rồ và cạm bẫy của nó. Nó nâng tâm hồn chúng ta lên trên mọi thụ tạo, cho phép chúng ta chỉ còn lệ thuộc vào chính mình và vào Thiên Chúa. Trong chừng mực làm cho sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa mật thiết hơn, nó phát triển nhân cách của chúng ta, khiến nhân cách đó nên giống hơn với nhân cách thần linh của Chúa Kitô. Có nhân cách nào tuyệt vời hơn nhân cách của các thánh? Nó vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Sau nhiều thế kỷ trôi qua, nó buộc đám đông phải ngưỡng mộ mà không cần đến sự trợ giúp của bất cứ phương thế phàm nhân nào, nhưng chỉ nhờ vào sự trổi vượt của đức khôn ngoan và đức ái.
Do đó, khổ chế không bó buộc, nhưng giải phóng, bởi lẽ chỉ có khổ chế mới giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ cho các đam mê và dư luận, và trên hết, khỏi tình trạng nô lệ cho tính ích kỷ. Loại nô lệ sau cùng này là tệ nhất và khó loại bỏ nhất. Hơn bất cứ điều gì khác, nó làm tê liệt những nỗ lực vươn tới sự thiện của chúng ta. Hơn nữa, việc khổ chế không hề bóp nghẹt sáng kiến và sự táo bạo thánh thiện, nhưng còn khuyến khích, vì nó dạy chúng ta không cậy dựa vào chính mình, nhưng vào Thiên Chúa. Nếu một nỗ lực xã hội có kết quả, thì đó chắc chắn là nỗ lực của các vị thánh, những người luôn được nuôi dưỡng bằng sự gớm ghét thánh thiện đối với cái tôi vị kỷ. Ai có thể đo lường được ảnh hưởng xã hội của một người nữ khiêm nhường như Thánh Catarina thành Siêna? Sự khiêm nhường và bỏ mình đã khoét sâu vào ngài một vực thẳm. Ân sủng thần linh đã lấp đầy vực thẳm này và thánh nữ không mong muốn gì hơn là được tuôn tràn khắp mọi ngóc ngách như một nguồn nước hằng sống vô tận. Những dòng nước hằng sống tuôn ra từ nơi ngài, bởi vì ngài không còn là Catarina thành Siêna nữa. Tâm hồn, sự phán đoán và ý muốn của ngài đã nhường chỗ cho tâm hồn, sự phán đoán và ý muốn của Chúa Kitô.
Vì thế, chúng ta nên yêu thích việc khổ chế. Hãy thường xuyên suy ngẫm về động cơ của nó—những hậu quả của tội trong chúng ta và sự cao cả tột cùng của mục đích siêu nhiên mà Chúa kêu gọi chúng ta hướng tới. Chúng ta nên thực hành nó mà không thỏa hiệp, cách đặc biệt với lỗi lầm chủ yếu của chúng ta. Chúng ta phải luôn thực hiện điều này với niềm vui, niềm vui nội tâm của tình yêu, và luôn trong tinh thần tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta nên học cách hy sinh chính mình mỗi ngày để Chúa có thể sống trong chúng ta và cho chúng ta trở thành những Đức Kitô khác, những người làm cho các linh hồn được sinh ra trong sự sống thần linh. Xin Chúa Giêsu và các thánh trợ giúp chúng con trong công việc khó nhọc này, thứ duy nhất dẫn chúng con đến với sự sống đích thực!