Chương IX. Khiết tịnh
“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” — Mt 5,8
Như vậy, chúng ta đã xem xét đức khó nghèo thánh thiện, với sự từ bỏ của cải bên ngoài và việc thánh hiến những của cải này để phục vụ Thiên Chúa. Đức khiết tịnh tu trì cũng bao gồm hai yếu tố như vậy: sự tách biệt siêu nhiên khỏi những thú vui của thân xác và việc thánh hiến thân xác chúng ta cho Thiên Chúa để nó có thể là một tôi tớ trung tín trong công cuộc cứu độ chúng ta, cứu độ các linh hồn và tôn vinh Thiên Chúa.
Về sự tách biệt và thánh hiến này, chúng ta phải đặc biệt suy ngẫm đến những khía cạnh sau:
- Mục đích của sự từ bỏ này là thoát khỏi tình trạng nô lệ cho các giác quan để được kết hiệp với Thiên Chúa, một việc làm hẳn không cần thiết trong tình trạng vô tội.
- Sự từ bỏ này cốt ở việc từ bỏ quyền sở hữu và tự do sử dụng thân xác của mình.
- Nguyên lý của sự từ bỏ này là ân sủng phát sinh từ khổ chế.
Tách biệt
1. Việc từ bỏ đời sống hôn nhân và những thú vui của giác quan có mục đích giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng nô lệ cho các giác quan để kết hiệp với Thiên Chúa. Những người không có đức tin không thể hiểu được sự từ bỏ này, vì họ coi đó là chuyện tiêu cực và không tự nhiên. Họ tin rằng những phẩm chất của một người mẹ trong gia đình thì cao hơn nhiều so với phẩm chất của một nữ tu. Trên thực tế, sự từ bỏ này chỉ trở thành điều hoàn hảo do hậu quả của tội nguyên tổ. Trong tình trạng vô tội, nó không có lý do gì để tồn tại (ST I, q. 98, a. 2 ad 3), bởi trong tình trạng đó, thân xác lệ thuộc cách hoàn hảo vào linh hồn, các đam mê hoàn toàn vâng nghe lý trí đúng đắn, và những thú vui của các giác quan không hăng say quá độ khiến linh hồn rơi vào tình trạng bất an, rối loạn và bị đè nặng khiến nó chệch hướng khỏi việc chiêm ngắm những sự thần linh.
Chỉ vì hậu quả của tội nguyên tổ, trinh khiết mới được ưu tiên hơn hôn nhân (ST II-II, q. 152, a. 4; quyết định của Công đồng Trentô, phiên 24, khoản 10, chống lại học thuyết của Calvin và Luther). Việc tuân giữ đức khiết tịnh tuyệt đối trong đời sống tu trì có ý hướng chính xác là, qua việc loại bỏ các thú vui của giác quan, tái lập sự hòa hợp nguyên thủy giữa linh hồn và thể xác, và làm cho thân xác trở nên ngoan ngoãn tới mức linh hồn không còn kinh nghiệm bất cứ sự kích động nào nữa để có thể sống trọn vẹn đời sống thiêng liêng của mình.
Theo Thánh Tôma: “Đức khiết tịnh tuyệt đối này không thể được thực hành bởi tất cả mọi người; nhưng nếu việc một số người phải chấp nhận sống đời hôn nhân để đảm bảo sự duy trì hữu hình của loài người là cần thiết, thì cũng thật thích hợp khi những người khác kiêng khem nó để dâng hiến trọn vẹn cho việc chiêm ngắm những sự thần linh, và như thế, đóng góp vào cái đẹp và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại” (x. ST II-II, q. 152, a. 2 ad 1). Do đó, về cơ bản, sự từ bỏ mà đức khiết tịnh tu trì đòi hỏi có liên quan đến tình trạng của chúng ta trong bản tính sa ngã. Chính vì lò lửa dục vọng vẫn còn ở lại trong chúng ta sau khi phạm tội, nên Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống khiết tịnh.
Hơn nữa, động cơ của sự từ bỏ này là tình yêu đối với Thiên Chúa. Việc từ bỏ những thú vui của thân xác do vô cảm hoặc do thái độ khinh thường trong triết học không làm nên đức khiết tịnh thánh thiện. Một số triết gia đã từ bỏ những thú vui xác thịt để chuyên tâm nghiên cứu (như Thánh Catarina thành Siêna đã lưu ý), trong khi đó, chúng ta buộc phải làm điều này vì yêu mến Thiên Chúa.
2. Sự từ bỏ này bao gồm những gì? Đó không phải là việc chúng ta tách mình ra khỏi thân xác, nhưng là từ bỏ quyền sở hữu và việc tự do sử dụng nó. Qua lời khấn tu trì, thân xác chúng ta thuộc về Thiên Chúa; nó trở nên thứ của Người. Do đó, việc xúc phạm thân xác này sẽ là một sự phạm thánh, giống như trong hôn nhân, thân xác của mỗi người thuộc về người phối ngẫu, và ai xúc phạm thân xác mình thì phạm tội ngoại tình. Chúng ta không còn tự do sử dụng thân xác của mình nữa. Chúng ta thậm chí phải từ bỏ mọi tình cảm trong tâm hồn nếu nó nằm ngoài tình yêu đối với Thiên Chúa. Đây là điều không thể thiếu được.
3. Làm thế nào để chúng ta đạt tới sự từ bỏ này? Đó là một hồng ân của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên phú bẩm. Tuy nhiên, Thiên Chúa không gìn giữ nó trong chúng ta mà không có sự trợ giúp của chúng ta. Người mong muốn sự cộng tác của chúng ta và kêu gọi một sự khổ chế song song hai phần, khổ chế xác thịt và khổ chế tâm hồn.
Không khổ chế xác thịt thì không thể thực hành đức khiết tịnh thánh thiện. Vì lý do này, Hiến pháp của chúng ta quy định việc ăn chay, kiêng thịt và canh thức. Chúng ta không nên tước bỏ những sự trợ giúp bắt buộc này khỏi mình. Đó là điều tối thiểu chúng ta có thể làm.
Tuy nhiên, việc khổ chế xác thịt sẽ hoàn toàn không đủ nếu không có khổ chế tâm hồn. Về vấn đề này, các thánh đã cho chúng ta những lời cảnh báo rất hữu ích. Thánh Angela xứ Foligno viết: “Mọi tình cảm trong tâm hồn đều nguy hiểm, ngay cả những gì chúng ta dành cho Chúa, nếu nó không đúng như những gì nó phải là. Tình yêu là trung tâm chứa đựng mọi điều tốt và cũng là trung tâm chứa đựng mọi điều xấu. Không có gì trên trái đất này lại khủng khiếp cho bằng tình yêu, bởi lẽ không sức mạnh nào có thể xuyên thấu được linh hồn, tâm trí và tâm hồn như nó. Nếu không được điều tiết, tình yêu sẽ khiến cho linh hồn lao vào mọi thứ cạm bẫy một cách nhẹ dạ, và như thế, tình yêu đối với nó sẽ là sự hủy diệt. Ở đây, tôi không chỉ nói về một tình yêu hoàn toàn tội lỗi, nơi mà không ai có thể thoát khỏi nguy cơ sa hỏa ngục. Nhưng tôi còn nói như thế về tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho người thân cận, khi nó không đúng là những điều nó hẳn sẽ phải là. Khi tình yêu đối với Thiên Chúa không đi cùng với sự phân định và khổ chế tâm hồn, nó sẽ dẫn đến cái chết và sự ảo tưởng. Bất cứ ai yêu mến Thiên Chúa hầu được giữ gìn khỏi một số nỗi đau đớn bất ngờ, hoặc để thưởng nếm vị ngọt thiêng liêng nào đó, thì người ấy không yêu Chúa theo đúng trật tự. Anh ta yêu bản thân mình trước rồi mới đến Chúa sau” (ch. 64).
Vì thế, anh ta lạm dụng những gì thánh thiện nhất—Thiên Chúa cùng với các ân huệ của Người—và ngả theo mọi cám dỗ của Ma quỷ. Những niềm vui thiêng liêng mà anh tìm kiếm đã khuấy động những đam mê đang ngủ yên trong tâm hồn thuộc về tính xác thịt của anh. Bằng cách này, thay vì đi theo con đường dẫn lên các đỉnh cao, nơi Thánh Catarina thành Siêna và Thánh Têrêsa thành Avila cư ngụ, anh lại trượt dài xuống cuối dốc để gặp Madame Guyon và các nhà thần bí giả. Sự xuống cấp tệ hại nhất là sự xuống cấp của một linh hồn đã được phú bẩm để trở nên tốt lành. (Sự xuống cấp của thứ tốt nhất bao giờ cũng tệ nhất!) Không có gì cao quý hơn khoa thần bí chân chính, và không có gì tệ hơn chủ nghĩa thần bí giả.
Tình yêu thiêng liêng đối với người thân cận hay bạn hữu cũng cực kỳ nguy hiểm nếu nó không đi cùng với sự khôn ngoan sâu sắc trong nhận định và sự khổ chế tâm hồn. Khi ấy, nó sẽ trở nên vô dụng, có hại và mang tính xác thịt. Linh hồn nào tuyên khấn khiết tịnh sẽ trở thành tài sản của Thiên Chúa. Do đó, phải dành riêng cho Người tâm hồn không còn thuộc về mình nữa và nói không với mọi thứ tình cảm nằm bên ngoài đức ái. Nếu không như vậy, nó sẽ có lúc lãng phí thời gian của Chúa vào những cuộc chuyện trò vô bổ và những giấc mơ nguy hiểm. Nếu người được yêu mến bị thương bởi cùng một mũi tên, mối nguy hiểm sẽ càng tăng lên. Thánh Angela xứ Foligno nói: “Các tâm hồn gắn bó với nhau, và sự khôn ngoan không có ở nơi họ.”
Sẽ đến ngày mà các linh hồn ấy mù quáng và không còn thấy được bất cứ sự dữ nào trong sự tự do nguy hiểm nhất. Họ đang trượt dốc, và đôi khi chỉ tới lúc chạm đến đáy vực thẳm, sau khi phạm tội, họ mới tỉnh giấc và mở mắt.
Trong một chương nổi tiếng (ch. 4) của cuốn Way of Perfection [Đường Hoàn Thiện], Thánh Têrêsa thành Avila đã nói rằng một số tình bạn cá biệt là một thứ bệnh dịch thực sự, chúng dần dần giết chết lòng nhiệt thành và phá hủy cuộc sống bình thường. Một bệnh dịch như vậy tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong đời sống cộng đoàn và làm tổn hại đến ơn cứu độ. Nhiều ơn gọi bị mất trong tập viện, hoặc đôi khi ở giai đoạn muộn hơn, do sự gắn bó quá tự nhiên và quá cảm giác; khi nó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, thì người ta ngày càng xa cách Thiên Chúa.
Vậy có phải tất cả tình bạn thiêng liêng đều đáng bị lên án? Không phải vậy! Cách xử lý như thế giống như việc lên án toàn bộ đời sống thần bí với lý do là có một chủ nghĩa thần bí giả. Tình bạn thiêng liêng và khoa thần bí chân chính có sự đồng hành của sự khôn ngoan trong nhận định và sự khổ chế tâm hồn. Một số tình bạn thực sự là một ân sủng và một sự trợ giúp đến từ Thiên Chúa. Mẫu mực của tình bạn như thế là tình bạn của Thánh Catarina thành Siêna và Chân phước Raymond thành Capua, một tình bạn sâu sắc và siêu nhiên với đầy sự bỏ mình, theo như những gì chúng ta có thể thấy rõ qua các thư tín tuyệt vời còn được lưu giữ; và tình bạn của Thánh Têrêsa thành Avila và Thánh Gioan Thánh Giá. “Khi tình yêu hỗ tương hướng tới việc phục vụ Chúa, nó có thể được nhận biết bằng những hiệu quả. Trong một tình bạn như vậy không có chỗ cho những đam mê và không có gì khác ngoài việc khuyến khích nhau chinh phục những đam mê xa hơn nữa. Tôi muốn thấy nhiều tình bạn như vậy giữa các tu sĩ trong các tu viện lớn. Nhưng đối với ngôi nhà nhỏ này (ở Avila), nơi chúng ta đang ở, nơi chúng ta chỉ có thể ở tuổi mười ba, tất cả các tu sĩ phải là bạn hữu; tất cả phải yêu thương nhau với sự nồng nàn và giúp đỡ lẫn nhau” (Thánh Têrêsa thành Avila, Way of Perfection, ch. 4).
Những tình bạn rất cao quý và hữu ích này là hoa trái của sự khổ chế tâm hồn, người giám hộ thực sự của chúng và ngăn chúng bước đi chệch hướng, giúp chúng phát triển cho đến khi được hòa quyện làm một cùng với đức ái. “Chỉ những người đã có được tri thức và khả năng tách mình ngay lập tức khỏi bất cứ điều gì khi họ muốn, mới có thể đến với nhau mà không phải lo sợ” (Angela of Foligno, ch. 64).
Đó là sự từ bỏ và sự khổ chế hai phần đối với xác thịt và tâm hồn mà đức khiết tịnh thánh thiện đặt lên chúng ta. Vì vậy, nó đặc biệt là một sự tách biệt.
Thánh hiến
Như chúng ta đã nói, đức khiết tịnh thánh thiện cũng là một sự thánh hiến thân xác và linh hồn chúng ta cho Thiên Chúa. Và hiệu quả của sự thánh hiến này là:
- làm cho thân xác giống linh hồn hơn;
- làm cho linh hồn giống Chúa hơn;
- kết hiệp linh hồn với Thiên Chúa bằng mối dây liên kết của một cuộc hôn nhân đích thực mà hôn nhân trần thế chỉ là biểu tượng và hình bóng.
1. Trước hết, một thân xác chỉ sống cho linh hồn sẽ trở nên giống linh hồn hơn, tựa như một người dần dần tiếp thu những thói quen và sở thích của bạn mình. Vậy linh hồn là gì? Đó là bản thể thuần linh mà chúng ta chưa từng được thấy. Tôi xin trích dẫn với anh em từ một trong những nhà giảng thuyết giỏi hơn của Dòng chúng ta về chủ đề này. “Để nhìn thấy một linh hồn, tất yếu phải có một thị lực trí tuệ thuần khiết như của các thiên thần. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng nó hẳn phải tuyệt đối đơn thuần, có vẻ đẹp rạng ngời hết sức trổi vượt so với mọi cái đẹp khả giác, trong sáng và không thể hư hoại.”
Linh hồn phải đơn thuần vì nó không phải phức hợp từ các phần mở rộng giống như thể xác. Nó phải đẹp vì nó thuần khiết, không pha tạp; nó đẹp như những học thuyết đẹp, những ý tưởng đẹp, những hành động đẹp, bởi lẽ những khả năng trí tuệ và cảm giác của linh hồn là sự thể hiện thỏa đáng và hài hòa cho chính nó. Linh hồn phải trong sáng vì nó phi vật chất, và do đó, không bị bất ổn bởi những gì được làm nên từ vật chất vốn lệ thuộc vào chuyển động, kích động, hay hỗn loạn. Sau cùng, nó phải không thể hư hoại vì nó đơn thuần. Những gì không phân ra từng phần thì không thể tan rã hay hư hoại.
Ngay cả thân xác qua phương thế trong sạch cũng trở nên đơn thuần, tươi đẹp, tĩnh lặng và không thể hư hoại theo cách riêng của nó: đơn thuần như tấm màn che của một trinh nữ, đơn thuần như thái độ của một em nhỏ. Chỉ có hai hữu thể đơn thuần, vì sự trong sạch của mình, đó là hài nhi và thánh nhân. Hài nhi đơn thuần vì không biết đến sự dữ; còn thánh nhân đơn thuần vì quên đi sự dữ bằng cách nỗ lực vượt qua nó.
Qua phương thế trong sạch, thân xác trở nên tươi đẹp, vì tất cả những gì trong sạch đều đẹp. Bầu trời đẹp khi nó trong xanh; viên kim cương đẹp vì nó tinh khiết và cho phép ánh sáng xuyên qua; thân xác con người đẹp khi nó trong sáng, cho phép linh hồn xuyên qua, và khi đó, linh hồn phản chiếu và biểu hiện chính mình lên thân xác. Liệu điều gì đã làm cho những khuôn mặt được tái tạo bởi Chân phước Angelico trên các bức họa của ngài lại đẹp đẽ đến thế, nếu không phải là sự trong sạch của chúng, nơi toàn thể linh hồn là một khối trong suốt? Trong khi đó, nết xấu lại làm cho thân xác trở nên xấu xí.
Với sự trong sạch, thân xác trở nên điềm tĩnh. Còn khi sự trong sạch mất đi, người ta sẽ chỉ tìm kiếm tất cả những gì là lòe loẹt, phô trương và ầm ĩ. Khi một người hoán cải, anh ta tìm kiếm sự điềm đạm, tĩnh mịch và hồi tâm. Thái độ của một trinh nữ thì điềm tĩnh; của một người phàm thì ồn ào và kích động.
Sau cùng, với sự trong sạch, thân xác trở nên không thể hư hoại theo cách riêng của nó. Sự trong sạch giữ gìn thân xác, trong khi nết xấu làm cho nó héo mòn, hủy hoại và giết chết nó. Trong tình trạng vô tội, thân xác có được đặc ân không thể bị hư nát mà linh hồn có được tự bản tính. Tuy nhiên, sự trong sạch vẫn để lại dấu vết của đặc ân nguyên thủy này. Thân xác của một số vị thánh sau khi chết thường không bị phân hủy và tỏa ra một mùi thơm dễ chịu.
Thân xác trong sạch nhất—thân xác của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ Đồng Trinh—không cần biết đến sự hư thối của mồ mả. Thi hài của Thánh phụ Đa Minh được tìm thấy nguyên vẹn và tỏa hương thơm dễ chịu khi lăng mộ của ngài được mở ra. Thi hài của Thánh Catarina thành Alexandria, triết gia, được các thiên sứ mang tới Núi Xinai sau khi ngài chịu tử đạo.
2. Đức khiết tịnh tạo ra trong linh hồn một hiệu quả khác trổi vượt hơn. Nó làm cho linh hồn trở nên giống Thiên Chúa và kết hiệp nó với Người bằng mối dây liên kết là một cuộc hôn nhân đích thực.
Trước hết, chúng ta lưu ý rằng các thuộc tính cơ bản của Thiên Chúa là: quyền năng, đặc biệt thuộc về Chúa Cha; ánh sáng, đặc biệt thuộc về Chúa Con, Ngôi Lời Thiên Chúa và Sự huy hoàng của Chúa Cha; và tình yêu, đặc biệt thuộc về Chúa Thánh Thần, sự diễn tả tình yêu chung của Chúa Cha và Chúa Con. Chúng ta có thể thấy rằng, với đức khiết tịnh thánh thiện, linh hồn trở nên quyền năng, mạnh mẽ và sáng ngời, tham dự vào Tình Yêu thần linh một cách mật thiết đến nỗi nó thực sự trở thành hiền thê của Ngôi Lời Nhập Thể, ái nữ của Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Với đức khiết tịnh, linh hồn trở nên quyền năng và mạnh mẽ. Chỉ cần nhắc lại lòng can đảm của các trinh nữ Kitô giáo đã khao khát được phúc tử đạo, như Thánh Cecilia và Thánh Agnes thành Rôma, Thánh Catarina thành Alexandria, và Thánh Lucia. Họ đã thể hiện lòng dũng cảm siêu phàm đến nỗi khiến những kẻ hành quyết phải khiếp sợ—một phép lạ nhãn tiền và thể hiện quyền năng của Chúa. Nhờ đức khiết tịnh, linh hồn sẽ trở nên sáng ngời: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Những kiến nhân vĩ đại—Thánh Gioan, Thánh Phaolô và Thánh Tôma Aquinô—là những vị sống khiết tịnh. Thánh Tôma Aquinô, người được giải thoát vĩnh viễn khỏi những cám dỗ của xác thịt ở tuổi mười tám, đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho việc chiêm ngắm những chân lý thần linh.
Thông thường, những gì mà các nhà thần học không nhìn thấy, lại là những điều mà các trinh nữ Kitô giáo, chẳng hạn như Thánh Catarina thành Siêna và Thánh Têrêsa thành Avila, đã tiên đoán và đã trực giác được nhờ sự sáng suốt trong tình yêu của họ. Trong khi nhà thần học thường dừng lại ở chân lý về Thiên Chúa, người tông đồ đi xa hơn để vui mừng trước sự tốt lành của Thiên Chúa, thì người trinh nữ chiêm niệm đã tiến xa hơn chân lý và sự tốt lành đó để đến với cái đẹp tự thân của Thiên Chúa, cái đẹp là sự tổng hợp của vẻ sáng ngời và huy hoàng của tất cả những sự hoàn thiện thần linh cộng lại.
Cái đẹp thuần túy khả giác, dẫu ngay cả những sự hài hòa chau chuốt nhất, liệu có giá trị gì khi so với cái đẹp tinh thần của một giáo lý cao cả hay một cuộc đời anh hùng? Liệu ở dưới thế này có điều gì đẹp hơn cuộc đời của một vị thánh? Tuy nhiên, phải nhận rằng cái đẹp của các vị thánh cũng vẫn còn cục bộ và hạn chế. Thánh Đa Minh nổi trội ở tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận, Thánh Tôma Aquinô ở sự khôn ngoan, Thánh Antoninus ở thận trọng, Thánh Phêrô Tử Đạo ở đức tin, Thánh Vincent Ferrer ở tình yêu đối với đức công bình của Thiên Chúa, và Thánh Louis Bertrand ở ơn kính sợ Chúa của ngài.
Thật kỳ diệu biết bao khi có thể chiêm ngắm sự hòa hợp tột cùng của tất cả các thuộc tính thần linh, trong đó, có sự hài hòa giữa đức công bình tuyệt đối không lay chuyển với lòng thương xót dịu dàng vô biên, những thuộc tính mà bề ngoài có vẻ rất mâu thuẫn! Ở dưới thế này, chúng ta thường chỉ thấy những sự tương phản. Tuy nhiên, đức khiết tịnh làm cho linh hồn trở nên sáng ngời tới mức có thể cảm nhận được sự hòa hợp cao cả nhất. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những lời hay nhất viết về sự hòa giải giữa đức công bình và lòng thương xót lại được tìm thấy nơi một linh hồn đã được phục hồi nhờ đức khiết tịnh anh hùng giữa những cơn cám dỗ khủng khiếp nhất, Thánh Angela xứ Foligno: “Đối với tôi, không gì có thể phá hủy được sự hòa hợp ấy. Tôi nhìn thấy sự tốt lành của Thiên Chúa nơi một vị thánh và nơi tất cả các vị thánh, nơi một linh hồn bị chúc dữ cũng như nơi tất cả những người bị chúc dữ” (ch. 24). Thiên đàng thể hiện sự chiếu tỏa lòng nhân lành và tình yêu của Thiên Chúa; trong khi hỏa ngục thể hiện các quyền bất khả xâm phạm của Người. Tuy nhiên, sự tốt lành của Thiên Chúa là điều luôn luôn được ban xuống và xác nhận.
Sau cùng, người trinh nữ Kitô giáo hiểu được tất cả vẻ đẹp của Chúa Giêsu và bước theo Người trong mọi hành vi của cuộc đời Người, từ máng cỏ cho đến Thập Giá, cũng như trong công việc hiện tại của Người nơi các linh hồn. “Người đã biểu lộ một cách huy hoàng biết bao trước đôi mắt của những tâm hồn nhìn thấy được sự khôn ngoan! Chúa Giêsu không thống trị, cũng không làm thế giới phải kinh ngạc vì những khám phá của Người. Đó không phải là con đường thánh thiện của Người. Trái lại, Người khiêm nhường và thánh thiện, thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, đáng sợ trước mặt Ma quỷ, và không vương chút tì vết của tội lỗi!” (Pascal).
Hơn ai hết, người trinh nữ Kitô giáo biết được những bí mật giúp tạo nên sự kết hiệp trên Thập Giá giữa sức mạnh anh hùng nhất với niềm say mê dịu nhẹ nhất, giữa nỗi thống khổ sâu sắc nhất với sự thanh thản cao cả nhất, giữa nỗi buồn tràn ngập với hạnh phúc trọn vẹn nhất. Tất cả những vẻ đẹp này đã quyến rũ Cô Dâu của Sách Diễm Ca. Cảnh tượng này của Thập Giá đã sinh ra một tình yêu mạnh hơn cái chết.
Chính đức khiết tịnh thực sự thánh thiện giúp cho linh hồn người tận hiến có thể yêu mến Chúa như tình yêu của một cô dâu. Do đó, linh hồn ấy được kết hiệp với Người bằng những mối dây của hôn nhân. Hôn nhân trần thế chỉ là biểu tượng và hình bóng so với những mối dây này, bởi lẽ những thực tại đích thực là những thực tại của đời sống tinh thần.
Giá trị của hôn nhân trần thế xuất phát từ một sự kết hiệp thánh thiện, mạnh mẽ, ngọt ngào và đồng thời sinh hoa kết trái. Hãy nhìn xem tất cả những sự hoàn hảo này được phóng chiếu đến mức vô hạn trong cuộc hôn nhân thiêng liêng như thế nào! Nếu hôn nhân trần thế là thánh thiện, thì như Thánh Phaolô nói, đó là vì hôn nhân đó là hình ảnh của sự kết hiệp mật thiết và mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh của Người (x. Ep 5,23). Nó không thể là hình ảnh của sự kết hiệp ấy trừ khi nó bao hàm sự kết hiệp không chỉ về mặt thân xác nhưng còn cả linh hồn của đôi bạn. Cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa Chúa Giêsu và linh hồn được thánh hiến cho Người tự nó đã là thánh thiện vì nó kết hiệp chúng ta với nguồn mạch của mọi sự thánh thiện, và giúp mang lại cho Giáo Hội đặc tính thánh thiện. Bằng cách này, Giáo Hội được phân biệt với tất cả các xã hội khác.
Nếu hôn nhân trần thế là mạnh mẽ, thì bởi vì nó là một giao ước hỗ tương và bất khả phân ly, bao hàm các quyền lợi, nghĩa vụ và việc phục vụ lẫn nhau. Hôn nhân thiêng liêng cũng bất khả phân ly thông qua các quyền lợi—không chỉ đến khi chết, nhưng còn đến đời đời—và bao hàm một sự hỗ tương về các quyền lợi mà linh hồn được thánh hiến có thể nói với Chúa rằng: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng” (Dc 2,16). Một thụ tạo nhỏ bé có thể nói về một Thiên Chúa vô hạn như thể Đấng Toàn Năng chỉ thuộc về nó mà thôi. Nó có quyền đối với tình yêu của Chúa, hay gần như có thể nói là có quyền đối với sự phục vụ của Người, vì Chúa đã ban cho nó linh hồn của Người và nó đã trở thành người cộng tác với Người. Nữ tu là người cộng tác với Chúa trong việc thiết lập Vương quốc của Người nơi các linh hồn. Bằng đời sống của mình, người ấy chứng minh sự thật về giáo lý của Chúa Giêsu theo một cách thực tiễn. Người ấy giảng thuyết bằng tấm gương của mình và với tài hùng biện mà ngôn từ không thể nào sánh nổi.
Nếu hôn nhân trần thế là một sự kết hiệp hết sức ngọt ngào, thì đó là vì sự thân mật giữa đôi bạn được thể hiện qua việc thổ lộ những suy tư thầm kín nhất và vì sự hiệp thông hoàn hảo của các ý tưởng, cảm nhận và ước muốn. Nhưng hãy xem sự thân mật này đã bị vượt qua biết chừng nào bởi sự kết hiệp giữa Thiên Chúa và các hiền thê của Người! Chúa không che giấu điều gì với linh hồn trung tín. “Có hàng nghìn thứ mà nó được biết, được thấy, cảm giác, cảm nhận và có thể làm—những thứ mà chỉ mình nó mới có thể thấy, biết, cảm giác, cảm nhận và có khả năng.”
Bí tích Thánh Thể thực sự hé lộ chính nó như chứng từ hàng ngày về tình yêu và sự kết hiệp giữa thân xác và linh hồn. “Linh hồn thánh thiện chia sẻ với Chúa mọi tâm tình của Người, chịu đựng với Người mọi đau đớn, chia sẻ với Người mọi niềm vui, tham dự vào mọi tham vọng, ghen tuông, và nếu cần, cả những cơn giận của Người.” Giống như Thánh Maria Mađalêna, nó rửa chân Người và xức dầu thơm. Ý muốn của nó hoàn toàn là một với ý muốn của Chúa Kitô. Nó có một lòng nhiệt thành cháy bỏng hướng về ơn cứu độ cho các linh hồn và hiểu cách thấu đáo tất cả sức mạnh của những lời này từ miệng Chàng Rể: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49).
Sau cùng, sự phong nhiêu của hôn nhân trần thế mang lại cho Thiên Chúa những tôi tớ và con cái trung tín với Người. Nhưng hiền thê của Chúa, nhờ đức khiết tịnh thánh thiện, được tự do khỏi những nhu cầu cấp bách của đời sống gia đình, cũng trở thành một người mẹ trong kế hoạch sinh hạ các linh hồn. Linh hồn này hiến mình cho những người nghèo, bệnh nhân và những linh hồn thiếu thốn, những linh hồn được nó nâng lên đời sống siêu nhiên qua việc khổ chế, cầu nguyện, bỏ mình, khuyên nhủ và khích lệ. Chính vì mục đích hoán cải tội nhân, bảo vệ người công chính, đào tạo nên các vị thánh mà linh hồn ấy lao động không ngừng nghỉ, hướng dẫn tinh thần và hỗ trợ thể xác tha nhân.
Chẳng phải với cô dâu chung thủy này, nhất là với người mẹ dâng hiến trọn vẹn này, mà Chúa sẽ nói những lời sau đây hay sao: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Đây là tình mẫu tử thiêng liêng mà tất cả chúng ta đều có được nếu chúng ta trung thành với ân sủng của bậc sống của mình. Đây chẳng phải là những gì gấp trăm lần ngay cả ở đời này mà Chúa đã hứa ban cho những ai dám từ bỏ tất cả để theo Người hay sao?
Hỡi các con trai con gái của Thánh phụ Đa Minh, chúng ta phải yêu mến nhân đức cao cả này một cách đặc biệt. Như cha Lacordaire đã nói, đó là một đặc ân của Kitô giáo, và chúng ta có thể nói thêm, đó là một “vinh dự của Dòng chúng ta”, theo cách gọi của các Đức Giáo Hoàng Rôma, Ordo Lilium, Dòng Hoa Huệ. Thánh Đa Minh, vị thánh rất trong sáng và rạng ngời, với bông hoa huệ trên tay và ngôi sao trên trán, đã để lại cho chúng ta lời khuyên nhủ cuối cùng này vào phút lâm chung: “Chúng ta hãy trong sạch, và chúng ta sẽ chiếu sáng thế gian này khi bước đi qua nó.”