Chương X. Vâng phục

Hãy vâng lời những người chủ ở đời này... như vâng lời Đức Kitô.” — Ep 6,5; x. Dt 13,17

Lời của kẻ biết vâng phục sẽ luôn được lắng nghe.” — x. Cn 21,28

Đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu rõ, để con suy gẫm những kỳ công của Ngài.” — Tv 119,27


Sau khi xem xét sự hòa hợp giữa thân xác và của cải bên ngoài được tái lập ở đời này nhờ đức khó nghèo thánh thiện, cũng như sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác được tái lập nhờ đức khiết tịnh thánh thiện, chúng ta còn phải xem sự hòa hợp giữa linh hồn chúng ta với Thiên Chúa, vốn đã bị tội lỗi làm xáo trộn, được tái lập nhờ đức vâng phục thánh thiện như thế nào.

Sự rối loạn thứ ba này được Thánh Kinh gọi là “lối sống kiêu kỳ”, là tình yêu đối với sự độc lập tuyệt đối, tức là từ chối thừa nhận một thẩm quyền khác cao hơn mình. Trong mọi loại rối loạn, nó là thứ trầm trọng hơn cả, trầm trọng hơn dục vọng của tính xác thịt và dục vọng của đôi mắt, trầm trọng hơn tính hà tiện và tình yêu thái quá đối với sự giàu có và xa xỉ. Trên thực tế, chúng ta đang phải đối mặt với một sự xáo trộn và biến dạng nơi những phần cao cấp hơn của linh hồn và cũng là những khả năng quý giá nhất của nó, lý trí và ý chí, những thứ đóng vai trò chỉ huy tất cả các phần còn lại. “Sự xuống cấp của thứ tốt nhất bao giờ cũng tệ nhất!” Bởi lẽ sự xuống cấp tồi tệ nhất là thứ làm biến dạng những điều cao quý và sâu sắc nhất trong chúng ta. Đây là tình trạng rối loạn thiêng liêng diễn ra bên trong Ma quỷ, kẻ không biết đến hà tiện hay mê ăn uống, nhưng là kẻ từ chối phục vụ và vâng lời Thiên Chúa, kẻ khăng khăng: “Tôi sẽ không phục vụ!”

Tình yêu đối với sự độc lập tuyệt đối như vậy làm xáo trộn khả năng phán đoán của chúng ta, cản trở chúng ta hiểu rõ bổn phận của mình và làm sai lệch ý chí với cái cớ là giúp chúng ta được tự do, bình đẳng với Thiên Chúa và độc lập như Người. Đây rõ ràng là mục đích trọng tâm của thế giới hiện đại. Trong khi đồng ý đấu tranh chống lại sự tham lam hà tiện, tìm cách xóa đói giảm nghèo và kìm nén những bản năng thô thiển hơn của mình, nó mong muốn được tự ý làm mọi sự mà không cần đến sự trợ giúp từ Thiên Chúa. Thế gian chủ yếu có ý hướng vâng theo một mình lý trí chứ không phải Thiên Chúa.

Mặc dù có thể được mô tả là duy lý, tuy nhiên, thế giới hiện đại thích hành động trái với lý trí hơn là vâng lời Thiên Chúa. Sự độc lập vờ như tuyệt đối này đã đẩy nó vào mọi hình thái nô lệ và chuyên chế tồi tệ nhất: nô lệ cho những đam mê nổi loạn và những luật lệ bất công được thông qua mà không cần nại đến lương tâm. Những đạo luật như vậy chỉ nhằm phục vụ lợi ích riêng của giới cầm quyền và không ai có thể biện minh ngược lại, bởi lẽ sự công bình tuyệt đối và vĩnh cửu đã bị bác bỏ, trong khi các quyền của Thiên Chúa cũng bị khước từ!

Sự vâng phục chung đối với các giới răn của Thiên Chúa và Hội Thánh là phương thuốc hữu hiệu duy nhất cho tình trạng nổi loạn và chuyên chế này. Con người phải hiểu rằng Thiên Chúa, xét là Đấng Sáng Tạo, có một quyền tối cao đối với con người; anh ta phải hiểu rằng trí tuệ và ý chí của mình được tạo ra chỉ là để nhận biết, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa, nhờ đó, đạt tới sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc tối thượng.

Vì thế, chúng ta phải thừa nhận rằng Thiên Chúa là Chủ Nhân của chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là phải vâng nghe lời Người. Bên cạnh đó, lề luật của Người không tạo ra bạo lực nhưng phát xuất từ tình yêu của Người và tạo ra tình yêu. Thật điên rồ khi chống lại điều mà chỉ mình nó mới có thể đưa chúng ta đến hạnh phúc!

Sự vâng phục chung này đã giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ cho thế gian. Vì phân tích đến cùng, bất cứ ai vâng phục Thiên Chúa cũng hiểu rằng họ không thể và không được phép vâng phục ai khác ngoài Thiên Chúa và những vị đại diện cho Người, cả trong đời sống thiêng liêng lẫn thế tục. Làm sao anh ta có thể thực sự vâng lời con người khi đó chỉ là đối tượng ngang hàng với mình? Anh ta thấy rõ rằng mình không bao giờ buộc phải tuân theo luật của con người nếu luật đó trái ngược với luật của Thiên Chúa, và rằng luật của con người không thể có thẩm quyền trừ khi dựa trên luật thần linh, hay thiên luật, và nảy sinh từ luật đó.

Nhưng sự vâng phục chung này là không đủ đối với một số linh hồn. Các giới răn của Thiên Chúa và Hội Thánh đặt ra cho chúng ta con đường dẫn tới Thiên đàng, nhưng có nhiều cách khác nhau, ít nhiều hoàn hảo, của việc thực hành các giới răn của Chúa, của việc yêu mến Người hết lòng hết dạ và yêu thương người thân cận như chính mình. Những giới răn này chỉ đưa ra những đường nét tổng quát, và chính xác là chúng có thể được áp dụng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi một linh hồn cố gắng tìm cách để biết chính xác điều Thiên Chúa đòi hỏi ở mình trong một trạng huống nhất định, thì vấn đề không đơn giản như vậy. Người ta có nguy cơ mắc sai lầm và để mình bị xâm chiếm bởi tinh thần thế gian cùng với những thành kiến ​​và châm ngôn của nó.

Quả là một ân sủng lớn lao nếu Chúa đích thân đến nói với chúng ta: “Đây chính xác là điều Cha muốn ở con ngày hôm nay, vào giờ này phút này; đây là điều Cha muốn ở con ngày mai; và đây là điều con phải chuẩn bị cho ngày mốt.” Đôi khi, Chúa thậm chí đã làm như thế cho một số vị thánh: chẳng hạn, với Thánh Catarina thành Siêna, Người đã trực tiếp truyền lệnh và đích thân hướng dẫn thánh nữ trong mọi chi tiết của cuộc đời.

Những gì Chúa đã trực tiếp thực hiện cho một số vị thánh, thì chính Người cũng làm như vậy với tất cả các tu sĩ của Người qua bề trên của họ. Khi khấn vâng phục, người tu sĩ thiết lập một giao ước với Thiên Chúa: “Tất cả những mệnh lệnh từ bề trên của con đều không trái với luật Chúa, con sẽ coi chúng như mệnh lệnh Ngài truyền, như những gì được công bố bởi một lời thần linh.” Và Chúa đáp: “Đổi lại, con sẽ có được sự tự do thánh thiện của con cái Thiên Chúa, con sẽ được giải thoát khỏi mọi hình thái nô lệ cho thế gian.” Cách ngắn gọn, đây chính là ý nghĩa của đức vâng phục thánh thiện.

Đức vâng phục như vậy là đối tượng mà Chủ nghĩa tự nhiên phê bình gay gắt, thậm chí còn hơn cả những lời khấn khác. Chủ nghĩa tự nhiên khẳng định rằng nguyên nhân của mọi điểm yếu nơi chúng ta là do sự thiếu sót về mặt nhân cách; tuy nhiên, thái độ này lại làm lộ ra một quan niệm sai lầm về đức vâng phục tu trì. Để bảo lưu luận điểm của mình, Chủ nghĩa tự nhiên chỉ muốn xét đến khía cạnh tiêu cực của đức vâng phục thánh thiện, tức là sự tách biệt mà nó đòi hỏi. Nhưng nếu đủ công bằng và xét đến những gì nó cho là tích cực, tức là sự thánh hiến nhằm đảm bảo rằng ý muốn của chúng ta hoàn toàn tùng phục thánh ý của Thiên Chúa, thì nó sẽ nhận ra rằng trên thế gian này, không nhân cách nào của con người lại tuyệt vời hơn nhân cách của các vị thánh, và rằng đó chính là hoa trái từ đức vâng phục của họ.

Để nắm được bản tính thực sự của đức vâng phục thánh thiện, cũng như những lời khấn khác, chúng ta phải xem xét nó dưới hai khía cạnh là tách biệt và thánh hiến.

Tách biệt

Như chúng ta đã nói, đức khó nghèo thánh thiện và đức khiết tịnh thánh thiện bao gồm việc khổ chế đối với thân xác, giác quan và tâm hồn. Đức vâng phục thánh thiện trước hết bao gồm việc khổ chế đối với ý chí và phán đoán của chúng ta. Như vậy, có thể khẳng định một cách đúng đắn rằng ba lời khấn tu trì giúp chúng ta tổ chức cùng lúc cả khổ chế bên trong lẫn khổ chế bên ngoài theo một cách thức vĩnh viễn.

Chúng ta hẳn đều biết rõ những mối nguy hiểm phát xuất từ ý chí cá nhân [self-will] của mình. Thánh Catarina thành Siêna đã nhiều lần nhấn mạnh đến chủ đề này. Ý chí cá nhân của một người thì không thuận với thánh ý của Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của tội, là hành vi khiến chúng ta xa cách Người. Thánh Bênađô nói rằng nếu ý chí cá nhân bị dập tắt, thì hỏa ngục sẽ không còn lý do để tồn tại. Sở dĩ ý chí cá nhân là thứ đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể hủy hoại mọi hành động của chúng ta. Điều tốt nhất nơi chúng ta cũng trở nên đáng trách khi bị trộn lẫn với thứ ý chí tự tìm kiếm bản thân như là mục đích thay vì phục tùng Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa thấy ý chí cá nhân hiện diện trong một hành vi khổ chế, chẳng hạn như ăn chay, thì hành vi đó sẽ không được Người chấp nhận; nếu Người thấy ý chí cá nhân là nền tảng của một sự hy sinh, thì hy sinh đó không gì khác hơn là một lời dối trá và là thứ gớm ghiếc trước mặt Người. Đó là giá trị của mọi hành vi được thực hiện vì lòng kiêu hãnh—công việc được hoàn thành trước sự quan sát của người đời. Như vậy, có thể thấy rằng lời khấn vâng phục giúp bảo đảm cho việc khổ chế của chúng ta tránh khỏi loại ý chí nguy hiểm này, thứ làm cho chúng ta lạc lối khỏi ơn cứu độ.

Trong đời sống tu trì, nếu chỉ vâng dạ bề ngoài với một sự vâng phục về hành động thôi, thì chưa đủ; chúng ta còn buộc phải có sự tán thành về ý chí nữa. Cần phải phục tùng ý muốn của bề trên (cha Louis Bourdaloue S.J.). Thực ra, nếu chỉ vâng phục bề ngoài, hay vâng phục về hành động, mà không có sự tán thành về ý chí, thì hành vi đó chỉ là loại vâng phục của một người nô lệ, một tên đầy tớ bị ép buộc phải làm cách bất đắc dĩ theo những mệnh lệnh mà người ta truyền cho mình.

Đức vâng phục của chúng ta phải là sự vâng phục của một người con và một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,... nhưng là bạn” (x. Ga 15,14-15). Thật vậy, chúng ta không vào tu viện để đặt mình dưới một khuôn phép bề ngoài giống như trong doanh trại; chúng ta đến để làm cho ý muốn của mình nên đồng hình đồng dạng với thánh ý của Thiên Chúa.

“Một sự vâng phục chỉ mang tính thuần túy bề ngoài mà không có sự phục tùng về ý chí, thì vô giá trị trước mặt Thiên Chúa. Đó là chữ viết, là thân xác của vâng phục, nhưng thân xác này chỉ là một xác chết nếu tinh thần không ban cho nó sự sống” (cha Louis Bourdaloue S.J.). Sự vâng phục bề ngoài, hay sự vâng phục về hành động, sẽ chỉ là một loại nô dịch nếu thiếu đi sự tán thành về ý chí. Nó không trở thành một nhân đức trừ khi được hướng dẫn bởi ý chí trong sự phục tùng cách tự do đối với thánh ý của Thiên Chúa. Khi nhận được một lệnh truyền trái với bản tính của chúng ta, sự vâng phục bề ngoài sẽ trở thành một nhân đức nếu ý chí của chúng ta tự nguyện dâng mình cho thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô nói rằng sự hy sinh này cao cả hơn tất cả các hy lễ của Luật Cũ, bởi lẽ khi đó, chỉ có vật hiến tế mới bị thiêu, trong khi giờ đây, chúng ta tự thiêu chính ý chí của mình.

Sự phục tùng về ý chí này phải được thể hiện ra bên ngoài theo ba cách: nó phải nhanh chóng [kịp thời], phổ quátkhông phân biệt bất cứ ai.

Nó phải nhanh chóng. Điều này phát xuất từ danh dự và phẩm giá của người ra lệnh. Phẩm giá của người ra lệnh càng cao thì sự xúc phạm do việc chậm trễ thi hành lệnh truyền càng lớn. Để trở nên hoàn thiện, người vâng phục phải tiên liệu, theo một nghĩa nào đó, lệnh truyền được công bố và phải đáp lại lệnh truyền đó một cách mau lẹ.

Có lần, khi các cha giám tỉnh của chúng ta lệnh cho các tu sĩ phải lên đường truyền giáo, tất cả đều muốn ra đi dù biết rằng mình có thể phải chết. Những người được đi thì vui mừng, trong khi những ở lại thì khóc lóc vì bị cản trở không được theo các anh em làm chứng cho đức tin bằng máu.

Đức vâng phục phải mang tính phổ quát và không có giới hạn—trong việc lớn cũng như việc nhỏ, dù dễ hay khó, dù thực tiễn hay, theo một cách nào đó, không thực tiễn. Bạn có thể nói: “Tôi chẳng rút ra được điều gì từ hành vi đó cả.” Và trên thực tế, tự nó thì không là gì cả, nhưng xét như một phần cấu thành nên lệnh truyền của Chúa, nó lại là thứ đáng quý và thánh thiện. Nếu bạn không làm điều đó, bạn đang lấy đi một phần hy lễ mà lẽ ra phải được dâng toàn bộ lên Thiên Chúa, và Thiên Chúa, theo ngôn sứ Isaia, “đặc biệt ghét việc cướp bóc một phần của lễ toàn thiêu” (x. Is 61,8). Đàng khác, Người sẽ cho đầy tớ trung tín, kẻ vâng phục Chủ trong những công việc nhỏ, vào chung hưởng hạnh phúc Thiên đàng: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao việc lớn cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25,21).

Đức vâng phục phải được thực hiện mà không phân biệt bất cứ người nào. Nói cách khác, chúng ta cần phải vâng phục mọi bề trên, cho dù họ là ai—dễ thương hay kém dễ thương, thận trọng hay bốc đồng, thánh thiện hay kém hoàn hảo—bởi lẽ cho dù qua lời của người này hay người khác, chính Thiên Chúa mới luôn là Người nói. Nên nhớ rằng chúng ta khấn vâng lời Thiên Chúa chứ không phải vâng lời một thụ tạo!

Vâng lời một người vì người đó hợp với mình và thôi vâng lời khi họ không còn nữa, như thế thì không phải là sự vâng phục Thiên Chúa và hoàn toàn không có gì đáng thưởng. Các thánh, những người không bao giờ bỏ qua việc hy sinh ý muốn riêng của mình, đã nói với chúng ta: “Hãy run sợ khi bề trên truyền cho con những gì hợp với bản tính của con, bởi lẽ điều có thể xảy ra ở đây là chính sự hấp dẫn tự nhiên của việc được sai mới là động cơ khiến con hành động, và như thế, hoa trái của sự vâng phục này đã bị mất.”

Trên thực tế, việc chạy theo ước muốn của bản thân sẽ chẳng đem lại cho chúng ta lợi ích gì; chúng ta cần phải tuân theo ý muốn của bề trên, nghĩa là tuân theo thánh ý của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta nên vui mừng khi điều được truyền xuống trái ngược với bản tính của chúng ta, bởi lẽ khi đó, sự hy sinh ý chí của chúng ta mới chắc chắn hơn, trong sáng hơn và tuyệt vời hơn nhiều. Vì lý do này, hãy yêu thích một bề trên đối lập với chúng ta và thử thách chúng ta, một bề trên cứng rắn và nghiêm khắc với chúng ta hơn là một bề trên ôn hòa và bao dung hơn. Khi đang bị bệnh nặng và sắp chết, Thánh Gioan Thánh Giá có được quyền lựa chọn một trong hai tu viện. Tu viện thứ nhất có bề trên là bạn của ngài; và ở tu viện còn lại, bề trên là một đối thủ cay nghiệt, người cực lực chống lại những cải cách của ngài trong Dòng Cát Minh, và Gioan Thánh Giá đã chọn tu viện thứ hai. Tất nhiên, chúng ta không nhất thiết phải hành động như vị đại thánh này, nhưng tất cả anh em phải hết sức cẩn thận để không đánh mất công phúc từ đức vâng phục.

Thánh Bênađô nói: “Nếu ai đó bằng mọi hình thức nài níu và ngầm vận động nhằm xui khiến bề trên làm điều mình muốn và ban cho mình một chức vụ nào đó, thì điều này không được thực hiện với đức vâng phục, bởi trong trường hợp như vậy, không phải bạn đang vâng lời bề trên, nhưng là bề trên đang vâng lời bạn. Cả hai sẽ phải trả lời trước Chúa ngay cả khi bạn thành công trong chức vụ của mình, vì Thiên Chúa không phán xét dựa trên thành công của bạn, nhưng dựa trên sự tùng phục của bạn đối với ý muốn của Người.” Về vấn đề này, cha Louis Bourdaloue S.J. nói rằng: “Mối quan tâm về thành công là điều phải được trao cho Chúa Quan Phòng; còn điều mà chúng ta phải quan tâm là thi hành bổn phận của mình, tức là tuân theo.”

Tuy nhiên, nếu chỉ có sự tùng phục nội tâm về ý chí thôi thì chưa đủ. Chúng ta vẫn cần phải hy sinh cả phán đoán và lý trí, tức là phần cao nhất của mình nữa. Chỉ có như vậy, sự hy sinh của chúng ta mới xứng đáng được gọi là lễ toàn thiêu. Lễ toàn thiêu là hy lễ hoàn hảo nhất vì toàn bộ lễ vật đều đã được dâng lên Thiên Chúa: tất cả đều bị thiêu rụi trong lửa, thậm chí bị hủy diệt hoàn toàn. Điều tương tự cũng phải xảy ra trong hy lễ nội tâm của đức vâng phục thánh thiện. Để đức vâng phục được hoàn hảo, nếu chỉ có sự tùng phục về ý chí thôi thì chưa đủ; chúng ta còn phải buộc phán đoán của mình tùng phục bề trên hợp pháp, người có quyền ra lệnh một cách chính đáng. Nếu không có sự tùng phục về phán đoán này, đức vâng phục sẽ có nguy cơ đánh mất tất cả những phẩm chất cần thiết để tạo nên giá trị của nó. Nó có nguy cơ không rộng rãi, không nhanh chóng, không phổ quát. Ngoài ra, nó còn quên đi một thực tế rằng về cơ bản chính Chúa mới là Người ra lệnh.

Nếu chúng ta từ chối sự tùng phục về phán đoán này, tinh thần phê bình sẽ không trì hoãn trong việc khiến chúng ta đánh mất toàn bộ công phúc trong mọi hành vi của mình, đồng thời, tạo ra nơi cộng đoàn một tinh thần chia rẽ. Nếu ai đó tự mình đảm nhận quyền được kiểm duyệt tất cả những gì khiến anh ta không vui, thì chắc chắn rằng đối với người ấy, không thể có sự vâng phục thực sự. Đàng khác, nếu một tu sĩ vâng phục chỉ vì thấy rằng lệnh truyền được đưa ra cho mình là hợp lý—tức là nếu anh ta chỉ tùng phục vì lý do con người—thì chắc chắn người đó cũng đang không thực hiện hành vi vâng phục. Tương tự như vậy, nếu chỉ thừa nhận hiện hữu của Thiên Chúa dựa trên một phép chứng minh hợp lý, thì những gì người ta thực hiện sẽ không phải một hành vi của đức tin.

Đức vâng phục thánh thiện (tôi không nói là tất cả các loại vâng phục, nhưng là đức vâng phục thánh thiện) bao hàm việc tùng phục về ý chí và phán đoán trước ý muốn và phán quyết của Thiên Chúa như được bày tỏ nơi bề trên của chúng ta. Ở đây, anh em có thể bảo rằng: “Vậy thì đức vâng phục hẳn phải là thứ mù quáng. Nhưng làm sao chúng ta có thể từ bỏ những ánh sáng khiến chúng ta trở thành những hữu thể có lý trí?” Và các bậc thầy về đời sống thiêng liêng đã trả lời: “Đúng vậy, đức vâng phục phải mù quáng. Anh em chỉ cần chắc chắn rằng lệnh truyền đã ban ra không có tội, không trái với luật Chúa, hoặc trái với lệnh truyền đã được công bố bởi một thẩm quyền cao hơn. Chúng ta đã lập giao ước này với Thiên Chúa: Đối với tất cả những gì bề trên hợp pháp của con truyền cho con và không trái với luật Chúa, con buộc mình phải coi như lời Chúa, như một mệnh lệnh thần linh.”

Để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của lý trí, chúng ta chỉ cần đảm bảo rằng lệnh truyền mà mình nhận được đến từ Thiên Chúa là đủ. Một khi điều này đã được thiết lập, đức vâng phục thánh thiện phải mù quáng giống như đức vâng phục của Ápraham, người đã chuẩn bị sát tế con trai mình là Ixaác theo lệnh truyền của Chúa. “Đức vâng phục tu trì là đủ để được cứu độ khi nó tuân theo luật dòng (secundum regulam) trong những điều bắt buộc, là hoàn hảo khi tùng phục trong những điều được phép; là thiếu thận trọng nếu nó xui khiến linh hồn chúng ta tùng phục những điều bất chính” (ST II-II, q. 104, a. 5 ad 3).

Điều này là đúng đối với đức vâng phục thánh thiện và cũng đúng đối với đức tin siêu nhiên. Theo một nghĩa nào đó, đức tin siêu nhiên là mù quáng; kẻ tin chỉ cần biết rằng mầu nhiệm tối tăm được đề xuất cho mình đến từ Thiên Chúa là đủ. Đó là một sự mù lòa hạnh phúc vượt xa sự sáng suốt của lý trí, bởi lẽ đêm tối của đức tin và sự vâng phục khiêm nhường này lan tỏa ánh sáng của chính nó—ánh sáng của ơn khôn ngoan và thông hiểu. Và người tu sĩ vâng phục có thể nói rằng: “Đêm tối này là sự chiếu sáng trong niềm vui của tôi. Đối với tôi, đêm tối này trở thành một ánh sáng hoàn toàn thần linh và cho tôi tràn ngập niềm vui, cho tôi sự chắc chắn rằng tôi đang chu toàn thánh ý của Thiên Chúa.”

Những người khác liền nói: “Nhưng đôi khi điều được truyền cho chúng ta là phi lý và thiếu thận trọng rõ ràng, bề trên buộc chúng ta phải làm công việc mà hiển nhiên sẽ thất bại.” Ở đây, có thể trả lời rằng: “Bạn không biết nhiều nguyên nhân có thể đưa tới lệnh truyền đã được ban ra; đôi khi có hàng trăm vấn đề liên quan đến lợi ích chung mà bạn không được biết; bạn không có tư cách phán xét, vì bạn không có ơn đấng bậc như bề trên của bạn. Hơn nữa, có thể bề trên của bạn mong muốn và hẳn phải kiểm tra phẩm chất vâng phục của bạn. Sau cùng, có thể bản thân lệnh truyền được đưa ra là thiếu thận trọng và phát xuất từ thành kiến ​​hoặc thiếu sót của vị bề trên; tuy nhiên, nó vẫn không trái với thiên luật.” Vậy lệnh truyền này có đến từ Thiên Chúa không? Vâng, chắc chắn; Thiên Chúa thường để lại khiếm khuyết nơi người làm bề trên để giữ họ lại trong khiêm nhường và thử thách kẻ làm bề dưới.

Tự thân nó, điều được ban ra có thể thiếu thận trọng và không phù hợp; tuy nhiên, đức vâng phục thánh thiện không buộc bạn phải chấp nhận điều đó hoặc tiếp tục thực hành nó nếu sau này bạn trở thành bề trên. Vậy thì hãy đánh giá điều được ban ra như những gì nó là nơi chính nó. Mặc dù vậy, hãy thuyết phục bản thân rằng điều đó là do Chúa truyền cho bạn và hãy tự nhủ rằng vào thời điểm đó, đối với bạn, điều đó là tốt hơn, hợp lý hơn và thực sự là điều hợp lý duy nhất nên làm.

Có thể bề trên ra lệnh cho bạn ngừng cầu nguyện để đi làm một số công việc chân tay mà thực ra làm sau cũng được, như trường hợp thường xảy ra với Thánh Margaret Mary Alacoque. Tuy nhiên, đó là tiếng của Chúa đang nói. Không có gì tốt hơn cho bạn. Bề trên của bạn có thể mắc sai lầm, nhưng bạn sẽ không bao giờ mắc sai lầm: bạn sẽ hy sinh không chỉ ý chí nhưng còn cả phán đoán của mình. Đây là điều Chúa ra lệnh cho bạn. Đừng lo lắng về thành công; việc đó tùy thuộc vào Chúa Quan Phòng và Người sẽ không bao giờ ngừng làm việc đó.

Sau cùng, nếu có điều gì bất tiện đáng kể và trên hết, dường như trái với lợi ích chung, bạn không bị cấm trình bày cách khiêm tốn những khó khăn của mình với bề trên. Hãy mở rộng tâm hồn bạn cho vị đó sau khi đã cầu nguyện, suy tư và thanh luyện ý hướng của mình. Sự thật thà này nâng cao đức vâng phục của bạn. Nhưng nếu bề trên ấy vẫn nhất quyết không chịu, thì đừng nghi ngờ rằng điều tốt hơn cho bạn là hãy tuân theo. Đó là sự hy sinh hai phần song song của ý chí và phán đoán được chứa đựng trong đức vâng phục thánh thiện.

Thánh hiến

Mục đích của sự khổ chế hai phần như vậy là để dâng hiến ý chí và phán đoán của chúng ta cho Thiên Chúa, đồng hóa chúng một cách nào đó với thánh ý và phán quyết của Người, để từ đó, chúng ta được giải phóng khỏi mọi hình thái nô lệ cho thế gian. Chắc chắn rằng đức vâng phục nói chung, bằng cách buộc ý chí của chúng ta phải tùng phục thánh ý của Thiên Chúa, sẽ giải phóng chúng ta khỏi nghĩa vụ tuân theo những luật lệ bất công, cho phép chúng ta chế ngự không chỉ những đam mê, nhưng còn cả thế gian, cả những châm ngôn và những mời mọc phù phiếm mà chúng ta xem nhẹ, cả Ma quỷ là kẻ cầm đầu gây ra những cám dỗ mà chúng ta đẩy lùi.

Và nếu đúng khi nói về sự vâng phục nói chung rằng “phục vụ Thiên Chúa là cai trị”, thì điều này có thể được nói về đức vâng phục tu trì với lý do lớn lao hơn. Đức vâng phục tu trì, qua việc bảo đảm cho ý chí của chúng ta phù hợp hoàn toàn với thánh ý của Thiên Chúa, giúp giải thoát chúng ta cách hoàn hảo khỏi mọi hình thái nô lệ cho thế gian. Nó đặc biệt giải phóng chúng ta khỏi chính mình, khỏi những đam mê và thành kiến ​​của mình, cho phép chúng ta tự do hướng mình đến những điều thực sự tốt đẹp, cho chúng ta được tự do như chính Thiên Chúa, chỉ phụ thuộc vào một mình Người và độc lập với bất cứ điều gì khác.

Một nhà hùng biện Công Giáo từng nói rằng lời khấn vâng phục là đồi Tabo của ý chí, là sự biểu lộ huy hoàng cho tự do của con người được đồng nhất với sự tự do của Thiên Chúa. Chúa chúng ta không nhắm tới điều gì khác ngoài ý này khi Người hứa ban cho chúng ta “sự tự do thánh thiện của con cái Thiên Chúa”, sự tự do được chạy băng băng trên con đường tốt lành và trên con đường hoàn thiện vốn làm nên tự do. Vì thế, lời khấn là một hành vi tự do tuyệt hảo để yêu mến sự thiện, để xem nhẹ và gớm ghét tất cả những gì trái với sự thiện.

Thánh Catarina thành Siêna nói rằng những đứa trẻ thực sự vâng phục là những đứa trẻ mà Chúa Giêsu đã nói đến khi Người phán: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Ai không hạ mình như trẻ nhỏ trong sự vâng phục đơn sơ sẽ không được vào Nước Trời; anh ta vẫn chỉ là nô lệ cho những đam mê của mình, cho thế gian, cho Ma quỷ, cho ý chí và những thành kiến ​​của bản thân.

Cùng với sự giải thoát này, đức vâng phục thánh thiện mang lại cho chúng ta niềm vui khi có thể nói ngay cả ở dưới thế rằng: “Tôi đang làm tất cả những gì Chúa muốn và không thể làm gì tốt hơn được.” Đó là niềm vui khi thi hành bổn phận của mình ngay cả trong những hành vi nhỏ nhất. Giá trị của mỗi hành vi là rất lớn, đến nỗi ngay cả những việc giải trí và ngủ nghỉ thôi cũng được thánh hóa, vì chúng được Chúa truyền lệnh và chúng ta chỉ làm chúng vì tình yêu đối với Chúa. Có điều gì an toàn hơn vâng phục? Ngay cả tác giả Thánh Vịnh cũng phải thốt lên: “Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng ròng” (x. Tv 119,127).

Ngoài niềm vui cảm thấy mình đang đi trên con đường dẫn đến Thiên Chúa, đức vâng phục thánh thiện còn mang lại cho chúng ta sức mạnh và sự can đảm của các thánh. Và trong trường hợp này cũng vậy, chúng ta được nhận lại gấp trăm; vì đã từ bỏ chính mình, ý chí của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ nhờ chính sức mạnh của Chúa. Chủ nghĩa hiện đại nói về sáng kiến, nhưng lại quên rằng sáng kiến ​​thực sự, sáng kiến mang lại hoa trái trong trật tự siêu nhiên, lại sinh ra từ đức vâng phục.

Người tu sĩ vâng phục chuyên tâm học hỏi những gì Thiên Chúa muốn ở nơi mình. Một khi anh phát hiện ra điều gì, không ai có thể ngăn cản được. Anh có thể làm điều mà con người phàm tục không thể làm được vì ân sủng của Thiên Chúa ở cùng anh. Vì thế, Thánh phụ Đa Minh của chúng ta đã sai các con trai của mình đi khắp nơi trên thế giới và nói với họ: “Hãy đi bộ, không tiền bạc, không lo lắng cho ngày mai, xin người ta của ăn; và cha hứa với các con rằng, cho dù khó khăn và thiếu thốn, các con sẽ không bao giờ thiếu những thứ mình cần.”

Biết bao lần quyền năng Thiên Chúa đã có mặt một cách kỳ diệu để phục vụ đức vâng phục! Chúa đã vui lòng nhắc lại những ví dụ này cho Thánh Catarina thành Siêna: “Con không đọc thấy trong Thánh Kinh rằng nhiều người, vì không vi phạm lệnh truyền của Chúa, đã lao mình vào ngọn lửa mà không hề hấn sao? Đó là trường hợp của ba đứa trẻ bị ném vào lò lửa và nhiều đứa trẻ khác mà Ta có thể nhắc đến. Nước trở nên rắn chắc dưới chân Thánh Maurus khi vì vâng lời, anh đã đi cứu một tu sĩ đang đuối nước. Anh không hề nghĩ đến bản thân mình. Dưới ánh sáng của đức tin, anh nghĩ về việc thi hành lệnh truyền mà anh đã nhận được. Anh đi trên mặt nước như thể đang đi trên đất liền và đã cứu được người bạn tu sĩ” (Dialogue, ch. 165).

Sau cùng, sự vâng phục làm cho phán đoán của chúng ta thuận theo phát quyết của Thiên Chúa, làm cho chúng ta khôn ngoan hơn những người khôn nhất của thế gian. Tác giả Thánh Vịnh có thể nói rằng: “Mệnh lệnh Chúa làm con khôn hơn địch thủ, vì con hằng ấp ủ mệnh lệnh đó trong lòng. Con được thông suốt hơn cả thầy dạy, vì con thường gẫm suy thánh ý; am hiểu hơn các bậc lão thành, bởi huấn lệnh Ngài, con đã tuân theo” (Tv 119,98 tt.) Người tập sinh khiêm nhường trong vâng phục thì thông minh và khôn ngoan hơn những người được gọi là hoài nghi, những người tự giãi bày tâm sự với chính mình. Nhờ đức vâng phục, chúng ta đồng thời được giải phóng khỏi ảnh hưởng của những phán xét từ phía con người cũng như khỏi những thành kiến, khỏi những đắn đo và hoang mang của bản thân. Nếu hành vi của chúng ta bị phê bình, với tất cả sự bảo đảm và khiêm nhường, chúng ta có thể để người khác nói những gì họ muốn. Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Ngoài ra, chúng ta chắc chắn có thể so sánh đức vâng phục thánh thiện với Bí tích Thánh Thể. Trong cả hai nơi, Ngôi Lời chắc chắn hiện diện, dù ẩn giấu dưới vẻ ngoài trần thế hay con người: trong Bí tích Thánh Thể, ẩn dưới hình bánh và rượu; trong lệnh truyền của bề trên, ẩn dưới hình dáng của một con người. Trong hai trường hợp, Ngôi Lời đều đến để soi sáng chúng ta, tăng sức cho chúng ta, dịu dàng kéo chúng ta đến với Người và đồng hóa chúng ta với Người.

Chúng ta nên học cách vâng phục dưới ánh sáng đức tin, cũng như chúng ta rước lễ dưới ánh sáng đức tin vậy. Chúng ta phải học cách luôn nhìn thấy Thiên Chúa nơi con người của các bề trên, nhận ra dấu hiệu của Thiên Chúa trong tiếng chuông báo hiệu cho chúng ta. Như thế, ngày qua ngày, ý chí của chúng ta sẽ chết đi và cuối cùng sẽ mất dạng trong thánh ý của Thiên Chúa, Đấng vô cùng thánh thiện, tự do, mạnh mẽ và đầy ơn phúc. Ngày qua ngày, phán đoán của chúng ta cũng sẽ chết đi và nhường chỗ cho thần trí khôn ngoan, thông hiểu và khuyên bảo. Dần dần, thần trí ấy biến đổi việc suy niệm của chúng ta thành chiêm niệm và nuôi dưỡng đức ái nơi chúng ta bằng lương thực ngày càng thần linh hơn.

Như thế, nhờ sự khổ chế và bỏ mình, chúng ta sẽ đạt tới ánh sáng của sự kết hiệp với Thiên Chúa. Việc thực hành đời sống tu trì hàng ngày sẽ đưa chúng ta đến mục tiêu của mọi đời sống thiêng liêng: hướng tới sự chiêm ngắm ngày càng thân mật hơn và tình yêu ngày càng nồng nàn hơn cho Thiên Chúa.

Chương IX. Khiết tịnhChương XI. Thập giá