Chương XIV. Bền chí trong Tâm nguyện

Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban,... thì hẳn chị đã xin, và Người đã ban cho chị nước hằng sống” — x. Ga 4,10

Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” — Ga 7,37-38


Như vậy, chúng ta đã nói về tâm nguyện xét là việc nâng con người toàn diện lên tới Thiên Chúa. Trong đó, tri thức và tình yêu phải được hòa vào một cái nhìn yêu thương không gì khác hơn là việc chiêm ngắm Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ và mẫu gương của chúng ta. Chúng ta cũng đã xét đến cách thức chuẩn bị bản thân để bước vào tâm nguyện, cũng như việc phải thay thế nó bằng lời cầu nguyện của tâm hồn như thế nào, nếu không thể áp dụng phương thức được gọi một cách chính xác là suy niệm.

Tính thiết yếu của Bền chí

Bây giờ, chúng ta phải nói đến sự bền chí trong tâm nguyện. Thật vậy, Thánh Têrêsa thành Avila nói với chúng ta rằng trong tâm nguyện, bền chí là đức tính cần thiết nhất (Interior Castle [Lâu đài Nội tâm], II Mansion, ch. I). Có nó, chúng ta chắc chắn đạt được nhiều điều; không có nó, chúng ta có thể đánh mất tất cả. Chúng ta phải tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại chính mình, chống lại sự lười biếng thiêng liêng của mình và chống lại Ma quỷ, kẻ muốn đẩy chúng ta vào tình trạng nản chí. Có biết bao linh hồn, khi bị tước đi vị ngọt được thưởng nếm ban đầu, đã ngoái lại đàng sau khi đã tra tay cầm cày! Và hơn nữa, có những linh hồn đã bị tụt lại phía sau dù đang rất tiến bộ.

Thánh Catarina thành Genoa, người từ lúc mười ba tuổi đã chuyên tâm cầu nguyện và đã đạt được nhiều tiến bộ, bỗng trở nên nản chí sau năm năm chịu đau khổ. Cô từ bỏ đời sống nội tâm và sống một cuộc đời phàm tục trong năm năm sau đó. Nhưng đến một ngày nọ, thánh nữ cảm thấy buồn phiền khi nhận ra rằng tâm hồn mình đang trống rỗng khủng khiếp. Cô khao khát được tái sinh một đời sống thánh thiện ở nơi mình. Không hề báo trước, Thiên Chúa đã gọi Catarina đến với Người, khiến cô choáng váng như những gì Người đã làm cho Thánh Phaolô trên đường đi Đamát. Sau mười bốn năm sám hối khủng khiếp gần như không thể diễn tả được, thánh nữ đã được bảo đảm chắc chắn rằng những gì mình làm đã đền bù đầy đủ đức công bình của Thiên Chúa. Cô từng nói: “Nếu quay trở lại, tôi ước gì được móc mắt mình đi, và tôi thấy như vậy vẫn còn chưa đủ” (Ernest Hello, Physiognomy of the Saints [Dung mạo của các thánh]).

Trong khi đó, lại có những linh hồn khác, dù đã chiến đấu suốt một thời gian dài, bỗng trở nên nản chí khi chỉ còn cách nguồn nước hằng sống có vài bước chân, và họ đã quỵ ngã. Không có tâm nguyện, họ không còn sức lực để vác thập giá của mình, và do đó, quay lại một cuộc sống dễ dãi và hời hợt. Những người khác có thể được cứu ngay trong tình trạng lỏng lẻo này, nhưng những linh hồn đã rơi xuống đó từ trên cao có nguy cơ rất lớn là lạc lối khỏi ơn cứu độ, bởi lẽ những năng lực cực kỳ mạnh mẽ của họ sẽ đẩy họ đến các thái cực. Các thái cực phải chịu sự cho phép và sai khiến nếu chúng là vấn đề của tình yêu đối với Thiên Chúa, trong khi mọi thái cực khác sẽ kéo họ xuống vực thẳm. Những linh hồn được tạo dựng cho những điều lớn lao vĩ đại đều mang trong mình một mối nguy hiểm khôn lường. Vì không được phép sống một cuộc đời tầm thường, nên họ buộc phải chọn một trong hai điều mà không thể quyết định nửa vời—theo Chúa hoặc chống lại Chúa.

Vì thế, các thiên thần chỉ có thể biết đến một trong hai điều: đức ái nồng nàn hoặc tội trọng không thể tha thứ—tội nhẹ là điều không thể đối với họ. Họ thấy mọi sự bằng cái nhìn hoàn hảo và trói mình hoàn toàn vào mọi hành vi do bản thân thực hiện. Thiên thần hay Ác quỷ, thánh thiện nhất hay hư hỏng nhất, đây là những lựa chọn chỉ một trong hai cho những thụ tạo thuần linh. Vì thế, sẽ thật nguy hiểm cho một linh hồn đã từng chuyên cần tâm nguyện nhưng nay, đột nhiên không bền chí thực hành hoặc chỉ tham dự vào việc cầu nguyện đó một cách xác thịt mà không có động cơ yêu thương. Việc từ bỏ đời sống tâm nguyện có thể là khởi đầu cho sự hư hoại của nó.

Để bền chí trong tâm nguyện, trước tiên, chúng ta cần phải tín thác vào Thiên Chúa, Đấng kêu gọi mọi linh hồn đến với nguồn nước hằng sống, và do đó, ban cho họ ân sủng để vượt qua những trở ngại. Thứ hai, chúng ta phải để cho mình được dẫn dắt trong tâm tình khiêm nhường theo con đường mà Người đã chọn cho chúng ta, phải hoàn toàn vâng theo thánh ý của Người.

Tín thác

Trước hết, chúng ta phải tín thác vào Thiên Chúa. Việc quỵ ngã trước những khó khăn, chẳng hạn như khô khan hay sầu khổ, và do đó, trở nên nản chí, chỉ có nghĩa rằng chúng ta vừa thiếu đức cậy mà Thiên Chúa khuyến khích, vừa tỏ ra nghi ngờ vào lòng nhân lành và quyền năng của Người. Để biện minh cho sự nản chí, lười biếng và hèn nhát của mình, có những người sẽ nói: “Người ta phải tránh rơi vào tự phụ. Việc tâm nguyện chỉ được tạo ra cho một số linh hồn, trong đó, không có tôi. Chúa không mời gọi tôi lên tới độ cao như vậy; nếu làm bộ rằng Người có kêu gọi, thì tôi chỉ là kẻ tự phụ.” Vì thế, trong khi lấy lý do là để tránh thói tự phụ, chúng ta lại đang thiếu đức cậy và gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về sự trì trệ thiêng liêng của mình.

Để chống lại sự nản chí và khơi dậy đức trông cậy nơi mình, chúng ta nên cố gắng hiểu một cách thấu đáo chân lý chưa được nhấn mạnh đủ mức sau đây: Thiên Chúa kêu gọi mọi linh hồn đến với nguồn nước hằng sống của tâm nguyện sau một giai đoạn ít nhiều dài hơi và sau những thử thách mà có thể gây ít nhiều đau đớn. Khi nói về nước hằng sống, tôi không có ý nói đến những thị kiến hay mặc khải tư. Tôi đang nói đến cái nhìn trìu mến của tình yêu giúp làm dịu cơn khát của linh hồn từ chính nguồn mạch sự sống là Chúa Thánh Thần hiện diện ngay trong chúng ta. Tôi đang nói đến mức độ cao hơn của ơn khôn ngoan mà qua đó, Thiên Chúa làm việc trong chúng ta mà không cần đến hoạt động của con người, để chúng ta cảm nhận được chính Người. Trong khi đó, lời Chúa được thưởng nếm qua nỗ lực chuyên cần trong suy niệm và qua hoạt động nhân loại của chính chúng ta, cũng vẫn chỉ như nước được trộn với bùn.

Nhiều tác giả về linh đạo trước đây, đặc biệt là các tác giả của Trường phái Đa Minh dựa trên uy tín của Thánh Tôma, chủ trương rằng mọi linh hồn đều được mời gọi đến với nguồn nước hằng sống này. (André Marie Maynard, Traité de la vie interieure, Vol. I, 75; John Gonzalez Arintero, The Mystical Evolution in the Development and Vitality of the Church, tr. 447-510). Họ được kêu gọi tới nguồn mạch của tâm nguyện, nếu không để đổ ra cho rất nhiều linh hồn như trường hợp của các thánh, thì ít nhất cũng ở mức đủ để đạt được những gì cần thiết cho sự hoàn thiện về đức ái cá nhân của họ. Để thiết lập chân lý này, chúng ta phải đưa ra chứng từ của Thánh Kinh, cách đặc biệt là những lời Chúa nói, và tìm ra ý nghĩa chính xác của chúng dưới ánh sáng là những kết luận vững chắc trong thần học.

Chứng từ của Thánh Kinh rất rõ ràng. Ngay trong Cựu Ước, Sách Khôn Ngoan đã mời gọi mọi tâm hồn mà không hề phân biệt: “Vậy chư vị hãy ước ao khao khát lời tôi, và chư vị sẽ được chỉ bảo. Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà... Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. Cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi” (Kn 6,11-14; 7,9-11). Lời mời gọi tương tự cũng được tìm thấy trong Thánh Vịnh 34: “Hãy nếm thử xem Chúa ngọt ngào làm sao” và trong Sách Châm Ngôn (Cn 8,17.35): “Kẻ yêu ta sẽ được ta yêu lại, người tìm ta ắt sẽ gặp ta... Vì gặp được ta là gặp sự sống, và hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA ban cho.” Trong Sách Ngôn sứ Isaia, có lời tiên tri rằng “Con cái ngươi, ĐỨC CHÚA đều dạy dỗ, chúng sẽ được vui hưởng thái bình” (Is 54,13).

Chúa chúng ta đã giải thích những lời này trong Cựu Ước. Người so sánh mình với mục tử nhân lành (Ga 10,1), người dẫn đàn chiên của mình đến đồng cỏ và gọi tên từng con. Chúng đi theo anh vì chúng nghe thấy tiếng anh và nhận ra anh. Cũng vậy, Chúa dẫn linh hồn chúng ta đến đồng cỏ vĩnh cửu để chúng ta được nuôi dưỡng không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bằng Lời Chúa, bằng mầu nhiệm Nước Trời. Ở trung tâm của những đồng cỏ vĩnh cửu này là nguồn nước hằng sống mà Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari bất chấp những lỗi lầm của chị. “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống,’ thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).

Tại Giêrusalem, vào một trong những ngày lễ trọng, Chúa Giêsu đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói với tất cả mọi người, chứ không chỉ với một số người có đặc quyền: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói (Is 58,11): Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38).

Nguồn nước hằng sống này (fons vivus)—như Chúa chúng ta sẽ giải thích về sau—chính là Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ mà Người sai đến, Đấng dạy dỗ mọi sự và giúp chúng ta thâm nhập ý nghĩa sâu xa của Tin Mừng. Theo Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần, nguyên lý của bảy ơn, ngự trong chúng ta nhờ đức ái. Do đó, Chúa Thánh Thần được tìm thấy nơi mọi linh hồn đang ở trong tình trạng ân sủng. Chắc chắn Chúa Thánh Thần ở đó không phải để duy trì một sự hiện diện bất động. Cũng không phải Người sống trong đó chỉ để im lặng mà thôi. Trái lại, Người không ngừng nói với các linh hồn, như những gì tác giả cuốn The Imitation of Christ [Noi gương Chúa Kitô] (III, ch. 3) quả quyết, tuy nhiên, nhiều người đã bị điếc trước tiếng nói của Người vì họ còn đang bận nghe tiếng của thế gian hoặc của chính họ. Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn và hoạt động ở đó tùy theo mức độ tăng trưởng của đức ái. Và Người nói, không chỉ với những linh hồn có được đặc ân, nhưng với tất cả mọi người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (x. Đnl 6,5; Mc 12,30). Đừng đặt ra giới hạn nào cho tình yêu của bạn!

Như vậy, dựa theo chứng từ của Chúa, rõ ràng là mọi linh hồn đều được mời gọi nuôi dưỡng mình trong đồng cỏ vĩnh cửu, làm dịu cơn khát của mình nơi nguồn nước hằng sống của tâm nguyện và được Thánh Thần Thiên Chúa chỉ bảo trong nội tâm. Nếu “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”, thì đó là lỗi của chúng ta. Lỗi này nằm ở sự thiếu đức khiêm nhường và lòng mến. Nếu chúng ta khiêm nhường hơn và ước muốn có Nước Thiên Chúa ở trong mình cách nhiệt thành hơn, thì đức khôn ngoan, vốn giấu mình khỏi những bậc khôn ngoan thông thái, sẽ được tỏ lộ cho chúng ta và không ai có thể buộc tội chúng ta là những kẻ tự phụ.

Thần học làm cho các giáo huấn trong Thánh Kinh trở nên rõ ràng hơn (x. ST I-II, q. 68, a. 1 & 2). Thánh Tôma giải thích rằng đối với Thiên đàng, tức là đối với mục đích siêu nhiên của chúng ta, các nhân đức luân lý hay các nhân đức đối thần đều chưa đủ. Chúng chưa đủ vì chúng vẫn hoạt động theo một phương thức mang tính con người, tuân theo lối hành động của các khả năng con người, là những thứ bị hạn chế và giới hạn giống như chính con người vậy.1 Trong những điều kiện đó, đức tin hé lộ cho chúng ta về Thiên Chúa theo một cách thức quá trừu tượng, quá khó hiểu và trong các công thức quá chật hẹp; đồng thời, các sáng kiến của đức cậy và đức ái, bao lâu chúng còn chịu sự tiết chế của khôn ngoan—cho dù đó là đức khôn ngoan Kitô giáo—cũng vẫn chưa thể vượt qua một thước đo chắc chắn hay một phương tiện hạnh phúc mang tính con người.

Sự pha trộn giữa tính thần linh và tính nhân loại trong các nhân đức siêu nhiên khiến chúng ta rơi vào tình trạng thấp kém. Do đó, thông qua chúng, chúng ta không được trang bị đầy đủ để đạt tới mục đích siêu nhiên của mình. Trên thực tế, chúng ta hẳn đạt tới nó không phải chỉ bằng những hành vi siêu nhiên, nhưng bằng những hành vi siêu nhiên được thực hiện một cách siêu nhiên—bằng một động lực chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Thánh Tôma nói rằng nếu chỉ nhờ vào các nhân đức, chúng ta thấy mình đứng trước mục đích siêu nhiên cũng giống như những người tập sự bị bỏ rơi mà không được ai chỉ bảo. Người tập sự là người vẫn chưa hiểu rõ về nghề nghiệp của mình, người mặc dù biết rằng mình phải làm gì, nhưng lại không biết cách để tiến hành nó như ý muốn. Chính vì lẽ đó, thầy dạy, người có nhiệm vụ hướng dẫn anh ta, phải cầm tay học trò và tự mình chỉ bảo công việc.

Vì thế, việc tâm nguyện của chúng ta vẫn còn quá “người” để có thể thực sự cảm nếm được lời Chúa. Theo Thánh Têrêsa thành Avila, bao lâu tâm nguyện vẫn chỉ là hoa trái của việc suy niệm siêng năng, thì chúng ta vẫn chỉ uống thứ nước pha bùn chảy trên mặt đất; đó là cung cách mang tính con người trong hoạt động của chúng ta (Way of Perfection, ch. 19). Để được uống nước từ nguồn nước hằng sống, chúng ta tất phải cần đến sự can thiệp và chiếm hữu cách trực tiếp của Chúa Thánh Thần đối với trí tuệ và ý chí của chúng ta, cần Người thông truyền cho chúng cách nghĩ và cách yêu mang tính thần linh của Người. “Qua môi miệng chúng ta, Người thốt ra những lời khôn tả.” Chỉ có cách hành động thần linh này mới xứng hợp với Thiên Chúa, Đấng phải được biết đến không giống như một chân lý trừu tượng, nhưng là một chân lý sống động. Ngài phải được yêu mến cách vô cùng.

Chừng nào còn ở dưới thế này, chúng ta vẫn luôn là những người mới bắt đầu, những người tập sự. Vì thế, nếu chúng ta muốn việc tâm nguyện và công việc của mình được hoàn thiện, thì cần phải có Chúa Thánh Thần can thiệp thường xuyên. Do đó, cần phải thừa nhận rằng, ngoài các nhân đức, còn phải có hành động liên tục của các ân huệ Chúa Thánh Thần mới có thể khiến chúng ta ngoan ngoãn trước hành động, sự linh hứng và chỉ dẫn của Người. Ân huệ đầu tiên trong số này là ơn khôn ngoan.

Chỉ với việc thực hành bình thường các ân huệ của Chúa Thánh Thần, ngay cả bây giờ, chúng ta cũng có thể đạt tới giai đoạn trưởng thành của đời sống siêu nhiên và trở nên những môn đệ tốt của Chúa Thánh Thần, những môn đệ thường xuyên ngoan ngoãn nghe theo và luôn sẵn sàng lắng nghe tiếng Thầy. Thánh Phaolô nói: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, thì đều là con cái Thiên Chúa... Mà đã là con, thì cũng là người thừa kế” (x. Rm 8,14.17). Trong Thánh Vịnh có viết: “Xin thần khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên chính lộ trong miền đất của các thánh” (x. Tv 143,10). Thánh Tôma kết luận rằng điều này có nghĩa là không ai có thể nhận được phần thừa kế trên Thiên đàng trừ khi người ấy đã được Chúa Thánh Thần tác động và dẫn dắt.

Nếu chúng ta nhận thấy rằng ơn khôn ngoan gia tăng cùng với đức ái, và đức ái gia tăng cùng với đức khiêm nhường, sự bỏ mình và tùng phục ý muốn của Thiên Chúa; thì chúng ta tất phải kết luận rằng, vì tất cả mọi người đều được kêu gọi lớn lên trong đức ái, nên họ đều được kêu gọi lớn lên trong sự khôn ngoan vượt qua lối nghĩ phàm nhân của họ. Đây chính xác là điều đã được Chúa Giêsu gọi là “uống từ nguồn nước hằng sống.” Vì thế, sau khi phán: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24), Người còn nói thêm: “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

Như vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến với ánh sáng đem lại sự sống sau khi đã trải qua những cuộc thanh tẩy cần thiết với ít nhiều đau đớn và kéo dài tùy theo sự bất toàn của họ và tùy theo mức độ của sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã tiền định cho họ. Với những kẻ mà Người muốn đưa đến một vị trí cao hơn, Người cho họ chịu đựng những thử thách lâu dài hơn, tuy nhiên, Người kêu gọi tất cả, sau những cuộc thanh luyện cần thiết, hãy thưởng nếm lời sự sống của Người.

Tín điều Luyện ngục cũng xác nhận kết luận này khi dạy chúng ta rằng có một số cuộc thanh tẩy tuyệt đối không thể không có đối với mọi linh hồn trước khi họ có thể bước vào Thiên đàng. Do đó, nếu một người không trải qua những cuộc thanh tẩy như vậy theo cách đáng thưởng ở đời này, thì người đó tất yếu sẽ phải trải qua chúng ở đời sau, những cuộc thanh luyện bắt buộc đó không đem lại công phúc hay sự tiến bộ trong đức ái. Vì thế, quả không có gì tự phụ khi khao khát có được nước hằng sống của tâm nguyện, cũng như ước muốn được Rước lễ hàng ngày, cho dù những người theo phái Jansen đã nói những điều ngược lại. Chúa chúng ta đã không ngừng kêu gọi những người bé mọn và chính Người đã tạ ơn Chúa Cha vì Cha đã mặc khải cho họ những điều bị cất giấu trước những bậc khôn ngoan thông thái. Nếu chúng ta thực sự khao khát, cảm thức về Thiên Chúa chắc chắn sẽ được ban cho chúng ta.

Tuy nhiên, sẽ là tự phụ nếu chúng ta khao khát có được nước hằng sống ngay lập tức mà không cần trải qua các giai đoạn trung gian, không cần có ý muốn trở nên tách biệt hơn với thế gian và với bản thân mình, không cần muốn trở nên khiêm nhường hơn, không cần có ý chí cam kết hoàn toàn tùng phục ý muốn của Thiên Chúa. Đó sẽ là loại tự phụ mà người ta có thể phạm phải khi rước lễ hàng ngày mà không muốn sửa mình. Nó sẽ khiến họ rơi vào tình trạng mà Thánh Gioan Thánh Giá gọi là “tham lam thiêng liêng”: tìm kiếm an ủi thiêng liêng cho chính họ chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng điều mà chúng ta nên tìm kiếm và yêu mến không phải là những sự an ủi đó, nhưng là Thiên Chúa, Đấng ban niềm an ủi cho những ai thực sự yêu mến Người vì chính Người.

Sẽ là tự phụ nếu chúng ta ước muốn những cấp độ cao quý hơn mà Thiên Chúa dành cho các thánh, những người, giống như Thánh Đa Minh, được tiền định để tạo ra ảnh hưởng lớn lao trên Nhiệm Thể của Người. Giống như người thu thuế trong Tin Mừng (Lc 18,13) và tất cả các thánh, chúng ta phải đứng vào chỗ cuối, tuân theo ý muốn của Thiên Chúa trong mọi sự, khao khát Vương quốc của Người và nghĩ đến Người. Khi đó, chính Người sẽ nghĩ đến chúng ta và làm cho chúng ta không ngừng vươn lên cấp độ mà Người đã quyết định dẫn chúng ta tới.

Sẽ là tự phụ khi chúng ta ước muốn và cầu xin những thị kiến và mặc khải tư hơn là nước hằng sống, tức là ánh sáng đem lại sự sống và ý nghĩa sâu xa trong những lời dạy của Thầy chúng ta. Các thị kiến ​​và mặc khải tư là những ân huệ đặc biệt không tất yếu đòi hỏi tình trạng ân sủng và hoàn toàn không cần thiết cho một sự phát triển trổi vượt về đức ái. Giống như các phép lạ, chúng có một lợi ích khá ngoại tại (nghĩa là cho người thân cận) và nếu không đi kèm với một lòng khiêm nhường thẳm sâu, chúng có khả năng trở nên mối nguy hiểm, không phải tự thân chúng, nhưng theo cách tình cờ. Mối nguy hiểm nảy sinh ở chỗ chúng có thể làm cho người nhận được trở nên tự mãn với bản thân và có thể dẫn họ đến những ảo tưởng (x. Arintero, The Mystical Evolution in the Development and Vitality of the Church, Vol. II). Tuy nhiên, việc tìm hiểu ý nghĩa của những sự thần linh thì không phải là tự phụ. Trái lại, chúng ta cần phải khao khát nó một cách nhiệt thành. “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.”

Vì thế, cần phải kết luận rằng chúng ta không bao giờ được nản chí trước những khó khăn gặp phải trong tâm nguyện, cho dù là sầu khổ hay khô khan thiêng liêng. Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta tiến tới mục đích, cũng sẽ ban cho chúng ta những ân sủng cần thiết để chiến thắng những trở ngại này. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xét xem liệu những khó khăn này là một thử thách do Thiên Chúa gửi đến với mục đích thanh tẩy chúng ta, hay đến từ tình trạng hâm hẩm. Theo Thánh Gioan Thánh Giá, “chúng sẽ đến từ sự hâm hẩm nếu không cho chúng ta có được một sự thưởng nếm những điều thuộc về Thiên Chúa, thay vào đó, nếm những điều thuộc về thế gian; và nếu chúng ta không thực sự khao khát được phụng sự Thiên Chúa và tiến bộ trên con đường hoàn thiện. Trái lại, nếu chúng ta tách khỏi thế gian và thực sự khao khát được phụng sự Thiên Chúa cách hoàn hảo, thì những khó khăn này là một thử thách mà Thiên Chúa mong muốn.”

Nếu những trở ngại như vậy đến từ sự hâm hẩm của chúng ta, đó là dấu hiệu cho thấy sự thiếu sót nằm ở khâu chuẩn bị xa của chúng ta cho tâm nguyện. Trong trường hợp đó, chúng ta phải quảng đại dành tâm huyết để thực hành khổ chế, đức khiêm nhường và ba lời khấn theo cách hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, nếu đó là một cuộc thử thách, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi và chịu đựng nó trong lửa mến. Nếu chúng ta không thể suy niệm, chúng ta nên thực hiện cầu nguyện theo hướng tuân theo ý muốn của Thiên Chúa vốn cốt ở việc sẵn sàng duy trì trạng thái đó, phụng sự Người và thừa nhận rằng Người trổi vượt vô hạn lần trên tất cả những gì chúng ta có thể suy niệm. Chúng ta không nên đánh mất sự can đảm. Giờ cầu nguyện đó không bị mất đi bởi lẽ, bất chấp sự bất lực trong suy nghĩ của chúng ta, tình yêu đã được đánh thức, và đây là điều thiết yếu.

Để cho mình được dẫn dắt

Chúng ta cũng phải để cho mình được dẫn dắt theo con đường mà Chúa đã chọn cho chúng ta. Để có được nước hằng sống, chỉ trông cậy vào Chúa thôi thì chưa đủ; chúng ta còn phải ngoan ngoãn để mình được dẫn dắt theo con đường mà Người đã vạch ra cho chúng ta. Có một con đường tuyệt vời và chung cho hết mọi tâm hồn mà không có ngoại lệ: sống khiêm nhường và tuân theo thánh ý của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều phải cầu nguyện như người thu thuế trong Tin Mừng và khiêm tốn giữ mình ở chỗ cuối. Chính Chúa đã nói với tất cả mọi người rằng Thiên Chúa nâng cao những kẻ khiêm nhường và hạ bệ những người kiêu ngạo; những mầu nhiệm của Thiên Chúa, trong khi bị giấu khỏi các bậc khôn ngoan khôn ngoan, lại được mặc khải cho những người bé mọn.

Đây là con đường duy nhất dẫn đến nước hằng sống. Tuy nhiên, dọc theo con đường này, có một số chỗ đá sỏi khiến việc đi lại gặp khó khăn, trong khi có những chỗ lại bằng phẳng hơn và được phủ bằng cỏ mới; một phần đường bị nắng thiêu đốt, trong khi phần còn lại nằm trong bóng râm.

Người Mục Tử Nhân Lành dẫn dắt đàn chiên của Người theo cách Người cho là tốt nhất. Người để một số linh hồn ở lại những đoạn đường khó khăn trong một thời gian dài để làm cho họ mạnh mẽ hơn, vì Người có ý muốn dẫn họ lên một độ cao lớn hơn. Thánh Têrêsa thành Avila từng trải qua mười bốn năm không thể suy niệm gì mà chỉ biết đọc sách; ngay cả điều này cũng khiến ngài cảm thấy mệt mỏi. Trong những chuyến hành trình tông đồ của mình, mặc dù đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các linh hồn, nhưng Chân phước Diego thành Cadiz không tìm thấy bất cứ điều gì ngoại trừ sự khô khan, bối rối và nỗi sợ hãi hiếu thảo trong ba giờ tâm nguyện hàng ngày; rất hiếm khi ngài cảm nhận hay thưởng nếm được vị ngọt của đức ái thần linh đang cháy bỏng trong ngài.

Nếu Chúa chọn các bà Maria thay vì các bà Mácta chiêm niệm, thì Người cũng dành sẵn cho họ ngay giữa lúc chiêm niệm một số thập giá đau đớn hơn nhiều. Và mặc dù không phải đau khổ nhiều như vậy, các bà Mácta vẫn đạt tới nguồn nước hằng sống; thậm chí ngay cả khi không có được lượng nước dồi dào, họ vẫn được làm dịu cơn khát và được thỏa mãn tương ứng với ước muốn của họ.

Thánh Têrêsa thành Avila nói: Có một số người đến với đời sống chiêm niệm rất muộn, và đôi khi, họ chỉ có thể cầu nguyện bằng lời. Tuy nhiên, một người thực sự khiêm nhường phải bằng lòng với con đường mà Chúa dẫn mình đi; khi đó, người ấy được hưởng sự khôn ngoan của Thiên Chúa và ánh sáng đem lại sự sống, ngay cả khi không phải lúc nào cũng ý thức đầy đủ về nó.

Chúng ta không thể cô đọng giáo lý này tốt hơn, cũng không thể thâm nhập nó tốt hơn và tự thuyết phục mình rằng đó thực sự là giáo lý truyền thống của toàn thể Giáo Hội tốt hơn là đọc những gì được viết trong cuốn The Imitation of Christ (III, ch. 3) về sự cần thiết phải lắng nghe lời Chúa với lòng khiêm nhường, và bằng cách đọc lời cầu nguyện sau đây để nài xin ơn sốt sắng: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chỉ mình Người mới có những lời ban sự sống đời đời; xin cho chúng tràn xuống như màn sương để tâm hồn con không trở nên thứ đất khô cằn.”


Chú thích

1 Qua các nhân đức luân lý và đối thần, con người không được hoàn thiện trong trật tự liên quan đến mục đích tối hậu của mình theo cách mà anh ta không còn cần phải được lay động bởi một sự linh hứng ưu việt nào đó của Chúa Thánh Thần (ST I-II, q. 68, a. 2 ad 2).

Chương XIII. Tâm nguyệnChương XV. Ngoan ngoãn trước Chúa Thánh Thần