Chương XV. Ngoan ngoãn trước Chúa Thánh Thần
“ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.” — Is 50,5
Chúng ta đã nói rằng, nếu bền chí trong tâm nguyện, sau cùng, chúng ta sẽ nghe được tiếng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta cảm thức về những sự thần linh và thúc đẩy chúng ta thực hiện các công việc phục vụ cho ơn cứu độ. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét sự ngoan ngoãn trước Chúa Thánh Thần và những phương thế có thể giúp chúng ta phân biệt tiếng của Ngài với những tiếng nói có thể khiến chúng ta phạm sai lầm.
Hoạt động của Thánh Thần
Sự ngoan ngoãn trước Chúa Thánh Thần là điều cần thiết cho ơn cứu độ của mọi linh hồn Kitô hữu: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14), và “xin thần khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” (Tv 143,10). Nếu không có sự hoạt động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không thể đạt tới mục tiêu này; các nhân đức siêu nhiên, ngay cả khi được dẫn dắt bởi đức khôn ngoan Kitô giáo, vẫn chưa đủ. Đức khôn ngoan này, cho dù có siêu nhiên đến đâu, cũng vẫn vận hành theo một phương thức nhân loại quá rụt rè để có thể bước đi cách vững vàng trên đường lối Thiên Chúa. Chúng ta phải mau mắn hướng tới những sự thần linh theo cách thức thần linh chứ không phải theo cách thức con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần, qua sự hoạt động và hướng dẫn trực tiếp của Người, mới có thể ban cho chúng ta động lực thần linh này. Vì chúng ta là những người tập sự, nên Chúa Thánh Thần phải chiếm hữu trí tuệ và ý chí của chúng ta để chúng ta có thể hoàn thành các công việc thần linh theo một cách thức thần linh.
Chúa Giêsu đã hứa với các Tông Đồ rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14,16-18).
Thần Khí Thiên Chúa mà các Tông Đồ đã lãnh nhận trong Lễ Ngũ Tuần, Đấng mà mọi Kitô hữu đều được lãnh nhận qua Bí tích Thêm Sức, là Linh hồn của Giáo Hội, Linh hồn của Nhiệm Thể mà Chúa Kitô là Đầu. Đầu không thể truyền thông tin đến các chi thể qua hệ thống dây thần kinh nếu nó và các chi thể không được cùng một tinh thần làm cho sống động. Chỉ có một linh hồn duy nhất chi phối trọn vẹn trong toàn bộ cơ thể cũng như trong từng bộ phận, mặc dù nó nổi bật hơn ở đầu là nơi mà nó tiến hành các hoạt động cao hơn cả.
Điều tương tự cũng xảy ra trong Nhiệm Thể, nơi Đầu là Linh hồn của Chúa Kitô, các chi thể là các linh hồn trong tình trạng ân sủng, và luồng sinh khí được cấu thành bởi các ơn hiện sủng, những sự linh hứng và những tình cảm giúp thúc đẩy chúng ta hoàn tất các việc lành. Linh hồn duy nhất của toàn bộ cơ thể thần linh này là Chúa Thánh Thần, và giống như ý chí của chúng ta điều khiển đầu và nhờ đầu mà điều khiển các chi thể khác, Chúa Thánh Thần cũng lay động Linh hồn của Chúa Kitô và qua đó, lay động linh hồn chúng ta.
Trong khi ngủ, đầu và các chi thể của chúng ta sống cuộc sống riêng của chúng mà không có sự can thiệp của ý chí; nhưng khi chúng ta thức dậy thì vấn đề hoàn toàn khác. Như vậy, bao lâu đời sống siêu nhiên của chúng ta còn ở trong tình trạng hôn mê, vô thức, thì chúng ta vẫn chỉ hành động theo phương thức con người, dựa trên cách thức hiện hữu con người của chúng ta. Nhưng khi nó trở nên ý thức hơn, năng động hơn và chúng ta cảm nhận được một loại động lực thần linh nào đó, thì đó là do Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Kitô, đã thúc đẩy chúng ta bằng các ân huệ của Người.
Có một số tác giả nói rằng hành động của các ân huệ Chúa Thánh Thần chỉ dành cho việc thực hành các nhân đức anh hùng, còn khi thực hành các nhân đức thông thường, chúng bất động. Thay vào đó, nhiều người khác, đặc biệt là những người theo Học thuyết Tôma, cho rằng mặc dù tác động của các ân huệ này chiếm ưu thế trong các nhân đức anh hùng, tuy nhiên, nó cũng mở rộng đến vô số tình huống thực tiễn trong đời sống hàng ngày của người Kitô hữu. Chẳng hạn, họ nại đến một nguyên lý hành động cao hơn nhân đức thông thường khi cần có sự sẵn sàng cao hơn để chế ngự các đam mê và chống trả những cơn cám dỗ của Ma quỷ và thế gian, cách đặc biệt, khi tính yếu đuối và thiếu kiên định của chủ thể cần đến một sự trợ giúp hữu hiệu và đầy đủ hơn.
Vì thế, mọi người phải tỏ cho thấy mình là những người ngoan ngoãn trước hành động của Chúa Thánh Thần trong họ; tất cả những ai ở trong tình trạng ân sủng đều có các ân huệ của Chúa Thánh Thần, và những ân huệ này không ở trong họ chỉ để nằm yên bất động. Chúng ta phải vâng nghe Chúa Thánh Thần bằng cách thực hành mọi nhân đức. Người là thầy dạy của chúng ta về chiêm niệm và hành động, là Thầy dạy trong mọi biến cố và hoàn cảnh của đời sống chúng ta. Đức tin, đức cậy và đức ái được thể hiện một cách linh hoạt hơn đặc biệt qua các ơn hiểu biết, thông hiểu và khôn ngoan. Đức khôn ngoan được thổi hồn nhờ ơn bàn hỏi; đức công bình và đức thờ phượng nhờ ơn đạo đức; đức dũng cảm nhờ ơn cùng tên; và đức tiết độ nhờ ơn kính sợ Chúa. Ơn kính sợ Chúa giúp cưỡng lại hấp lực của những thú vui bị ngăn cấm và linh hứng cho việc khổ chế của Thánh Louis Bertrand và Thánh Rose thành Lima, cũng như việc rao giảng của Thánh Vincent Ferrer.
Ơn dũng cảm làm sống động lại đức dũng cảm của chúng ta trong lúc hiểm nguy, nâng đỡ Thánh Phêrô Tử Đạo trong thừa tác vụ của ngài và nâng đỡ Thánh Gioan Gorcum trong cơn cùng khổ; ban sức mạnh cho Thánh Catarina de Ricci khi ngài bị buộc phải phỉ báng những thị kiến trong lúc xuất thần, giúp thánh nữ có thể dũng cảm chịu đựng những thành kiến chống lại mình từ phía cộng đoàn.
Ơn đạo đức làm cho chúng ta có khả năng hiểu và thực hành tốt hơn các bổn phận thờ phượng của mình, đồng thời, khơi dậy trong chúng ta một tình cảm của người con thảo hướng về Thiên Chúa. Ân huệ này được hé lộ cho chúng ta cách đặc biệt trong cuộc đời của Thánh Agnes thành Montepulciano hay Thánh Piô V.
Ơn bàn hỏi hướng dẫn chúng ta trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của đời sống và vượt quá đức khôn ngoan của chúng ta. Chính ân huệ này đã giúp làm nên nét nổi bật nơi Thánh Antoninus, Tổng Giám mục Florence.
Ơn hiểu biết giúp chúng ta đánh giá đúng những sự con người khi chúng đối lập với những sự thần linh; cho chúng ta thấy được sự phù phiếm của chúng. Trên hết, nó giúp chúng ta cảm nhận được sức nặng vô hạn của tội xét là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa và một sự tổn hại gây ra cho linh hồn. Chính ơn hiểu biết này đã khiến Thánh Đa Minh bật khóc khi ngài kêu lên trong lúc cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa, tại sao lại có tội nhân?” Ý nghĩ sâu sắc về những nỗi khốn cùng về luân lý đã khiến thánh nhân đau buồn sâu sắc và thường rơi lệ khi đứng trên tòa giảng.
Ơn thông hiểu giúp chúng ta lĩnh hội các chân lý của đức tin và nắm bắt được ý nghĩa ẩn giấu dưới từng con chữ; nó xuyên qua những gì bề ngoài và làm lộ ra tư tưởng đang nằm ẩn phía sau. Chính ơn thông hiểu đã soi sáng những lời của Thánh Kinh trong các Cuộc đối thoại và Thư tín của Thánh Catarina thành Siêna.
Sau cùng, ơn khôn ngoan phú bẩm cho chúng ta cảm thức về Thiên Chúa và những sự thần linh đến mức cho phép chúng ta có thể đánh giá mọi sự trong tương quan với nguyên nhân đệ nhất và mục đích tối hậu của chúng. Chính ơn khôn ngoan đã chủ sự việc biên soạn bộ Tổng luận tuyệt vời của Thánh Tôma. Tất cả các điểm của bộ sách, tất cả một cách triệt để, đều lệ thuộc vào ý niệm về Thiên Chúa, điểm gặp gỡ của mọi đánh giá liên quan đến con người, quyền tự do của con người và đời sống xã hội. Về cơ bản, bất cứ chủ đề nào Thánh Tôma đề cập cũng đều nói về Thiên Chúa, bởi lẽ ngài kết nối mọi sự với nguyên nhân đệ nhất và lý do tối hậu cho hiện hữu của chúng. Và chính ơn khôn ngoan cũng đã nuôi dưỡng việc tâm nguyện của ngài, trao cho ngài thừa tác vụ cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Bảy ân huệ này, bảy sự linh hứng thần linh này, hiện diện trong chúng ta—mặc dù không ở cùng mức độ như chính chúng được tìm thấy nơi các vị thánh vĩ đại—và cùng một phẩm tính siêu nhiên của ánh sáng và tình yêu đó sẽ linh hứng cho cuộc sống của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải ngoan ngoãn trước sự linh hứng này, trước tiếng nói của Chúa Thánh Thần, trong tâm nguyện, trong công việc, trong đời sống cộng đoàn và giữa những khó khăn mà chúng ta gặp phải.
Tiếng nói
Để ngoan ngoãn vâng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, chúng ta phải có khả năng nghe và học cách phân biệt tiếng ấy với tất cả những tiếng nói khác có khả năng lôi kéo chúng ta vào những sai lầm. Để có thể nghe được tiếng ấy, chúng ta cần phải hồi tâm, tách mình ra khỏi thế gian và thực hành khổ chế đối với tâm hồn, ý chí và phán đoán của mình. Nếu linh hồn chúng ta không có sự tĩnh lặng và bị khuấy động bởi tiếng của thế gian cùng với những đam mê, thì chúng ta không thể nghe được lời nội tâm của Thầy chúng ta. Nếu chúng ta có thói quen thích thú với cách nhìn nhận sự việc của riêng mình và không muốn nghe lời khuyên từ bất cứ ai, thì trên hết, chúng ta sẽ nghe thấy chính mình, hoặc nếu không, một tiếng nói xảo quyệt và nguy hiểm đang tìm đường xâm nhập vào tâm hồn của chúng ta.
Để nghe được tiếng Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phải có sự thinh lặng bên trong qua việc khổ chế và từ bỏ nội tâm. Nhưng ngay cả khi đó, tiếng Chúa Thánh Thần cũng vẫn còn bí ẩn, giống như những gì Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).1 Quả vậy, tiếng nói này bắt đầu như một sự linh hứng, một ánh sáng mịt mờ; nhưng nếu một người biết kiên trì phấn đấu trong khiêm nhường và tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, tiếng ấy sẽ tỏ cho lương tâm họ thấy rõ nguồn gốc thần linh của nó, và mặc dù vẫn còn bí ẩn, nó sẽ trở thành đêm tối bừng sáng mà Thánh Kinh nói tới: “Và đêm đen sẽ là ánh sáng trong niềm vui của tôi” (x. Tv 139,12).
Để tránh mọi ảo tưởng, chúng ta phải học cách phân biệt Thần Khí Thiên Chúa với hai thần khí hay hai sự linh hứng khác mà thoạt đầu có vẻ đúng nhưng rồi lại dẫn đến cái chết. Thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc” (1 Ga 4,1). Bên cạnh Thần Khí Thiên Chúa, còn có thần khí của Ma quỷ, kẻ đôi khi biến mình thành thiên thần sáng láng. Ngoài ra, còn có thần khí thuần túy tự nhiên phát xuất từ bản tính nhân loại sa ngã, thứ cùng với động lực và nhiệt huyết của nó, là nguồn gốc của ảo tưởng.
Về nguyên tắc, một trong ba thần khí này sẽ chiếm ưu thế trong một linh hồn: trong những linh hồn hư hỏng là thần khí của Ma quỷ, trong những linh hồn hâm hẩm là thần khí tự nhiên. Trong khi đó, nơi những linh hồn đã bắt đầu dấn thân vào đời sống nội tâm, Thần Khí Thiên Chúa thường chiếm ưu thế, mặc dù vẫn còn nhiều những sự phá rối từ phía thần khí tự nhiên và thần khí của Ma quỷ. Và ngay cả trong những linh hồn hoàn hảo, Thiên Chúa cũng vẫn cho phép có những sự thiếu sót nhất định—đôi khi chỉ là vẻ bề ngoài hơn là có thật—để giữ họ lại trong sự khiêm nhường và cho họ cơ hội thực hành những nhân đức đối lập nhau.
Vì thế, như Thánh Gioan đã nói, điều quan trọng là vừa phải phân biệt rõ xem đâu là thần khí thúc đẩy chúng ta hành động, vừa phải hiểu xem ở những điều gì mà chúng ta “thuộc về Thiên Chúa”, và ở những điều gì mà chúng ta “thuộc về chính mình.” Để biết thần khí nào đang thúc đẩy mình hành động, chúng ta phải nhận ra kết quả từ tác động của nó và sau đó, so sánh chúng với những gì mà Tin Mừng đã dạy cho chúng ta về các nhân đức Kitô giáo. Tác động như vậy có làm suy giảm hay gia tăng những nhân đức này trong chúng ta không? “Xem quả thì biết cây.” Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi lẽ Ma quỷ luôn muốn che giấu bản thân. Các thánh thấy trong thế gian đầy rẫy Ma quỷ và chúng ta không ngừng phải chịu tác động của chúng.
Thần khí tự nhiên là kẻ thù của khổ chế (The Imitation of Christ, III, ch. 54). Nó tìm kiếm thú vui cho riêng mình ngay cả trong đời sống siêu nhiên, và do đó, rơi vào thói tham lam thiêng liêng (Thánh Gioan Thánh Giá). Nó dừng lại ngay từ những khó khăn đầu tiên vấp phải trên con đường nhân đức, phàn nàn về thập giá và trở nên cáu kỉnh. Nó dửng dưng với vinh quang Thiên Chúa, với Vương quốc của Người và với ơn cứu độ cho các linh hồn. Trong khi đó, thần khí của Ma quỷ trước hết thúc đẩy chúng ta tự tôn mình lên trong sự kiêu ngạo để có thể thừa cơ làm cho chúng ta rơi vào bất an và chán nản. Để nhận ra tác động của thần khí Ma quỷ, chúng ta chỉ cần quan sát nó trong tương quan với việc khổ chế, đức khiêm nhường và với ba nhân đức đối thần là đủ.
Nó không tất yếu tách chúng ta ra khỏi những sự khổ chế bên ngoài. Thay vào đó, còn đôi khi thúc đẩy chúng ta tiến tới một hành vi khổ chế bên ngoài thái quá và mang tính phô diễn, và như thế, dung dưỡng thói kiêu ngạo thiêng liêng và hủy hoại sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, nó không bao giờ đưa chúng ta đến việc khổ chế nội tâm đối với ý chí và phán đoán của mình. Trái lại, nó khiến chúng ta mộ mến chính mình, coi mình trọng hơn người khác và khiến chúng ta khoe khoang vì đã nhận được những ân huệ thiêng liêng. (Cha Arintero còn nói thêm rằng nó khiến chúng ta coi trọng Dòng của mình hơn các Dòng tu khác vì chúng ta đang đóng một vai trò trong đó).
Sự kiêu ngạo thiêng liêng này luôn đi kèm với thói khiêm nhường giả tạo, thứ khiến chúng ta tự nói xấu mình để ngăn chặn người khác làm điều đó và khiến họ tin vào sự khiêm nhường của chúng ta. Thay vì nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng cách khiến chúng ta suy ngẫm về những điều đơn sơ trong Tin Mừng, nó thu hút sự chú ý của chúng ta vào những điều phi thường nhất và thường hoàn toàn xa lạ đối với ơn gọi của chúng ta. Để kích động đức cậy của chúng ta, nó khơi dậy trong chúng ta ước muốn tự phụ là trở thành những vị thánh hoàn hảo ngay lập tức mà không cần trải qua những giai đoạn không thể thiếu của việc bỏ mình. Thay vì khơi dậy đức ái của chúng ta, nó lại nuôi dưỡng trong chúng ta tâm tình tự yêu mến bản thân; thay vì khiến chúng ta yêu thương người thân cận, nó lại khiến chúng ta xét đoán họ một cách nghiêm khắc, vấp ngã vì những lỗi lầm của họ và lên án họ. Nó lay động lòng nhiệt thành của đức ái bằng cách gợi cho chúng ta một lòng nhiệt thành bất mãn, luôn muốn khiển trách người khác và sửa lỗi họ thay vì sửa lỗi chính mình.
Thay vì tạo dựng hòa bình, tất cả những điều này lại gây ra chia rẽ và hận thù. Chúng ta không dám nói chuyện với nhau nữa vì không thể chịu đựng nổi mâu thuẫn; chúng ta không còn nhìn thấy gì khác ngoài chính mình và tự tôn thờ mình trên bệ đỡ mà chúng ta đã đặt mình lên.
Nếu phạm phải những tội khó lòng che giấu, chúng ta rơi vào lo lắng, chán nản và mù quáng, ở điểm này, Ma quỷ, kẻ đã ngăn không để chúng ta nhìn ra mối nguy hiểm trước khi chúng ta phạm tội, thì giờ đây, lại phóng đại những khó khăn trong việc trở lại với Chúa. Sau khi nâng chúng ta lên một tầm cao chót vót của lòng kiêu hãnh, Xatan lại ném chúng ta xuống chốn sầu khổ thiêng liêng, khiến chúng ta trở nên giống hình ảnh của nó hơn là hình ảnh của Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta phải cảnh giác! Nếu chúng ta cảm thấy một lòng sùng kính lớn lao, nhưng lại cầu nguyện với tâm tình tự yêu mến bản thân nhiều hơn, nếu chúng ta có điều gì đó đối nghịch với vị bề trên và không đơn sơ, thành thật trong giao thiệp với vị linh hướng, thì thần khí của Ma quỷ đang ở trong chúng ta.
Tuy nhiên, các dấu chỉ của Thần Khí Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại. Thần Khí này mặc dù cũng dẫn chúng ta đến việc khổ chế bên ngoài, tuy nhiên, khác với thần khí tự nhiên: nó cổ võ một sự khổ chế bên ngoài được điều chỉnh bởi sự khôn ngoan, thận trọng và đức vâng phục vốn không có xu hướng khiến chúng ta gây sự chú ý hoặc hủy hoại sức khỏe của mình. Thần Khí này của Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận ra rằng việc khổ chế bên ngoài sẽ không có gì đáng kể nếu không có sự khổ chế tương ứng của tâm hồn, ý chí và phán đoán—về điểm này, nó khác với thần khí của Ma quỷ. Nó khơi dậy trong chúng ta một sự khiêm nhường đích thực giúp ngăn chúng ta coi trọng bản thân mình hơn người khác, không sợ bị khinh thường và giữ im lặng trước những ân huệ thần linh của nó (tuy nhiên, nó không chối bỏ hay phủ nhận Thiên Chúa, nhưng tôn vinh Người).
Nó nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng những điều đơn sơ và cao cả trong Tin Mừng vốn phù hợp với ơn gọi của chúng ta; nó thôi thúc chúng ta suy niệm Tin Mừng, trợ giúp chúng ta bằng lối chú giải truyền thống của các Giáo Phụ mà không cần nại đến những ý tưởng mới lạ nguy hiểm và hời hợt vốn sẽ sớm bị lãng quên. Nó làm cho chúng ta sẵn sàng tùng phục Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục, các vị bề trên và cha linh hướng của chúng ta. Nó làm gia tăng tinh thần đức tin trong chúng ta, khiến chúng ta nhìn thấy Chúa nơi tất cả các vị bề trên hợp pháp của mình.
Nó làm sống động lại đức cậy của chúng ta mà không khiến chúng ta rơi vào tự phụ. Nó đánh thức trong chúng ta niềm khao khát về những dòng nước hằng sống của tâm nguyện, đồng thời, giúp chúng ta ý thức được rằng điều này hẳn phải được đạt tới bằng cách trải qua những giai đoạn kế tiếp nhau, và rằng con đường mà chúng ta phải đi là con đường của khiêm nhường và thập giá.
Nó làm tăng thêm sự nhiệt tình nơi đức ái của chúng ta; phú cho chúng ta lòng nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa và bỏ mình hoàn toàn. Nó làm cho chúng ta khao khát danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến, ý Chúa được thể hiện; và giúp chúng ta quên đi chính mình, phó thác việc chăm sóc bản thân cho Thiên Chúa, trong khi chúng ta nghĩ đến Người trước tiên. Nó mang lại cho chúng ta tình yêu dành cho người thân cận, ngăn chúng ta đưa ra những sự xét đoán vội vàng về họ và tránh bị vấp ngã vì những lỗi lầm của họ. Nó khơi dậy trong chúng ta lòng nhiệt thành hướng tới ơn cứu độ cho các linh hồn; tuy nhiên, lòng nhiệt thành này không hề chua cay, nhưng ôn hòa, hiền hậu, khiêm nhường, tế nhị, nhẫn nhục, tùng phục trong sự vâng lời; một lòng nhiệt thành có khả năng xây dựng, trên hết, bằng gương sáng và lời cầu nguyện chứ không phải bằng những lời cảnh báo không phù hợp. Và Thần Khí này cũng củng cố tính kiên nhẫn của chúng ta trong lúc chịu thử thách.
Sau cùng, nhờ tất cả các phương thế này, Thần Khí Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui và bình an nội tâm, bình an với chính mình và với người khác. Trong khi thần khí của Ma quỷ khiến chúng ta trở nên kiêu ngạo vô cùng để thừa cơ đẩy chúng ta rơi vào tuyệt vọng, thì Thần Khí Thiên Chúa, nếu chúng ta sa ngã, sẽ nói với chúng ta về lòng thương xót của Chúa Cha thay vì phóng đại những khó khăn của việc ăn năn trở lại.
Tất cả những dấu chỉ này đều đã được Thánh Phaolô mô tả trong Gl 5,22-23. Nói chung, chúng có thể được tóm gọn về hai điều: sự khiêm nhường đơn sơ và sự ngoan ngoãn đối với bề trên và vị linh hướng của mình. “Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm” (1 Ga 4,6).
Ngoài ra, nếu vấn đề không còn là sự linh hứng nói chung cho đời sống của chúng ta, nhưng là sự linh hứng cho một hành vi cụ thể, thì chúng ta phải tính đến điều mà Thánh Inhaxiô nhà Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá đã nói tới: “Khi chúng ta nhận được một sự an ủi sâu sắc tràn ngập linh hồn cách bất ngờ, dù không có nguyên nhân tự nhiên, thì đó chính là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang đến viếng thăm linh hồn” (Ma quỷ chỉ có thể đem đến những niềm vui hời hợt vì nó không thể hành động cách trực tiếp trên trí tuệ và ý chí, nhưng chỉ hành động trên tri giác và trí tưởng tượng). Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức cẩn thận để phân biệt khoảnh khắc đầu tiên với những khoảnh khắc tiếp sau đó bất kể việc linh hồn có thể vẫn cảm nhận được nhiệt huyết và những ân huệ từ Trời mà nó đã lãnh nhận. Trong khoảng thời gian sau đó, điều thường xảy ra là—dù do thói quen hay do cách phán đoán và nhìn nhận cá nhân của chúng ta, hoặc nhờ sự khơi gợi của khuynh hướng tốt hay xấu—chúng ta quan niệm nên những tư tưởng nhất định và hình thành một số dự phóng không trực tiếp đến từ Thiên Chúa. Trước tiên, chúng phải được kiểm tra cẩn thận trước khi nhận được sự ưng thuận của chúng ta và được đưa vào thực hiện. Do đó, một lần nữa, chúng ta cần phải nhờ đến vị linh hướng của mình. Điều này khiến Thánh Têrêsa thành Avila nói rằng linh hồn càng tiến bộ thì càng cần có một vị linh hướng đã được soi sáng để phân biệt ra những sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Bước theo Tiếng nói của Thánh Thần
Khi chúng ta đã nhận ra tiếng Chúa Thánh Thần, đồng thời, được các vị bề trên và linh hướng xác nhận và khuyến khích tiến lên, chúng ta không còn phải do dự nữa. “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại” (Is 50,5). Bằng cách này, các thánh đã tiến bước bất chấp những thử thách và sự xét đoán của thế gian. Họ biết rằng Chúa ở cùng họ.
Nhờ đó, ông Ápraham, cha của các kẻ tin, đã lên đường rời quê hương xứ sở theo lệnh của Thiên Chúa để đi đến một nơi xa lạ, ở đó, theo cách nói của con người, ông không thể hy vọng nhận được bất cứ sự hiếu khách nào.
Nhờ đó, Thánh Phaolô, khi chia tay các tín hữu tại Milêtô, đã nói với họ: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20, 22-24).
Nhờ đó, khi Cha Michaelis tiến hành cải cách Dòng chúng ta, lúc đầu, ngài tiến hành rất chậm và thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để chắc chắn về điều Chúa muốn. Nhưng một khi biết được thánh ý của Thiên Chúa, thì không trở ngại nào do ý chí con người đặt ra có thể ngăn cản ngài. Ngài không được hướng dẫn bởi thần khí của chính mình, nhưng bởi Thần Khí của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cũng nên cư xử theo cách tương tự để cải cách đời sống cá nhân của chúng ta. Chúng ta nên làm theo tiếng Chúa Thánh Thần ngay khi nhận ra nó. Thật vậy, mỗi ngày chúng ta đều đọc trong phần Giáo đầu giờ Kinh Sáng: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: ‘Các ngươi chớ cứng lòng.’”
Chúng ta phải bước đi trên con đường của đức khiêm nhường, của đức tin, đức cậy và đức ái, nơi Chúa Thánh Thần muốn thấy chúng ta chạy và chạy như bay. Chúng ta nên nài xin Người bằng lời cầu nguyện tha thiết: “Xin sai Thánh Thần Chúa đến, để Ngài đổi mới mặt đất này” (x. Tv 104,30). Khi đó, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ bước đi như một người nghệ sĩ, kẻ không nghĩ đến các quy tắc nghệ thuật, nhưng chỉ tuân theo chúng vì anh ta sở hữu thần khí của chúng dựa vào khả năng của mình. Chúng ta sẽ thực hành tất cả các nhân đức, ngay cả những nhân đức dường như đối lập nhất: khiêm nhường và khao khát hoàn thiện cháy bỏng, cương quyết và hiền lành, khôn ngoan khi phóng tầm mắt để bao quát mọi sự trong Thiên Chúa và khôn ngoan khi để ý tới từng chi tiết nhỏ. Bằng cách này, chúng ta sẽ có Thần Khí Ban Sự Sống.
Chúng ta nên thường xuyên lặp lại lời cầu nguyện cao cả này của Giáo Hội: “Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến, và từ trời cao xin tỏ ánh quang minh” (Ca tiếp liên lễ Hiện Xuống [Veni Sancte Spiritus]).
Chú thích
1 Liên quan đến Thánh Catarina thành Genoa, Ernest Hello nói rằng: “Trong cuộc đời các vị thánh, cách đặc biệt trong cuộc đời các vị thánh chiêm niệm, có một chuỗi các bước thăng trầm mà chúng ta không tài nào hiểu nổi: họ do dự, họ dao động, họ tiến lên phía trước, họ ngoái lại phía sau, họ thay đổi con đường của họ. Người ta có ấn tượng rằng họ đang lãng phí thời gian. Có vẻ như những con đường bí ẩn mà họ được dẫn dắt không bao giờ kết thúc. Thiên Chúa dạy họ khiêm nhường và làm cho họ hiểu được sự bất lực và trống rỗng của mình” (Ernest Hello, Physiognomy of the Saints, tr. 310).