Chương XVIII. Kết hiệp với Thiên Chúa

Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” — Mt 11,29


Như vậy, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu xem tri thức kinh nghiệm về Thiên Chúa trong tâm nguyện là gì, tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận phải như thế nào, và lòng nhiệt thành đối với vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn phải ra sao. Mục đích của tri thức kinh nghiệm và tình yêu này, cũng như mục đích của đời sống nội tâm dưới thế, là được kết hiệp với Thiên Chúa, một sự kết hiệp tuy còn bất toàn, nhưng chính là nguyên lý và điều kiện bảo đảm cho sự kết hiệp hoàn hảo đang chờ đợi chúng ta trên Thiên đàng. Sự kết hiệp này là trạng thái an nghỉ của linh hồn trong Thiên Chúa, Đấng được tìm thấy và luôn làm cho mình được cảm thấy trong sự kết hiệp này, ngay cả giữa những lao nhọc và đau khổ. Bây giờ, chúng ta sẽ xét xem sự kết hiệp như vậy với Thiên Chúa nghĩa là gì và đâu là phương thế để đạt tới nó.

Sự kết hiệp này là gì?

Đâu là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta cho phép chúng ta nghỉ ngơi trong Người? Trước hết, chắc chắn rằng Thiên Chúa cũng hiện diện trong chúng ta giống như trong mọi sự vật được Người bảo tồn hiện hữu và gây ra chuyển động nơi chúng. Nếu hành động của Thiên Chúa ngừng duy trì vạn vật, thì thực tế, chúng sẽ trở về hư vô giống như bóng tối xuất hiện ngay khi mặt trời lặn.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nói về một sự hiện diện hoàn toàn đặc biệt trong chúng ta, khi Người phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Nếu ai đó yêu mến Thầy bằng một tình yêu không chỉ về tình cảm, nhưng còn hữu hiệu và hiệu quả, bằng cách ghi nhớ lời Thầy trong lòng và tuân giữ các giới răn của Thầy, thì Chúa Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy, trò chuyện với người ấy như bạn bè. Quả thật, đặc tính của tình yêu là sự kết hiệp giữa chủ thể với đối tượng được yêu (ST I-II, q. 28, a. 1). Tình yêu thôi thúc người ta tìm kiếm sự hiện diện của người mình yêu, hoặc ít là trò chuyện với người ấy trong tư tưởng. Theo Thánh Augustinô, tình yêu là sự thiện giúp kết hiệp những người yêu nhau. Họ hiện diện cho nhau với một sự hiện diện ít là về tình cảm và thân mật hơn nhiều so với sự kết hiệp đơn thuần giữa các vật thể. Nếu đó là đặc tính của tình yêu nói chung, và thậm chí, của một tình yêu thuộc loại thấp hèn, thì đâu là đặc tính của đức ái, tình yêu siêu nhiên, hay trên hết là đức ái vươn tới được đỉnh cao của sự hoàn hảo?

Thiên Chúa là Đấng hiện diện trong chúng ta một cách thực sự và bản thể giống như trong mọi sự được Người bảo tồn. Người làm cho chính mình hiện diện trong chúng ta theo một cách thức đặc biệt, khi Thần Khí Tình Yêu của Người thông truyền cho chúng ta đức ái thần linh—một sự tham dự vào tình yêu giúp làm nên sự kết hiệp giữa các Ngôi Vị thần linh. Thiên Chúa hiện diện nơi mọi linh hồn đang ở trong tình trạng ân sủng không chỉ như một nguyên nhân được kết hiệp với hiệu quả của nó, nhưng Người ngự ở đó như trong một ngôi đền thiêng liêng, nơi Người được nhận biết và yêu mến. Thiên Chúa ngự trong ngôi đền thiêng liêng này ngay cả khi chúng ta ngủ; nhưng Người thực sự được nhận biết và yêu mến khi linh hồn thực hiện một hành vi của đức tin và đức ái, cũng như khi Chúa Thánh Thần, bằng cách ban ơn khôn ngoan, làm cho linh hồn cảm thấy chính Người là sự sống của sự sống của nó. Vì thế, khi một người có đức tin, nhờ lòng nhiệt thành và quảng đại của mình, lập được công trạng xứng đáng với phần thưởng là một sự gia tăng về ân sủng và đức ái, thì Chúa Thánh Thần càng hiện diện nhiều hơn trong linh hồn đó với sự hiện diện về tri thức và tình yêu (ST I, q. 43, a. 6 ad 2).

Theo cách này, dưới tác động của một ánh sáng siêu vượt, linh hồn có thể có cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa một cách sống động và sâu sắc đến mức không thể nghi ngờ sự hiện diện thần linh này. Vì thế, có thể nói rằng giờ đây, nó “cảm” được Thiên Chúa; và kinh nghiệm mới mẻ này thực sự trở thành trạng thái nghỉ ngơi của linh hồn giống như lời Chúa hứa. Dù vẫn còn trong sự mờ tối của đức tin, linh hồn đã có được sự khởi đầu của hạnh phúc trên Thiên đàng. Linh hồn cảm thấy mình được Thiên Chúa thấm nhập như sắt trong lò nung, hay như không khí được tia nắng xuyên qua.

Mặc dù sự kết hiệp này không bao giờ là một sự biến đổi để hấp thụ linh hồn vào Thiên Chúa như một số nhà thần bí giả lầm tưởng, tuy nhiên, sự thật là linh hồn cảm nhận được Thiên Chúa trong mọi ngóc ngách sâu kín nhất của mình. Theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa thân mật với linh hồn hơn chính nó, bởi lẽ Người là nguyên lý nội tại của toàn bộ đời sống nội tâm của nó. Sự kết hiệp này mang lại cho linh hồn những ân huệ của Chúa Thánh Thần thúc đẩy từ bên trong để việc hoàn tất những hành động mà tự thân nó không thể thực hiện được.

Sự kết hiệp liên lỉ như vậy được hiện thực hóa trong chiêm niệm nhưng không thể đến mức thường hằng như quan điểm của các nhà thần bí giả; vì sự yếu đuối nơi bản tính nhân loại khiến chúng ta thường phải gián đoạn nó, ít là trong khi ngủ (ST I-II, q. 3, a . 2 ad 4). Tuy nhiên, ở nơi những linh hồn hoàn hảo hơn, Thiên Chúa biểu lộ sự hiện diện của Người một cách liên lỉ hơn: đó là vấn đề liên quan đến cảm giác bối rối về sự hiện diện của Thiên Chúa và về trạng thái hoàn toàn vâng nghe theo thói quen đối với mọi sự linh hứng của Người. Sự kết hiệp liền mạch không thuộc về thế gian này; đó là tình trạng của các thánh trên Thiên đàng.

Ngoài ra, sự kết hiệp với Thiên Chúa cũng có nhiều mức độ giống như đức ái và các ân sủng của Chúa Thánh Thần. Mức độ cao nhất trong số đó là cuộc hôn nhân thiêng liêng đã được Thánh Kinh, các Giáo phụ và các nhà thần bí vĩ đại nói tới; đó là một cuộc hôn nhân mà đối với nó, hôn nhân trần thế chỉ là một biểu tượng. Nhưng cũng giống như hôn nhân trần thế, cuộc hôn nhân này đạt được ba mục tiêu: thứ nhất là sự chung thủy của đôi bên, thứ hai là tính bất khả phân ly, và thứ ba là việc sinh sản con cái, tức các việc lành. Tuy nhiên, ngay cả những linh hồn đã nhận được một ân huệ lớn lao như thế cũng không được đảm bảo chắc chắn về ơn cứu độ, cũng như không được bảo vệ khỏi mọi sa ngã. Thánh Têrêsa thành Avila nói: “Linh hồn đó chỉ an toàn khi được Chúa nắm tay dìu dắt trong khi chính nó không xúc phạm đến Người.” Thánh Lawrence Justinian nói thêm: “Cô dâu phải cố gắng chung thủy và vì sợ sa ngã, đừng bao giờ tin rằng mình đã đạt tới đỉnh cao của sự hoàn thiện.” Cuộc hôn nhân thiêng liêng, được chuẩn nhận dưới thế bằng các việc lành, sẽ chỉ được hoàn tất trên Thiên đàng, nơi mà tính liên tục và bất khả phân ly của sự kết hiệp với Thiên Chúa sẽ nên hoàn hảo.

Mặc dù kém hoàn hảo hơn, nhưng sự kết hiệp với Thiên Chúa ở dưới thế đôi khi còn trổi vượt hơn sự kết hiệp của một số người được chúc phúc trên Thiên đàng: Ngay ở dưới thế, Thánh Gioan Tông Đồ đã có được đức ái và sự kết hiệp với Thiên Chúa ở mức độ cao hơn những gì một em nhỏ qua đời ngay sau khi rửa tội có được trên Thiên đàng. Ngay cả khi không nhìn thấy Thiên Chúa, Thánh Gioan Tông Đồ đã có thể yêu mến Người cách thân mật giống như việc chúng ta có thể yêu mến một số người sống ở xa hơn là những người vẫn gặp gỡ hàng ngày.

Khi nói tới sự kết hiệp với Thiên Chúa ở đời này, người ta chỉ có thể có sự chắc chắn về mặt luân lý. Chừng nào anh ta còn sống ở trần gian, trừ trường hợp nhận được một mặc khải tư đặc biệt, anh ta không thể biết chắc liệu mình đáng được yêu mến hay đáng bị ghét bỏ (x. Gv 9,1). Tuy nhiên, một cuộc đời hẳn phải được phán xét dựa trên hoa trái của nó, dựa trên sự cuốn hút mà linh hồn kinh nghiệm được đối với những sự thần linh, dựa trên sự gớm ghét mà nó cảm thấy đối với tội nhẹ, dựa trên sự tiến bộ của nó về đức khiêm nhường, về sự bỏ mình, vâng phục, cũng như tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Ở đây, cần phải lưu ý đến trường hợp của một số linh hồn, mặc dù rất không hoàn hảo, nhưng dựa trên tiêu chí sai lầm về sự tĩnh lặng, đã đôi khi lầm tưởng mình đang trong trạng thái hết hiệp này. Trên thực tế, họ chỉ đang ở tình trạng trì trệ nguy hiểm. Liệu họ sẽ làm gì và có thể làm được điều gì tốt nếu việc tạo ra công phúc, thực hành và gia tăng nhân đức đều không thể có được nếu không có hành động? Vì thế, để ngăn chặn mọi thứ ảo tưởng, chúng ta phải thường xuyên suy ngẫm về những phương thế đích thực để đạt tới sự kết hiệp này.

Phương thế đạt tới

Phương thế để đạt tới sự kết hiệp này là điều mà Thánh Tâm đã dạy cho chúng ta: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Chúa chúng ta đã vui lòng tóm gọn toàn bộ đời sống người Kitô hữu và toàn bộ sự hoàn thiện trong hai từ: hiền lành và khiêm nhường.

Ở đây, có một lý do rất sâu xa khiến Người đưa ra chỉ dẫn như vậy: vì khiêm nhường là cội rễ của mọi nhân đức Kitô giáo, và hiền lành là bông hoa của nó. Dĩ nhiên, đức ái là nhân đức cao quý nhất, là mối dây liên kết hoàn hảo, và chúng ta phải cố gắng nuôi dưỡng một đức ái nhiệt thành cháy bỏng nơi chính mình. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý sao cho lòng nhiệt thành, dù rất nồng nàn và mãnh liệt, cũng vẫn phải khiêm tốn và hiền lành. Chỉ có như vậy, chúng ta mới nên thánh. Đức khiêm nhường tạo ra trong chúng ta một sự trút bỏ mà Thiên Chúa sẽ lấp đầy nó bằng chính Người. Nếu không có đức khiêm nhường, các nhân đức của chúng ta sẽ chỉ là giả tạo, mang tính bề ngoài, giả hình giả bộ, đạo đức giả, vốn được khơi dậy bởi sự yêu mến chính mình và thói kiêu ngạo thiêng liêng.

Gốc rễ của mọi nhân đức phải là đức khiêm nhường: không phải sự khiêm nhường bề ngoài được dựng nên bằng lời nói, nhưng là đức khiêm nhường của tâm hồn; không phải sự khiêm nhường gượng ép đến từ những ảo tưởng, bất mãn hay nỗi sợ thua thiệt, nhưng là đức khiêm nhường của tâm hồn vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và phát xuất từ tri thức rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng vĩ đại, trong khi chúng ta chẳng là gì trước mặt Người. Chúa chúng ta chắc chắn không yêu thích lối khiêm nhường u sầu, buồn bã, hay bực bội, thứ thúc giục chúng ta tách ra một mình để sống bất động. Đúng hơn, Người yêu thích—đức khiêm nhường của tâm hồn—biết vui vẻ hành động và hy sinh bản thân mình vì Chúa.

Nếu đức khiêm nhường là nguyên lý của mọi nhân đức, thì hiền lành, theo cách diễn đạt của Thánh Francis de Sales, là bông hoa của đức ái. Đối với thực vật, hoa là bộ phận dễ thấy nhất và đẹp nhất vì sự lộng lẫy và đa dạng về màu sắc của nó. Nó cuốn hút bởi hương thơm mà nó tỏa ra. Và bất chấp tính mỏng manh yếu đuối, nó có chức năng thuộc nhóm quan trọng nhất đối với cây, vì là bộ phận đảm đương vai trò giữ gìn và che chở cho trái. Điều tương tự cũng đúng đối với tính hiền lành trong đức ái. Nó là điều dễ thấy nhất, thu hút và lôi kéo chúng ta nhất trong việc thực hành nhân đức vĩ đại này. Nó được biểu lộ trong nụ cười, trong ánh mắt, trong thái độ, trong cách hành động và trong việc chọn lựa ngôn từ; nó nhân đôi giá trị của việc phục vụ được thi hành.

Giống như bông hoa, nó cũng che chở hoa trái của đức ái, khiến chúng ta đón nhận những lời khuyên bảo và những lời khiển trách. Chúng ta có thể có lòng nhiệt thành cháy bỏng nhất đối với người thân cận, tuy nhiên, nếu không hiền lành, chúng ta dường như không yêu họ, và do đó, đánh mất hoa trái từ những ý hướng tốt đẹp của mình. Hơn nữa, nếu không hiền lành, chúng ta cũng sẽ không thể chế ngự được một số khó khăn thường gặp khi thực hành đức ái, nơi đòi hỏi chúng ta nhất thiết phải yêu thương không chỉ những người tốt và làm hài lòng mình mà thôi, nhưng còn cả những người mà việc làm bạn với họ không đem đến cho chúng ta chút dễ chịu nào. Nếu muốn khiêm nhường và hiền lành không chỉ là những nhân đức bên ngoài, nhưng còn là nhân đức của tâm hồn, nếu muốn khiêm nhường và hiền lành không chỉ là về tính khí, nhưng còn về nhân đức siêu nhiên, và nếu chúng ta muốn sống được như vậy trong mối quan hệ với tất cả mọi người, thì chúng ta chắc chắn cần phải bỏ mình và phó mặc hoàn toàn cho sự Quan Phòng của Thiên Chúa.

Nếu muốn thực hành các nhân đức này trong những trạng huống khác nhau của đời sống, chúng ta phải thường xuyên chiêm ngắm chúng theo hai mẫu gương vĩ đại là Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta phải có lòng sùng kính nồng nàn đối với Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ khiêm nhường và hiền lành. Thế kỷ XIX được cho là thế kỷ của Mẹ vì những cuộc hiện ra vinh quang và việc Mẹ được tuyên bố là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thế kỷ XX, mở đầu bằng việc dâng hiến nhân loại cho Thánh Tâm, dường như là thế kỷ của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta nên kết hợp hai lòng sùng kính này lại một cách tha thiết, vì chúng sẽ dạy chúng ta về sự hoàn thiện của đức ái với đức khiêm nhường và hiền lành.

Đức khiêm nhường không thể thuộc về Chúa chúng ta ngoài tư cách con người. Nó không thể là một nhân đức thần linh vì là hiện thân của sự lệ thuộc tuyệt đối và sự tùng phục của thụ tạo đối với Thiên Chúa. Khiêm nhường có nghĩa là sự hạ mình của thụ tạo trước Thiên Chúa và trước những gì thần linh nơi các thụ tạo khác. Tuy nhiên, không ai hiểu rõ hơn và khao khát sự lệ thuộc và phục tùng của bản tính nhân loại nhiều hơn Chúa chúng ta. Chính Người, con người vĩ đại nhất về trí tuệ và tâm hồn, là Đấng mong muốn trở thành chuẩn mực và gương mẫu của đức khiêm nhường: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”

Để đền bù cho sự kiêu ngạo và ý muốn phản nghịch của chúng ta, Người đã hạ mình trước Chúa Cha, chấp nhận mọi hình thức sỉ nhục từ các thẩm phán của Người, từ Philatô và từ Hêrôđê. Người tự nguyện đảm nhận vai trò thay mặt cho tội nhân, cho dù Người chính là Sự Thánh Thiện. Nếu chúng ta cho rằng tội lỗi đã hạ thấp bản tính nhân loại xuống thấp hơn nhiều so với chính nó, thậm chí thấp hơn cả hư vô, thì không giới hạn nào có thể diễn tả được sự hủy mình vô hạn của Chúa Kitô. Hiểu được sức nặng vô hạn của tội lỗi mà mình gánh chịu, Người đã nối kết chúng với sự cao cả vô hạn của Thiên Chúa, Đấng mà quyền lợi đã bị phủ nhận và chà đạp.

Đức khiêm nhường vô cùng sâu sắc nơi Chúa chúng ta cũng đồng thời là đức khiêm nhường của tâm hồn đơn sơ như của một đứa trẻ. Khi các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu đáp lại bằng cách gọi một em nhỏ đến và đặt vào giữa các ông. “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,1-4).

Sự hiền lành của Chúa chúng ta là hoàn toàn siêu nhiên. Nó bắt nguồn từ lòng nhiệt thành của Người đối với ơn cứu độ cho các linh hồn và không hề làm suy giảm lòng nhiệt thành của Người, sự hiền lành này bảo vệ hoa trái của lòng nhiệt thành và bảo đảm tác động của nó. Ngôn sứ Isaia đã công bố về Đức Kitô là mẫu mực về sự hiền lành: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Is 42,1-4; x. Mt 12,18-21).

Với Thánh Phêrô, Chúa Giêsu trả lời rằng cần phải tha thứ không chỉ bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là luôn luôn. Chúa Giêsu muốn được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian bằng hy tế của Người, vì con chiên là biểu tượng của sự hiền lành: khi bị sát tế, nó không thốt ra dù chỉ một lời than thở. Trong phép rửa của Người, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu, một biểu tượng khác của hiền lành.

Hai nhân đức này, mầm mống và bông hoa của tất cả các nhân đức khác, cũng được tìm thấy ở mức độ cao nhất nơi Đức Maria. Mẹ đã được nâng lên trên các thiên thần vì Mẹ là mẫu mực của đức khiêm nhường. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc... Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,48.52). Giống như Người Con thần linh của mình, Mẹ là mẫu mực về sự hiền lành, giống như chúng ta vẫn hát hàng ngày trong bài Salve Regina.

Kết hợp với việc sốt sắng rước lễ hàng ngày, việc thực hành hai nhân đức khiêm nhường và hiền lành sẽ làm cho đức ái cùng với các ân huệ Chúa Thánh Thần và sự kết hiệp với Thiên Chúa gia tăng trong chúng ta mỗi ngày một nhiều hơn. Bí tích Tình Yêu—điều tuyệt vời hơn hết thảy—là Bí tích của sự kết hiệp mật thiết nhất: nó chứa đựng chính Chúa Giêsu Kitô trong khi các bí tích khác chỉ chứa đựng quyền năng siêu nhiên của Người và lấy Bí tích Thánh Thể làm cùng đích. Do đó, việc rước lễ là hành vi hoàn hảo nhất của đời sống nội tâm, và nếu chúng ta dọn mình rước lễ với đức khiêm nhường, lòng nhiệt thành và sự hiền lành, chúng ta sẽ tìm thấy nơi đó những phương thế hữu hiệu nhất để kết hiệp với Thiên Chúa. Trong khi thân xác chúng ta tiếp nhận Mình Thánh Chúa Kitô, thì linh hồn chúng ta được kết hiệp với linh hồn của Người, trí tuệ của chúng ta kết hiệp với ánh sáng của Người, tâm hồn của chúng ta được kết hiệp với mặt trời tình yêu luôn cháy sáng của Người. Chúa chúng ta kết hiệp chính Người với chúng ta để đồng hóa chúng ta với Người, biến chúng ta trở thành những Đức Kitô khác.

Mỗi lần rước lễ cách xứng đáng mà không phạm thánh và vô tác dụng sẽ làm gia tăng đức ái trong chúng ta. Và như thế, liệu ai có thể đo lường được hiệu quả mà việc rước lễ hàng ngày, và trên hết, là việc rước lễ sốt sắng hàng ngày đem lại cho chúng ta?

Kết luận

Nếu trong việc rước lễ, chúng ta học được tính hiền lành và khiêm nhường từ Thầy Chí Thánh, thì cùng với lòng nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn, chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng như những gì Chúa Giêsu phán hứa (Mt 11,29). Chúng ta sẽ tìm được sự bình an và ổn định có trật tự; sẽ cảm nhận rõ sự hòa hợp trong linh hồn, thứ sẽ nhận được tác động truyền ban sinh khí của Thiên Chúa, nếu chúng ta hoàn toàn vâng phục thánh ý của Người; sẽ có sự hòa hợp giữa thể xác và linh hồn, giữa các giác quan và tinh thần. Chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an và có thể trao nó cho người khác.

Chúng ta hãy học hỏi bằng kinh nghiệm. Phải cố gắng thực hành đức khiêm nhường và hiền lành trong lúc hoang mang và mệt mỏi, thì chúng ta sẽ nhận thấy những lời mà Chúa chúng ta đã nói đúng như thế nào. Chúng ta sẽ tìm thấy bình an trong tâm tình yêu mến. Nhưng nếu không có cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại chính mình, chống lại thế gian và chống lại Ma quỷ, chúng ta sẽ không thể có được bình an một cách ổn định. Chính vì lý do này mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng Người xuống thế gian là để đem đến gươm giáo và chiến tranh. Làm sao chúng ta có thể hiền lành và khiêm nhường trong lòng với tất cả mọi người mà không liên tục phải chịu đựng bạo lực, không phải tha thứ nhiều cho người khác và không phải đặt mình xuống vị trí thấp kém hơn họ?

Do đó, luôn luôn tồn tại một cuộc chiến, nhưng là một cuộc chiến không tràn qua những ranh giới của linh hồn—nếu chúng ta có thể sử dụng cách diễn đạt như vậy—trong khi tất cả những gì bên trong nó, là trung tâm của thành trì và pháo đài, vẫn thái bình và an ninh, trong hòa bình và yên ổn. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). Nếu tôi yêu mến Chúa và nếu tôi nghĩ rằng Chúa yêu mến tôi, thì những điều còn lại đâu có ý nghĩa gì? Sự bình an sâu thẳm này giúp đền bù tất cả những hy sinh mà nó đòi hỏi một cách dư thừa, và chính vì lý do này mà Chúa chúng ta nói thêm: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).

Đấng đáng kính Louis Bloy đã để lại cho chúng ta hình ảnh của một con người đã đạt tới sự kết hiệp và bình an này. Ngoài ra, ngài còn nói: “Thiên Chúa thường vui lòng ngự trong tâm hồn của một trong những người khiêm nhường này hơn là trong nhiều tâm hồn khác không kết hiệp mật thiết với Người” (De adhaerendo Deo).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành khiến Thánh Tâm Chúa bừng cháy; cũng xin ban cho chúng con đức khiêm nhường sâu thẳm để chúng con luôn gắn bó với Chúa hơn khi chúng con trở nên tách khỏi chính mình; xin ban cho chúng con sự hiền lành hầu giúp các linh hồn chấp nhận những gì chúng con nói với họ vì vinh quang của Cha Người và vì ơn cứu độ cho họ.

Xin ban cho chúng con sự kết hiệp mật thiết hơn với Thánh Tâm Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và xin dẫn dắt chúng con hướng tới sự đồng hình đồng dạng hoàn toàn thần linh, thứ sẽ biến chúng con thành anh em của Chúa mãi mãi.

Chương XVII. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ