Chương XVII. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ
“Đây là mẹ của anh.” — Ga 19,27
Chúng ta không thể giảng tĩnh tâm cho các tu sĩ, và trên hết là cho các tu sĩ chiêm niệm, mà không dành một bài diễn thuyết về lòng sùng kính lớn lao mà chúng ta phải có đối với Mẹ Thiên Chúa. Vì vậy, tôi muốn nói về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ và Đấng Trung Gian của chúng ta, với sự gợi hứng trước hết bởi giáo lý của một vị thánh mà chúng ta đều biết rất rõ, Thánh Louis Grignon de Montfort, tác giả cuốn sách True Devotion to Mary [Lòng sùng kính đích thực đối với Đức Maria].
Tác phẩm bổ ích này chỉ được tìm thấy dưới một lớp bụi sau Cuộc cách mạng Pháp. Kể từ đó, cuốn sách đã được dịch sang tất cả các ngôn ngữ phổ biến. Tôi tin rằng đây là cuốn sách đã đóng góp nhiều nhất vào việc truyền bá giáo lý về vai trò trung gian phổ quát của Đức Trinh Nữ. Giáo lý này vốn đã tồn tại từ trước. Cha Olier đã nhớ lại và dạy nó cho các con trai đầu lòng của ngài, và tới lượt mình, họ đã đào tạo Thánh Louis Grignon. Đây chính là người sau này đã nhận được sự chiêm niệm thiên phú về mầu nhiệm Đức Trinh Nữ, và khi viết về chủ đề này, ngài có thể tiếp tục mạch văn rất dài vì đã viết ra những gì khởi từ sự dồi dào của tâm hồn mình. Cuốn sách nhỏ này là một kho báu đối với Giáo Hội, cũng như bản rút gọn của nó, dưới tựa đề The Secret of Mary [Bí mật về Đức Maria], mà thánh nhân đã biên soạn cho một nữ tu.
Ngài nói rằng, trước hết, ngài quan tâm đến lòng sùng kính Đức Maria và tìm cách trình bày những cấp độ chính, cũng như những đỉnh cao mà lòng sùng kính này phải đạt tới. Ngài bắt đầu bằng việc nêu ra quan điểm muốn phủ nhận vị trí trung gian của Đức Maria bởi những người theo đạo Tin Lành và nỗ lực hạ thấp vai trò của Mẹ bởi những người theo phái Jansen. Khi nhận xét về một số người Công Giáo để cho mình bị ảnh hưởng bởi hai quan điểm này, ngài nói: “Trong số những người theo Đạo Công Giáo, có một số người chỉ biết đến Đức Trinh Nữ Maria qua con đường suy lý. Họ lo sợ rằng trong việc sùng kính Đức Trinh Nữ, họ có thể đang xâm phạm, rằng họ có thể làm tổn thương lòng sùng kính của họ đối với Chúa.” Họ dường như tin rằng Đức Maria là một trở ngại cho việc đạt tới sự kết hiệp thần linh, trong khi trên thực tế, chính Mẹ đã sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để dẫn chúng ta đến sự kết hiệp mật thiết nhất với Con của Mẹ.
Khi chúng ta đến gần Đức Trinh Nữ, chúng ta thực sự đang đến gần một người khiến Chúa hài lòng, một người mà nơi ấy, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và hiển trị một cách sâu xa nhất. Đến gần Mẹ có nghĩa là đến gần Con Mẹ và Cha Trên Trời của Mẹ. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ phân tích vấn đề bằng cách chia đề tài ra thành ba điểm như sau: tại sao chúng ta phải có lòng sùng kính lớn lao đối với Đức Maria; chúng ta nên thực hành lòng sùng kính ấy như thế nào; và đâu là hoa trái của nó.
Vì sao cần có Lòng sùng kính sâu sắc với Đức Mẹ Rất Thánh Đồng Trinh
Thần học cho chúng ta biết rằng đối với Đức Maria, chúng ta không chỉ phải tôn kính dulia như đối với các thánh, nhưng còn phải tôn kính hyperdulia. Trên thực tế, hyperdulia đến ngay sau sự thờ phượng và tôn thờ latria chỉ dành riêng cho Thiên Chúa và cho nhân tính thần linh của Đấng Cứu Độ chúng ta, vì nó được kết hiệp với Ngôi Lời và là khí cụ khả giác của tình yêu bao la của Người.
Nhưng tại sao chúng ta phải tôn kính Đức Maria bằng hyperdulia? Nếu Mẹ chỉ “đầy ân sủng” chứ không đồng thời là Mẹ Thiên Chúa, liệu chúng ta có phải tôn kính Mẹ bằng hyperdulia không? Phần lớn các nhà thần học đều phản ứng tiêu cực và Bộ Nghi Lễ1 hoàn toàn đồng ý với họ về điểm này. Vì thế, Mẹ được tôn kính chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chứ không phải vì Mẹ đầy ân sủng. Nếu Mẹ đầy ân sủng mà không phải là Mẹ Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ không tôn kính Mẹ một cách đặc biệt. Sự tôn kính như vậy được dành cho Mẹ vì tình mẫu tử thần linh của Mẹ. Tình mẫu tử này thuộc về một trật tự không những vượt quá trật tự tự nhiên, nhưng còn vượt quá cả trật tự ân sủng và vinh quang, vì nó dựa vào trật tự ngôi vị được cấu thành bởi chính mầu nhiệm Nhập Thể.
Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, và vì lý do này, vai trò làm mẹ của Mẹ dừng lại nơi chính Ngôi Lời Nhập Thể và đạt tới những ranh giới của Thiên tính. Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa. Chắc chắn Mẹ không cho Người bản tính thần linh, nhưng chỉ cho Người bản tính nhân loại. Tuy nhiên, Mẹ là Mẹ không phải là vì nhân tính của Chúa Giêsu, nhưng vì Ngôi Lời Nhập Thể, bởi lẽ tình mẫu tử không dừng lại ở một bản tính, nhưng ở ngôi vị sở hữu bản tính này: trong trường hợp này là chính Ngôi Lời.
Đức Trinh Nữ Rất Thánh, kể từ khi thụ thai Chúa Giêsu về mặt thể xác và tinh thần, là Mẹ của Người theo hai cách: (1) về mặt thể xác, vì Người là xác thịt bởi xác thịt của Mẹ, và sự sống nhân loại của Người đã được thắp lên trong cung lòng Đức Trinh Nữ dưới tác động của Chúa Thánh Thần; và (2) về mặt tinh thần, vì tất yếu phải có sự ưng thuận chính thức của Đức Trinh Nữ để Ngôi Lời có thể kết hiệp với bản tính của chúng ta ở nơi Mẹ và mầu nhiệm Nhập Thể được hoàn tất theo cách này. Từ đời đời, Thiên Chúa đã quyết định ban cho Đức Maria một ân sủng để Mẹ có thể nói tiếng xin vâng với biến cố Nhập Thể. Và Mẹ đã nói ra chọn lựa đó với sự khiêm nhường nhất mực, với đức tin và lòng can đảm, vì từ Sách Ngôn Sứ Isaia, Mẹ đã biết trước những đau khổ của Chúa chúng ta sẽ xảy ra như thế nào.
Phẩm giá này của Mẹ Thiên Chúa, vốn thuộc về trật tự ngôi vị, vượt quá phẩm giá của tất cả các vị thánh gộp lại. Giờ đây, chính nhờ vai trò làm mẹ này mà Đức Maria đã lãnh nhận mọi đặc ân được ban riêng cho mình. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ tất cả những đặc ân này để Mẹ có thể xứng đáng là Mẹ của Chúa chúng ta. Trước hết, Mẹ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa, và dưới góc độ của Tình mẫu tử thần linh này, được tiền định có một mức độ ân sủng và vinh quang rất cao—đến nỗi ân sủng khởi đầu mà Mẹ lãnh nhận vào thời điểm được thụ thai Vô Nhiễm Nguyên Tội đã vượt quá ân sủng sau cùng của tất cả các vị thánh gộp lại. Theo các Giáo Phụ, điều này xảy ra là vì Thiên Chúa đã yêu mến Đức Trinh Nữ Rất Thánh như Mẹ tương lai của mình ngay từ lúc Mẹ được thụ thai. Tình yêu mà Chúa dành cho Mẹ lớn hơn tình yêu Người dành cho mọi thụ tạo, bao gồm tất cả các thiên thần. Chính tình yêu ấy đã tạo ra nơi Mẹ một ân sủng tương xứng. Vì thế, nếu chỉ một mình Đức Trinh Nữ đã được yêu mến hơn tất cả các thiên thần thuộc mọi phẩm trật, thì ngay từ đầu, Mẹ cũng nhận được sự tràn đầy về ân sủng và đức ái vượt quá ân sủng sau cùng của tất cả các vị thánh.
Để hiểu được điều này tốt hơn, chúng ta có thể sử dụng một số phép loại suy như sau. Một viên kim cương đẹp nhất có giá trị hơn rất nhiều viên đá quý thông thường. Người ta nói rằng đấng sáng lập Dòng tu, xét dưới góc độ về Dòng mà vị ấy sẽ thành lập, Dòng mà nhờ đó, vị ấy nhận được ơn linh hứng đặc biệt, quý giá hơn tất cả những người bạn đồng hành trong Dòng của ngài gộp lại. Tương tự như thế, người ta cũng nói rằng Thánh Tôma quý giá hơn tất cả các nhà chú giải gộp lại, bởi lẽ ngài đã nhận được ân sủng soi sáng cho phép thấy rõ những vấn đề mà ngài đã giải quyết hơn những người khác. Ngài quan sát chúng từ một góc nhìn cao hơn và phổ quát hơn; nên thẩm quyền của ngài có được ưu thế. Như vậy, chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi Đức Piô XI nói rằng “sự đầy tràn ân sủng nơi Mẹ Maria ngay từ khởi điểm đã vượt quá tổng số ân sủng của tất cả các vị thánh trước khi các ngài bước vào vinh quang.”
Vào thời điểm nhận được sự đầy tràn này, Đức Maria đã được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ, bởi lẽ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc hoàn hảo, cần thực hiện một sự cứu chuộc có chủ quyền, ít nhất là đối với một linh hồn sẽ được liên kết với Người cách mật thiết nhất trong công cuộc cứu chuộc. Nếu một bác sĩ thành công không chỉ trong việc giúp ai đó phục hồi sức khỏe sau vết thương chí mạng, nhưng còn ngăn chặn nó xảy ra, thì có thể nói rằng anh ta đúng là một vị cứu tinh trong trật tự tự nhiên. Theo nghĩa này, Chúa chúng ta là Đấng Cứu Độ của Mẹ Người. Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã được giữ gìn khỏi tội nguyên tổ nhờ công nghiệp của Con mình và vì mục đích trở thành Người Mẹ xứng đáng của Người. Từ lúc đó, ân sủng cùng với đức ái và các nhân đức khác đã không ngừng gia tăng trong linh hồn Mẹ cho đến khi Mẹ qua đời.
Giống như các vật thể càng xuống gần mặt đất thì càng rơi nhanh hơn, những linh hồn trong tình trạng ân sủng hẳn cũng tiến nhanh hơn về phía Thiên Chúa khi họ đến gần hơn với Người và được Người thu hút. Điều này được thể hiện nơi các thánh cho đến lúc cuối đời. Nhưng quy luật tăng tốc kỳ diệu này được thể hiện nơi Đức Trinh Nữ Rất Thánh trước hết là bởi vì nơi Mẹ không còn điều gì có thể làm chậm lại chuyển động tiến lên Thiên Chúa: không có tội nguyên tổ, không có tội cá nhân, cũng không có bất cứ sự bất toàn nào của ý chí. Nhờ đó, nơi Mẹ có một sự tiến bộ kỳ diệu, một sự tăng tốc ngày càng rõ rệt. Ngay ở dưới thế này, bản thân Đức Trinh Nữ đã có được năng lực mạnh hơn tất cả các vị thánh gộp lại, đến nỗi các ngài không thể làm được gì nếu không có sự giúp đỡ của Mẹ; Mẹ thực sự là Đấng Trung Gian phổ quát của chúng ta.
Như vậy, lý do khiến chúng ta đặc biệt tôn kính Đức Maria phát xuất từ sự kiện rằng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và để được như vậy, Mẹ đã nhận được tràn đầy ân sủng và mọi đặc ân. Dù trên Thiên Đàng cũng như dưới thế, Mẹ sẽ luôn là Người Mẹ xứng đáng của Chúa chúng ta, đồng thời, Chúa chúng ta trên Trời sẽ tôn vinh Mẹ là Mẹ của Người.
Đức Maria là Mẹ của chúng ta và là Đấng Trung Gian phổ quát. Trên hết, Mẹ là Mẹ của chúng ta vì Mẹ ban cho chúng ta Tác Giả của Ân Sủng. Mẹ là Mater Salvatoris [Mẹ Đấng Cứu Độ]. Bởi lẽ đó, Mẹ đã là Đấng Trung Gian của chúng ta vì chính nhờ Mẹ và tiếng xin vâng của Mẹ mà Chúa Giêsu đã được ban cho thế gian làm Đấng Cứu Độ, người anh trưởng và lễ vật hiến tế của chúng ta.
Mẹ còn trở thành Mẹ của chúng ta hơn nữa (và Mẹ được tuyên bố như vậy) khi Mẹ trở thành Đấng Hiệp Công Cứu Chuộc của chúng ta một cách hoàn hảo hơn, kết hiệp cách mật thiết với hy tế của Chúa Giêsu hơn bất cứ ai khác. Giáo Hội ngày nay dạy rằng tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta chiếu theo đức công bình, hay hợp lý, thì Đức Trinh Nữ Rất Thánh cũng đã lập công cho chúng ta bằng một công phúc hợp tình (de congruo). Trong khi Chúa Giêsu đền bù cho chúng ta theo đức công bình, thì Mẹ đền bù cho chúng ta theo sự hợp tình, và nhờ đó, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta. Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta qua một hành vi đức tin trổi vượt hơn hành vi mà các thánh đã thực hiện khi còn là lữ khách trần thế.
Đức tin mạnh nhất từng tồn tại là đức tin của Đức Maria. Thực ra, Chúa chúng ta không có đức tin, nhưng chỉ có Thị kiến vinh phúc. Hành vi đức tin cao cả nhất mà Đức Maria có thể thực hiện đã diễn ra trên đồi Canvê: Mẹ không ngừng tin rằng Chúa Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa, rằng Người đã chiến thắng Ma quỷ và tội lỗi, và rằng Người sẽ chiến thắng sự chết.
Tuy nhiên, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta không chỉ bởi hành vi đức tin này, nhưng còn bởi hành vi của đức cậy lớn lao nhất được thực hiện nơi trần thế. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không cần phải hy vọng, vì Người chính là Thiên Chúa.
Sau cùng, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta qua hành vi của đức mến cao cả nhất mà Mẹ có thể thực hiện vào lúc đó: Mẹ yêu mến Thiên Chúa đến mức dâng Con của Mẹ cho Người giữa những khổ hình đau đớn nhất. Mẹ cảm nhận trong tâm hồn tất cả những nỗi đau khổ về thể xác và luân lý của Chúa chúng ta theo thước đo tương xứng với tình yêu mà Mẹ dành cho Thiên Chúa là Đấng bị xúc phạm bởi các tội nhân, dành cho Con của Mẹ là Đấng mà tội lỗi sẽ đóng đinh Người, và dành cho linh hồn của chúng ta là những kẻ bị tội lỗi hủy hoại và giết chết. Giống như việc không thể đo đếm được sự đầy tràn của đức ái nơi Đức Trinh Nữ, chúng ta cũng không thể đánh giá được sự đầy tràn về đau khổ trong tâm hồn Mẹ. Như Đức Giám mục Bossuet từng nói, “chỉ một và cùng một Thánh Giá là đủ cho cả Mẹ và Chúa Giêsu, vì chúng ta cũng có thể nói rằng Mẹ bị đóng đinh trên Thánh Giá treo Con của Mẹ. Đây là sức mạnh nơi tình yêu của Mẹ: vì Con, Mẹ đã cùng chịu đựng đau khổ.”
Trong đau khổ của mình, Mẹ đã đưa chúng ta đến với đời sống ân sủng. Việc này đã được hoàn tất trong giây phút đau đớn khi Chúa nói với Đức Trinh Nữ: “Thưa Bà, đây là con của Bà”, Người trao phó Mẹ mình cho Thánh Gioan. Từ thế kỷ thứ VIII, Giáo Hội đã dạy rằng Thánh Gioan là hiện thân của tất cả các linh hồn cần được cứu chuộc bằng hy tế Thập Giá. Những lời đó của Chúa Kitô chắc chắn không chỉ hướng tới Thánh Gioan mà thôi, nhưng còn nhắm đến tất cả những linh hồn sẽ được Thập Giá cứu chuộc. Đây chính là ý nghĩa thiêng liêng của chúng. Như một lời bí tích, những lời này tạo ra những gì chúng biểu thị: chúng tạo ra trong linh hồn Đức Trinh Nữ một sự gia tăng đáng kể về đức ái và đức ái mẫu tử đối với chúng ta, đồng thời, tạo ra trong linh hồn Thánh Gioan một tình cảm hiếu thảo trọn vẹn, một sự kính trọng đầy tràn đối với Mẹ Thiên Chúa.
Từ thời điểm đó, tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Trinh Nữ bắt đầu phát sáng. Sự phát sáng này sẽ không ngừng bất chấp ngày tận thế, bởi lẽ ngay cả sau khi lên Thiên đàng, Mẹ vẫn tiếp tục là Đấng Trung Gian của chúng ta, cầu bầu cho chúng ta và ban cho chúng ta mọi ân sủng. Mẹ không ngừng cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta có được bằng chứng về điều này trong truyền thống Hội Thánh, chẳng hạn như trong Kinh cầu Đức Bà: “Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn” và “Đức Bà yên ủi kẻ âu lo.” Do đó, mọi ân sủng đều được truyền đến chúng ta qua Mẹ là Đấng ban chúng cho chúng ta.
Bằng từ “khi nay” trong Kinh Kính Mừng, chúng ta đang tìm kiếm ân sủng cho giây phút hiện tại, đó là ân sủng cần thiết nhất trong tất cả các ân sủng bởi lẽ nó hữu ích hơn cả. Khi chúng ta cầu xin điều đó, có thể chúng ta đang rất phân tâm, chia trí, nhưng Đức Trinh Nữ thì không. Vì thế, một khi nhận được nó, chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria. Mẹ là Đấng phân phát mọi ân sủng, kể cả ân sủng bí tích, vì Mẹ thường sai các cha giải tội đến với những tội nhân nguy tử để có thể biến sự ăn năn tội cách chẳng trọn [vì sợ hỏa ngục] của họ trở thành sự ăn năn tội cách trọn [vì yêu mến Thiên Chúa]. Chúng ta cũng nên xin Mẹ sắp đặt để linh hồn chúng ta để được Rước Lễ cách xứng đáng.
Như vậy, chúng ta thấy rằng ảnh hưởng của Đức Trinh Nữ không hề cản trở sự kết hiệp của chúng ta với Chúa, trái lại, còn dẫn chúng ta đến sự kết hiệp ngày càng sâu sắc hơn với Con của Mẹ. Vì thế, nếu không có sự kết hiệp sâu sắc với Đức Trinh Nữ, chúng ta cũng không thể đạt tới sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngoài ra, sẽ là thiếu khiêm nhường nếu chúng ta coi thường những đấng trung gian mà Thiên Chúa tốt lành đã ban cho chúng ta vì sự yếu đuối của chúng ta. Sự thân mật với Chúa trong lời cầu nguyện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ việc thường xuyên chạy đến với Đức Trinh Nữ Rất Thánh của chúng ta.
Thực hành Lòng sùng kính Đức Mẹ
Thánh Louis Grignon nói đến ba cấp độ của lòng sùng kính này. Quả không có gì lạ khi ngài phân biệt như vậy, bởi lẽ tất cả các nhân đức được phú bẩm đều thực sự tăng lên cùng với sự gia tăng của đức ái. Cấp độ đầu tiên là cấp độ của những người mới bắt đầu; cấp độ thứ hai là của những người đã đạt được một số tiến bộ; và cấp độ thứ ba là cấp độ hoàn hảo. Sự gia tăng tương ứng cũng nảy sinh đối với đức thờ phượng và ơn đạo đức.
Vì thế, chúng ta sẽ nói về ba cấp độ của lòng sùng kính này vốn là điều phải có nơi mọi Kitô hữu và phải gia tăng cùng với đức ái. Cấp độ đầu tiên, cấp độ của những người mới bắt đầu, cốt ở việc thi thoảng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ, tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chẳng hạn như việc đọc kinh Truyền Tin với một sự hồi tâm sâu sắc bất cứ khi nào chúng ta nghe thấy nó được xướng lên. Cấp độ thứ hai, cấp độ của những người đã đạt được một số tiến bộ, cốt ở việc có những cảm thức tôn kính, tin tưởng và yêu mến hoàn hảo hơn đối với Đức Maria. Điều này khiến người ta phải lần chuỗi Mân Côi hàng ngày, hoặc ít là hoàn thành một trong bốn phần của Kinh Mân Côi, suy niệm về các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, Sáng là con đường dẫn đến đời sống vĩnh cửu cho chúng ta. Người đọc Kinh Mân Côi tốt thuộc về trường phái chiêm niệm. (Chúa chúng ta đã tỏ mình ra với Thánh Têrêsa thành Avila trong các mầu nhiệm về thời thơ ấu của Người.) Nếu chúng ta lần chuỗi Mân Côi tốt, Chúa sẽ đến với chúng ta. Như vậy, chỉ cần chăm chú nhìn Người trong khi môi chúng ta liên lỉ lặp lại kinh Kính Mừng và các ngón tay chúng ta lần đi trên chuỗi hạt. Điều này làm gia tăng ân sủng trong linh hồn chúng ta tương ứng với lòng sùng kính của chúng ta.
Cấp độ sùng kính thứ ba đối với Đức Maria, cấp độ hoàn hảo, cốt ở việc hoàn toàn hiến mình cho Chúa qua bàn tay của Mẹ. Thánh Louis Grignon de Montfort giải thích rất rõ điều này: “Cấp độ sùng kính này cốt ở việc hiến mình cách trọn vẹn cho Chúa qua Đức Maria. Chúng ta phải trao cho Mẹ (1) thân xác của chúng ta với tất cả các giác quan và chi thể của nó, để Mẹ giữ gìn nó trong sự thanh khiết hoàn hảo; (2) linh hồn chúng ta với tất cả tiềm năng của nó; (3) của cải vĩnh cửu trong hiện tại và tương lai của chúng ta; (4) của cải nội tâm và thiêng liêng là các công phúc, nhân đức và việc lành của chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai.” Để hiểu rõ việc dâng hiến này, chúng ta cần phải phân biệt rõ xem trong các việc lành của mình, điều gì có thể và điều gì không thể được thông truyền cho các linh hồn khác.
Điều không thể thông truyền được trong các việc lành của chúng ta là công phúc được gọi một cách đích đáng là hợp lý (de condigno). Nó cấu thành nên một quyền chiếu theo đức công bình để có sự gia tăng về đức ái và có được đời sống vĩnh cửu. Những công phúc cá nhân này là bất khả thông truyền. Chúng khác với công nghiệp của Chúa chúng ta ở chỗ, trong vai trò là đầu của nhân loại, Người đã có thể lập công cho chúng ta chiếu theo đức công bình nhiệm nhặt và nghiêm khắc. Do đó, nếu chúng ta dâng những công phúc này cho Đức Trinh Nữ, thì không phải là để Mẹ trao chúng cho các linh hồn khác, nhưng để Mẹ giữ gìn và làm cho chúng sinh hoa trái. Vì thế, nếu chúng ta chẳng may đánh mất chúng vì tội trọng, thì Mẹ có thể ban cho chúng ta ân sủng để ăn năn tội cách trọn, cho phép chúng ta lấy lại không chỉ trạng thái ân sủng nhưng còn cả mức độ của ân sủng đã mất. Theo cách đó, giả như chúng ta đã đánh mất năm khả năng chẳng hạn, thì chúng ta có thể tìm lại cả năm chứ không chỉ hai hay ba khả năng.
Điều có thể thông truyền trong các việc lành của chúng ta là công phúc hợp tình (de congruo) cùng với giá trị của chúng trong việc đền bù hay đền tạ, cũng như để cầu nguyện hay nài xin.
Với công phúc hợp tình, vốn không dựa trên đức công bình nhưng dựa trên đức ái hay tình bạn giúp kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa chiếu theo các quyền của tình bạn (jure amicabili), chúng ta có thể nhận được các ân sủng cho người thân cận. Vì thế, một người mẹ Kitô giáo tốt lành sẽ rút ra ân sủng cho con cái bằng đời sống đạo đức của mình, bởi lẽ Thiên Chúa quan tâm đến những ý hướng và việc lành của người mẹ quảng đại này. Tương tự như thế, chúng ta có thể cầu nguyện vì ơn hoán cải và sự tiến bộ thiêng liêng cho người thân cận, cho những tội nhân cứng lòng, cho những người đang nguy tử và cho các linh hồn trong luyện ngục. Sau cùng, chúng ta có thể đền bù và đền tội cho người khác giống như những gì Đức Maria đã làm cho chúng ta dưới chân Thập Giá, nhờ đó, giúp họ nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Cũng theo cách tương tự, chúng ta có thể lãnh ân xá cho các linh hồn trong luyện ngục, mở ra cho họ kho tàng công phúc bao la của Chúa Giêsu Kitô và các thánh, nhờ đó, giúp họ sớm được giải thoát khỏi những cực hình.
Nếu chúng ta dâng lên Đức Maria tất cả những nỗi gian truân khốn khổ, Mẹ sẽ gửi đến cho chúng ta những thập giá vừa sức, dưới sự nâng đỡ của ân sủng, để nhờ đó, chúng ta trở thành những cộng tác viên góp phần vào ơn cứu độ cho các linh hồn.
Vậy đâu là đối tượng thích hợp để khuyến khích một sự thánh hiến như thế? Quả không có ích lợi gì khi khuyên những người muốn làm điều này vì cảm tính hay vì thói kiêu ngạo thiêng liêng mà không hiểu được ý nghĩa đầy đủ hơn của nó. Tuy nhiên, sẽ thật thích hợp khi khuyến khích nó cho những người thực sự đạo đức và nhiệt thành; lúc đầu, nó có thể được khuyến khích trong những khoảng thời gian ngắn, có lẽ trong các dịp lễ kính Đức Trinh Nữ, và sau đó, trong một năm. Theo cách như vậy, họ sẽ dần dần thấm nhuần tinh thần quên mình này, và sau cùng, có thể làm cho hành vi đó mang lại hoa trái trong suốt cuộc đời họ.
Tuy nhiên, có những người đôi khi sẽ phản đối: “Nhưng như vậy chẳng khác nào tước đoạt những gì thuộc về mình mà không lo trả những gì chính mình đang mắc nợ, và rồi chúng ta sẽ phải tăng thêm thời gian trong luyện ngục.” Ma quỷ đã phản đối Thánh Bridget khi ngài bằng lòng thực hiện một hành vi như vậy. Chúa đã cho ngài hiểu rằng sự phản đối này phát xuất từ tính yêu chuộng bản thân mà quên đi sự nhân từ của Đức Maria: Mẹ chúng ta không cho phép mình thua kém về lòng quảng đại. Bằng cách trút bỏ chính mình theo cách này, chúng ta nhận được gấp trăm lần. Hành vi quảng đại này minh chứng cho chính tình yêu là thứ mang lại cho chúng ta sự tha thứ cho một phần trong luyện ngục.
Và lại có những người khác phản đối: “Nhưng làm sao chúng ta có thể cầu nguyện cách đặc biệt cho người thân và bạn bè nếu chúng ta đã dâng hết mọi công phúc và mọi lời cầu nguyện cho Đức Maria suốt cuộc đời mình?” Trước sự phản đối này, chúng ta phải trả lời rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh biết bổn phận về đức ái của chúng ta đối với người thân và bạn bè, và khi chúng ta quên cầu nguyện cho họ theo bổn phận của mình, thì chính Mẹ sẽ là người nhớ đến họ. Hơn nữa, trong số người thân và bạn bè của chúng ta, có một số người cần được cầu nguyện cách đặc biệt. Chúng ta thường không biết gì về điều này, nhưng Đức Trinh Nữ là người biết rất rõ. Vì thế, ngay cả khi chúng ta không hề nhận thức được, Mẹ vẫn có thể để cho những linh hồn này được hưởng lợi từ lời cầu nguyện của chúng ta. Trong khi đó, đối với những người khác, chúng ta luôn có thể cầu xin Mẹ đoái thương đến họ.
Hoa trái của Lòng sùng kính Đức Mẹ
Thánh Louis Grignon de Montfort khẳng định rằng so với những con đường khác dẫn tới Thiên Chúa, con đường này dễ dàng hơn và cũng đáng thưởng hơn—do đó, là con đường hoàn hảo hơn, ngắn hơn và an toàn hơn. Trên hết, như ngài nói, đó là một con đường dễ dàng hơn: “Quả thật, người ta có thể đạt tới sự kết hiệp thần linh bằng nhiều con đường khác; tuy nhiên, họ sẽ phải trải qua nhiều thập giá với sự hủy mình sâu sắc hơn, với những khó khăn cần phải vượt qua bằng nỗ lực lớn hơn. Họ tất sẽ phải vượt qua những đêm tối, qua những gai nhọn và những sa mạc khủng khiếp. Trong khi đó, qua con đường của Mẹ Maria, chúng ta tiến bước một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh hơn. Đúng là có những trận chiến lớn phải tham gia và những khó khăn lớn cần phải vượt qua; nhưng Người Mẹ nhân từ này luôn đến gần những ai tin tưởng bằng cách soi sáng cho họ trong bóng tối, giúp họ sáng suốt trong những mối nghi ngờ, nâng đỡ họ trong những trận chiến và khó khăn của họ. Quả thật, đây là con đường thuần khiết nhất (trinh khiết) để tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô, là con đường trải đầy hoa hồng và mật ong so với những con đường khác.”
Điều này có thể được thấy rõ nơi cuộc đời của các vị thánh đã đi theo con đường của Đức Maria một cách cụ thể hơn, chẳng hạn như Thánh Ephraim, Thánh Gioan thành Đamát, Thánh Bênađô, Thánh Bônaventura, Thánh Bênađin thành Siêna, Thánh Phanxicô Salê, và nhiều vị khác. Chúng ta hẳn đều biết đến thị kiến của Thánh Phanxicô Assisi. Một ngày nọ, ngài nhìn thấy các con của mình đang cố gắng tiến về phía Chúa trên một chiếc thang màu đỏ với độ dốc rất cao; sau khi leo lên được vài bậc thì họ bị rơi xuống. Sau đó, Chúa chỉ cho ngài một chiếc thang khác, màu trắng và thoải hơn nhiều, ở phía ngọn thang có Đức Trinh Nữ Rất Thánh. Sau đó, Chúa nói với ngài: “Hãy khuyên các con của con leo lên bằng thang của Mẹ Ta.”
Đó là con đường dễ dàng hơn vì Đức Trinh Nữ nâng đỡ chúng ta bằng sự dịu dàng của Mẹ; và đáng thưởng hơn vì Đức Maria ban cho chúng ta một đức ái lớn lao hơn, đó là nguyên lý của công phúc. Quả thật, những khó khăn phải vượt qua chắc chắn là điều đáng thưởng; nhưng nguyên lý của công phúc vẫn nằm ở đức ái, ở tình yêu đối với Thiên Chúa, mà nhờ đó, chúng ta vượt thắng những khó khăn này. Chúng ta phải tin rằng, nhờ những hành vi dễ dàng hơn—chẳng hạn như một lời cầu nguyện đơn giản—Đức Maria đã trở nên đáng thưởng hơn các vị tử đạo với những đau khổ của các ngài, vì Mẹ thực hiện những hành vi đơn giản này với tình yêu dành cho Thiên Chúa cao cả hơn tình yêu mà các thánh đã dùng để thực hiện những hành vi anh hùng nhất. Con đường của Mẹ Maria dễ dàng hơn, đáng thưởng hơn, ngắn hơn, hoàn hảo hơn và an toàn hơn. Khi bước đi dễ dàng hơn, chúng ta tiến bộ nhanh hơn. Chúng ta tiến bộ nhanh hơn bằng cách vâng phục Mẹ Thiên Chúa hơn là tin tưởng quá mức vào sự khôn ngoan cá nhân của mình. Dưới sự hướng dẫn của Mẹ, vốn đã được vâng nghe bởi Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta bước đi bằng những bước khổng lồ.
Ngoài ra, con đường này còn hoàn hảo hơn là bởi vì, qua Mẹ Maria, Ngôi Lời đã xuống thế một cách hoàn hảo mà không đánh mất bất cứ điều gì thuộc về thiên tính của Người, cũng vậy, nhờ Mẹ, những người bé mọn nhất cũng có thể bay lên Đấng Tối Cao cách hoàn hảo mà không hề sợ hãi. Mẹ thanh tẩy những việc lành của chúng ta và gia tăng giá trị của chúng khi dâng lên cho Con của Mẹ.
Sau cùng, đó là con đường an toàn hơn là bởi vì trên đó, chúng ta được giữ gìn ở mức độ cao hơn khỏi những cám dỗ của kẻ luôn tìm cách lừa dối chúng ta và đẩy chúng ta vào tội trọng mà không hề hay biết. Hơn nữa, bằng cách này, chúng ta được giữ gìn tốt hơn khỏi những ảo tưởng điên rồ và đầy cảm tính. Thật vậy, trong sự tương tác giữa các nguyên nhân cho phép truyền phát ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria tạo ra một tác động có lợi trên tri giác của chúng ta, xoa dịu và điều chỉnh nó, theo cách cho phép phần cao hơn của linh hồn tiếp nhận tác động của Chúa một cách hiệu quả hơn. Hơn nữa, đối với tri giác của chúng ta, Mẹ Maria tự thân là đối tượng tinh tuyền và thánh thiện nhất giúp nâng tâm hồn chúng ta hướng đến sự kết hiệp với Thiên Chúa.
Mẹ ban cho chúng ta một sự tự do nội tâm lớn lao và đôi khi, ban cho chúng ta cách trực tiếp—khi chúng ta nài xin Mẹ—một sự giải thoát khỏi những sai lệch của tri giác vốn cản trở chúng ta cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Toàn bộ tác động của Đức Maria xét như Đấng Trung Gian đều có mục đích dẫn chúng ta đi tới sự thân mật với Chúa Giêsu, giống như chính Người đã dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Quả là thích hợp nếu chúng ta nài xin sự trợ giúp đặc biệt này của Mẹ khi Rước Lễ, để Mẹ cho phép chúng ta tham dự vào lòng sùng kính sâu xa và tình yêu của Mẹ, như thể Mẹ đang ban cho chúng ta tâm hồn thanh khiết nhất của Mẹ để rước Chúa một cách xứng đáng. Và cũng thật thích hợp để chúng ta tạ ơn theo cách thức tương tự.
Để kết thúc, chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại bản chất của việc chúng ta tận hiến cho Chúa Giêsu qua bàn tay của Đức Maria:
Ôi Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu không bởi tạo thành, ôi Chúa Giêsu đáng mến và đáng tôn thờ hơn hết thảy, Thiên Chúa thật và người thật, con tạ ơn Chúa vì đã trút bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ để giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ của Ma quỷ.
Con chạy đến cậy nhờ lời chuyển cầu từ Mẹ rất thánh của Chúa, Đấng mà Chúa đã ban cho chúng con làm Đấng Trung Gian, và nhờ Mẹ, con hy vọng nhận được từ Chúa ơn thống hối và ơn tha thứ cho tội lỗi của con, để con có được và giữ được sự khôn ngoan.
Con chào Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Nữ Vương trên Thiên Đàng và dưới thế, Đấng mà mọi sự dưới quyền Thiên Chúa đều phải phục tùng.
Con chào Mẹ, nơi ẩn náu an toàn của tội nhân, đấng xót thương không nỡ từ chối ai chạy đến cùng Mẹ; xin hãy lắng nghe tiếng con đang khao khát sự khôn ngoan của Chúa, xin nhận những lời khấn và lễ vật mà sự hèn mọn của con dâng lên Mẹ.
Con đây, một kẻ tội lỗi bất trung, hôm nay xin đổi mới và đóng ấn trong tay Mẹ những lời con đã hứa trong phép rửa: Con mãi mãi từ bỏ Xatan cùng với các công việc và quyến rũ của nó, và con xin dâng trọn mình con cho Chúa Giêsu Kitô, Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, để theo chân Người, con vác thập giá của mình mọi ngày suốt đời con.
Và để trung thành với Chúa hơn những gì con đã thực hiện cho đến hôm nay, lạy Mẹ Maria, con xin chọn Mẹ làm Mẹ của con. Con xin dâng lên và tận hiến cho Mẹ cả thân xác và linh hồn con, cả của cải bên trong lẫn bên ngoài, cũng như giá trị nơi những hành động của con cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Xin hãy đưa con đến với Con của Mẹ, xin ban cho con ân sủng để có được sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa và vì thế, xin đón nhận con vào số những người được Chúa yêu thương, hướng dẫn, chỉ bảo, nuôi dưỡng và bảo vệ.
Ôi Đức Trinh Nữ thành tín, xin hãy biến con thành một người môn đệ hoàn hảo biết noi gương Đức Khôn Ngoan Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ; nhờ lời chuyển cầu và gương sáng của Mẹ, xin giúp con đạt tới sự viên mãn của Người trên trần gian và sự viên mãn của vinh quang Người trên Thiên đàng.
Chú thích
1 Về sau được tách ra thành Bộ Phụng Tự và Bộ Tuyên Thánh qua Tông hiến Sacra Rituum Congregatio, ban hành bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, ngày 08/05/1969.