BÀI THỨ NĂM
1 Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài nhớ cho:
chúng con khổ cực biết chừng nào.
Xin đưa mắt nhìn xem
nỗi nhục nhằn chúng con phải chịu.
2 Sản nghiệp chúng con đã về tay ngoại kiều,
nhà cửa chúng con lại thuộc về kẻ khác.
3 Chúng con mồ côi cha
mẹ chúng con góa bụa.
4 Đến như nước uống còn phải trả tiền,
củi để đun cũng phải mua mới có.
5 Chúng con bị săn đuổi, cổ đeo gông nặng nề,
xác thân rời rã mà chẳng được nghỉ ngơi.
6 Chúng con ngửa tay xin Ai-cập,
chờ Át-sua cho miếng bánh độ thân.
7 Cha ông chúng con phạm tội, nhưng đã khuất,
chúng con nay gánh chịu vạ các ngài gây nên.
8 Đám tôi đòi thống trị chúng con,
chẳng ai cứu chúng con khỏi tay chúng.
9 Chúng con đánh liều vào hoang địa,
bất chấp lưỡi gươm, kiếm bánh về.
10 Da thịt nóng ran như lò lửa,
bụng dạ cồn cào vì cơn đói.
11 Tại Xi-on, chúng hãm hiếp đàn bà,
trong các thành Giu-đa, chúng làm nhục trinh nữ.
12 Chúng tra tay treo cổ các thủ lãnh chúng con,
hàng kỳ mục, chúng chẳng thèm kiêng nể.
13 Đám thanh niên phải khiêng cối đá,
còn thiếu niên lảo đảo dưới khối gỗ nặng nề.
14 Cổng thành vắng bóng hàng kỳ mục,
thanh niên hết đàn ca xướng hát.
15 Tim chúng con hết rạo rực niềm vui,
tang tóc sầu thương thay thế cho vũ điệu.
16 Triều thiên đội đầu nay đã rớt,
khốn thân chúng con: chúng con đã lỗi phạm đến Ngài.
17 Hỏi vì đâu mà lòng chúng con sầu muộn,
vì đâu mắt chúng con mù tối?
18 Âu cũng vì núi Xi-on vắng lặng điêu tàn,
trở thành nơi cho sói rừng lảng vảng.
19 Còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài muôn đời tồn tại,
vương quyền Ngài bền vững thiên thu.
20 Sao Ngài đành quên chúng con mãi mãi,
đành bỏ mặc chúng con suốt chuỗi ngày dài?
21 Xin đưa chúng con về với Ngài, lạy ĐỨC CHÚA,
để chúng con trở về.
Xin đổi mới cuộc đời chúng con
cho được như thời xa xưa ấy.
22 Hay Ngài đã thật sự ruồng rẫy chúng con,
đã giận chúng con hết mức rồi?
Tv 102,13; 145,13; 146,10
h. Câu này là của ngôn sứ Giê-rê-mi-a (x. Gr 31,18). Trở về luân lý, tôn giáo, sám hối.
i. Đặt vấn đề không phải là hoài nghi, nhưng là tin tưởng Đức Chúa đoái nghe lời dân Chúa nguyện cầu.
q. PT đặt tên cho bài thứ năm là lời cầu nguyện của ông Giê-rê-mi-a. Bài ca này là lời than vãn của tập thể. Tác giả tóm tắt các biến cố, các sự kiện liên quan đến Giê-ru-sa-lem thất thủ và tất cả phải đi đày, dân chúng buồn rầu vì Giê-ru-sa-lem không còn là nơi Đức Chúa ngự. Đầy lòng tin tưởng, tác giả hy vọng Đức Chúa sẽ nhớ lại và giải thoát dân khỏi cảnh lưu đày mà cho về quê cha đất tổ.
r. Khác hẳn các bài trên, tác giả vào đề trực tiếp: cầu nguyện với Đức Chúa.
s. Lãnh thổ Đức Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en (x. Đnl 4,21; Gr 12,14), nay rơi vào tay người Can-đu, Ê-đôm hay Am-môn.
t. Các người cha gia đình đã bị giết, bị lưu đày hay bị bán làm nô lệ. Mất cha là mất sự bảo vệ an toàn.
u. Những kẻ xâm lược đánh thuế trên mọi thổ sản, kể cả nước uống.
v. Khác hẳn với Gr 31,29 và Ed 18,2, tác giả ở đây nói lên sự liên đới tội lỗi giữa con cháu với cha ông.
x. Có lẽ quân xâm lược cấm vào hoang địa vì sợ dân tập họp thành lực lượng vũ trang chống lại chúng.
y. Cc. 11-14 mô tả tất cả mọi hạng người trong xã hội chịu cực hình dưới thời bị dân ngoại xâm lăng.
a. Hình khổ dành cho những kẻ mắc tội đáng phải chết (x. Đnl 21,22-23).
b. Việc khổ sai của tù nhân (Tl 16,21) hay nô lệ (Xh 11,5).
c. Nơi các cổng thành thường có quảng trường, một bãi đất rộng. Đây là nơi sinh hoạt chính trị, luật pháp và kinh tế. Người ta đến đây trao đổi tin tức, bàn luận, xử kiện...
d. Biểu tượng cho địa vị hay giàu sang (x. G 19,9; Tv 89,40; Gr 13,18).
đ. Giống như 1,20-22 và 2,11-12. Tác giả đặt vấn đề vì đâu mà dân thành phải đau khổ.
e. Tác giả tự trả lời: Xi-on là nơi Chúa ngự trở nên đống tro tàn vì tội của dân thành (Is 13,19.22; 34,11-17).
g. Lời tuyên xưng đầy xác tín của tác giả. Nhà Chúa có bị hủy diệt, thì Chúa vẫn muôn đời tồn tại. Đức tin không lệ thuộc vào những ngôi đền vật chất, nhưng vào chính Chúa.