Tin tưởng vào Thiên Chúa
1 Bấy giờ, ông Ê-li-phát, người Tê-man, lên tiếng nói:
2 Nếu chúng tôi ngỏ lời, liệu anh chịu nổi không?
Nhưng nào ai có thể cứ làm thinh chẳng nói!
3 Này anh đã khuyên nhủ bao người,
đã làm cho những đôi tay rã rời nên mạnh mẽ.
4 Người lảo đảo mà đứng vững được là nhờ lời anh.
Cũng nhờ anh mà đầu gối lung lay thành cứng cáp.
5 Giờ đây, đến lượt anh, anh lại ra yếu nhược,
đến phiên anh bị đánh, anh sợ hãi bàng hoàng.
6 Chẳng lẽ lòng kính sợ của anh không làm anh tin tưởng,
và cuộc sống vẹn toàn chẳng giúp anh hy vọng hay sao?
7 Xin anh nhớ kỹ: Có ai vô tội mà phải tiêu vong?
Có nơi nào người công chính lại bị hủy diệt?
8 Điều tôi thấy rành rành
là những người vun trồng tội ác và gieo tai rắc họa
cuối cùng chỉ gặt lấy họa tai.
9 Chúng bị tiêu vong do hơi thở của Thiên Chúa,
chúng phải tận diệt vì nộ khí của Người.
10 Tiếng sư tử gầm, tiếng hùm thiêng rống,
Người làm cho im bặt.
Người bẻ gãy nanh sư tử con.
11 Sư tử tiêu vong vì không còn mồi,
tất cả bầy con phải tan tác.
12 Có một lời chợt đến với tôi
và tai tôi nghe được tiếng thì thầm.
13 Sau những thị kiến ban đêm,
giữa những cơn ác mộng,
khi một giấc ngủ mê ập xuống trên người phàm,
14 thì một nỗi kinh hoàng run sợ xâm chiếm con người tôi,
khiến xương cốt tôi rụng rời kinh hãi.
15 Một làn gió lướt qua mặt tôi làm tôi nổi gai ốc.
16 Kìa có ai đứng đó, sừng sững trước mặt tôi,
hình dáng trông không rõ.
Một thoáng thinh lặng... rồi tôi nghe tiếng nói:
17 “Chẳng lẽ người phàm công chính hơn Thiên Chúa?
Chẳng lẽ con người lại thanh sạch
hơn Đấng dựng nên mình?
18 Anh hãy xem: ngay các tôi tớ của Người,
Người còn không tin tưởng,
Người bắt lỗi cả các thiên sứ của Người.
19 Còn nói chi kẻ cư ngụ trong ngôi nhà đất sét,
đặt nền móng trên cát, trên bụi,
bị chà đạp chẳng khác côn trùng.
20 Một sớm một chiều chúng bị nghiền nát,
rồi biến dạng, chẳng còn ai để ý lưu tâm.
21 Dây căng lều của chúng đã chẳng bị cắt đứt rồi sao?
Chúng chết mà chẳng hiểu tại sao mình chết.”
Tv 37,25; Cn 12,21; Hc 2,10
k. 4,1–5,27: ông Ê-li-phát lên tiếng giải thích nguyên nhân đau khổ của ông Gióp. Ông Ê-li-phát là người lớn tuổi nhất trong số ba người bạn. Vì thế, ông cũng được coi là người khôn ngoan nhất. Chắc chắn ông là người khá lịch thiệp và rất lợi khẩu. Trước hết, ông tỏ lòng kính trọng sâu xa đối với ông Gióp và khuyên nhủ ông Gióp (4,2-6). Ông trình bày quan niệm cổ truyền về thưởng phạt (4,7-11). Ông thuật lại cho ông Gióp về thị kiến ông được thấy trong lúc ngủ; thị kiến này xác quyết quan niệm thưởng phạt theo truyền thống (4,12-21). Thế nên, ông đề nghị ông Gióp đừng than trách Chúa nữa kẻo lại lôi tai họa khác xuống cho mình (5,1-7). Hãy chạy đến với Thiên Chúa, vì Người có quyền năng để giải thoát khỏi mọi thử thách (5,8-16). Người chỉ sửa dạy các kẻ tin vào Người để chữa lành họ và đưa họ đến một sự hưng thịnh mới (5,17-27).
l. Tất cả ba người bạn đều lần lượt trình bày quan điểm của mình. Trước hết họ đặt câu hỏi, rồi dựa vào lời ông Gióp mà đưa ra lời khuyên giải.
m. Cc. 3-4: ông Ê-li-phát ca ngợi ông Gióp trong quá khứ đã khuyên nhủ bao người đứng vững.
n. Lời mở đầu ca tụng “lòng kính sợ”, “đức vẹn toàn” của ông Gióp (x. 1,1.8); ở đây, ông Ê-li-phát lại nghi ngờ lòng đạo hạnh của ông Gióp. Nếu ông Gióp thật sự đạo đức, tại sao ông lại thiếu niềm hy vọng?
o. Cc. 7-9 tóm tắt giáo lý cổ truyền về thưởng phạt. Dựa vào đó, ông Ê-li-phát kết luận: ông Gióp có tội, nên ông bị Thiên Chúa trừng phạt. Số phận của ông đã được an bài.
p. Hình ảnh sư tử thường được dùng trong văn chương khôn ngoan, tiêu biểu cho kẻ gian ác luôn rình rập, vồ, cấu xé người công chính (x. Tv 7,3; 22,14-22).
q. Dựa vào kinh nghiệm và thị kiến trong giấc mơ ban đêm, ông Ê-li-phát kết luận: kẻ gian ác bị trừng phạt ngay từ đời này.
r. Các lời sấm và thị kiến trong giấc mơ, theo quan điểm của dân Ít-ra-en, biểu thị ý muốn Thiên Chúa chính thức thông truyền cho cá nhân hay tập thể. Trong cc. 12-16, tác giả mô tả ông Ê-li-phát sợ hãi khi được tiếp xúc với lời sấm của Thiên Chúa.
s. Gió, hơi thở, thần khí cùng một từ. Gió chuyển động là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện; x. 2 Sm 5,24.
t. Trong Cựu Ước, “hơi thở”, “gió” ít khi ám chỉ cuộc thần hiện, nhưng ở đây “gió” lại ám chỉ cuộc thần hiện.
u. Ông Ê-li-phát buộc ông Gióp phải chấp nhận phán quyết của Thiên Chúa: ông là một tội nhân, cho dù ông có hiểu tình trạng tội lỗi của mình hay không.
v. Các tôi tớ đồng nghĩa với các thiên sứ. 2 Pr 2,4 nói đến thần tích các thiên sứ nổi loạn bị trừng phạt.
x. Hình ảnh về thân xác con người (x. Kn 9,15; 2 Cr 5,1; 2 Pr 1,14).
y. Nếu các thiên sứ kề cận Thiên Chúa mà còn có lỗi, huống chi con người – thân xác là đất bụi, thì còn tội lỗi biết mấy.
a. Hình ảnh cái lều bị đứt nói lên thân phận mỏng manh của con người; chỉ cần một tai họa bất ngờ xảy đến đủ làm con người phải vong mạng.