Giàu sang và tự đắc
1 Đừng cậy vào tài sản của con, và đừng nói: “Tôi có đủ cả rồi!”
2 Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con,
mà thỏa mãn những đam mê của lòng mình.
3 Đừng nói: “Ai làm gì được tôi?”
Vì Đức Chúa là Đấng công minh sẽ trừng phạt.
4 Đừng nói: “Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?”
Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại đó!
5 Đừng ỷ được tha thứ mà khinh nhờn,
rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác.
6 Đừng nói: “Người rất mực cảm thương,
tôi có phạm tội nhiều, Người cũng tha thứ cả!”
Vì Người thương xót, Người cũng nổi lôi đình,
và cơn lôi đình của Người ập xuống quân tội lỗi.
7 Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi;
đừng lần lữa hết ngày này qua ngày khác,
vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ,
và trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong.
8 Đừng cậy dựa vào của cải bất chính,
vì điều đó chẳng ích gì cho con ngày con gặp bất hạnh.
Cương quyết và tự chủ
9 Đừng có gió nào cũng theo, đường nào cũng bước,
như một tên tội lỗi lật lọng.
10 Hãy giữ vững xác tín của mình,
và lời con phải trước sau như một.
11 Hãy mau mắn nghe,
nhưng thong thả rồi hãy trả lời.
12 Nếu biết thì trả lời cho người ta,
bằng không, thì hãy đặt tay lên miệng.
13 Vinh hay nhục đều ở lời nói cả,
và cái lưỡi chính là mối họa cho con người.
14 Đừng để bị mang tiếng là người bép xép,
cũng đừng ăn nói quanh co.
Vì nếu ăn trộm là điều nhục nhã,
thì nói lời hai ý càng đáng lên án gắt gao.
15 Trong mọi chuyện lớn nhỏ, đừng tỏ ra vô ý thức;
đang là bạn, chớ trở nên thù.
o. Thái độ ngạo nghễ và tự đắc của “kẻ ngu si”, không phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì cũng chối bỏ việc Người quan phòng (Tv 53,2; 10,4) và coi thường lý đoán của Chúa (Tv 10,11.13; 36,2; Xp 1,12).
p. Kẻ hoài nghi xem thường Thiên Chúa, vì Người không thi hành phán quyết của Người cách nhãn tiền (x. Gv 8,11-14).
q. Thiên Chúa trì hoãn trừng phạt vì Người thương xót chờ đợi tội nhân hối cải (Kn 11,23; Rm 2,4; 3,25; 2 Pr 3,9).
r. Đây cũng là một sai lầm lớn, rất nguy hiểm: ỷ vào lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa để tiếp tục con đường tội lỗi.
s. HR: của cải gian dối. Kiểu nói có thể hiểu hai nghĩa: của cải mê hoặc và làm tha hóa con người, khiến con người thành bất chính; hoặc của cải con người có được do làm ăn gian dối, bất chính.
t. Sống có chừng mực, tế nhị, cương quyết và biết làm chủ chính mình. Những điều đó chuẩn bị độc giả đi vào các vấn đề liên quan tới việc sử dụng lời nói cho đúng. Tác giả Hc bàn khá nhiều tới đề tài này (x. 20-28), vốn là điểm quen thuộc trong văn chương khôn ngoan.
u. ds: sảy thóc, tức là lợi dụng gió để phân thóc mẩy khỏi trấu lép. Ý muốn khuyên phải có lập trường vững chắc trong những điều mình xác tín và tránh khuynh hướng xu thời mà thành tự mâu thuẫn với chính mình.
v. Tức là giữ thinh lặng (x. Cn 30,32; G 21,5; 29,9; 40,4): “Biết thì thưa thốt; không biết thì dựa cột mà nghe!”
x. HR: Vinh hay nhục đều ở trong quyền hạn của kẻ bép xép ba hoa, theo nghĩa “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Đối với ai cũng vậy, lưỡi có thể là cớ sinh ra tội lỗi (19,16) và đưa con người tới chỗ “thân bại danh liệt”; nhưng lưỡi không phải là bất trị. Cưu Ước vừa đề cao miệng lưỡi người công chính và bậc thánh hiền (Cn 10,20; 12,18; 15,2), vừa lên án môi mép của kẻ lòng một dạ hai (Tv 5,10; 10,7; 52,4-6; Cn 10,31; 17,4; 26,28; v.v...). Ông Ben Xi-ra nhấn mạnh những nguy hại của miệng lưỡi (28,13-26) cũng như tính nước đôi của nó (37,18; Gc 3,2-10).
y. HR ds: Đừng dùng lưỡi vu khống, nghĩa là: đừng mưu mô trong lời nói mà vạ cáo gian cho người ta.
a. HR: Hãy tránh sơ hở trong những điều nhỏ cũng như những điều lớn, hiểu là sơ hở trong lời ăn tiếng nói.