II. VUA SA-LÔ-MÔN VÀ VIỆC TÌM KIẾM ĐỨC KHÔN NGOAN
Bậc vua chúa phải tìm kiếm Đức Khôn Ngoan
1 Vậy, hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương;
hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền
trên khắp cõi trần gian.
2 Mở tai ra, hỡi những ai đứng đầu trong thiên hạ,
đang tự hào vì có đông đảo chư dân.
3 Vì chính Đức Chúa đã ban cho chư vị quyền bính
và chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị.
Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm
và dò xét những điều chư vị toan tính.
4 Chư vị là bề tôi phụng sự vương quyền Người,
nếu như chư vị không xét xử công minh,
không tuân giữ lề luật, không theo ý Thiên Chúa,
5 thì quả là kinh khủng hãi hùng,
Người sẽ kíp đứng lên chống chư vị,
vì một án quyết thật nghiêm minh
vẫn dành sẵn cho những kẻ có chức có quyền.
6 Quả vậy, người phận nhỏ được thương tình miễn thứ,
kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay.
7 Chúa Tể muôn loài không bao giờ vị nể,
kẻ quyền cao chức trọng, Người cũng chẳng kiêng dè.
Sang hay hèn đều do Người tạo tác,
đều được Người chăm sóc hệt như nhau,
8 nhưng kẻ quyền cao sẽ bị tra vấn nghiêm nhặt.
9 Vậy, hỡi các bậc vua chúa quan quyền,
những lời tôi nói đây, xin gửi tới chư vị
để chư vị học biết lẽ khôn ngoan,
mà khỏi phải sẩy chân trật bước.
10 Ai sống thánh và tuân giữ luật thánh,
thì được kể là bậc thánh nhân.
Ai học hỏi luật thánh, thì sẽ tìm được lời bào chữa.
11 Vậy chư vị hãy ước ao khao khát lời tôi,
và chư vị sẽ được chỉ bảo.
Đức Khôn Ngoan gặp gỡ con người
12 Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ.
Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng.
Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.
13 Ai khao khát Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.
14 Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan,
thì không phải nhọc nhằn vất vả.
Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.
15 Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan
là đạt được sự minh mẫn toàn hảo.
Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm,
sẽ mau trút được mọi lo âu.
16 Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm.
Trên các nẻo đường họ đi,
Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện.
Mỗi khi họ suy tưởng điều gì,
Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.
17 Vì bước đầu để đạt tới Đức Khôn Ngoan
là thật lòng ham muốn học hỏi.
Chăm lo học hỏi là yêu mến Đức Khôn Ngoan.
18 Mà yêu mến là tuân giữ lề luật.
Chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan
là bảo đảm được trường sinh bất tử.
19 Trường sinh bất tử cho ta được ở bên Thiên Chúa.
20 Như vậy, chính lòng khao khát Đức Khôn Ngoan
đưa chúng ta lên hàng vương giả.
21 Thế nên, hỡi chư vị lãnh đạo các dân,
nếu chư vị quý chuộng ngai báu và vương trượng,
thì hãy tôn trọng Đức Khôn Ngoan,
để chư vị được trị vì mãi mãi.
Vua Sa-lô-môn miêu tả Đức Khôn Ngoan
22 Đức Khôn Ngoan là gì, đã sinh thành ra sao,
tôi xin giãi bày hết, không giấu giếm chư vị một bí mật nào,
nhưng sẽ lần theo từng dấu vết từ thuở khai thiên lập địa
mà phô bày ra ánh sáng mọi hiểu biết về Đức Khôn Ngoan.
Tôi sẽ không rời xa sự thật.
23 Tôi cũng chẳng chung lối chung đường
với thói ghen tuông độc hại,
bởi thói này chẳng phù hợp với Đức Khôn Ngoan.
24 Có nhiều người khôn ngoan, thế giới được cứu thoát;
nhờ một vị minh quân, cả thần dân được an cư lạc nghiệp.
25 Vậy chư vị hãy nghe tôi chỉ giáo,
mà hưởng phần ích lợi nơi lời lẽ của tôi.
Cn 8,17; Hc 6,27; Mt 7,7-11; Ga 14,21
Hc 15,2; Is 65,1-2.24; 1 Ga 4,10
Kn 1,1; Tv 2,10; Hc 33,19
1 Sb 29,12; Đn 2,21.37; Ga 19,11; Rm 13,1
v. Bốn chương (6-9) trong phần thứ hai của sách Khôn ngoan là phần quan trọng của cuốn sách. Trước hết là lời khuyên các bậc vua chúa tìm kiếm Đức Khôn Ngoan (ch. 6). Tiếp theo là một lời tán dương Đức Khôn Ngoan (7,1-21) và miêu tả các đặc tính (7,22-30) cũng như các kho tàng phong phú (ch. 8) của Đức Khôn Ngoan. Cuối cùng là một lời cầu xin tha thiết mong được Đức Khôn Ngoan (ch. 9).
x. Ở đây tác giả chú ý đến địa vị và trách nhiệm của các bậc vua chúa nói chung. Quan điểm có tính cách phổ quát hơn ở 1,11.
y. Giáo lý cho rằng quyền bính phát xuất từ Thiên Chúa đã được Kinh Thánh quả quyết dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là ở Cn 8,15-16; Đn 2,37; 5,18; 1 Sb 29,12; Hc 10,4. Tác giả dành cho giáo lý đó tính cách chặt chẽ hơn (x. Rm 13,1; Ga 19,11) và mở rộng phạm vi bằng cách cho rằng mọi vua chúa đều là bề tôi phục vụ vương quyền của Thiên Chúa (c. 4).
a. Lề Luật đây không phải chỉ là Luật Mô-sê, nhưng còn là luật tự nhiên được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm con người (x. Rm 2,14) và những luật khác nhằm xác định rõ luật tự nhiên. Đây là những điều ngay cả các vua chúa ngoại giáo cũng phải am tường và tuân thủ.
b. Tóm lại (cc. 9-11), tác giả khuyên các vua chúa học biết Đức Khôn Ngoan, nghĩa là biết sử dụng quyền hành Thiên Chúa trao cho một cách đúng đắn. Như thế, sẽ tránh khỏi sẩy chân trật bước tức là phạm tội lạm dụng quyền hành và, vào lúc Thiên Chúa xét xử, sẽ được nhìn nhận là bậc thánh nhân, vì đã tuân giữ thánh ý Thiên Chúa.
c. Bây giờ Đức Khôn Ngoan không còn chỉ là một giáo lý, đạo lý mà thôi (c. 9), nhưng còn là một chân lý của Thiên Chúa chiếu sáng qua giáo lý và khích lệ con người tự trong thâm tâm (c. 13; x. Ga 6,44; Pl 2,13; 1 Ga 4,19).
d. Cc. 17-20 bắt chước một cách hơi tự do lối lập luận của Hy-lạp gọi là liên châu luận: chữ cuối mệnh đề trước trở thành chủ từ của mệnh đề tiếp theo, và câu kết luận (c. 20) nối đề tài mở đầu (khao khát Đức Khôn Ngoan) với câu cuối cùng và cũng là mục đích tác giả nhằm tới: ở bên Thiên Chúa được nhắc lại bằng cụm từ hàng vương giả.
đ. Lòng yêu mến ngầm chứa thái độ tuân phục (Xh 20,6; Đnl 5,10; 11,1; Hc 2,15;...). Lề luật của Đức Khôn Ngoan được đồng hóa với những nghĩa vụ quan trọng về tôn giáo và luân lý chứa đựng trong mặc khải, và còn có thể được đồng hóa với những luật lệ bất thành văn, do lương tâm chỉ bảo và được Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa soi sáng.
e. Từ bảo đảm (bebaiôsis) ở đây hiểu theo nghĩa pháp lý. Việc nhất tâm tuân giữ lề luật của Đức Khôn Ngoan không đủ để có thể được trường sinh bất tử, nhưng việc đó tạo nên một danh nghĩa thực và không thể chối cãi để có thể được Thiên Chúa ban cho phúc trường sinh bất tử hoặc ơn bất tử (x. 2,23; 3,4).
g. C. 20 là câu kết cho phần liên châu luận (cc. 17-20): thật lòng khao khát Đức Khôn Ngoan đưa người lãnh đạo đến gần Thiên Chúa (c. 19), sống thân mật với Thiên Chúa là nguồn mọi quyền bính (c. 3), cả trong lĩnh vực thiêng liêng lẫn trần thế. Vậy ngược lại, nếu muốn được “vạn tuế” trên ngai thì phải càng ngày càng tìm kiếm, theo đuổi Đức Khôn Ngoan.
Một số lớn các tb La-tinh thêm: Hỡi tất cả chư vị là những người lãnh đạo các dân tộc, chư vị hãy yêu mến ánh sáng của Đức Khôn Ngoan. LXX và nhiều bản dịch cổ không có. Có thể đó là một chú thích ngoài lề, hoặc cũng có thể là một điệp ngữ gồm tóm những gì đã nói trước.
h. Đức Khôn Ngoan là gì? Có những bí mật nào? Kn 7,22-27 sẽ miêu tả. Những điều bí mật (c. 22d; x. G 28,20-28) ám chỉ các tôn giáo thần bí, chỉ thông truyền giáo thuyết cho những người đã gia nhập.