2. NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA TRIỀU ĐẠI SA-UN
Nổi dậy chống người Phi-li-tinh
1 Ông Sa-un được... tuổi khi lên làm vua, và ông đã làm vua cai trị Ít-ra-en được hai năm.2 Vua Sa-un chọn lấy ba ngàn người Ít-ra-en: hai ngàn ở với vua Sa-un tại Mích-mát và trong núi Bết Ên, một ngàn ở với ông Giô-na-than tại Ghíp-a thuộc Ben-gia-min, số còn lại trong dân thì vua cho ai nấy về lều mình.
3 Ông Giô-na-than hạ viên trấn thủ Phi-li-tinh ở Ghe-va và người Phi-li-tinh nghe biết. Vua Sa-un cho thổi tù và trong toàn xứ. Ông nói: “Các người Híp-ri hãy nghe đây!”4 Toàn thể Ít-ra-en nghe tin rằng: vua Sa-un đã hạ viên trấn thủ Phi-li-tinh, và Ít-ra-en cũng đã trở nên đáng ghét đối với người Phi-li-tinh. Dân liền tập hợp lại sau lưng vua Sa-un ở Ghin-gan.5 Người Phi-li-tinh họp nhau lại để giao tranh với Ít-ra-en. Chúng có ba ngàn chiến xa, sáu ngàn kỵ binh và quân đông như cát ngoài bãi biển. Chúng lên đóng trại ở Mích-mát, về phía đông Bết A-ven.6 Người Ít-ra-en thấy mình lâm cảnh ngặt nghèo vì dân bị siết chặt. Dân trốn vào trong các hang, động, khe đá, hầm hố và hồ chứa nước.7 Người Híp-ri đi qua sông Gio-đan sang đất Gát và Ga-la-át.
Ông Sa-mu-en đoạn giao với vua Sa-un
Vua Sa-un vẫn còn ở Ghin-gan và sau lưng vua toàn dân run sợ.8 Vua đợi bảy ngày, theo thời hạn ông Sa-mu-en đã ấn định, nhưng ông Sa-mu-en không đến Ghin-gan, và dân bỏ vua Sa-un đi tản mác.9 Vua Sa-un bảo: “Hãy đem lễ vật toàn thiêu và những lễ vật kỳ an đến cho ta.” Và vua đã dâng lễ toàn thiêu.
10 Vua vừa dâng lễ toàn thiêu xong, thì này ông Sa-mu-en đến. Vua Sa-un ra đón chào ông.11 Ông Sa-mu-en hỏi: “Ngài đã làm gì thế?” Vua Sa-un trả lời: “Khi tôi thấy dân bỏ tôi đi tản mác, còn ông lại không đến đúng thời hạn và người Phi-li-tinh họp nhau ở Mích-mát,12 thì tôi đã tự bảo: ‘Bây giờ người Phi-li-tinh sắp kéo xuống Ghin-gan đánh tôi mà tôi không làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA dịu lại, nên buộc lòng tôi phải dâng lễ toàn thiêu.’”13 Ông Sa-mu-en nói với vua Sa-un: “Ngài đã hành động ngu xuẩn! Ngài đã không giữ mệnh lệnh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngài, đã truyền. Nếu ngài đã giữ thì bây giờ ĐỨC CHÚA đã làm cho vương quyền của ngài được vững bền mãi mãi.14 Nhưng bây giờ vương quyền của ngài sẽ không đứng vững. ĐỨC CHÚA đã tìm cho mình một kẻ như lòng Người mong muốn, và ĐỨC CHÚA đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Người, bởi vì ngài đã không giữ điều ĐỨC CHÚA truyền cho ngài.”15 Ông Sa-mu-en đứng dậy và từ Ghin-gan lên Ghíp-a thuộc Ben-gia-min. Vua Sa-un duyệt đám quân binh đang ở với vua: khoảng sáu trăm người.
Chuẩn bị giao chiến
16 Vua Sa-un, ông Giô-na-than, con vua, và đám quân binh đang ở với hai ông thì giữ Ghe-va thuộc Ben-gia-min, còn người Phi-li-tinh thì đóng trại ở Mích-mát.17 Đạo quân tiễu trừ, chia thành ba toán, xuất phát từ trại Phi-li-tinh: một toán đi về hướng Óp-ra, ở xứ Su-an,18 một toán đi về hướng Bết Khô-rôn, một toán đi về hướng ranh giới ở bên trên thung lũng Linh Cẩu, về phía sa mạc.
19 Bấy giờ trong toàn đất Ít-ra-en không tìm được một thợ rèn, vì người Phi-li-tinh đã tự bảo: “Không thể để bọn Híp-ri chế tạo gươm hay giáo.”20 Toàn thể người Ít-ra-en xuống chỗ người Phi-li-tinh để rèn, người thì lưỡi cày, kẻ thì cái cuốc, cái rìu hay cái đục.21 Giá tiền công là hai chỉ bạc cho lưỡi cày và cái cuốc, một chỉ bạc để mài rìu và sửa gậy thúc bò.22 Vì vậy trong ngày giao tranh, không tìm được một cây gươm cây giáo ở tay người nào thuộc đám quân binh đang ở với vua Sa-un và ông Giô-na-than. Chỉ vua Sa-un và ông Giô-na-than, con vua, mới có.
23 Người Phi-li-tinh ra đóng đồn trên ải Mích-mát.
St 22,17; Tl 7,12; 2 Sm 17,11; 1 V 5,9
r. Phần gồm các ch. 13–15 này không nhất quán. Cơ sở của các ch. 13–14 là những mẩu chuyện xưa ghi lại các chiến tích thắng quân Phi-li-tinh trong lãnh thổ Ben-gia-min, nhưng không thể đặt rõ rệt vào một niên biểu nào của triều đại vua Sa-un. Vả lại, nhân vật nổi trong các giai thoại này không phải là vua Sa-un mà là thái tử Giô-na-than, người sau này sẽ kết thân với Đa-vít. Vai trò nổi bật của vua Sa-un lại rõ hơn trong lãnh vực phụng tự, mà đó lại là điều không đẹp lòng Thiên Chúa. Đây là một bước đầu chuẩn bị cho giai đoạn vua Sa-un bị chối từ. Ch. 15 đưa ra những chiến tích không bảo đảm lắm về mặt truyền thống nguyên thủy. Vua Sa-un ở đây cũng phạm lỗi và sẽ bị nghiêm trị. Vậy sau phần gồm các ch. 9-12, phần này như cho thấy vua Sa-un không xứng đáng giữ ngôi vua. Và như thế Đa-vít sẽ đương nhiên là người hùng mà quân dân sẽ nghĩ đến để tôn lên, thay thế vua Sa-un.
s. Công thức ghi tuổi các vua lúc lên ngôi và tổng số năm cai trị luôn gặp thấy trong niên biểu các vua Giu-đa (x. trong 2 Sm và 1 với 2 V). Nhưng ở đây, trong bản văn M nói về Sa-un, có lẽ con số ghi tuổi của ông khi lên ngôi đã rơi rụng. Thời gian cai trị hai năm có lẽ không phải chỉ về tổng số năm cai trị, mà về thời điểm sự việc đang nói đến xảy ra, bắt đầu ở c. 2. Vì những khiếm khuyết này, LXX bỏ qua không dịch c. 1.
t. Ở đây nói Mích-mát là nơi đóng quân của vua Sa-un, nhưng ở cc. 5 và 16 thì nói là của quân Phi-li-tinh. Vả lại 13,15 và 14,2 nói chính vua Sa-un đang đóng quân và duyệt binh ở Ghíp-a. Vậy có thể nghĩ c. 2 này là chứng tích của một truyền thống cổ xưa hơn, đặc biệt với cụm từ ai nấy về lều mình còn được giữ lại ở cuối câu.
u. Ghe-va: tuy Ghe-va và Ghíp-a là hai địa điểm khác nhau, nhưng 1 Sm thường dùng cả hai thay cho nhau. X. 10,4+ và 14,2+.
Người Híp-ri (cc. 3.7): có thể trong quân đội Ít-ra-en cũng như Phi-li-tinh đều có lính đánh thuê người Híp-ri. Cũng x. 4,6+ và 14,21+. LXX dịch câu nói của ông Sa-un hoàn toàn khác, có lẽ vì đồng hóa hai nhóm dân với nhau, và hiểu lầm một chữ trong bản gốc Híp-ri.
v. Câu này báo trước cuộc chiến sẽ kéo dài suốt triều đại vua Sa-un, do Giô-na-than đã xúc phạm đến quân Phi-li-tinh (x. c. 3), đưa đến tình hình quyết liệt này. Cũng x. 14,52.
Các số lượng được phóng đại, theo lối viết sử thời xưa. Cụm từ như cát ngoài bãi biển chỉ một số nhiều vô kể xiết (x. St 22,17...).
Bết A-ven = nhà hư vô, là một danh xưng để nhạo báng Bết Ên (= Nhà Thiên Chúa); XR giữ lại Bết Ên. Vậy chữ này chứng minh đoạn này đã bị sửa chữa vào thời kỳ Bết Ên đã trở thành một đền thờ ly khai. Nhưng cũng có thể Bết A-ven chỉ một địa điểm khác chưa được định vị.
x. Động: dịch theo ước đoán. M: bụi rậm.
y. Phần này làm gián đoạn trình thuật về việc chuẩn bị chiến tranh (bị đẩy lui đến c. 16 mới kể tiếp) và chính nó kế tiếp phần 10,8 và 11,14, với chữ móc Ghin-gan.
a. Bên phương Đông thời xưa, người ta có thói quen tế lễ trước khi ra trận. Kinh Thánh chỉ ghi trường hợp của ông Sa-mu-en ở 7,9. Ở đây, tế lễ lại là bước sa chân của vua Sa-un trong thử thách, làm cho vua chắc chắn sẽ bị đào thải. Bảy ngày chờ đợi để chuẩn bị tâm hồn ông được sẵn sàng tuân hành ý Chúa. Nhưng khi ông Sa-mu-en “lỗi hẹn” thì vua tỏ ra không sẵn sàng: ông làm theo ý ông, không tuân theo trật tự trong luật tế lễ. Tuy đó là một trường hợp phải khẩn trương ứng biến, nhưng ông vẫn bị xem là bất tuân và bị kết tội (cc. 13-14). Trong ch. 15, ông cũng sẽ bị lên án vì một tội tương tự: ông chẳng những đã không tuân phục trọn vẹn luật tru hiến, mà còn xâm phạm vào lãnh vực phụng tự dành riêng cho hàng tư tế, như để buộc Thiên Chúa hành động theo ý ông, một ông vua trần thế đáng lý ra phải thuộc quyền Thiên Chúa. Điều này cho thấy rõ quan điểm của soạn giả cuối cùng, gắn bó với lề luật, theo truyền thống đệ nhị luật. Xem tiếp ở c. 13+.
b. Những lời ông Sa-mu-en nói với vua Sa-un đây biểu lộ rõ nét bút pháp và ngôn ngữ của người viết sử theo truyền thống đệ nhị luật. Có thể ông ghi ở đây điều xảy ra ở 15,18-19. Chẳng những vua Sa-un sẽ bị truất phế, mà cả dòng dõi ông cũng bị chối từ. Xem cuối c. 13 // 2 Sm 7,16 nêu rõ điều mà Thiên Chúa lấy lại từ tay Sa-un –vương quyền / ngai vàng– thì sẽ được trao lại cho Đa-vít. Vậy soạn giả đệ nhị luật chuẩn bị cho bước đăng quang của Đa-vít ngay từ câu này. Việc Sa-un bị kết tội nên mất ngôi báu cũng nói lên quan điểm chủ chốt của truyền thống đệ nhị luật: người được trao vương quyền phải hết lòng tuân theo luật Chúa (x. 1 V 2,4; 8,25 và Tv 132,12).
Thiên Chúa đã tìm một kẻ như lòng Người mong muốn (c. 14): báo hiệu việc chọn Đa-vít đã dứt khoát.
c. Sáu trăm có thể là một con số có giá trị ước lệ chỉ một đơn vị chiến sĩ (x. trong Tl; 1 Sm 14,2; 23,13; 27,2; 30,9 và 2 Sm 15,18).
d. Cc. 16-18 bắt đầu một trình thuật cổ xưa về trận chiến ở Mích-mát, bị gián đoạn và được kể tiếp từ c. 23 đến 14,26.
đ. Đoạn văn gồm cc. 19-22 là một đoạn trong ngoặc để nói về tài dùng kim loại và độc quyền chế biến kim loại của quân Phi-li-tinh. Như vậy sẽ càng làm nổi bật tình trạng không cân sức giữa hai lực lượng giao chiến, đồng thời càng làm vẻ vang chiến thắng của quân Ít-ra-en sắp được kể lại trong ch. 14. Trong đoạn này, nhiều từ chuyên môn chỉ các dụng cụ bằng kim loại là dịch theo ước đoán.