1 Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.2 Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.3 Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.4 Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.5 Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa.
6 Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.7 Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.8 Lẽ khôn ngoan ấy, không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá.9 Nhưng, như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.
10 Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.11 Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.12 Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.13 Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí.14 Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán.15 Nhưng con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó.16 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Ki-tô.
Rm 16,25; Ep 1,9; 3,4.5.9; Cl 1,26-27
1 Cr 15,44; Mt 16,23; Ga 10,26
g. Db: lời chứng của Thiên Chúa.
h. Sợ sệt và run rẩy là một thành ngữ thường dùng trong Kinh Thánh, nói lên thái độ của con người trước sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa. Trong các thư thánh Phao-lô, kiểu nói này phải được đặt vào mạch văn. Ở đây, thánh Phao-lô hồi tưởng tâm trạng của ngài khi mới đến Cô-rin-tô sau cuộc thất bại ở A-then. Nhưng ý chung chung là khiêm tốn và kính cẩn.
i. Đoạn văn này khó hiểu về mặt ngữ pháp, do đó có nhiều do dự trong quá trình lưu truyền văn bản. Dù vậy, ý văn quá rõ.
k. Ám chỉ những khi các thính giả của thánh Phao-lô được tràn đầy ơn Thánh Thần và chứng kiến những phép lạ, mà phép lạ chính yếu là hoạt động của Thánh Thần nơi bản thân thánh nhân cũng như nơi giáo dân Cô-rin-tô.
l. Cc. 4 và 5 cũng một mạch văn. Dựa vào cuối c. 5, thêm Thiên Chúa cho rõ nghĩa.
m. Thánh Phao-lô khước từ những lời lẽ khôn khéo tự nó có sức hấp dẫn nhưng chỉ có thể gợi lên một niềm tin tưởng hoàn toàn phàm tục, ở cấp độ tự nhiên. Điểm tựa của ngài khi rao giảng là Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa, có sức khơi dậy một niềm tin, một lòng gắn bó ở cấp độ siêu nhiên, thuộc cõi thần linh. Một người yếu kém, sợ sệt và run rẩy mà lôi cuốn thính giả được như vậy quả là một bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.
n. Tức là những tín hữu đã đạt tới đích, đã thành đạt trong đời sống Ki-tô giáo của họ. Từ này hoàn toàn không chỉ về một nhóm người tôn nhau là đạo đức, hoặc một hạng học giả cao siêu nào. Nó cùng nghĩa với con người sống theo Thần Khí, tương phản với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô của 3,1.
o. Đây có lẽ nói về những sức mạnh phi phàm và độc ác cùng với những khí cụ của chúng, là bất cứ những ai hay tập thể nào có thế lực mà chống lại sự thiện.
p. ds: lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa trong mầu nhiệm dưới dạng ẩn giấu. Đây không nói về một triết lý bí ẩn khó hiểu, nhưng về một sự khôn ngoan mà đối tượng là mầu nhiệm theo nghĩa thánh Phao-lô, tức là bí mật của kế hoạch Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Ki-tô (x. Rm 16,25-27).
q. Trong Cựu Ước, vinh quang là hào quang rực sáng từ uy quyền tuyệt đối của Đức Chúa. Như trong Xh 24,16 tt, đó là biểu hiện của thần linh. Khi gọi Đức Ki-tô là Đức Chúa hiển vinh, thánh Phao-lô mặc nhiên tôn Người lên ngang hàng với Đức Chúa của Cựu Ước.
r. Phối hợp Is 64,3 với Gr 3,16, theo một phương pháp được chứng thực trong văn chương Do-thái giáo đương thời; hoặc trích dẫn ngụy thư Khải Huyền của ông Ê-li-a.
s. Lòng người không hề nghĩ tới: lối nói theo kiểu Sê-mít để chỉ những gì vượt trí khôn con người.
t. Đại ý cc. 10-16 như sau: nguồn mạch sự khôn ngoan là Thần Khí của Thiên Chúa (10-11). Chỉ có ai đã lãnh nhận Thần Khí mới truyền thụ khôn ngoan, và chỉ truyền thụ cho những ai đã lãnh nhận Thần Khí (cc. 12-13). Thần Khí giúp họ thông hiểu sự khôn ngoan; không có Thần Khí, sự khôn ngoan đối với họ chỉ là điên rồ (14-16).
u. Đoạn văn này khó hiểu. Có thể hiểu như sau: giải thích những thực tại thuộc Thần Khí cho những người sống theo Thần Khí, hoặc cho thấy mối tương đồng giữa những thực tại thuộc Thần Khí và những người sống theo Thần Khí, hoặc để những người sống theo Thần Khí xét đoán những thực tại thuộc Thần Khí.
v. ds: con người thuộc sinh khí, tức là chỉ sống theo bản tính tự nhiên -không nắm được những thực tại siêu nhiên-, tương phản với con người sống theo Thần Khí, được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn. X. 15,44.46; Gc 3,15; Gđ 1,19 thân thể có sinh khí.
x. Sống theo Thần Khí là được Thần Khí soi sáng, nên thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa (c. 10). Chẳng có ai phải hiểu ngầm trong những người không sống theo Thần Khí. Đoạn này có tính cách tranh luận. Phao-lô nghĩ mình là người sống theo Thần Khí, không phải để người Cô-rin-tô xét đoán, vì họ sống theo tính xác thịt (3,1). Nhưng ở ch. 14, thánh Phao-lô sẽ nói rõ về luật sống của những người sống theo Thần Khí, cũng như ở 12,1-11 và 1 Tx 5,19-22.