1 Phải chăng chúng tôi lại bắt đầu tự giới thiệu mình? Hoặc chẳng lẽ, như vài người, chúng tôi lại cần có thư giới thiệu chúng tôi với anh em, hoặc thư của anh em giới thiệu chúng tôi?2 Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc.3 Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người.
4 Nhờ Đức Ki-tô, chúng tôi dám tin tưởng vào Thiên Chúa như vậy.5 Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng để nghĩ rằng mình làm được gì, nhưng khả năng của chúng tôi là do ơn Thiên Chúa,6 Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống.7 Nếu việc phục vụ Lề Luật –thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá– mà được vinh quang đến nỗi dân Ít-ra-en không thể nhìn mặt ông Mô-sê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang –dù đó chỉ là vinh quang chóng qua–,8 thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao?9 Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao?10 So với vinh quang tuyệt vời này, thì vinh quang xưa kia chẳng vinh quang gì.11 Thật vậy, nếu cái chóng qua mà còn được vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang hơn sao?
12 Vì có một niềm hy vọng như thế mà chúng ta thật vững dạ an lòng.13 Chúng ta không làm như ông Mô-sê lấy màn che để dân Ít-ra-en khỏi thấy khi nào cái chóng qua kia chấm dứt.14 Nhưng trí họ đã ra mê muội. Thật vậy, cho đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ.15 Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Mô-sê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ.16 Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi.17 Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.18 Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.
Gr 31,33; Ed 11,19; 36,26
Mc 4,12; Cv 28,27; Rm 11,7-8
u. Người ta trách thánh Phao-lô tự cao tự đại (x. 5,12), trong lúc các vị rao giảng khác dùng thư giới thiệu của cộng đoàn (x. Cv 18,27 tt). Thánh nhân trả lời: chính các cộng đoàn mà ngài đã thành lập –thành quả sứ vụ của ngài và công trình của Chúa Thánh Thần– là những thư giới thiệu sống động, viết trên những tấm bia bằng thịt... Loại thư này làm cho loại thư giới thiệu thông thường kia hóa ra vô dụng. Song song với hai loại thư đó, thánh Phao-lô cũng cho đối lập Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới. Giao Ước Mới, dựa vào Thần Khí, làm cho chữ viết của Giao Ước Cũ ra lỗi thời, vô hiệu. Đoạn này có nhiều chỗ chơi chữ (chữ, viết, đá, thịt...) Nhưng thánh Phao-lô đi xa hơn trò chơi chữ, nhất là vì địch thủ của ngài rất có thể là những người xuất thân từ Do-thái giáo (x. 11,22).
v. Db: trong tâm hồn anh em.
x. ds: trên những tấm bia trái tim bằng thịt. Chỗ này ngụ ý nhắc tới các bia đá, trên đó Thiên Chúa ban Luật tại Xi-nai (Xh 24,12), đồng thời trái tim chai đá và trái tim bằng thịt (biết yêu thương) của đoạn Ed 36,26.
y. Chữ viết đây chỉ Luật được viết ra của Cựu Ước –hình thức vật chất bên ngoài của nó– đối lập với Thần Khí là Luật Tân Ước mà Thiên Chúa ghi tạc vào lòng (Gr 31,33). Nó giết chết vì chỉ lên án chứ không thông ban ân sủng để giúp người ta giữ Luật, tức là tuân thủ ý muốn của Thiên Chúa.
a. Ánh hào quang chóng qua trên gương mặt ông Mô-sê là hậu quả của cuộc gặp gỡ của ông với Thiên Chúa (Xh 34,29-35). Đó là một đặc ân Thiên Chúa dành riêng cho ông, mà thánh Phao-lô đối chiếu với ân huệ Chúa ban cho tất cả mọi người Ki-tô hữu (c. 18). Đối với ngài, tính cách chóng qua của ánh hào quang đó cho thấy rõ tính cách lỗi thời, cũ xưa của Cựu Ước (c. 11).
b. Ở đây, thánh Phao-lô giải nghĩa đoạn khó hiểu trong Xh 34,33 tt theo một trường phái ráp-bi: tấm màn ông Mô-sê dùng che mặt là để che giấu tính cách ngắn ngủi, chóng qua, của ánh hào quang tỏa ra từ vinh quang Thiên Chúa.
c. Đây là lần đầu tiên từ ngữ Cựu Ước xuất hiện trong một văn kiện Ki-tô giáo.
d. Nghĩa là khi người tín hữu được sáp nhập vào Đức Ki-tô nhờ bí tích thánh tẩy.
đ. Đoạn chưa được vén lên, vì trong Đức Ki-tô nó (mới) được vứt bỏ còn có thể dịch cách khác: không ai hé mở cho họ thấy rằng giao ước đó đã bị Đức Ki-tô hủy bỏ.
e. Thánh Phao-lô viết câu này, cảm hứng theo bản Bảy Mươi dịch Xh 34,34: khi ông Mô-sê vào trước nhan Đức Chúa, thì bỏ khăn che mặt đi. Thánh Phao-lô dựa theo đoạn này mà hiểu rằng ông Mô-sê là mẫu mực và điển hình cho người Ki-tô hữu (ở đây dịch là người ta nói chung). Sự hoán cải mở mắt cho chúng ta được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa trong Đức Ki-tô, và chiếu tỏa vinh quang ấy ra cho mọi người nhận biết (c. 18).
g. Công thức này được tranh luận theo nhiều hướng rất khác nhau. Trong mạch văn ở đây, có thể hiểu Chúa Ki-tô –hoặc Đức Chúa đó (của ông Mô-sê, như vừa nói ở đoạn trên)– là thần khí giúp chúng ta hiểu ý nghĩa lời Kinh Thánh, và cho ta được tự do đối với chữ viết của Lề Luật. Câu này còn có thể giải nghĩa như sau: tuy thánh Phao-lô phân biệt rõ ràng Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần (1,20-23; 13,13 tt), ngài khẳng định ở đây rằng Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần cùng hợp tác trong công cuộc cứu độ ở hai giai đoạn Cựu Ước và Tân Ước. Trong chiều hướng đó, thần học sau này cũng khẳng định rằng tất cả mọi công trình của Thiên Chúa đều là công trình chung của cả Ba Ngôi.
h. Phản chiếu một cách thường hằng (mặt không che màn), đối lập với ánh hào quang chóng qua trên gương mặt ông Mô-sê. Thánh Phao-lô dùng một từ chỉ gặp một lần trong Tân Ước –ở đây–: katoptrízomai. Động từ dạng trung này bao hàm cả nghĩa của dạng thụ động (chiêm ngắm như trong một tấm gương: x. 1 Cr 13,12) lẫn nghĩa của dạng chủ động (phản chiếu như một tấm gương). Dạng trung này nói lên phần tham gia của chủ thể, biến khả năng thụ cảm từ thụ động thành chủ động. Điều không thể làm được vào thời ông Mô-sê, thì nay, nhờ Đức Ki-tô, có thể làm được: đó là con người chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa, để rồi chiếu tỏa ra. Nhưng trong thực tế, bản dịch không thể diễn cả hai nghĩa. Do đó, ở đây chọn nghĩa phản chiếu, trong lúc có bản dịch khác chọn chiêm ngắm.
i. Tức là vinh quang của Đức Ki-tô, vì vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô (4,6).
k. ds: từ vinh quang đến vinh quang, nên có người hiểu từ vinh quang Đức Ki-tô đến vinh quang người Ki-tô hữu.
l. Dịch cách khác: như do bởi Thần Khí của Chúa.