Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
Lời chào thăm
1 Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khỏe!
Ích lợi của thử thách
2 Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.3 Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.4 Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.
Cầu xin với lòng tin
5 Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.6 Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống.7 Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa:8 họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm.
Số phận người giàu
9 Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên;10 còn người giàu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ.11 Quả thế, mặt trời mọc lên tỏa ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm.
Thử thách
12 Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người.
13 Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai.14 Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt.15 Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi, thì sinh ra cái chết.
Lãnh nhận và thực hành Lời Chúa
16 Anh em thân mến của tôi, anh em đừng có lầm lẫn.17 Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng.18 Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thụ tạo của Người.
19 Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận,20 vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.21 Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.
22 Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.23 Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình.24 Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào.25 Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo –luật mang lại tự do–, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.
26 Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.27 Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.
1 Cr 9,25; 2 Tm 4,8; 1 Pr 5,4; Kh 2,5.10
Mt 7,24-27; Lc 8,21; 11,28; Rm 2,13; 1 Ga 3,18
Mt 7,24-27; Lc 8,21; 11,28; Rm 2,13; 1 Ga 3,18
Gc 3,2; Tv 34,14; 39,2; 1 Pr 3,10
Kn 3,5; Mt 5,10-12; Rm 5,3-5; 1 Pr 1,6; 4,12-13
a. Thánh Gia-cô-bê chỉ xưng mình là tôi tớ mà không thêm danh nghĩa Tông Đồ, cũng như không xác định danh tính của mình. Về điểm này, thánh Gia-cô-bê cũng giống như thánh Phao-lô và mấy tác giả các thư khác trong Tân Ước (Rm 1,1; Pl 1,1; 2 Pr 1,1; Gđ 1; x. 1 Cr 15,7).
k. Con người bị cám dỗ là do dục vọng tức những ham muốn bất chính nổi lên xúi bẩy và quyến rũ chiều theo đường trái.
l. Cái chết ở đây không thuộc phạm vi thể xác mà thuộc phạm vi tinh thần, nghĩa là tội làm cho sự sống vừa nẩy sinh nơi tín hữu nhờ lời Chúa, phải tàn lụi và lời Chúa hứa cho kẻ mến yêu Người cũng tiêu tan.
m. Lời chân lý là Tin Mừng được giảng dạy (x. 1 Pr 1,23-25; Cl 1,5; Ep 1,13). Tin Mừng này soi sáng và dẫn đưa tín hữu tới chỗ đón nhận ơn cứu độ. Ngoài ra, lời chân lý cũng còn là một cách thế sống khôn ngoan (x. 3,14; 5,19) mà thánh Gia-cô-bê gọi là luật tự do (x. c. 25; 2,12) mà cốt lõi là luật hàng đầu (2,8) tức là bác ái yêu thương.
n. Đường lối công chính của Thiên Chúa là những đòi hỏi của Chúa về đức bác ái, về việc thực thi lời Người. Quan niệm coi đức công chính là lối hành động phát xuất từ đức tin đã được nói tới trong Mt 5,6.10.20; 6,33; 12,36-37.
o. Mọi điều ô uế: những điều người đã chịu phép rửa phải xa tránh (x. 1 Pr 2,1; Rm 13,12; Ep 4,22.25; Cl 3,8; Hr 12,1).
p. Có mấy bản bỏ chữ thật vậy.
q. Lòng đạo đức tinh tuyền: cũng có thể nói lòng đạo đức đích thật, lòng đạo đức này dựa trên một số đòi hỏi và điều kiện: đòi hỏi phải kính trọng và giúp đỡ loại người yếu kém như cô nhi, quả phụ và điều kiện là phải trong sạch. Những đòi hỏi và điều kiện đó thường được Cựu Ước nhắc nhở (Đnl 14,29; 16,11; 24,19; Tv 68,6; 146,9; Is 1,17; Gr 7,6; Ed 22,7; Ml 3,5) và Tân Ước đề cập (x. 1 Cr 2,12; 3,19; Ep 2,2; Ga 12,31; 15,18.19; 16,8.11.33; 1 Ga 2,15-16; 3,1.13).
b. Chữ Chúa Giê-su ở đây cho thấy ngay thư này là thư do một tác giả Ki-tô giáo viết. Chữ này còn gặp một lần nữa trong 2,1 để nói về Đức Ki-tô, còn những lần khác đều áp dụng cho Thiên Chúa là Cha (1,7; 3,9; 4,10.15; 5,4.10.11).
c. Kiểu nói này bao gồm những Ki-tô hữu trước kia thuộc các hội đường Do-thái sống bên ngoài nước Pa-lét-tin, những anh em (2,2) họp nhau tại hội đường cùng lập nên các Hội Thánh địa phương (5,14).
Mười hai chi tộc là kiểu nói ám chỉ toàn thể Hội Thánh như là Dân mới của Thiên Chúa (x. Cv 26,7; Kh 7,4).
d. Ý nói đến những sự va chạm, đương đầu với bên ngoài (c. 2 và 12) và cơn cám dỗ do lòng ham muốn từ bên trong (13-14). Thử thách nằm trong chương trình giáo dục của Thiên Chúa đối với Ki-tô hữu (x. c. 4; 2,21; 5,11), còn chính Chúa thì Người không cám dỗ ai.
đ. Đối với thánh Gia-cô-bê, đức tin phải đưa đến hành động thì tín hữu mới nên hoàn hảo. Thánh Phao-lô cũng không nói gì khác (x. 1 Tx 1,3) và người cũng ưa dùng chữ hoàn hảo (1 Cr 2,6; Ep 4,13; Pl 3,15; Cl 1,28; 4,12; x. Hr 5,14). Tác giả bắt đầu hướng ý về điểm chính ở 2,14-26.
e. Khôn ngoan hiểu theo nghĩa là khả năng am hiểu luật Chúa và uốn nắn đời mình rập khuôn theo sự hiểu biết đó.
g. Hai câu 9 và 10 nói đến tình trạng xã hội không đồng đều trong các cộng đoàn Ki-tô hữu thời bấy giờ (x. 2,1-7; 5,1-6; 1 Cr 1,26-29), nghĩa là có người sang, kẻ hèn, người giàu, kẻ nghèo. Có người khi vào đạo thì phải hy sinh một phần tài sản và không được nể vì như trước, có người thì vốn đã nghèo sẵn nay được nở mày nở mặt. Tình trạng này phảng phất quang cảnh ngày cánh chung người nghèo được hưởng gia tài Chúa hứa, còn người giàu không thể vênh vang về tài sản của mình nữa (x. 5,1-3).
h. Trong Cựu Ước, ai ăn ngay ở lành theo đường lối Chúa thì được phúc, còn trong Tân Ước, người có phúc là người kiên trì chịu thử thách. Quan niệm của Cựu Ước có tính cách tức thời, còn quan niệm của Tân Ước có tính cách viễn lai (x. 5,11; Mt 5,10-12; Lc 12,37-38; 1 Pr 3,14; 4,14; Kh 14,13; 16,15).
i. Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, vì như thế là trái với bản tính của Người. Ở nơi Người không có bóng dáng sự xấu và tội lỗi: do đấy Chúa cũng không cám dỗ ai.