Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
LỜI TỰA
Địa vị cao trọng của Con Thiên Chúa làm người
1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời.4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.
I. CON THIÊN CHÚA CAO TRỌNG HƠN CÁC THIÊN THẦN
Bằng chứng Kinh Thánh
5 Thật vậy, có bao giờ Thiên Chúa đã phán cùng vị thiên thần nào: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta.6 Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: Mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người.7 Về các thiên thần, thì có lời chép: Người làm cho thiên thần của Người nên những luồng gió, và thuộc hạ của Người thành những ngọn lửa.8 Nhưng về Người Con, thì Kinh Thánh lại nói: Lạy Thiên Chúa, ngôi báu Ngài sẽ trường tồn vạn kỷ! Vương trượng Ngài, vương trượng công minh.9 Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài đã tôn phong Ngài vượt trổi các đồng liêu, mà xức cho dầu thơm hoan lạc.10 Và có lời khác: Lạy Chúa, lúc khởi đầu, Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Ngài tạo tác vòm trời.11 Chúng tiêu tan, Chúa vẫn còn hoài; chúng đều sẽ cũ đi như chiếc áo.12 Chúa sẽ cuốn chúng lại như cuốn áo choàng, chúng sẽ bị thay như người ta thay áo. Nhưng chính Chúa vẫn tiền hậu y nguyên, và năm tháng của Ngài sẽ không chấm dứt.13 Và có bao giờ Thiên Chúa đã phán với một thiên thần nào rằng: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con?14 Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?
2 Tm 3,1; Gc 5,3; 1 Pr 1,5.20; 2 Pr 3,3; Gđ 18
a. Cha ông chúng ta: các bậc tiền bối trong dân Ít-ra-en, nghĩa là những người thuộc các thế hệ về trước (x. 3,9; 8,9). Các Ki-tô hữu, dù gốc dân ngoại, cũng ý thức rằng mình có liên hệ với dân Ít-ra-en (x. Rm 4,16-18; 11,17; 1 Cr 10,1).
k. Sinh ra: lấy từ Tv 2,7, áp dụng cho ngày lên ngôi của con vua Đa-vít hay người kế vị. Ở đây có ý dùng để tôn vinh Đức Ki-tô (x. Rm 1,3-4; Cv 13,33).
l. Có nói đến trong 2 Sm 7,14; 1 Sb 17,13.
m. Thế giới loài người: hiểu được nhiều nghĩa, hoặc là cuộc nhập thể của Đức Ki-tô, hoặc là ngày Người trở lại trần gian, hoặc là ngày Người lên ngôi hiển trị trên trời sau khi phục sinh (x. Ep 1,20-21; Pl 2,9-10). Nghĩa cuối cùng xem ra hợp với văn mạch ở đây hơn, vì chữ Trưởng Tử cũng giống như thái tử gợi ý phong vương (x. Tv 89,28 diễn ý 2 Sm 7,14).
n. Thờ lạy Người: chữ Người trong nguyên bản (Đnl 32,43, Hy-lạp) đưa về chính Thiên Chúa, nhưng ở đây tác giả thư Do-thái lại có ý hiểu về Chúa Con.
o. Không chấm dứt: ý tưởng này đã có trong Tv 102,26-28. Thánh vịnh này nói về chính Thiên Chúa và ngày tận cùng của thế giới. Bản văn này áp dụng cho Đức Ki-tô, Đấng được trao cho vương quyền điều khiển thế giới, sau khi chịu khổ hình.
p. Làm bệ dưới chân: Tv 110,1 dùng kiểu nói này. Đây là thánh vịnh phong vương hàm chứa ý nghĩa về Đấng Mê-si-a và cho thấy một vị quân vương làm tư tế. Tv 110 là nền tảng Kinh Thánh cho tác giả thư Do-thái dựa vào để trình bày nội dung giáo lý trong thư (x. 5,6.10; 6,20; 7,11-28; 10,12-13).
q. Hưởng ơn cứu độ: trong Cựu Ước thường nói được hưởng đất làm gia nghiệp, còn ở đây thừa hưởng ơn cứu độ. Ơn cứu độ thay cho đất. Tác giả chuyển từ nghĩa vật chất sang nghĩa thiêng liêng.
b. Thời sau hết này: có hai nghĩa, một nghĩa là thời Chúa can thiệp lần cuối cùng (x. Ed 38,16; Đn 2,28; 10,14; Mk 4,1), một nghĩa là bây giờ đây (2 Tm 3,1; Gc 5,3; 1 Pr 1,5.20) hay cũng là thời của Đấng Mê-si-a đến vào giai đoạn cuối; thời này kéo dài vô hạn định (x. Cl 1,16; Ga 1,3). Bây giờ đây cũng chính là thời sau hết.
c. Thánh Tử: Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, khác với các ngôn sứ là tôi tớ (Gr 7,25; 25,4), còn Thánh Tử là Con, Người được thừa hưởng gia tài và họa lại y nguyên mọi nét của Chúa Cha.
d. Đấng thừa hưởng: nhờ Đức Ki-tô, lời hứa của Thiên Chúa dành cho các tổ phụ được thực hiện hoàn toàn. Người là con cháu được ưu đãi của các ngài (St 15,3-4; Hc 44,21; Rm 4,13) và là con cháu vua Đa-vít (Tv 2,8) được hứa cho vương quyền phổ quát (x. Đn 2,44; 7,14).
đ. Những kiểu nói dùng ở đầu c. 3 này mô phỏng cách diễn tả về Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa được nhân cách hóa (Kn 7,25-26), qua đó, người ta thấy được sự đồng nhất về bản tính cũng như sự khác biệt về ngôi vị giữa Cha và Con (x. Xh 24,16; x. Cl 1,15; x. Ga 14,9).
e. Quyền năng: quyền năng của Thánh Tử thật lạ lùng. Chỉ một lời của Người là đủ để duy trì vạn vật (x. Tv 33,9).
g. Trên trời: có ý nói về Đức Ki-tô được tôn vinh. Đây là một kiểu nói cổ truyền dựa theo Tv 110,1: ngự bên hữu và được xác định thêm bằng chữ trên trời (x. Mt 26,64).
h. Danh hiệu: chức tước và địa vị của một người sánh với những người khác. Đức Ki-tô chiếm một địa vị rất cao sánh với các thiên thần sau khi Người đã dấn thân cứu chuộc loài người: đó là địa vị làm Con Thiên Chúa, mà tác giả trình bày sau đây.
i. Thánh Phao-lô không mở đầu các câu trích dẫn theo kiểu này. Ở đây tác giả dùng chữ phán, chứ không phải chữ viết như thường thấy trong các thư của thánh Phao-lô.