Con đường cứu độ
1 Vả lại, thưa anh em, anh em hãy vui mừng vì Chúa. Viết đi viết lại cho anh em cũng bấy nhiêu điều, đối với tôi không phải là một gánh nặng, còn đối với anh em thì đó lại là một bảo đảm.2 Anh em hãy coi chừng quân chó má! Hãy coi chừng bọn thợ xấu! Hãy coi chừng những kẻ giả danh cắt bì!3 Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt,4 mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt. Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn:5 tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.7 Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi.8 Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô9 và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.10 Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.12 Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt.13 Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.15 Vậy tất cả chúng ta là những người hoàn thiện, chúng ta hãy nghĩ như vậy; và giả như có điểm nào anh em nghĩ khác, thì Thiên Chúa sẽ mặc khải cho anh em.16 Song, dù đạt tới đâu đi nữa, chúng ta cũng cứ theo hướng ấy mà đi.
17 Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em.18 Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô:19 chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta.21 Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.
Rm 2,28-29; 2 Cr 11,13; Gl 5,6.12; Cl 2,11
Ga 11,23-26; Cv 4,2; Kh 20,5-6
1 Cr 4,16; 11,1; 1 Tx 1,7; 1 Pr 5,3
Rm 8,23.29; 1 Cr 15,42-57; 2 Cr 3,18; 5,1-5
n. Một khi đã liên kết với Chúa Ki-tô và đã được Thánh Thần làm cho trở nên những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực (x. Ga 4,23), người ta được hoàn toàn tự do. Chỉ còn một mình Chúa Ki-tô là đáng kể, và người ta được cứu độ là nhờ Người chứ không phải là nhờ một số nghi lễ bên ngoài do con người đặt ra. Nếu còn phải nói đến cắt bì, thì đó là cắt bì trong tâm hồn, nếu còn nói đến thờ phượng, thì đó là thờ phượng thiêng liêng (x. thư Ga-lát và Rô-ma).
o. Vì Chúa. ds: trong Chúa, nghĩa là được sống trong Chúa.
p. Cũng bấy nhiêu điều: có lẽ những điều này ở trong những bức thư khác, đã thất lạc, vì những gì sắp nói ở đây, người ta không đọc thấy trong ch. 1-2.
q. Pl 3,1 có vẻ là một câu kết thư (x. 4,1.4.10). Dường như vào lúc kết thư, thánh Phao-lô lại chợt thấy có một vấn đề cần phải cảnh giác độc giả. Hoặc có giả thuyết cho rằng đó là hai bản văn lúc đầu độc lập với nhau, sau được đấu lại.
r. Quân chó má! ds: những con chó. Gậy ông đập lưng ông. Thánh Phao-lô dùng một hình tượng mà người Do-thái quen dùng để chỉ dân ngoại (Mt 15,26; Kh 22,15) để nói về những người Do-thái quá khích. Con chó là một con vật ô uế, gần giống như con heo (Mt 7,6; 2 Pr 7,22). Ở đây có lẽ thánh Phao-lô nhằm vào những người Do-thái hơn là vào những Ki-tô hữu gốc Do-thái.
s. Những kẻ giả danh cắt bì. ds: những kẻ thiến hoạn. Thánh Phao-lô dùng hai từ gần giống nhau trong tiếng Hy-lạp nhưng ý nghĩa khác nhau, để mỉa mai điều người Do-thái tự hào. Khó có thể dịch ra tiếng Việt kiểu chơi chữ này. Thánh Phao-lô dùng chữ katatomê (giả danh cắt bì) nghĩa là việc thiến hoạn trong phụng tự ngoại giáo, để chỉ việc cắt bì mà người Do-thái vẫn tự hào, thường được dùng bằng từ peritomê. Còn peritomê (cắt bì) được thánh Phao-lô chuyển sang nghĩa thiêng liêng, đó là cắt bì trong tâm hồn (x. Rm 2,29), phép cắt bì của Chúa Ki-tô (Cl 2,11).
t. Cậy vào xác thịt. Xác thịt ở đây (cc. 3-4) chỉ chế độ Lề Luật, những lợi lộc xét về mặt thế gian, mà việc cắt bì là một trường hợp điển hình. Đó là những điều thánh Phao-lô tự hào trước khi biết Chúa Ki-tô, nhưng nay người lại coi tất cả những lợi lộc ấy là thiệt thòi (x. Pl 3,7-8; x. Cv 22,3 tt; 26,4-7; Rm 11,1; 2 Cr 11,18-22; Gl 6,13-14; 1 Cr 1,31). Người đã làm tất cả để có một sự nghiệp sáng chói trong Do-thái giáo, nhưng tất cả chẳng có giá trị gì kể từ ngày người gặp Chúa Giê-su trên đường đi Đa-mát.
u. Cắt bì ngày thứ tám: tuân giữ luật lệ một cách chặt chẽ (x. St 17,12; Lv 12,3), theo đạo Do-thái từ ngày còn rất nhỏ, chứ không phải là tân tòng.
v. Họ Ben-gia-min. Chi tộc ưu tuyển, từ đó đã xuất hiện vị vua đầu tiên của Ít-ra-en, vua Sao-lô (1 Sm 9,1 tt). Chính thánh Phao-lô cũng mang tên này (x. Cv 7,58–13,9).
x. Người Híp-ri, con của người Híp-ri. ds: Híp-ri bởi Híp-ri. Dầu sinh trưởng ở Tác-xô, thánh Phao-lô vẫn trung thành giữ tiếng nói của cha ông, tiếng Híp-ri nói (= tiếng A-ram) (Cv 21,40). Trên đây là những lợi lộc bẩm sinh.
y. Còn những lợi lộc thủ đắc, thánh Phao-lô xét theo những mặt khác nhau: xét về Lề Luật, người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, tức là nhóm chủ trương nhiệt thành và rất chặt chẽ đối với Luật Mô-sê (x. Cv 22,3; 23,6; 26). Xét về lòng nhiệt thành, người đuổi bắt các tín hữu theo Chúa Ki-tô (x. Cv 8,3; 9,1 tt; 22,4 tt; 26,9-11; 1 Cr 15,9; Gl 1,13; 1 Tm 1,13). Xét về sự công chính như Lề Luật dạy thì không có gì đáng chê trách (x. Gl 1,14).
a. Chúa của tôi. Kiểu nói độc nhất trong thánh Phao-lô.
b. Tất cả những lý do để cậy vào xác thịt mà đã có thời thánh Phao-lô tự hào, cũng như ngày nay những người Do-thái đang dựa vào đó để tự hào, không những không là gì mà còn là thiệt thòi so với Đức Ki-tô. Bây giờ, được biết Đức Ki-tô, được ở trong Người mới là mối lợi tuyệt vời.
c. Sự công chính của tôi, sự công chính căn cứ theo Luật Mô-sê và sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô. Đó là đề tài hai thư Ga-lát và Rô-ma.
d. Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh. ds: biết quyền năng của sự Phục Sinh của Người. Có thể hiểu là quyền năng Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô Phục Sinh, hoặc cũng có thể hiểu là sau khi đã Phục Sinh, Đức Ki-tô vẫn hoạt động nơi người Ki-tô hữu, đưa họ đi qua con đường đau khổ và chết để dẫn tới sự sống (x. Rm 6,3-5; Cl 2,12).
đ. Ám chỉ biến cố xảy ra trên đường đi Đa-mát.
e. ... quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. ds: quên đi những gì ở phía sau và lao về những gì ở phía trước. Thánh Phao-lô thích dùng những hình ảnh thể thao để so sánh với cuộc đời người tín hữu (2,16; 1 Cr 9,24-27; Gl 2,2; 1 Tm 4,7-8; 2 Tm 4,7). Đời sống thiêng liêng ví được như một cuộc chạy đua; một khi đã khởi hành thì phải nhắm đích mà tiến tới để đoạt được phần thưởng. Dừng lại đồng nghĩa với thua cuộc. Nếu bạn nói “đủ rồi!” thì lúc ấy kể như bạn đã chết (thánh Augustinô).
g. Những người hoàn thiện. Không có ý nói đã đạt tới tình trạng hoàn thiện tuyệt đối (x. Ep 4,13; Cl 1,28), nhưng chỉ có ý nói đến những Ki-tô hữu đã được huấn luyện, tư tưởng và đời sống đã được thấm nhuần giáo lý của Chúa Ki-tô, về phương diện thiêng liêng không còn là trẻ con nữa (x. 1 Cr 2,6; 14,20; Hr 5,13-14).
h. Câu văn có những cách dịch khác nhau. Bản Phổ Thông: Chúng ta cùng cảm nghĩ và cùng một luật sống có lẽ ý nghĩa là: dù đạt đến mức độ hiểu biết nào, dù đạt đến một bậc nào, chúng ta vẫn phải tiến lên mãi, không được coi cái mình đang có làm đủ.
i. Thánh Phao-lô nhiều lần không ngại đem chính mình ra làm khuôn mẫu để các tín hữu noi theo (x. 4,9; 1 Tx 1,6; 2 Tx 3,7-9; 1 Cr 4,16). Sở dĩ như thế là vì người xác tín rằng mình cũng chỉ là người bắt chước Chúa Ki-tô (x. 1 Cr 11,1).
k. Không biết thánh Phao-lô có ý nói đến một loại người khác với những người vừa được đề cập đến ở 3,2 hay không; vd: một số Ki-tô hữu chủ trương sống phóng túng... cũng có thể ở 3,2 và ở đây chỉ nhằm một đối tượng.
l. Chúa họ thờ là cái bụng. Không hẳn đã là những đam mê xác thịt thấp hèn; có lẽ bản văn nhằm chỉ về những luật lệ dạy kiêng kỵ đồ ăn thức uống. Đó là điều tôn giáo Do-thái coi trọng (x. Lv 11; Rm 14; 16,18).
m. Nếu cho rằng ở đây thánh Phao-lô nhằm cùng một đối tượng như ở 3,2 thì có thể bản văn ám chỉ việc cắt bì mà người Do-thái vẫn hãnh diện; nhưng nếu nhằm đối tượng khác thì ý nghĩa lại khác!
n. Quê hương chúng ta (x. 1,27). Đô thị của người tín hữu là nơi Chúa Ki-tô đang ngự trị (Cl 3,1-4). Các tín hữu mong chờ ngày Người từ đó trở lại (Cv 1,11; 3,21), để tỏ vinh quang và ban ơn cứu độ cho các tín hữu, đồng thời thiết lập Nước Thiên Chúa một cách vĩnh cửu (1 Cr 15,23-28).
o. ds... cũng từ đó chúng ta tha thiết mong chờ Đấng cứu độ là Chúa Giê-su Ki-tô.
p. ds: Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên đồng hình với thân xác vinh hiển của Người theo quyền năng mà Người có thể dùng để bắt cả muôn loài quy phục Người.