2. THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ CON NGƯỜI
Một khi nên công chính, con người được bảo đảm ơn cứu độ
1 Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.2 Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.3 Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;4 ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy.5 Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.6 Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.7 Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.8 Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.
A. CHÚNG TA ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI TỘI LỖI, SỰ CHẾT VÀ LỀ LUẬT
A-đam và Đức Ki-tô Giê-su
12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.
15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.16 Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính.17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.
18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.
20 Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.21 Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
k. X. 1,16+; 1,18+.
Khi Thiên Chúa biểu lộ sự công chính của Người bằng cách cứu con người ra khỏi tình trạng tuyệt vọng (1,18–3,20), không trừng phạt mà lại cho được tương quan tốt đẹp với Người, chỉ cần họ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, khi đó sự công chính của Người làm cho con người nên công chính và từ khi đó, con người đã đón nhận được ơn cứu độ mở đầu, chỉ còn chờ đợi ngày được ơn cứu độ hoàn toàn. Trong thời gian từ nay tới đó, đời sống người Ki-tô hữu là đời sống trong Thánh Thần (ch. 5-8).
l. 5,1-11 nêu đề tài: mọi ân huệ khác đều bắt đầu từ một ơn Thiên Chúa ban không: ơn được trở nên công chính.
m. Có cách dịch khác: chúng ta hãy sống hòa hợp; ds: chúng ta sống bình an. Bình an là một ân huệ hơn là một điều kiện tâm hồn phải có đối với Chúa (x. Lc 1,79; Ga 14,27; 20,19.21.26; Ep 2,17).
n. ds: cũng chính vì Người mà chúng ta vừa được tiến đến – nhờ đức tin – ân huệ mà chúng ta đang có, vừa được tự hào vì hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa: vừa được sống trong ân sủng vừa chờ đợi ngày được cứu độ hoàn toàn.
o. Nhiều bản dịch bỏ: qua đức tin.
p. Bản Phổ thông dịch:... vinh quang của con cái Thiên Chúa.
q. Gian truân. Theo thánh Phao-lô, đó là điều người tín hữu (x. Cv 11,19; 17,5-6; 2 Cr 1,4-5; Pl 4,14) phải đón nhận, khó tránh khỏi (x. Ga 16,33; Cv 14,22; 1 Tx 3,3). Đó là dấu hiệu thời cánh chung (x. Mt 24,9-28; Kh 1,9; 7,14).
r. ds cc. 3b-4: gian truân làm nên bền chí (x. 2,17), bền chí làm nên lão luyện, lão luyện làm nên hy vọng. – Kể là người trung kiên. ds: lão luyện, đã được thử thách; người hoặc vật đã được thử để biết chắc tính chất hoặc khả năng (x. 2 Cr 8,2; 1 Pr 1,6-7).
Chịu đựng. ds: bền chí, kiên trì.
s. Trông cậy như thế sẽ không phải thất vọng. ds: hy vọng không làm cho xấu hổ.
t. Chúa Thánh Thần hiện diện nơi chúng ta là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đồng thời Chúa Thánh Thần cũng giúp cho ta đáp trả tình yêu Thiên Chúa (x. Gl 4,6) và đối xử với anh em cũng bằng tình yêu ấy (x. Ga 14,26). Thánh Thần là tình yêu liên kết chúng ta với Thiên Chúa và với anh em.
u. Không có sức làm được gì. Không có trong bản văn, thêm vào cho dễ hiểu ý tưởng: chúng ta không thể tự giải thoát khỏi tội lỗi.
v. Đúng kỳ hạn: Thiên Chúa đã có một chương trình hành động để cứu độ con người, chứ không theo ngẫu hứng (x. Gl 4,4).
x. ds: Nhưng Thiên Chúa đã chứng tỏ lòng yêu thương của Người đối với chúng ta: ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta.
y. ds: ngay lúc chúng ta còn là những thù địch.
a. Ngay từ bây giờ người tín hữu đã được Thiên Chúa cho nên công chính (c. 9), được hòa giải với Người (c. 10) nhờ Đức Ki-tô đã chết và phục sinh (c. 10), nhưng vẫn còn hy vọng ơn cứu thoát trọn vẹn Thiên Chúa sẽ thực hiện trong tương lai (cc 9-10). Rm 5,9-11 = Rm 5,2 = Rm 8,11.
b. ds:... chúng ta còn tự hào trong Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, nhờ Người, (ngay từ) bây giờ, chúng ta đã lãnh nhận ơn hòa giải: không phải chỉ chờ đợi Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ trong tương lai, mà ngay từ bây giờ đã được hãnh diện trong Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được ơn cứu độ.
c. Thánh Phao-lô lý luận ngược trở về quá khứ để đối chọi giữa A-đam với Đức Ki-tô, giữa sự chết và sự sống, giữa Lề Luật và ân sủng, giữa tội lỗi và ơn được nên công chính. Người muốn chứng minh rằng thời kỳ cứu độ đã bắt đầu với con người và việc làm của Đức Ki-tô, vượt tất cả những gì trong quá khứ. Lề Luật thuộc về thời quá khứ, không còn vai trò gì trong công cuộc cứu độ.
d. Rm 5,12-21 so sánh Đức Ki-tô với A-đam và cho thấy Đức Ki-tô trổi vượt A-đam. A-đam là căn nguyên của tội lỗi, Đức Ki-tô là nguồn mạch sự sống và ơn được nên công chính. Rm 5,12-21 là một loạt những đối chọi giữa hai nhân vật A-đam và Đức Giê-su: tội của A-đam, ân sủng của Đức Giê-su (c. 15); án xử đưa đến án phạt, ân sủng ban cho được nên công chính (c. 16); tội của A-đam làm cho sự chết thống trị; ơn được nên công chính cho những ai đã lãnh nhận được thống trị (c. 17); tội của một người sinh ra án phạt, việc làm của một người đem lại ơn được nên công chính (c. 18); sự bất tuân tạo ra các tội nhân, sự tuân phục tạo nên những người công chính, tội gia tăng, thống trị và đem lại sự chết, ân sủng thống trị bởi sự công chính và chuẩn bị được sống vĩnh cửu (c. 20-21).
đ. Cách dùng chữ tội lỗi và sự chết cho phép hiểu thánh Phao-lô nhân cách hóa tội lỗi và sự chết thành một sức lực xấu hoạt động trong trần gian nhằm làm cho con người xa cách Thiên Chúa, đưa con người đến chỗ đối nghịch với Thiên Chúa và vì thế sinh ra sự chết về phương diện thiêng liêng mà cái chết về thể lý là dấu hiệu.
e. Có nhiều cách giải thích một chữ trong bản văn Hy-lạp: 1) trong đó mọi người đã phạm tội, nghĩa là trong tội của A-đam (các bản dịch La-tinh và các nhà thần học từ thánh Augustinô đến Ca-gi-tan theo cách này); 2) vì ông (ông A-đam) mà mọi người đã phạm tội (một số giáo phụ Hy-lạp); 3) bởi vì (nhiều giáo phụ Hy-lạp và các nhà chú giải hiện nay)... Ý nghĩa chung: quyền lực tội lỗi vào trần gian qua tội A-đam, tội đầu tiên. Qua đó sự chết lan tràn tới mọi người vì các tội riêng của họ. Các tội riêng đó xác nhận rằng tội A-đam đã tràn tới họ. Giáo lý về tội nguyên tổ.
g. Trước khi có Lề Luật. ds: cho đến Lề Luật. Nghĩa là từ A-đam cho đến Mô-sê.
h. Cc. 13-14 xác quyết rằng: nếu những người sống trong khoảng thời gian từ ông A-đam đến ông Mô-sê đều ở dưới quyền thống trị của sự chết, thì đó là do hậu quả đương nhiên của tội: tội của A-đam ảnh hưởng đến tất cả nhân loại, giam hãm nhân loại trong thế lực của sự chết cho tới ngày Đức Ki-tô đến (x. Rm 11,32; Gl 3,22).
i. Hình ảnh: mẫu tương tự nhưng không hoàn toàn: A-đam là người đầu tiên; Đức Ki-tô là trưởng tử trong mọi loài thụ tạo (Cl 1,15; x. Rm 8,29). A-đam khai sinh chế độ tội lỗi và sự chết; Đức Ki-tô mở đầu chế độ ân sủng. Cc. 13-14 xen giữa c. 12 và 15, hai câu đặt tương phản giữa A-đam với Đức Ki-tô.
k. ds: Nhưng không phải sự sa ngã như thế n��o thì ân huệ cũng như vậy: ý nói hiệu quả của ân huệ Thiên Chúa ban vượt quá hậu quả do sự sa ngã, tội lỗi gây nên.
l. Tất cả c. 17 chỉ là một câu văn. ds: Nếu vì sự sa ngã của một người, sự chết đã thống trị, nhờ một người, thì những người đón nhận ân sủng dồi dào và ơn được nên công chính sẽ được thống trị trong sự sống nhờ một người là Đức Giê-su Ki-tô.
m. Thánh Phao-lô trở lại với so sánh đã bắt đầu ở c. 12.
n. X. c. 17; căn cứ vào 5,1 cho phép hiểu ở đây là tình trạng hiện tại của người Ki-tô hữu khi đã được Thiên Chúa cho nên công chính nhờ phép thánh tẩy, cũng có thể hiểu về ngày chung thẩm, khi Đức Ki-tô đến, hướng về đó như một mong ước được hoàn tất trọn vẹn, chứ không phải lúc đó mới được trở nên công chính.
o. Cc. 20-21 giải thích vị trí của Luật (chỉ về toàn thể chế độ Luật Mô-sê) trong thời gian giữa A-đam và Đức Ki-tô: Lề Luật làm cho con người, trong một giai đoạn lịch sử, nhận thấy mình yếu đuối, nhưng không cho con người sức để lướt thắng.
p.... bằng cách làm cho con người phải chết. ds: bằng (trong) sự chết.