Người tín hữu được giải thoát khỏi Lề Luật
1 Thưa anh em, –tôi nói đây là nói với những người biết Luật – anh em không biết điều này sao: Luật chỉ có hiệu lực đối với người ta, bao lâu người ta còn sống?2 Tỉ dụ như người đàn bà có chồng, thì luật buộc theo chồng bao lâu chồng còn sống. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ không còn bị luật ràng buộc với chồng nữa.3 Vậy bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa, và có đi lấy người khác, cũng không phải là ngoại tình.4 Đối với anh em cũng thế. Bởi được liên kết với thân thể Đức Ki-tô, anh em đã chết đối với Luật Mô-sê. Giờ đây, anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Đấng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, để chúng ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.5 Vì trước đây, khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết.6 Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật.
Vai trò của Lề Luật
7 Vậy phải nói sao? Lề Luật là tội chăng? Không phải thế! Nhưng tôi đã chẳng biết tội là gì nếu không có Lề Luật. Thật vậy, tôi đã chẳng biết ham muốn là gì, nếu Luật không dạy: Ngươi không được ham muốn.8 Tội đã thừa cơ, dùng điều răn mà làm nảy sinh trong tôi đủ thứ ham muốn. Thật vậy, không có Lề Luật thì tội đã chết rồi.
9 Xưa kia, không có Luật thì tôi sống; nhưng từ khi có điều răn thì tội bắt đầu sống,10 còn tôi thì chết. Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết.11 Quả thế, tội đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ tôi và cũng dùng điều răn đó để giết tôi.
12 Như vậy, Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt.13 Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó.
Cuộc chiến đấu nội tâm
14 Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi.15 Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.16 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt.17 Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.
21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.
24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!
Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.
n. Thánh Phao-lô đề cập đến một đề tài trước đây người đã nhiều lần nhắc đến (3,20; 4,15; 5,20; 6,14): người Ki-tô hữu được giải thoát khỏi Lề Luật.
o. Ở đây không hiểu về Luật Mô-sê, nhưng nói chung về luật lệ; người Rô-ma nổi tiếng về sự hiểu biết và việc ấn định luật pháp. Thánh Phao-lô dùng khoản hôn nhân để soi sáng điều người muốn nói, có lẽ bởi vì luật này được thế giới văn minh lúc đó nhìn nhận.
p. Có thể hiểu: 1) người đàn bà bị ràng buộc với chồng do khoản luật đòi buộc; hoặc 2) người đàn bà phải ràng buộc với khoản luật bao lâu chồng còn sống. Có lẽ cách hiểu 1) có lý hơn.
q. Đối với anh em cũng thế. ds: cũng thế, thưa anh em.
r. Bởi được liên kết với thân thể Đức Ki-tô... ds:... anh em đã chết đối với Luật, nhờ thân thể Đức Ki-tô. Áp dụng ví dụ ở cc. 1-4 vào trường hợp người Ki-tô hữu: vì được liên kết với thân thể đã chết và phục sinh của Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu được giải thoát khỏi tội lỗi (chương 6) thế nào, thì cũng được giải thoát khỏi Lề Luật như thế.
s. Khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối. ds: khi chúng ta còn sống trong xác thịt. Xác thịt ở đây được hiểu là nơi đam mê và tội lỗi cư ngụ (x. Rm 7,5.14.18.25; Gl 5,13.19; Ep 2,3; Cl 2,13...) đến độ được coi như là một lực đối nghịch với tinh thần, Thần Khí (x. Rm 8,7 tt; Ga 5,16 tt).
t. Cc. 7-14 sẽ giải thích công thức này.
u. ... cái vẫn giam hãm chúng ta...: có thể hiểu về Lề Luật hoặc về xác thịt, tức là con người cũ.
v. ... theo tinh thần mới, chứ không theo bản văn cũ của Lề Luật. ds: trong sự mới mẻ của Thần Khí chứ không phải trong sự cũ kỹ của chữ viết. Thánh Phao-lô loan báo đề tài sẽ được khai triển ở ch. 8 (giống như Rm 6,14 với ch. 7).
x. Tuy không nói rõ, nhưng thánh Phao-lô muốn ám chỉ ông A-đam và bà E-và cùng với câu chuyện trong St 2–3: hai ông bà đang sống thân mật với Thiên Chúa, bấy giờ tội lỗi đến qua việc con rắn dùng lệnh truyền để khơi lên lòng ham muốn nơi bà E-và. Cuối cùng là cái chết vì tội bất tuân. Ở đây (Rm 7,7-11) cũng như trong Sáng thế, tôi tượng trưng cho một nhân vật điển hình trong nhân loại, một lệnh truyền cụ thể, một tội được nhân cách hóa.
y. Tội được nhân cách hóa, ví như một nguyên nhân ngoại tại, đã khơi dậy ý thức về một lệnh truyền, và tạo nên ham muốn (x. St 3,1-7), rồi trở thành nguyên nhân nội tại hoành hành bên trong con người, phân rẽ con người với nguồn mạch sự sống là Thiên Chúa.
a. Có lẽ thánh Phao-lô nghĩ về thời gian trước khi tội xâm nhập con người: không có Luật bởi vì luật, điều răn chính là sức mạnh nội tại (x. Gl 5,18; Rm 8,14); chỉ đến lúc luật, xét như một nguyên nhân bên ngoài được đặt vào ý thức con người, bấy giờ tội mới có cơ hội để hoạt động. Cái quỷ quyệt của Con Rắn là làm cho bà E-và coi sự tuân phục Thiên Chúa (lệnh cấm ăn trái) như là cái gì áp đặt từ bên ngoài.
b. Kiểu nói trong St 3,13: tội – cũng giống như con rắn trong St 3 – đặt con người trước một lệnh truyền để phải lựa chọn và đã khiến con người lựa chọn sự chết đang khi Thiên Chúa muốn cho con người sống.
c. Rm 7,14-25 nói lên tình trạng bi thảm của con người dưới sự thống trị của tội trước khi được Thiên Chúa cho trở nên công chính. Ch. 8 mới nói đến tình trạng người Ki-tô hữu khi đã được trở nên công chính rồi. Một cách nào đó cũng có thể hiểu Rm 7,14-25 về thân phận của người Ki-tô hữu ở trần gian này (x. Gl 5,17-25).
d. Thánh Phao-lô không chủ ý chối trách nhiệm cá nhân của mỗi người đối với điều lành điều dữ (x. Gl 2,20). Ở đây, người đang đặt vấn đề ở một phạm vi cao hơn và tổng quát hơn.
đ. Luật này: sự kiện thường xảy ra, kinh nghiệm nhận thấy.
e. Con người nội tâm: ở đây không hiểu về con người đã được Thần Khí đổi mới (x. Ep 2,15; 3,16; 2 Cr 4,16; Gl 3,27; Rm 13,14), nhưng hiểu như là một phần trong con người cũ, con người tội lỗi vẫn còn khả năng nhận biết nhưng không đủ khả năng lướt thắng tội.
g. Có bản viết: luật của lý trí.
h. Các chi thể của tôi: nghĩa là toàn thể con người của tôi. Tất cả con người đều bị tội thống trị.
i. Thân xác phải chết: tức là cái tôi đã bị tội lỗi thống trị và đưa đến sự chết (x. Rm 7,7-25).
k. Câu dặm thêm, lẽ ra phải ở trước c. 24. Nhưng đó chỉ là phóng đoán!