Bài 5. Phụng vụ Thánh lễ
“Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-24).
Khi cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh không làm gì khác hơn là tuân theo lệnh truyền của Chúa: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Kinh nguyện Thánh Thể)
I. BỮA ĂN CỦA CHÚA
Ăn uống là chuyện tự nhiên nhưng nó cũng bao hàm những tương quan xã hội và những cách hành xử mang ít nhiều tính nghi lễ. Ăn uống không phải chỉ cho thể xác được ăn no uống say mà nó còn mang một ý nghĩa đối với tâm trí con người, vượt ra ngoài tầm thể lý.
Khi để lại cho con người một Bí tích về hy tế Vượt Qua của mình, Đức Giê-su đã chọn nghi thức một bữa ăn mà các tín hữu tiên khởi đã quen gọi là ‘bữa ăn của Chúa’ hay còn gọi là ‘nghi thức bẻ bánh’. Các Ki-tô hữu tiên khởi đã thực hiện điều Chúa dạy trong khuôn khổ của một bữa ăn huynh đệ và bác ái, và họ gọi đó là bữa ăn của Chúa (1 Cr 11,20). Trong bữa ăn huynh đệ ấy, họ đã làm cử chỉ bẻ bánh của Chúa: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” (Kinh nguyện Thánh Thể). Mặc dù Tân Ước không nói rõ, nhưng hình như ‘việc bẻ bánh’, tên gọi của Bí tích Thánh Thể, đã được cử hành đều đặn mỗi ngày Chúa Nhật.
“Trong ngày người ta gọi là ngày của mặt trời (ngày Chúa Nhật), tất cả mọi người ở thành thị cũng như ở thôn quê đều hội họp lại ở một nơi. Người ta đọc hồi ký của các tông đồ và các bài viết của các ngôn sứ, tuỳ theo thời gian cho phép. Đọc sách xong, vị chủ tọa lên tiếng và khuyên nhủ mọi người, hãy bắt chước các lời giáo huấn tốt lành đó. Sau đó tất cả chúng tôi đứng lên, và cùng nhau cầu nguyện lớn tiếng. Rồi, như chúng tôi đã nói, khi cầu nguyện xong, người ta mang tới bánh mì, rượu nho và nước. Vị chủ toạ dâng lên Chúa những lời cầu nguyện và cảm tạ tuỳ sức của ngài, và tất cả dân chúng đáp lại bằng lời hô lớn: Amen. Sau đó là việc phân phối, và chia phần các thức ăn đã được thánh hiến của mỗi người, và gửi phần cho các người vắng mặt, nhờ thừa tác vụ của các phó tế” (Hộ Giáo I, 67).
Đoạn sách biện giáo của thánh Giustinô gửi lên hoàng đế An-tô-ni-ô Đạo Đức ở thế kỷ thứ hai (năm 150) đã miêu tả cho chúng ta thấy sự liên tục từ ‘bữa ăn của Chúa’ đến Thánh lễ của Hội Thánh ngày hôm nay.
II. NGHI THỨC ĐẦU LỄ
“Các nghi thức trước Phụng vụ Lời Chúa, tức là ca nhập lễ, lời chào, nghi thức sám hối, kinh Lạy Cha, xin thương xót, kinh Vinh Danh và lời nguyện nhập lễ đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị. Mục đích các nghi lễ này là giúp cho các tín hữu đã tập hợp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để nghe Lời Chúa cho nghiêm chỉnh và để cử hành Thánh Lễ cho xứng đáng” (QCTQ 46).
1. Ca nhập lễ
Các bài tường thuật về việc tập họp khi cử hành nghi lễ bẻ bánh trong những thế kỷ đầu dường như chưa có nghi thức rõ ràng. Lý do là vì các tín hữu thời ấy còn cử hành Thánh Thể tại gia, và vì Hội Thánh chưa được tự do nên chưa thể tổ chức những nghi thức đầu lễ như sau này. Theo như thánh Giustinô (thế kỷ II) thì cộng đoàn Phụng vụ bắt đầu ngay bằng việc đọc Thánh Kinh.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ tư trở đi, đã thấy xuất hiện thói quen hát Thánh Vịnh như mở đầu cho việc tập họp cộng đoàn Phụng vụ, hoặc mở đầu bằng cuộc kiệu sách Phúc Âm và rước Giám mục bằng cách hát xướng Thánh Vịnh và dân chúng lập lại các điệp khúc. Đây là hình thức ban đầu của ca nhập lễ với màu sắc hân hoan đón chào Chúa hiện diện giữa cộng đoàn, đặc biệt qua vị chủ sự và các thừa tác viên của cộng đoàn.
Phần tập họp cộng đoàn này có hai yếu tố chính:
- Cuộc rước đầu lễ có bài ca đi kèm, tức ca nhập lễ, được thực thi dưới hai hình thức: rước trọng thể và rước đơn giản.
Rước trọng thể có người cầm hương lửa đi đầu rồi đến thánh giá nến cao, các thừa tác viên không có chức thánh, Phó tế mang sách Phúc Âm chứ không phải sách bài đọc (hoặc một linh mục đồng tế, hoặc thừa tác viên đọc sách hay giúp lễ vì luật Phụng vụ không dự trù cho giáo dân mang sách Phúc Âm (QCTQ 120d, 173, 194); sách Phúc Âm được rước sẽ đặt trên bàn thờ, và khi công bố Tin Mừng thì phó tế hoặc linh mục rước từ bàn thờ đến giảng đài), các phó tế, các linh mục đồng tế và cuối cùng là chủ tế có giúp lễ theo sau (trong bất cứ cuộc rước nào cũng không được thiếu thánh giá đèn hầu; khi rước kiệu ngày Chúa Nhật lễ Lá thì chủ tế sẽ đi ngay sau thánh giá đèn hầu rồi đến các thừa tác viên khác và cộng đồng).
Còn rước đơn giản là khi dân chúng đã tập họp thì giúp lễ và chủ tế tiến ra giữa nhà thờ, bái chào rồi hôn bàn thờ (không cần thánh giá và hương nến).
Khi chủ tế tiến ra là đã hát ca nhập lễ, nếu không hát thì đọc ca nhập lễ được in trong Sách Lễ Rô-ma. Có thể dùng Thánh Vịnh hoặc một bài thánh ca nào đó phù hợp với cử hành Phụng vụ, với tính chất của ngày lễ, hay mùa Phụng vụ. Mục đích của bài ca nhập lễ là tập họp cho nên khi cuộc rước đã hoàn tất thì không nên kéo dài bài hát. Tất cả các bài hát muốn được sử dụng trong Thánh lễ hay nói chung trong các cử hành Phụng vụ phải được thầm quyền của Hội Thánh phê chuẩn.
- Cử chỉ chào kính đầu lễ: trước hết là cử chỉ tôn kính đối với Chúa Ki-tô qua việc chủ tế cúi mình chào và hôn kính bàn thờ, rồi chào chúc cộng đoàn qua dấu thánh giá và câu đối đáp đưa cộng đoàn vào mầu nhiệm sắp cử hành trong tương quan với các ý lễ và các biến cố của cuộc sống. Các cử chỉ này tạo nên mối hiệp nhất của cộng đoàn được Thiên Chúa quy tụ.
2. Nghi thức sám hối
Nghi thức sám hối bao gồm kinh Thú Nhận và kinh Thương Xót. Phần sám hối này không chú trọng vào việc xét mình tỉ mỉ như khi lãnh nhận Bí tích thống hối cộng đồng, mà chỉ nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su Ki-tô, đặt niềm cậy trông và xin thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng tham dự vào cử hành Thánh lễ.
“Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của Bí tích thống hối. Vào ngày Chúa Nhật, nhất là trong mùa Phục sinh, thay vì nghi thức thống hối thường lệ, thỉnh thoảng nên làm phép và rẩy nước thánh để nhớ lại phép Rửa” (QCTQ 51).
Sau nghi thức sám hối là kinh Thương Xót, trừ khi kinh này đã dùng trong phần sám hối. Phụng vụ ngày nay cũng bỏ kinh Thú Nhận và kinh Thương Xót khi Thánh Lễ đã được khởi đầu bằng một nghi thức Phụng vụ, chẳng hạn sau cuộc rước Lễ Lá, sau nghi thức rảy nước thánh, khi kết hợp với một giờ kinh Phụng vụ, hay vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh,... hoặc thay bằng những lời kêu cầu Chúa Ki-tô (x. Sách ễ Rô-ma trang 566).
3. Kinh Vinh Danh
Kinh Vinh Danh là một trong những bài hát cổ xưa của Hội Thánh thời kỳ đầu, và hiện nay được hát trong các Chúa Nhật ngoài mùa Vọng và mùa Chay, cũng như trong các lễ trọng, lễ kính và các dịp lễ đặc biệt. Kinh Vinh Danh chỉ cấm vào các Chúa Nhật mùa Vọng và mùa Chay, nhưng khi các lễ trọng và lễ kính trùng vào mùa này thì vẫn hát như thường lệ, đang khi câu tung hô Alleluia bị cấm cả ở những lễ trọng và lễ kính nằm trong mùa Chay (chỉ đọc câu tiền xướng trước Phúc Âm mà không có câu Alleluia; QCTQ 62).
4. Lời nguyện nhập lễ
Lời nguyện này có tính lịch sử lâu dài vì ngày xưa, khi chưa thành hình nghi thức sám hối và kinh Vinh Danh, thì vị chủ tế đã luôn khởi đầu cử hành Phụng vụ bằng một lời nguyện để tập họp cộng đoàn và dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa. Lời nguyện nhập lễ hôm nay được gọi là lời tổng nguyện, diễn tả đặc tính của từng buổi lễ.
Lời tổng nguyện mang đậm nét Ba Ngôi, thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô trong Chúa Thánh Thần.
Có ba yếu tố căn bản sau đây:
- Lời mời gọi cầu nguyện: “Chúng ta hãy...”
- Giây phút thinh lặng để hiệp ý với chủ tế.
- Lời nguyện có ba phần: tung hô phẩm tính của Chúa, lời chúc tụng hay tâm tình nài xin, và câu kết dài.
Câu đáp “AMEN” được sử dụng trong Phụng vụ thường mang hai ý nghĩa:
- Diễn tả một ước muốn nguyện xin, chấp thuận và tán thành một lời cầu nguyện hay một việc làm nào đó vừa được thực hiện để nói lên niềm tin tưởng cậy trông hoặc chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa đã hoặc sẽ thực hiện điều con người khẩn nài.
- Diễn tả đức tin của tín hữu trước một cử hành vừa được thực hiện, chẳng hạn trước khi rước lễ: Tôi tin thật Chúa Ki-tô đang hiện diện trong hình bánh thánh và tôi đón rước Chúa ngự vào lòng; hoặc khi kết thúc dấu thánh giá hoặc kinh Tin Kính; và như vậy, Amen có nghĩa là lời tuyên xưng đức tin.
Luật Phụng vụ chỉ cho phép chủ tế đọc hoặc chọn đọc một trong các lời tổng nguyện, chứ không được phép phối hợp hay thay đổi lời nguyện đã được Hội Thánh quy định (QCTQ 54: “trong Thánh lễ luôn luôn chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ”).
III. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Phụng vụ Lời Chúa bắt nguồn từ thực hành của Dân Chúa trong thời Cựu Ước. Chúa Giê-su đã tham dự hoặc đã đọc và giải thích Thánh Kinh tại các hội đường Do-thái (Lc 4,16). Các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi cũng đã tham dự các buổi hội họp ở hội đường Do-thái; và rồi hình thành Phụng vụ Lời Chúa cho riêng mình theo cách thế của người Do-thái nhưng dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Phần Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ bài đọc Thánh Kinh thứ nhất, và kết thúc khi đọc xong lời nguyện tín hữu.
1. Các bài đọc Thánh Kinh
Công đồng Va-ti-ca-nô II khi canh tân Thánh lễ đã nhắm ý hướng: “Mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa, để trong một khoảng thời gian nhất định, dân Chúa sẽ được nghe những phần Kinh Thánh quan trọng” (PV 51). Vì không thể đọc hết các bản văn Thánh Kinh quan trọng trong một năm nên Phụng vụ Lời Chúa được chia thành chu kỳ 3 năm A-B-C, còn ngày thường của mùa thường niên được chia thành hai năm chẵn và lẻ (năm I và năm II).
Việc sắp xếp năm A, B hay C của ngày Chúa Nhật không nhất thiết phải theo một chủ đề. Bài đọc một thường rút ra từ Cựu Ước sao cho phù hợp với bài Tin Mừng lễ hôm đó (trừ mùa Phục sinh đọc sách Công Vụ). Bài đọc hai được chọn từ các thư Tân Ước và không nhất thiết phải trùng hợp ý tưởng với bài Tin Mừng. Còn bài đọc ba bao giờ cũng được rút ra từ một trong bốn sách Tin Mừng. Các bài Tin Mừng được chọn để nói lên ý nghĩa của ngày lễ hay mùa Phụng vụ, còn trong các Chúa Nhật thường niên thì đọc theo thứ tự.
Việc đọc các bài Thánh Kinh chiếm một chỗ quan trọng trong các buổi cử hành Phụng vụ, vì thế cần phải công bố Lời Chúa tại giảng đài, một vị trí mà mọi người đều có thể nhìn thấy. Sang thời Trung Cổ, linh mục đọc Sách Thánh ở bên trái bàn thờ rồi sang bên phải bàn thờ để đọc bài Tin Mừng, còn bài giảng sẽ được giảng giải ở một chỗ riêng giữa lòng nhà thờ và tách rời khỏi Thánh lễ. Trong khi đọc lời nguyện nhập lễ, không nên di chuyển, chỉ đến khi đọc câu kết “Chúng con cầu xin...” mới đi lên đọc Sách Thánh.
Bài đọc 1 và 2 không có vị trí nổi bật như bài Tin Mừng nên mọi người ngồi khi nghe đọc hai bài Sách Thánh này, và việc công bố cũng không trang trọng như bài Tin Mừng. Vì thế không được đề cao hai bài đọc này bằng cách áp dụng những nghi thức dành cho bài Tin Mừng, như bắt mọi người đứng nghe, hoặc một người đọc và một người đứng bên cạnh chờ hát đáp ca, hoặc chú rể đọc thì cô dâu đứng hầu bên cạnh; cũng không được giơ cao sách bài đọc như kiểu rước sách từ chỗ ngồi của người đọc lên giảng đài; hoặc từ một chỗ để sẵn ở cung thánh xuống giảng đài (QCTQ 120); cũng không được chia vai để đọc các bài Thánh Kinh, trừ bài Thương Khó trong Tuần Thánh; cũng không được công bố hai bài Sách Thánh này ở một giảng đài khác với giảng đài công bố bài Phúc Âm. Thái độ đúng đắn nhất khi nghe các bài Sách Thánh là im lặng nghe một người thay mặt cộng đoàn công bố, chứ không phải làm cho sinh động như một màn trình diễn.
Mỗi nhà thờ phải có một giảng đài cố định (tòa Phúc Âm không xê dịch như kiểu một giá sách), khác với bàn thờ và ghế chủ sự, có một vị trí trang trọng để công bố Lời Chúa (chung cho cả ba bài đọc). Để tôn trọng Lời Chúa, giảng đài chỉ dành riêng cho việc công bố Lời Chúa, hát Thánh vịnh đáp ca, công bố Tin Mừng Phục sinh, và xướng các ý nguyện chung (không được sử dụng tòa Phúc Âm để dẫn lễ, tập hát, thông báo,... ) (QCTQ 309).
Lời dẫn vào các bài đọc tuy không thuộc thành phần của Thánh lễ nhưng cũng được phép làm để giúp cộng đoàn hiểu một số ý chính của bài đọc sắp nghe. Tuy nhiên lời dẫn phải vắn tắt, không được phép dài hơn bài đọc, chỉ cần nêu lên một hai ý chính để chuẩn bị người nghe, và tránh kiểu nói huấn dụ như một bài giảng hay bài suy niệm (bài Tin Mừng không cần phải có lời dẫn).
2. Đáp ca
“Khi nghe các bài Sách Thánh là Thiên Chúa nói với dân của Người, và đáp lại Thiên Chúa bằng tiếng hát lời kinh” (PV 33). Thánh Vịnh đáp ca là lời đáp trả của con người sau khi nghe Chúa nói qua các bài đọc, vì thế các Thánh Vịnh này đã được Hội Thánh chọn lựa sao cho phù hợp với bài Sách Thánh vừa đọc. Dùng chính Lời Chúa để thưa lại với Chúa là xứng đáng và vui lòng Chúa nhất. Vì thế không ai được phép thay thế đáp ca bằng một bài hát nào không phải là Thánh Vịnh; và cũng chỉ nên thay thế bằng các Thánh Vịnh mà sách bài đọc đã chọn sẵn để thay đổi.
Cách đọc hay hát Thánh Vịnh đáp ca thông thường là một người hát một số câu rồi cộng đoàn đáp lại bằng một điệp ca ngắn. Người hát sẽ đứng ở toà giảng hay một nơi nào thuận tiện trước công chúng.
3. Lời tung hô trước Phúc Âm
Alleluia là tiếng Do Thái, có nghĩa là hãy chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa. Nguyên thuỷ, Phụng vụ dùng từ Alleluia để diễn tả đặc tính hân hoan trước khi nghe bài Tin Mừng, trong khi Phó tế rước sách Tin Mừng thì người ta lập lại nhiều lần tiếng Alleluia. Về sau người ta thêm vào một câu ca quy hướng về bài Tin Mừng sắp nghe đọc.
Alleluia được phép đọc hay hát vào các mùa Phụng vụ, trừ mùa Chay (QCTQ 62). Bởi thế,các lễ trọng nào rơi vào mùa Chay cũng không được phép đọc hay hát Alleluia (như lễ Thánh Giu-se, lễ Truyền Tin: có kinh Vinh Danh nhưng không hát hay đọc Alleluia). Vào mùa Chay, lời tung hô Alleluia được thay thế bằng một tiền xướng Phúc Âm. Vì Alleluia và câu xướng có ý nghĩa đi kèm với cuộc rước sách Phúc Âm, nên cần lập lại nhiều lần câu xướng hoặc chỉ lập lại tiếng Alleluia cho đến khi sách Phúc Âm đã được rước tới giảng đài.
Trong trường hợp chỉ có một bài đọc trước bài Tin Mừng thì “Alleluia hay câu trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ” (QCTQ 63c). “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục sinh và Hiện Xuống thì được tuỳ ý, và được hát sau Alleluia” (QCTQ 64)
4. Bài Phúc Âm
Sách Phúc Âm được tôn kính như chính Chúa Ki-tô, và từ rất sớm, đã hình thành việc rước sách Phúc Âm như là rước Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa, và chỉ những người có chức thánh mới được quyền công bố Tin Mừng (trừ bài thương khó, ca viên có thể đảm nhận vai người kể và vai phụ). Luật Phụng vụ không cho phép cộng đoàn cầm sách theo dõi hoặc cùng đọc với linh mục, cũng không được phép cho giáo dân đọc lại sau khi linh mục đã đọc.
Trước khi công bố Tin Mừng, có lời chúc “Chúa ở cùng anh chị em” để nhấn mạnh chính Chúa đang nói trong Thánh lễ, và mọi người ghi dấu thánh giá trên mình. Khi vẽ dấu thánh giá trên trán, chúng ta xin Chúa mở trí để hiểu Lời Chúa; trên miệng để xin Chúa mở miệng chúng ta biết nói lời của Chúa; và trên ngực để xin Chúa mở lòng chúng ta biết yêu mến Lời Chúa. Bởi lẽ chúng ta không thể hiểu Lời Chúa theo thánh ý của Thiên Chúa và đúng như truyền thống của Hội Thánh nếu Chúa không soi sáng. Chúng ta có khuynh hướng hay nói theo ý riêng mình nên dễ làm mất lòng nhau, còn Lời Chúa là lời tốt đẹp, là lời chân thực nên Chúa có uốn nắn thì chúng ta mới nói theo Lời Chúa. Chúng ta không thể làm theo Lời Chúa nếu Lời Chúa không xuất phát từ cõi lòng nên chúng ta phải xin Chúa mở lòng để yêu mến và cất giữ Lời Chúa tận trong trái tim. Việc mọi người hướng nhìn về toà Phúc Âm, việc xông hương, cũng như lời tung hô của người nghe và cử chỉ hôn kính sách Phúc Âm của người đọc đều nói lên những tâm tình tôn kính đó.
5. Bài diễn giảng
Việc diễn giảng trong cử hành Phụng vụ chỉ dành riêng cho những người có chức thánh, dù người đó chủ tế hay giúp lễ, đồng tế hay không đồng tế vẫn có thể giảng trong Thánh lễ; không có việc chia sẻ theo nhóm ở trong Thánh lễ.
Nội dung của bài giảng là “diễn giải một hoặc các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần thường lễ hay phần riêng của Thánh lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của thính giả” (QCTQ 65).
Bài giảng là một thành phần của Thánh lễ và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu (QCTQ 65). Đây không phải là phần nhiệm ý nhưng là quy định của Hội Thánh phải diễn giảng trong các ngày Chúa Nhật và lễ buộc khi có đông giáo dân tham dự (QCTQ 66).
Bài Tin Mừng luôn luôn phải công bố ở Toà Phúc Âm, còn bài giảng có thể thực hiện ở ghế chủ sự hay một chỗ khác. Ngày xưa vì cử hành Thánh lễ bằng tiếng La-tinh nên bài giảng đã bị đưa ra sau Thánh lễ và diễn giảng tại toà giảng ở giữa nhà thờ nơi một bục cao.
6. Kinh Tin Kính
Kinh Tin Kính là lời tuyên xưng đức tin để đáp lại Lời Chúa vừa được loan báo và diễn giải trong các Thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng. Lời kinh thuộc ngôi thứ nhất số ít, nhưng lại được cộng đoàn đọc hay hát để nhấn mạnh đức tin đòi hỏi ý thức dấn thân của mỗi người. Kinh Tin Kính thường dùng trong Thánh lễ là bản kinh của công đồng Nixêa-Constantinôpôli (Nicée-Constantinople) (thế kỷ IV), nhưng vẫn có thể thay thế bằng kinh Tin Kính của các tông đồ, hoặc dùng công thức tuyên xưng đức tin của Bí tích Thánh Tẩy trong đêm Vọng Phục sinh.
7. Lời nguyện tín hữu
Công đồng Va-ti-ca-nô II đã tái lập lại lời nguyện chung này trong các Thánh lễ Chúa Nhật, lễ trọng và các lễ đặc biệt. Sau phần gợi ý cầu nguyện của chủ tế là phần xướng các ý nguyện do phó tế (ưu tiên số một) hay một ai đó xướng tại giảng đài hay một nơi nào đó thích hợp, hoặc phân chia cho nhiều người đọc.
Thứ tự những ý nguyện thường là:
- Cho các nhu cầu của Hội Thánh.
- Cho chính quyền và thế giới.
- Cho một hạng người, hay một trường hợp đặc biệt.
- Cho cộng đoàn địa phương (QCTQ 70).
Các ý nguyện khác với lời nguyện, vì ý nguyện chỉ là câu gợi ý cho cộng đoàn cầu nguyện, còn lời nguyện là do chủ tế cầu nguyện nhân danh cộng đoàn. Vì thế, không nên khởi đầu bằng câu “Lạy Chúa”, làm thế sẽ lẫn lộn với lời cầu nguyện của chủ tế.
Có thể nêu trực tiếp, chẳng hạn: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho...”; hoặc nêu lý do rồi mới mời gọi cầu nguyện: “Thiên Chúa là đấng chậm bất bình và giàu lòng thương xót. Chúng ta hãy cầu nguyện cho... ; Chúng ta chúc tụng Chúa..., xin cho...”.
Nói chung mỗi ý nguyện phải ngắn gọn, dễ hiểu và cầu xin một ý thôi. Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn biểu lộ sự đồng tình bằng một câu đáp chung hay cầu nguyện trong thinh lặng (QCTQ 71). Lời nguyện kết của chủ tế là lời xưng hô với Chúa Cha hoặc Chúa Giê-su, (không xưng hô với Đức Mẹ hay các thánh) rồi lời nài xin và câu kết ngắn.
IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
Phụng Vụ Thánh Thể liên kết với Phụng vụ Lời Chúa để làm nên một cử hành phụng tự duy nhất. Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ việc chuẩn bị lễ vật đến hết lời nguyện hiệp lễ, và có ba phần rõ rệt:
1. Chuẩn bị lễ vật
1.1. Xin lễ kèm theo bổng lễ
Truyền thống của Hội Thánh tiên khởi là Dân Chúa đem đến của lễ vừa để cử hành Thánh Thể, vừa để trợ giúp Hội Thánh, đặc biệt là những người nghèo. Dần dà ý tưởng dâng lễ vật trong Thánh lễ an táng đã dẫn đến việc xin lễ cầu nguyện theo ý chỉ rõ rệt và có kèm theo bổng lễ. Hội Thánh đã nhìn nhận tập tục xin lễ như để góp phần vào sinh hoạt của Hội Thánh và trợ giúp linh mục:
“Theo tập tục đã được Hội Thánh công nhận, một tư tế cử hành hay đồng tế Thánh Lễ được phép nhận bổng lễ để áp dụng theo một ý chỉ rõ rệt” (GL 945/1).
“Khi dâng bổng lễ để Thánh Lễ được áp dụng theo ý chỉ của mình, các tín hữu đóng góp vào thiện ích của Hội Thánh: bằng việc dâng cúng ấy, họ góp phần nâng đỡ các thừa tác viên và các hoạt động của Hội Thánh” (GL 946).
Ngày nay Hội Thánh khuyên nên dâng lễ vật vào các ngày Chúa Nhật, lễ trọng và các dịp đặc biệt; và dù các ngày thường không có việc dâng lễ vật thì ý nghĩa và hiệu lực của nó vẫn có như xưa.
1.2. Sửa soạn bàn thờ và nhận lễ vật
Theo như Quy chế tổng quát của Sách Lễ Rô-ma năm 2000 số 73 nói việc đầu tiên là sửa soạn bàn thờ, cũng gọi là bàn tiệc của Chúa, trung tâm của mọi cử hành Thánh Thể. Việc sửa soạn bàn thờ gồm có trải khăn thánh, khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ. Kế đến, chủ tế hay phó tế xuống nhận lễ vật do giáo dân mang lên là bánh và rượu để đưa lên bàn thờ, còn những phẩm vật khác không trực tiếp dùng vào việc cử hành Thánh Thể, như hoa đèn, hoa quả, tiền bạc,... phải để ở một nơi nào xứng hợp ngoài bàn thờ. Vì thế người ta thường chưng hoa nến ở những kệ giá riêng biệt khỏi bàn thờ.
Thực ra, điều quan trọng trong việc dâng lễ vật là phải có bánh rượu và nước thì mới có cử hành Thánh lễ, nên phải được ưu tiên hơn mọi thứ khác; và ý nghĩa của nó là để nói lên lòng tri ân Thiên Chúa về muôn ân huệ đã nhận lãnh, vừa muốn góp phần vào của lễ sẽ được biến đổi thành Mình Máu Chúa, vừa để trợ cấp cho các sinh hoạt của Hội Thánh.
Ca tiến lễ được hát ngay khi bắt đầu nhận của lễ hay chuẩn bị bàn thờ, chứ không phải đợi chủ tế đọc lời chúc tụng trên của lễ rồi mới hát (QCTQ 74). Sau khi nhận lễ vật xong, vẫn có thể tiếp tục hát, hoặc đọc đối đáp với điều kiện bài hát này mang ý nghĩa tiến dâng hoặc chúc tụng.
1.3. Việc xông hương của lễ và bàn thờ
Bánh lễ theo truyền thống ban đầu của Hội Thánh trong nhiều thế kỷ là sử dụng bánh có men hoặc không men. Truyền thống Tây Phương thường dùng bánh không men theo gương Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly. Hình dạng của bánh lễ tròn mỏng có in hình Chúa Giê-su như hiện nay có từ thế kỷ XII. Bánh được nướng khô để dễ bảo quản, và có thể bẻ ra nhiều phần cho một ít giáo dân cùng rước lễ là tốt nhất.
Sau lời chúc tụng trên bánh, phó tế hay linh mục pha nước vào rượu. Theo tập quán Rô-ma ngày xưa, khi uống các loại rượu nặng, người ta pha thêm nước để giảm nồng độ, và thường làm trước mặt thực khách.Hội Thánh đã đón nhận cách thực hành này và dần dần người ta thêm vào đó những ý nghĩa mới là dấu chỉ nhân loại được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa:
“Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (Nghi thức Thánh lễ).
Sau phần chúc tụng trên bánh và rượu, chủ tế có thể xông hương lễ vật, bàn thờ, thánh giá rồi phó tế hoặc giúp lễ xông hương cho chủ tế, vì thừa tác vụ thánh, và cộng đoàn, vì phẩm giá phép Rửa. Nếu dùng lư hương thì lúc này chủ tế tiến ra bỏ hương hay vái nhang theo tập tục địa phương, chứ không phải là nhận lễ vật rồi vái nhang luôn cho tiện.
Có hai ý nghĩa trong việc xông hương: lời cầu nguyện và sự kính trọng. Việc xông hương là hình ảnh của lời cầu nguyện và lễ vật của dân Chúa như hương trầm tỏa bay dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa.
1.4. Việc rửa tay
Việc rửa tay có ngay từ lúc ban đầu vì lễ vật ngày xưa là những hoa màu ruộng đất và cả những vật dụng của đời sống để trợ giúp người nghèo và các sinh hoạt của Hội Thánh,nên chủ tế cần rửa tay trước khi dâng lễ. Ngày nay nghi thức rửa tay vẫn được duy trì nhưng mang ý nghĩa thanh tẩy: “biểu lộ lòng ao ước được thanh tẩy trong tâm hồn” (QCTQ 76).
1.5. Lời mời gọi
“Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”, thoạt đầu là lời của chủ tế nói với những người dâng lễ vật ngay khi họ dâng lễ vật, bây giờ được đổi ra sau như muốn nói với toàn thể cộng đoàn Phụng vụ, rằng lễ vật của chủ tế dâng cũng là của toàn thể Dân Chúa.
1.6. Lời nguyện tiến lễ
Lời nguyện nhập lễ kết thúc phần mở đầu Thánh lễ để dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa, thì lời nguyện tiến lễ kết thúc phần chuẩn bị lễ vật để dẫn vào cử hành Thánh Thể, và lời nguyện hiệp lễ kết thúc Phụng vụ Thánh Thể để chuyển sang phần kết lễ.
Lời nguyện trên lễ vật diễn tả tâm tình tạ ơn và xin Chúa thương nhận của lễ được Hội Thánh dâng tiến để trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô.
2. Kinh nguyện Thánh Thể
“Bây giờ bắt đầu điểm trung tâm và cao nhất của toàn bộ việc cử hành, nghĩa là chính kinh nguyện Thánh Thể, gồm việc tạ ơn và thánh hoá. Vị tư tế mời gọi giáo dân hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Đức Giê-su Ki-tô trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Ki-tô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ” (QCTQ 78).
Kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu từ kinh tiền tụng đến hết vinh tụng ca. Trước Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hội Thánh Rô-ma chỉ có một Kinh nguyện Thánh Thể duy nhất (Kinh nguyện Thánh Thể I) với nhiều lời tiền tụng thay đổi. Trước Va-ti-ca-nô II, Thánh lễ bằng tiếng La Tinh nên cộng đoàn tham dự bằng cách đọc lời dẫn giải, lần hạt, ... Quy chế sách lễ Rôma hiện nay nhấn mạnh:
“Những phần dành cho vị chủ tọa, thì buộc chủ tế phải đọc rõ ràng, lớn tiếng và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi chủ tế đọc các phần đó, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác” (QCTQ 32).
2.1. Kinh tiền tụng
Sau phần đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn để hiệp nhất với lời tạ ơn của Chúa Ki-tô, lời tiền tụng có ba phần rõ rệt: lời tạ ơn Thiên Chúa qua Đức Ki-tô, lý do tạ ơn dựa vào mầu nhiệm mừng kính, và lời kết dẫn vào lời tung hô của cộng đoàn. Phụng vụ có 4 kinh nguyện Thánh Thể nhưng có hơn 80 lời tiền tụng khác nhau dành cho các Thánh lễ. Ngoài ra còn có 9 Kinh nguyện Thánh Thể khác dành cho các lễ sám hối, tùy nhu cầu và lễ trẻ em.
2.2. Kinh Thánh Thánh Thánh
Lời tung hô Thánh, Thánh, Thánh là lời kinh kết hiệp lời tung hô của các thiên thần với lời ca vang của dân Do-thái đón Chúa vào thành, để chúc tụng Thiên Chúa và tung hô Đức Ki-tô:
“Thánh! Thánh! Chí thánh!
Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!
Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3).
“Hoan hô Con Vua Đa-vít!
Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!
Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9).
2.3. Kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần
Trong cử hành Thánh Thể, lời khẩn cầu Thánh Thần thánh hóa lễ vật có một vai trò quan trọng đặc biệt, vì chỉ có Chúa Thánh Thần tác động thì linh mục đọc lời Truyền Phép mới biến đổi bánh và rượu thành Thánh Thể. Không có Chúa Thánh Thần thì việc cử hành Thánh Thể không thể hiện tại hóa công trình cứu độ của Đức Ki-tô. Lời Truyền Phép là lời của Đức Giê-su, nhưng lời này chỉ sinh hiệu quả nhờ Thánh Thần. Ba Kinh Nguyện Thánh Thể mới được thêm vào sau Công đồng Va-ti-ca-nô II đã lưu ý tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong hy tế Thánh Thể. Mỗi kinh đều có hai lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần ở trước và sau lời Truyền Phép để nài xin Thiên Chúa thánh hóa và biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô, và sau truyền Phép là xin cho mọi người khi thông phần Mình Máu Chúa trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô. Các lời khẩn xin Thánh Thần trước khi Truyền Phép đều được linh mục vừa đọc vừa đặt tay trên lễ vật, một cử chỉ cổ truyền để ban ơn Chúa Thánh Thần.
2.4. Phần tường thuật việc thiết lập Thánh Thể
Khi tường thuật lại việc Chúa Ki-tô thiết lập Thánh Thể, Hội Thánh muốn minh chứng đức tin của mình vào sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô và chính Chúa cử hành qua thừa tác vụ của Hội Thánh. Các lời Truyền Phép trong sách Tân Ước tuy có khác nhau, song vì lý do mục vụ, Hội Thánh chỉ duy trì một công thức giống nhau cho các Kinh Nguyện Thánh Thể.
“Trong phần tường thuật việc lập Bí tích Thánh Thể, nhờ hiệu lực của lời và cử chỉ Đức Ki-tô, cũng như quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô, lễ vật chính Người đã dâng trên thập giá” (GLHTCG 1353).
2.5. Kinh tưởng niệm
Hội Thánh tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn, phục sinh và cuộc quang lâm vinh hiển của Đức Giê-su như một lời khẳng định đức tin vào mầu nhiệm Vượt qua là trung tâm của mọi cử hành Thánh lễ. Trong Thánh lễ, chúng ta không tưởng niệm người vắng mặt, nhưng tưởng nhớ Đấng Hằng Sống, và tưởng nhớ mãi cho đến ngày Quang Lâm, như câu tung hô sau Truyền Phép.
“Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt qua của Đức Ki-tô; lúc đó, cuộc Vượt qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Ki-tô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn luôn sống động để đem lại ơn cứu độ” (GLHTCG 1364).
Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vào cuộc Vượt qua của Chúa Ki-tô, và diễn tả niềm hy vọng cánh chung của con người được trở nên giống Chúa Ki-tô khi Ngài lại đến trong vinh quang.
2.6. Lời nguyện dâng tiến
Đây là lời dâng lên Chúa Cha để xin Người ban Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh trở nên Thân Thể sống động của Chúa Ki-tô. Nhớ đến Chúa Giê-su, chúng ta phải làm việc mà Chúa đã làm khi xưa trong bàn tiệc ly và vẫn tiếp tục làm trong Hội Thánh khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Đó là mỗi Ki-tô hữu hãy hiến dâng thân mình làm lễ vật hy sinh như Chúa đã làm. Chúng ta là thân thể huyền nhiệm của Chúa thì hãy để cho Chúa dâng hiến Thân Mình Ngài lên Chúa Cha làm lễ vật tạ tội cho nhân loại được ơn giao hòa. Mỗi khi tham dự Thánh lễ là mỗi lần chúng ta cùng với Chúa Giê-su dâng lễ, và lễ vật cũng chính là thân mình của chúng ta, vì hết thảy chúng ta thuộc về Nhiệm Thể của Ngài.Chúa Giê-su không thể tự hiến trọn vẹn nếu như vẫn còn một chi thể của Ngài chưa cùng Ngài hiến tế (x. QCTQ 78 f).
Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể thì không còn là Chúa Giê-su năm xưa nữa, mà là Chúa Giê-su Phục sinh, Đấng đã chết rồi đã sống lại và hiện đang sống đến muôn thuở muôn đời. Có thể nói có hai Thân Mình của Chúa Giê-su trên bàn thờ: Thân Mình thật của Ngài là thân xác ‘được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a’ và đã Phục sinh; và Thân Thể huyền nhiệm của Ngài là Hội Thánh cũng hiện diện một cách mầu nhiệm trên bàn thờ. Vì thế khi nói: “Này là Mình Ta”, thì trong cái Ta của Chúa có cái tôi nhỏ bé của các Ki-tô hữu; và thánh Phao-lô gọi là “Chúa Ki-tô toàn thể”, khi ngài viết: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Vì lẽ đó, cũng có thể nói có hai hiến vật trên bàn thờ: một hiến vật là bánh và rượu sẽ trở nên Mình và Máu Chúa, và một hiến vật khác là chính người tín hữu sẽ trở thành Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV có hai lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần: một lời khẩn cầu cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, và một lời lời khẩn cầu sau Truyền Phép xin cho tất cả chúng ta “trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô”, “một của lễ muôn đời dâng tiến Chúa”.
2.7. Kinh chuyển cầu
Mỗi khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Phụng vụ thường xen vào các lời chuyển cầu cho Hội Thánh toàn cầu, cho Đức Giáo Hoàng và Đức Giám Mục giáo phận, cho sự hiệp nhất của Hội Thánh, cho những người đã qua đời, và cho những người đang tham dự cử hành Thánh Thể.
Kinh chuyển cầu này nói lên mầu nhiệm Hội Thánh thông công.
2.8. Vinh tụng ca
Vinh tụng ca là lời tung hô Ba Ngôi kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể như là cùng đích của cử hành Phụng vụ. Lời tôn vinh quy chiếu về Chúa Cha nhờ Chúa Ki-tô (cùng với Người và trong Người), và trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Dù rằng cả Ba Ngôi đều nhận một quyền năng và vinh dự như nhau, song lời tôn vinh của con người chỉ có giá trị khi được liên kết với Chúa Ki-tô và qua sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
V. NGHI THỨC HIỆP LỄ
Nghi thức hiệp lễ bắt đầu từ kinh Lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ.
1. Kinh Lạy Cha
Kinh Lạy Cha là kinh của các con cùng một Cha trên trời nài xin bánh sự sống, và cũng là kinh của các anh chị em biết tha thứ cho nhau khi uống “Máu đổ ra để tha tội” của Chúa. Sau Vinh tụng ca, chủ tế đọc lời mời cầu nguyện rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh Lạy Cha với ngài. Hội Thánh không ngăn cản cử chỉ dang tay của giáo dân cùng với linh mục đọc kinh Lạy Cha, song để cho Hội Đồng Giám Mục các nước quy định để có sự thống nhất trong một Giáo Hội địa phương.
2. Nghi thức chúc bình an
Cử chỉ trao ban bình an nguyên thủy đi trước phần dâng tiến lễ như một dấu chỉ hòa giải và tha thứ trước khi dâng lễ (Mt 5,23). Sau này trước khi lên rước lễ, người ta cũng trao ban bình an cho nhau vì tất cả cùng ăn một bánh và uống chung một chén. Chúc bình an là cử chỉ hòa giải đã nhắc tới trong kinh Lạy Cha bây giờ được thể hiện trước khi san sẻ cùng một tấm bánh. Mỗi người làm hòa với những người chung quanh để cho thấy mình muốn sống bình an với hết mọi người.
Quy định cách thức trao ban bình an thuộc thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục để thích nghi với hoàn cảnh và văn hóa mỗi địa phương. HĐGM Việt Nam quy định giáo dân chúc bình an thì hai bên quay vào nhau, tay để trước ngực, cúi đầu chào nhau, còn đối với linh mục đồng tế thì nói thêm câu: “Bình an của Chúa ở cùng cha”.
3. Nghi thức bẻ bánh
Đây chính là việc bẻ Bánh ra làm nhiều phần để chia cho nhau và muốn nói rằng chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ chia sẻ một bánh sự sống là Đức Ki-tô, cũng như chúng ta tuy nhiều nhưng phải hiệp nhất nên một thân thể là Đức Ki-tô.
Đang lúc bẻ Bánh thì cộng đòan đọc hay hát kinh Chiên Thiên Chúa, và có thể lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi chủ tế phân phát cho các đồng tế xong.
4. Rước Lễ
Rước Lễ nhằm mục đích kết hiệp với Chúa Giê-su để chính Người trở thành của ăn thức uống thiêng liêng cho chúng ta cho đến khi được kết hiệp vĩnh viễn ở trên trời. Tiếp rước và hiệp thông với Chúa Ki-tô là nhìn nhận “Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Rước Mình và Máu Chúa Giê-su là một việc làm hết sức quan trọng của đức tin.
“Thánh Lễ vừa là tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa; hai ý nghĩa này đi đôi với nhau và không thể tách rời. Những cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Ki-tô nhờ rước lễ. Rước Lễ là đón nhận chính Chúa Ki-tô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta” (GLHTCG 1382)
- “Amen” là lời tuyên xưng đức tin: “Con tin thật đây là Mình Máu Chúa, con thờ lạy và cung kính muốn được rước Chúa vào lòng”. Đây không phải là một gợi ý nên thưa hay không thưa ‘Amen’, nhưng là yếu tố cần thiết để biểu lộ đức tin khi rước Chúa. Khi cho Rước Lễ, thánh Augustinô nói với mỗi tín hữu: “Đây là Mình Thánh Chúa Ki-tô. Con hãy trở nên như Đấng con đang tiếp rước!” Ngày nay được rút gọn lại: “Mình Thánh Chúa Ki-tô”, chúng ta thưa “Amen” với đức tin và sự dấn thân đặc biệt.
- Có hai cách thức Rước Lễ: Rước Lễ trên lưỡi và Rước Lễ trên tay, song người tín hữu không được từng người tiến đến bình đựng Mình Thánh tự cầm và đưa vào miệng, mà chỉ cầm và đưa vào miệng sau khi đã nhận từ thừa tác viên trao cho. Luật Phụng vụ cũng buộc tín hữu phải rước Mình Thánh Chúa ngay, không được mang về chỗ hay về nhà, dù là để thờ lạy hay chiêm ngắm.
Đang khi vị tư tế Rước Lễ thì hát ca hiệp lễ (không hát thì đọc) biểu lộ niềm vui, đồng tâm hiệp nhất của cộng đoàn. Ca hiệp lễ có thể được thay thế bằng một bài hát thích hợp đã được chuẩn nhận. Sau Rước Lễ sẽ im lặng để cám ơn Chúa, hoặc hát một bài ca tạ ơn (không được hát những bài về Đức Mẹ, các thánh,... trong lúc này).
- Sự hiện diện thực sự (theo bản thể) của Chúa Giê-su trong hình bánh và rượu không tồn tại lâu trong người Rước Lễ, vì khi hình bánh và rượu tiêu tan đi thì sự hiện diện Bí tích này không còn nữa. Sau một khoảnh khắc rất ngắn, khi hình bánh và rượu đã tiêu tan, chỉ còn lại sự hiện diện tâm linh của Chúa Giê-su nơi người chịu lễ.
5. Lời nguyện hiệp lễ
Lời nguyện cuối cùng của Thánh lễ này là tạ ơn vì hồng ân Rước Lễ và xin cho mầu nhiệm đã cử hành sinh hiệu quả trong mọi sinh hoạt thường ngày.
VI. NGHI THỨC KẾT LỄ
Linh mục chủ sự khai mạc Thánh lễ thì cũng kết thúc Thánh lễ và nài xin phúc lành của Thiên Chúa xuống trên cộng đoàn. Có hai hình thức ban phép lành cuối lễ, đơn giản hoặc trọng thể. Thánh lễ chấm dứt nhưng cuộc đời Ki-tô hữu là một Thánh lễ nối dài để họ làm chứng và dân thân phục vụ. Thánh lễ phải khởi sự trong chính đời sống vì đời sống người tín hữu cũng là một phần chất liệu của Thánh lễ.
Vì thế, Thánh lễ phải dẫn tới đời sống như nguồn mạch thánh hóa đời sống. Người Ki-tô hữu không có hai cuộc đời song song và biệt lập: một bên là đời tôn giáo cô đọng trong Thánh lễ, một bên là đời trần tục bao trùm hết mọi họat động. Phải đem Thánh lễ vào đời sống, và đem đời sống vào Thánh lễ.
VII. MỤC VỤ GIÁO LÝ
Giúp các em ý thức và siêng năng Rước Lễ.
Xưng Tội & Rước Lễ lần đầu là một khao khát của trẻ em mới lớn, song việc này dần dần sẽ phai nhạt, không thường xuyên tham dự Thánh lễ và ngại ngùng Rước Lễ. Bổn phận cha mẹ và cộng đoàn giáo xứ là phải đặc biệt chuẩn bị cho con em Rước Lễ với đức tin và lòng mến. Sửa soạn cho các em Rước Lễ lần đầu thôi chưa đủ, còn phải liên tục dạy dỗ các em về việc Rước Lễ, không những bằng lời nói mà còn bằng chính gương sáng của mình. Phải làm sao để các em thấy được tầm quan trọng của việc Rước Lễ và yêu mến Thánh Thể một cách thường xuyên và xứng đáng.
Chúng ta sẽ thiếu tư cách và bất xứng, nếu rước Thánh Thể một cách lạnh nhạt hoặc đang có tội trọng mà chưa làm hòa với Chúa qua Bí tích Giải Tội.
Thánh Thể là Bí tích tăng trưởng và là Bí tích của đời sống thường ngày. Tuổi đời có thể cao, cuộc đời có thể đã về chiều, nhưng về phương diện tâm linh, người tín hữu luôn ở trong trạng thái thơ ấu và cần phải lớn lên mỗi ngày. Các Bí tích khác thường chỉ chịu ít lần, song Thánh Thể là Bí tích có thể và nên chịu mỗi ngày, giống như cơm bữa đời thường. Rước Lễ không phải là phần thưởng dành cho người lành thánh, hoặc chỉ trong dịp đại lễ, nhưng là một nhu cầu để biến đổi đời sống. Cuộc biến đổi này cần phải thực hiện mỗi ngày, từng bước, và chỉ thành tựu trong Thánh Thần là ân sủng của Chúa Ki-tô.
Thánh lễ Tạ Ơn được hiến dâng cho mọi người nhưng chỉ sinh hoa kết quả nơi những ai liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô với lòng tin, cậy, mến; và Thánh lễ có ích lợi cho chúng ta nhiều hay ít tùy theo chất lượng lòng đạo đức của mỗi người.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giê-su, một ngày mới đang mở ra trước mắt con. Mỗi ngày đều là một bất ngờ. Con không rõ những gì sẽ xảy đến cho con, nhưng con biết chắc mình được sống trong vòng tay yêu thương của Chúa, nên con thấy vui tươi bình an.
Mỗi ngày đều là quà tặng của Chúa. Cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả thành công và thất bại, tất cả đều là quà tặng của Tình Yêu, tất cả đều đưa con đến gần Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, con muốn giang tay chào đón ngày mới. Con muốn tận dụng từng phút giây trong ngày để tôn vinh Chúa, để phục vụ tha nhân và phát triển con người mình.
Ước gì con luôn sống dưới ánh mắt Chúa, và để Chúa làm chủ mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con. Và ước gì, khi đêm về, con có thể tự hào mình đã biến hôm nay thành quà tặng để dâng lại cho Chúa. Amen.
Abba 43