Bài 6. Cử hành các Bí tích
“Bảy Bí tích liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu: người tín hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và sai đi. Giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và đời sống thiêng liêng, có nhiều điểm tương đồng” (GLHTCG 1210)
Kinh Tin Kính không nói gì đến Bảy Bí tích, nhưng Bí tích vẫn là đối tượng của đức tin Kitô Giáo. Kinh Tin Kính chỉ nói đến Phép Rửa Tội vì là cửa ngõ gia nhập Hội Thánh, và họ còn phải học hỏi để sống các Bí tích. Các Bí tích là những biến cố chứ không phải là những khái niệm. Tất cả mọi Bí tích đều hàm chứa sự sống vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô trong Mầu nhiệm Vượt Qua, và được hiện tại hóa trong các cử hành Phụng vụ.
I. BÍ TÍCH LÀ GÌ?
Bí tích là ơn Chúa (hay gặp gỡ Chúa) được ban qua các dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu, do Chúa Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh cử hành trong Phụng vụ.
Như vậy, một cử hành được xem là Phụng vụ Bí tích gồm các yếu tố sau đây :
- Phải là những dấu chỉ bề ngoài (khả giác) mà chúng ta có thể cảm nhận được (nước, đặt tay, lời cầu...).
- Phải là những dấu chỉ do Chúa Kitô thiết lập cách nào đó rồi ủy thác cho Hội Thánh. Các dấu chỉ ban ơn do Hội Thánh trực tiếp thiết lập không được gọi là Bí tích mà chỉ là Á Bí tích.
Suốt 12 thế kỷ, Hội Thánh không xác định rõ có bao nhiêu Bí tích, nhưng vẫn sống các thực tại Bí tích một cách rất tốt đẹp, vẫn sử dụng từ “Mysterion” của tiếng Hy Lạp để chỉ các thực tại đức tin và phượng tự. Mãi đến thế kỷ XII, người ta mới dùng từ “Sacramentum” của tiếng Latinh để chỉ 7 Bí tích do Chúa Kitô thiết lập.
“Nhờ Thánh Thần dẫn vào ‘chân lý vẹn toàn’, Hội Thánh dần dần nhận ra kho tàng quý báu đã nhận từ Đức Kitô và minh định việc phân phát kho tàng ấy như Hội Thánh đã làm với Quy điển Sách Thánh và tín điều, như người quản lý trung tín các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, theo dòng thời gian, Hội Thánh đã nhận định trong số các cử hành Phụng vụ, có 7 Bí tích đúng nghĩa do Chúa Kitô thiết lập” (GLHTCG 1117).
- Phải là những dấu chỉ hữu hiệu, nghĩa là thông chuyển ơn thánh qua cử hành Phụng vụ của Hội Thánh. Vì thế để cho dấu chỉ hữu hiệu hay sinh hiệu quả, nhất thiết phải do thừa viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành đúng nghi thức Phụng vụ.
II. NGƯỜI BAN VÀ NGƯỜI NHẬN
Khi được cử hành đúng đắn trong đức tin, các Bí tích trao ban ân sủng mà chúng biểu hiện vì chính Chúa Kitô hoạt động trong quyền năng của Chúa Thánh Thần qua tác vụ của Hội Thánh. Bí tích là việc Phụng vụ nên đòi người ban Bí tích (thừa tác viên cử hành) phải có năng quyền, phải làm theo ý Hội Thánh và làm đúng nghi thức của Hội Thánh; còn người nhận Bí tích phải có đức tin và ý muốn ngay lành. Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó, nên được gọi là các Bí tích đức tin.
“Đức tin của Hội Thánh có trước đức tin của người tín hữu, người tín hữu được mời gọi cùng tin với Hội Thánh. Khi cử hành các Bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin đã lãnh nhận từ các tông đồ; do đó, có ngạn ngữ: ‘Cầu nguyện thế nào, tin thế ấy. Luật cầu nguyện là luật đức tin, Hội Thánh tin như Hội Thánh cầu nguyện. Phụng Vụ là một yếu tố cấu thành Truyền Thống thánh thiện và sống động của Hội Thánh (x. DV 8)” (GLHTCG 1124).
III. HIỆU NĂNG CỦA BÍ TÍCH
“Các Bí tích như những “năng lực phát ra” tự thân thể Đức Kitô để chữa lành các thương tích do tội lỗi và ban cho chúng ta sự sống mới trong Đức Kitô” (GL 1116).
Bởi thế các Bí tích có hiệu năng do sự (cử hành đúng các đòi hỏi của Hội Thánh là ơn Chúa tức khắc đến với con người) chứ không lệ thuộc vào bản thân của người ban. Tuy nhiên, ơn Chúa có sinh hiệu quả nơi người nhận Bí tích hay không còn tùy thuộc tình trạng tâm hồn của họ (do nhân).
“Khi được cử hành đúng đắn trong đức tin, các Bí tích trao ban ân sủng mà chúng biểu hiện. Các Bí tích đều hữu hiệu vì chính Chúa Kitô hoạt động: chính Người Rửa Tội, chính Người hành động trong các Bí tích để ban ân sủng mà Bí tích biểu hiện. Chúa Cha luôn nhận lời khẩn nguyện đầy tin tưởng của Hội Thánh, khi Hội Thánh bày tỏ đức tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần trong kinh nguyện Xin Ban Thánh Thần ở mỗi Bí tích… Vì thế, Hội Thánh khẳng định: các Bí tích có hiệu quả ‘ex opere operato’ (dịch từng chữ là do chính sự việc được thực hiện), nghĩa là có hiệu quả nhờ công trình cứu độ của Chúa Kitô đã được hoàn thành một lần dứt khoát. ‘Bí tích không thành sự do sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng do quyền năng Thiên Chúa. Khi Bí tích được cử hành theo ý hướng của Hội Thánh, quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, hoạt động trong và qua Bí tích ấy, không phụ thuộc vào sự thánh thiện của bản thân thừa tác viên. Tuy nhiên, hiệu quả của các Bí tích còn tùy thuộc vào thái độ nội tâm của người lãnh nhận” (GLHTCG 1128)
Bí tích là ‘dấu chỉ sinh ơn’, song ơn Chúa không phải là một cái gì đó ngoại tại được ban cho con người theo kiểu con người cho nhau cái này cái kia. Ơn Chúa là chính Chúa đến trợ giúp, soi sáng con người hành động sao cho đúng với đường lối tốt lành của Chúa. Vì thế Bí tích chính là sự gặp gỡ Thiên Chúa qua một dấu chỉ hữu hiệu nào đó.
IV. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ CÁC BÍ TÍCH
Trước những đòi hỏi của thời đại, Công đồng Vaticanô II đã cải tổ sâu rộng Phụng vụ các Bí tích như sau:
- Công đồng xác định Bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và thờ phượng Thiên Chúa.
- Lãnh nhận Bí tích giả thiết không những phải có đức tin mà còn phải dùng các dấu chỉ để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó.
- Bí tích ban ân sủng nhưng việc cử hành Bí tích còn nhằm chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng cách hữu hiệu, tôn vinh Thiên Chúa đúng cách và thực thi bác ái.
- Để các tín hữu hiểu được ý nghĩa các dấu chỉ mà siêng năng lãnh nhận Bí tích hầu có thể nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu, Công đồng Vaticanô II quyết định:
- Bỏ đi một số yếu tố do thời gian đã làm lu mờ bản chất và mục đích của Bí tích (PV 62).
- Cho phép sử dụng tiếng bản quốc trong Phụng vụ.
- Tái lập ba giai đoạn của nghi thức dự tòng cho những người lớn muốn gia nhập Hội Thánh.
- Duyệt xét lại nghi thức thánh lễ và các Bí tích, và mạnh dạn cho phép thích nghi và hội nhập văn hóa các tập tục địa phương, miễn là không phản nghịch đức tin Kitô Giáo.
Ngoài ra,nếu hiểu Phụng vụ Bí tích là cử hành các dấu chỉ mà qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa thì có vô vàn Bí tích. Chẳng hạn: Hội Thánh là Bí tích của Đức Kitô, Chúa Kitô là Bí tích của Thiên Chúa, và bất cứ một sự việc, sự vật nào cũng có thể là Bí tích mà qua đó chúng ta gặp gỡ được Thiên Chúa.
TÓM LƯỢC
1. Phụng vụ Bí tích là gì?
Trả lời: Phụng vụ Bí tích là việc thừa tác viên làm các dấu chỉ đúng nghi thức của Hội Thánh để chuyển ơn Chúa xuống cho những người muốn lãnh nhận.
2. Khi nào thì dấu chỉ trở thành hữu hiệu?
Trả lời: Dấu chỉ hữu hiệu là khi có thừa tác viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành đúng nghi thức Phụng vụ.
3. Người nhận Bí tích phải có những điều kiện gì?
Trả lời: Người nhận Bí tích phải có đức tin, ý muốn ngay lành và một chút hiểu biết nào đó thì việc lãnh nhận Bí tích mới có hiệu quả.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Phục Sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh nên con được tự do bay cao,
không bị nỗi sợ hãi của thân phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau, sợ nhục nhã
và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kônbê chết thay cho người khác.
Cái liều của những bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi,
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa
và với mọi người.
Vì con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.
Abba 58