Bài 10. Phụng vụ Thánh Thể

“Bí tích Thánh Thể hoàn tất tiến trình khai tâm…(đồng thời) là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (GLHTCG 1322.1324).

Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục hy lễ thập giá và để ban Mình Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi thiêng liêng cho con người.

“Eucharistia” là tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tạ ơn”. Những Kitô hữu tiên khởi đã dùng từ này để chỉ Bí tích Thánh Thể. Việc cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại vào mỗi ngày Chúa Nhật đối với các Kitô hữu tiên khởi là một nghi lễ ‘tưởng niệm và tạ ơn’. Các Bí tích khác chuyển ơn cứu độ, trong khi đó Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta chính Chúa là nguồn ơn cứu độ.


I. THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Chúa Giêsu đã thiết lập Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn. Bữa ăn là một nơi người ta có thể dễ dàng ngồi sát bên nhau, trao đổi lời nói và tâm tình, gạt bỏ mọi chuyện để sống cho nhau: ‘Trời đánh còn tránh bữa ăn’ là như vậy.

Đức Giêsu chọn lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người báo trước là ban Mình và Máu Người làm của ăn nuôi sống linh hồn các môn đệ (Lc 22,7-20; Mt 16,17-29; Mc 14,12-25; 1 Cr 11,23-26). Vào cuối tiệc, Đức Giêsu làm một cử chỉ báo trước hy tế thập giá mà Người sẽ dâng ngày hôm sau bằng cách cầm lấy bánh và rượu biến đổi thành Thịt và Máu Người làm lễ vật dâng lên Chúa Cha, rồi bẻ ra phân chia cho các môn đệ. Như thế Đức Giêsu muốn để lại cho Hội Thánh một hy tế hữu hình vì bản tính con người cần như vậy. Hy tế đẫm máu đã được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá sẽ được cử hành luôn mãi, đem lại ơn cứu độ cho con người.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn còn ‘ao ước’ mừng lễ Vượt qua này với chúng ta. Bí tích Thánh Thể là ‘lời hứa’ về bữa tiệc cuối cùng khi Chúa trở lại trong vinh quang ngày tận thế. Lời hứa này, Đức Giêsu đã bắt đầu thực hiện mỗi ngày trong Thánh Lễ để tưởng niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, để bảo đảm sự sống đời đời cho những ai tiếp rước Mình và Máu Chúa với đức tin và lòng mến. Người truyền cho các môn đệ cử hành Bí tích này cho đến tận thế để nhớ đến việc được giải thoát khỏi tội lỗi. Việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai, bởi vì từ khi Chúa Giêsu sống lại toàn thắng sự chết và tội lỗi thì Nước Trời đã hiện diện giữa chúng ta. Hơn 20 thế kỷ nay, Hội Thánh sống bằng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, khi an vui cũng như khi thử thách, và Hội Thánh còn ăn Bánh cực thánh và uống Chén cứu độ này cho đến ngày Chúa Kitô trở lại.

“Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người : đây là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai” (PV 47).

II. CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG THÁNH THỂ

- “Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8,34). Tuy nhiên, đối với Hội Thánh, Người vẫn hiện diện dưới nhiều hình thức: Lời Chúa, kinh nguyện, người nghèo, Phụng vụ, Bí tích, thừa tác viên,... nhưng đặc biệt là trong Thánh Thể dưới hình bánh và rượu. Khi linh mục cầm lấy bánh rượu, đọc lời Truyền Phép thì không phải Chúa Giêsu đến thay thế bánh rượu nhưng chính bánh rượu đã biến đổi thành Thịt Máu Chúa. Linh mục đọc lời Truyền Phép nhưng hiệu quả và ân sủng là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính lời “Này là Mình Thầy...” biến đổi lễ vật thành chính Chúa Kitô.

- Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh hoặc hình rượu, và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Chúa Kitô.

“Cách thức Đức Kitô hiện diện dưới hai hình Thánh Thể là cách độc nhất vô nhị. Người đặt Bí tích Thánh Thể trên mọi Bí tích để trở nên ‘như sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi Bí tích’ (Thánh Tôma Aquinô, Tổng luận Thần học III,73,3). Trong Bí tích cực thánh, ‘có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Kitô trọn vẹn’ (CĐ Trentô, DS 1651). ‘Sự hiện diện này được gọi là ‘thực sự’, không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự trong những cách khác; nhưng đây là cách hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thể, và nơi đây có Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện trọn vẹn’ (MF 39)” (GLHTCG 1374).

- Hội Thánh còn bảo quản Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm để cho các tín hữu tôn thờ, hầu có sẵn Thánh Thể cho các bệnh nhân và những người vắng mặt không dự lễ.

III. HIỆU QUẢ VIỆC ĐÓN NHẬN THÁNH THỂ

Chúa Giêsu khẩn thiết mời gọi chúng ta đón rước Người trong Bí tích Thánh Thể: “Thật, Tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Để chuẩn bị cho giây phút cực trọng này, chúng ta phải xét mình (1 Cr 11,27-29), ai biết mình đang mắc tội trọng thì phải lãnh nhận Bí tích Giao Hòa (Giải Tội) trước khi rước lễ, phải giữ chay Thánh Thể (kiêng ăn uống trước một giờ), và khiêm tốn xin Chúa biến đổi tâm hồn mình cho xứng đáng (Mt 8,8).

- Việc rước lễ giúp tăng triển sự hiệp thông với Chúa Kitô. Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu đã bắt đầu trong Thánh Tẩy, nay đạt tới đỉnh cao trong Thánh Thể qua việc tiếp rước Mình Thánh Chúa. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, thì việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Một khi đã hiệp nhất với Chúa Giêsu, đời sống tâm linh của chúng ta trở nên vững mạnh, giúp vượt thắng xa lánh tội lỗi.

- Sự hiệp nhất với Chúa Giêsu trong Thánh Thể đưa tới sự hiệp nhất giữa các tín hữu với nhau, làm nên Hội Thánh (1 Cr 10,16-17).Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu, còn chúng ta là chi thể, vì cùng chia sẻ một tấm bánh là thân mình Chúa Giêsu.

- Bí tích Thánh Thể là một bảo chứng chắc chắn cho vinh quang Nước Trời sau này, cho việc phục sinh thân xác cát bụi của chúng ta.

IV. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Cử hành Thánh Thể hay Phụng vụ Thánh Lễ là một, vì Bí tích Thánh Thể được cử hành trong thánh lễ. Thánh lễ là việc Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha qua hy tế thập giá để hòa giải và kêu cầu ơn cứu độ cho nhân loại.

1. Thánh Thể - hy tế tạ ơn

Thánh lễ hay cử hành Thánh Thể là hy tế tạ ơn của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha, và cũng là lời chúc tụng mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng tri ân vì mọi điều thiện hảo Người đã thực hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể tụ họp các tín hữu thành cộng đoàn và làm thành Hội Thánh. Chính vì thế, Hội Thánh đòi buộc các tín hữu phải tích cực tham dự thánh lễ Chúa Nhật.

2. Thánh Thể - hy tế tưởng niệm

Thánh Thể là một hy tế vì là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, và là hy tế độc nhất và độc hữu của Chúa Giêsu đã được dâng một lần thay cho tất cả. Tất cả những hành vi cử chỉ của Đức Giêsu Kitô, xét về nhân tính, đã diễn ra và đã trôi vào quá khứ nên chúng không bao giờ làm lại nữa và cũng chẳng bao giờ có thể làm lại được, ngoài việc tưởng niệm. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa nên hành động của Chúa Giêsu luôn luôn là hiện tại, không có quá khứ và cũng chẳng có tương lai. Vì thế, qua cử hành Phụng vụ, hành vi dâng lễ của Chúa Giêsu ngày xưa bây giờ đi vào không gian và thời gian của ta cách mầu nhiệm. Tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho loài người, vì khi cử hành Phụng Vụ, những biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn.

“Bí tích Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt qua của Đức Kitô, hiện tại hóa và dâng tiến cách Bí tích hy tế duy nhất của Người trong Phụng Vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong các kinh nguyện Thánh Thể và phần hiến thánh, bao giờ cũng có một kinh Tưởng Niệm” (GLHTCG 1362).

3. Thánh Thể - hy tế hiện diện

Thánh Lễ là sự hiện diện của Đức Kitô ở trong hành vi cứu độ duy nhất là hy lễ thập giá ngày xưa trở thành một thực tại ở trong đời sống chúng ta. Thánh lễ không thể là một hy tế mới, một hy tế nữa, một hy tế làm lại lần thứ hai, thứ ba, thứ 100 sau hy tế đã dâng thời Philatô. Có hàng triệu thánh lễ nhưng vẫn chỉ là một hy lễ độc nhất đã dâng, bây giờ đi vào đời sống chúng ta. Tóm lại, Thánh lễ là một hy tế vì hiện tại hóa hy tế thập giá, vì tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế thập giá.

“Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng : “Vì trong hy lễ thần linh được cử hành trong thánh lễ, chính Đức Kitô, Đấng đã một lần dâng mình bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, cũng hiện diện và được sát tế mà không đổ máu, nên hy tế này thực sự có giá trị đền tội” (GLHTCG 1367).

Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ bẻ bánh báo trước hy lễ thập giá. Việc tưởng niệm đi trước biến cố này làm cho cái chết thực sự hiện diện trên bàn thờ trong một biểu tượng: Bánh bẻ ra chính là thân thể bị hủy tế vì ta, và rượu trong chén chính là Máu Chúa Giêsu đổ ra làm lễ hy sinh Thánh Thể, nhờ đó hy sinh thập giá được tiếp tục qua mọi thời đại cho tới khi Người đến.

4. Thánh Thể - Hy tế của Hội Thánh

Hy tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người. Toàn thể Hội Thánh kết hiệp với Chúa Kitô trong việc hiến dâng và chuyển cầu. Kinh Nguyện Thánh Thể có nhắc tới vai trò của Đức Maria và các thánh như là những trung gian chuyển cầu. Thực ra, chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu, còn tất cả đều là tham dự vào chức vụ trung gian của Người.

Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ngoài việc tạ ơn, chúng ta còn xin ơn, cầu cho Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục,... Không phải chỉ những tín hữu còn tại thế, mà cả những người đã qua đời, dù đã được hưởng Mặt Chúa hay chưa cũng được kết hợp với hy tế của Chúa Kitô.

“Chúng ta tin rằng các linh hồn sẽ được hưởng nhiều ơn ích nếu chúng ta cầu cho họ khi Đức Kitô, Chiên Hy Tế cực thánh cực trọng đang hiện diện,… Khi khẩn cầu cho những người đã an giấc, dù họ còn là tội nhân, chúng ta đã dâng lên Thiên Chúa chính Đức Kitô, Đấng đã hiến mình vì tội lỗi chúng ta, để Người giao hòa họ và chúng ta với Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người” (Thánh Cyrillô thành Giêrusalem).

V. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1. Tấm bánh bẻ ra

Lời Truyền Phép của linh mục biến đổi bánh và rượu thành Thánh Thể, và cũng là lời mời gọi mỗi tín hữu hãy làm như Chúa đã làm. Đó là hiến thân mình làm của lễ dâng tiến Thiên Chúa, làm tấm bánh bẻ ra cho mọi người hưởng dùng. Đó là ‘bẻ mình’ cho tha nhân để trở thành kẻ ‘bị ăn’ trong thánh lễ cuộc đời.

2. Tham dự thánh lễ

Thánh lễ không chỉ là tưởng niệm mà còn là hiện tại hóa Hy tế Thánh Thể. Nếu chỉ là tưởng niệm thì hàng năm chỉ cần tham dự thánh lễ Tuần Thánh là đủ, nhưng không, cái chết và sự sống lại của Chúa đang đi vào cuộc sống của tôi hôm nay một cách mầu nhiệm qua việc Hội Thánh cử hành Thánh Thể. Tham dự thánh lễ là đang dự phần vào Hy tế của Chúa và đang đón nhận sức sống từ bàn tiệc Thánh Thể, chứ không phải chỉ dành ít phút để tưởng nhớ.

3. Biến đổi nhờ Thánh Thể

Không có một cử hành Phụng vụ nào có vị trí quan trọng và trở nên đỉnh cao của đời sống tín hữu bằng Thánh lễ. Thánh lễ là nguồn sức mạnh cho đời sống Kitô hữu vì sự hiện diện của Chúa biến đổi chúng ta nên con người mới. Chúa hiện diện bằng nhiều cách nhưng không có cách nào đầy đủ ý nghĩa cho bằng Thánh Thể. Rước Lễ để được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, để các hành động của chúng ta mang đậm dấu ấn của Chúa Thánh Thần, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

4. Lễ vật dâng Chúa

Đời sống Kitô hữu chính là chất liệu của Thánh lễ. Thánh lễ không phải là những nghi thức không ăn nhập gì với đời thường, trái lại, những gì chúng ta đang sống sẽ vừa được nuôi dưỡng, vừa mang giá trị đích thức nhờ việc siêng năng tham dự Thánh lễ. Trong Thánh lễ, chúng ta nghe Chúa nói “Hãy nhận lấy mà ăn! ... Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Hãy làm như Chúa đã làm, nghĩa là đến lượt chúng ta cũng hãy nói với người anh chị em của mình rằng: “Hãy nhận lấy mà ăn!”. Chấp cho người khác ‘ăn mình’ đi, đặc biệt là những người không tử tế với mình. Một người mẹ tham dự thánh lễ theo cách đó rồi ra về với biết bao công việc bề bộn, lặt vặt, nhưng không tầm thường chút nào vì bà đã chấp nhận trở thành kẻ ‘bị ăn’ trong ‘bữa ăn của Chúa’. Một giáo lý viên làm như Chúa đã làm trong thánh lễ sẽ không bực bội vì những học sinh biếng nhác, sẽ không ngại khổ vì ‘vừa mang việc nhà vừa gánh việc Chúa’. Một linh mục cử hành Thánh Thể có thể nói: “Buổi sáng trong thánh lễ, tôi là tư tế, Chúa Giêsu là lễ vật ; còn suốt ngày sống, Chúa Giêsu là tư tế và tôi là lễ vật” (Cha Pierre Olivaint S.J.).


TÓM LƯỢC

1. Bí tích Thánh Thể là gì?

Trả lời: Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tiếp tục Hy lễ thập giá và để ban Mình Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi thiêng liêng cho con người.

2. Chúa Kitô thiết lập Bí tích Thánh Thể khi nào?

Trả lời: Chúa Kitô thiết lập Bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn của lễ Vượt Qua như một dấu chỉ báo trước hy tế Ngài sẽ dâng ngày hôm sau, và mãi mãi trở thành lưong thực thiêng liêng nuôi sống người tín hữu.

3. Chúa Kitô hiện diện thế nào trong Bí tích Thánh thể?

Trả lời: Chúa Kitô hiện diện thực sự theo bản thể, vừa là người vừa là Chúa, trong Bí tích Thánh Thể bao lâu hình bánh và rượu vẫn còn tồn tại.

4. Rước Lễ mang lại cho ta những ơn ích gì?

Trả lời: Rước Lễ mang lại cho ta ơn hiệp nhất với Chúa Kitô mỗi lúc một tăng triển về sự sống thiêng liêng cùng với các Kitô hữu khác để đạt tới sự sống đời đời.

5. Phụng vụ Thánh Thể mang ý nghĩa gì?

Trả lời: Phụng vụ Thánh thể là một hy tế tạ ơn của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha, và cũng là hy tế của Hội Thánh vì sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong tư cách là Đầu của Hội Thánh khi Hội Thánh tưởng niệm và hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô trong thánh lễ.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha, vì Vườn Nho thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha mà Cha đã cho chúng con biết nhờ Đức Giêsu, Tôi Tớ Cha. Chúc tụng Cha đến muôn đời!

Như chiếc bánh bẻ ra, được làm bằng những hạt lúa miến từ các núi đồi, và được kết hợp lại để trở thành một. Cũng thế, xin Cha hãy quy tụ Hội Thánh từ các miền xa xăm trên địa cầu, vào trong vương Quốc của Cha. Vinh hiển và uy quyền thuộc về Cha mãi mãi đến muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô!

Didaché IX, 2-4

Bài 9. Phụng vụ Thêm SứcBài 11. Phụng vụ Hòa Giải