Bài 11. Phụng vụ Hòa Giải

“Đấng giàu lòng từ bi giống như người cha trong dụ ngôn, không khóa cửa lòng lại với bất cứ đứa con nào. Người chờ đợi, tìm kiếm và đến gặp gỡ họ ở chính nơi mà sự từ chối hiệp thông đã khép chặt họ trong cô lập và phân ly. Người mời gọi họ tụ họp quanh bàn tiệc với niềm vui của buổi lễ mừng sự tha thứ và hòa giải” (SH 10).

Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua Bí tích Giải Tội (1 Cr 6,11; 1 Ga 1,8). Các Giáo phụ coi đây là ‘cái phao thứ hai sau khi tàu chìm, tức là đánh mất ân sủng’.

Phụng vụ Hòa Giải là việc linh mục giao hòa hối nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh bằng cách tha tội nhân danh Chúa Giêsu.


I. HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH HÒA GIẢI

- Xưng Tội là để được tha tội nhằm giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em. Tội lỗi nào cũng là một vết thương, một sự cắt đứt mối giao hảo nối liền chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em. Tội trước hết là xúc phạm tới Thiên Chúa, là đoạn tuyệt với Người, đồng thời cũng làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Cao điểm của Bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và người đồng loại. Được sạch tội là tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội cho con người, và quyền ấy cũng được Chúa Kitô chuyển giao cho Hội Thánh để nhân danh Người mà tha tội (Ga 20,21.23). Đây là một trong những chân lý quan trọng nhất của Kitô Giáo:

“Không có tội nào nặng đến nỗi Hội Thánh không thể tha thứ được. ‘Dù có ai gian ác và xấu xa đến đâu… vẫn có thể tin chắc được tha thứ, miễn là chân thành sám hối’. Đức Kitô, Đấng đã chết cho mọi người, muốn rằng: mọi cánh cửa tha thứ trong Hội Thánh luôn rộng mở cho bất cứ ai ăn năn trở lại” (GLHTCG 982).

Những thế kỷ đầu, Hội Thánh rất ít ban Bí tích này và đòi hối nhân phải chịu một hình thức kỷ luật công khai rất khắt khe. Sang đến thế kỷ VII, với ‘hình thức thống hối riêng tư’ mở đường cho việc năng nhận Bí tích Giải Tội. Việc tha tội đặt nền tảng trên hai yếu tố chính là những hành vi thống hối của con người, và tác động tha thứ của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh.

Linh mục vừa là đại diện Chúa Kitô, Đấng giải hoà chúng ta với Thiên Chúa; vừa là đại diện Hội Thánh để tha thứ tội lỗi và đón nhận chúng ta trở lại với cộng đồng. Hối nhân cần trung thực cởi mở cõi lòng với linh mục, và cũng nên biết rằng mình đang đối thoại với một tội nhân khác. Linh mục cũng là người, nghĩa là cũng được Chúa Kitô tha tội như những người khác. Vì thế với đức tin, chúng ta nhìn nhận linh mục trong toà giải tội như vị đại diện Chúa Kitô, nhưng cũng như một người anh em và là bạn hữu của các tội nhân.

“Có một số tội nặng đặc biệt, ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông. Đây là hình phạt nặng nhất theo Giáo Luật, cấm không cho nhận lãnh các Bí tích và hành xử một số tác vụ trong Hội Thánh. Theo Giáo Luật, chỉ có Đức Giáo Hoàng, Giám mục địa phận hay vị linh mục được ủy quyền, mới có quyền tha vạ. Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn có thể tha hết các tội và tha mọi vạ tuyệt thông” (GLHTCG 1463).

- Bí tích Giải tội còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến Bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.

“Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả’. Mục đích và hiệu quả của Bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận Bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm ‘sẽ bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng’. Bí tích Giao Hòa thực hiện một ‘cuộc phục sinh thiêng liêng’ đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người” (GLHTCG 1468)

II. DIỄN TIẾN GIAO HÒA

- Xét mình là nhìn lại đời sống của mình trong ba tương quan (3 bổn phận) với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với chính bản thân mình. Không thể giao hòa cùng Thiên Chúa và Hội Thánh mà trước đó lại không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình.

- Lòng thống hối ăn năn rất cần thiết để nhận được ơn tha tội. Bí tích Giải Tội chỉ có hiệu lực đối với những ai thực tình thống hối tội lỗi của mình và quyết tâm hối cải những tội mình đã phạm và chiến đấu chống trả tội lỗi. Thói quen thống hối thường hay đọc kèm kinh Thú Nhận, kinh Ăn Năn Tội.

- “Xưng tội” vừa có ý nghĩa nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và đồng thời thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Toà giải tội không phải là diễn đàn để khoe mình, cũng không phải là ‘toà án’ để tự biện hộ cho mình hay cáo tội người khác. Đơn sơ và khiêm tốn trình bày những lỗi lầm của mình, cả về số lần phạm tội, để linh mục, thầy thuốc tâm hồn, có thể khuyên bảo cách thích hợp và hữu ích. Không thể khuyên bảo cùng một cách cho những người nhiều năm không giữ đạo, giống với những người vẫn Xưng Tội đều đặn hàng tháng; vì làm như vậy, ơn trở lại của họ bị giới hạn rất nhiều.

Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Nhân danh Chúa Kitô, linh mục đón nhận hối nhân, chuyển đạt cho họ tình thương của Chúa Cha, và nghe họ thố lộ những bí mật của lương tâm. Giáo Luật điều 983 §1 buộc ngặt linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những gì mà hối nhân đã xưng thú. Đây là ‘ấn tín Bí tích’, vì tất cả những gì hối nhân xưng thú đều được Bí tích ‘niêm ấn’. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (GLHTCG 1467).

- ‘Xá giải’ là tháo cởi, giải thoát tội nhân khỏi những xiềng xích ràng buộc của tội lỗi. Nhờ ơn Thiên Chúa, xá giải là sự tha thứ trọn vẹn các tội được xưng thú và thiếu sót không cố ý. Linh mục giơ tay hoặc đặt tay trên đầu hối nhân và đọc lời xá giải (giơ tay là một cử chỉ biến thể của nghi thức đặt tay vì tha tội cũng là ơn của Thánh Thần). Hối nhân quỳ hay đứng cúi đầu, im lặng lắng nghe lời xá giải và thưa: “Amen”, chứ không phải là đọc kinh Ăn Năn Tội (sám hối là việc phải làm trước khi vào tòa xưng tội). Lời xá giải là lời cầu khẩn hơn là một án lệnh.

- Đền tội là tạ ơn lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Tất cả phạm nhân bị toà án phân xử đều phải nhận một hình phạt tương xứng với tội của họ. Trong Bí tích Giải tội, việc này không nhằm đền tội đã phạm cho bằng giúp hối nhân tạ ơn và quyết tâm sống cuộc đời mới, giúp cải thiện tương quan với tha nhân vì ‘tình yêu có thể che lấp mọi tội lỗi’ (1 Pr 4,8).

III. NGHI THỨC GIAO HÒA

Sách nghi thức Bí tích Hòa Giải có nhiều mẫu nghi thức:

- Nghi thức Giao Hòa từng hối nhân bao gồm cả phần đón tiếp hối nhân, đọc Lời Chúa (hối nhân nghe hoặc tự đọc), hướng dẫn cầu nguyện, xét mình, xưng tội, lời khuyên của linh mục, nhận việc đền tội, cầu nguyện xin ơn tha thứ, linh mục xá giải, lời nguyện tạ ơn trước khi ra về. Nếu có nhiều người lãnh nhận cùng lúc, có thể đọc chung cho nhiều người, tuy nhiên việc đọc Kinh Thánh này cũng không bắt buộc, và tùy nghi đơn giản các diễn tiến.

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng xưng tội và giải tội từng người để nhấn mạnh tính cộng đoàn vì sự liên đới trong tội của nhiều người. Tội không chỉ là hành vi cá nhân mà nhiều khi còn là hệ quả của sự đồng lõa nên cũng cần giúp nhau sám hối.

“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn: tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình ; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối” (GLHTCG 1482).

- Nghi thức Giao Hòa nhiều hối nhân nhưng thú tội và giải tội chung, còn gọi là Giải Tội tập thể. Trong trường hợp nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, linh mục có thể cử hành Bí tích Giải Tội tập thể, nghĩa là xưng tội chung và tha tội chung, nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng.

- Nghi thức thống hối cộng đồng mà không Xưng Tội nhằm gợi lên tinh thần sám hối để dọn mình Xưng Tội vào một dịp thuận tiện khác.

Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt mỗi tối trước khi ngủ nên đọc kinh tối, xét mình và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và hành động.

IV. ÂN XÁ

Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh để tha các hình phạt tạm do tội gây nên, khi tội đã được tha.

Chúa Kitô là sự công chính và là ‘Ân Xá’ của chúng ta. Chính Người tha thứ những hình phạt mà chúng ta xứng đáng gánh chịu. Hội Thánh chuyển ban cho tội nhân thống hối tình thương của Chúa Kitô và phân phát ‘ân xá’, nghĩa là ơn tha hình phạt tương xứng với tội đã phạm.

“Giáo lý về ân xá và việc áp dụng các Ân Xá trong Hội Thánh liên hệ mật thiết với các hiệu quả của Bí tích Giao Hòa” (GLCG 1471).

1. Hình phạt do tội

- Tội nặng làm cho ta không được thông hiệp với Chúa nên không được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là hình phạt đời đời, bởi không được tồn tại trong Chúa thì hư mất đời đời. Khi lãnh nhận Bí tích Giải Tội, tội trọng được tha, hình phạt đời đời cũng được tha nhưng vẫn còn phải chịu một phần hình phạt tạm.

- Tội nhẹ cần được thanh luyện ở này hay đời sau (quen gọi là luyện tội) trước khi được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Đây là hình phạt tạm.

- Bí tích Thánh Tẩy hay Giải Tội tha mọi tội trọng lẫn tội nhẹ, tha hình phạt đời đời nhưng hình phạt tạm vẫn còn.

Do đó, ân xá không đương nhiên tha tội (nhất là tội trọng) nhưng chỉ tha hết mọi hình phạt tạm sau khi tội chúng ta đã được tha.

2. Mầu nhiệm Các Thánh Thông Công

- Tiểu xá là ơn tha một phần hình phạt tạm.

- Đại xá (toàn xá) là ơn tha hết mọi hình phạt tạm.

Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá, hoặc cho mình hoặc chuyển cầu cho những người đã qua đời (không chuyển cầu cho người khác còn sống). Giáo lý gọi đây là mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, nghĩa là mọi Kitô hữu đều được liên kết và chia sẻ với nhau cách lạ lùng trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

“Trong mầu nhiệm Các Thánh Thông Công, các tín hữu - những người đã về quê trời, những người còn đền tội nơi luyện ngục hay những người đang lữ hành trên trần gian này - tất cả liên kết với nhau trong tình yêu bền vững và chia sẻ với nhau những điều thiện hảo. Trong sự hiệp thông kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người ảnh hưởng trên người khác vượt xa thiệt hại do tội lỗi của một người có thể gây ra cho người khác. Vì thế, sự hiệp thông của Dân Thánh giúp cho hối nhân được thanh luyện nhanh chóng và hữu hiệu hơn” (GLHTCG 1475).

Việc ân xá cho một tín hữu còn sống được thể hiện qua việc công bố xá giải, song Hội Thánh không có quyền tài phán trên những người đã qua đời đang luyện tội. Chính vì thế, Hội Thánh không thể ban trực tiếp qua việc xá giải nhưng gián tiếp qua con đường ‘cầu thay nguyện giúp’ của các tín hữu còn sống.

3 Thiên Chúa ban ân xá qua Hội Thánh

Nhờ quyền cầm buộc và tháo cởi do Đức Kitô ban, Hội Thánh chuyển cầu cho các Kitô hữu và mở cho họ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các Thánh để Chúa Cha nhân từ tha cho họ những hình phạt tạm phải chịu vì tội lỗi. Kho tàng công đức này là vô giá và vô lượng của Chúa Kitô tạo nên, đồng thời cũng bao hàm những lời cầu khẩn và việc lành của Đức Maria và các thánh.

Quyền Ân Xá này không được hiểu theo nghĩa rộng của quyền thẩm phán của Hội Thánh; vì không phải ai nắm quyền tha tội cũng đều có quyền ban Ân Xá. Trong quyền tha tội có hàm chứa việc tha hình phạt đời đời, nhưng không chứa đựng quyền tha hết mọi hình phạt tạm của tội.

Tự bản chất, Ân Xá không phải là hành động hoàn toàn của ân sủng, nghĩa là không hoàn toàn nhưng không, song phải có những hành động đối xứng. Vì thế, việc ban phát này múc từ nguồn kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh. Chỉ những người đứng đầu Hội Thánh mới có quyền ban phát kho tàng thiêng liêng này cho các tín hữu, bởi vì việc ban ân xá không phải là hành động của quyền chức thánh, nhưng là quyền thẩm phán. Đức Giáo Hoàng là người nắm giữ quyền tối cao trên toàn thể Hội Thánh nên có quyền tài phán tuyệt đối, không hạn hẹp, trên việc ban Ân Xá.

Như vậy, nguồn gốc Ân Xá là kho tàng đền tội của Hội Thánh, bao gồm sự đền tội sung mãn của Chúa Kitô và của các thánh.

4. Điều kiện lãnh nhận ân xá

- Phải Xưng Tội và Rước Lễ cùng quyết tâm hoán cải, dứt bén khỏi mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ.

“Theo Giáo Luật điều 960 và điều 720 §1 Giáo Luật các Hội Thánh Đông Phương, thì thông thường phải xưng tội từng người và xưng đầy đủ; sau khi đã xưng tội xứng đáng và thực thi điều phải giữ, người tín hữu trong một thời kỳ thích hợp, có thể đón nhận ơn toàn xá hoặc chỉ cho ai khác, có thể là mỗi ngày, mà không buộc phải xưng tội lại. Tuy nhiên, người tín hữu cần năng lãnh nhận ơn Bí tích Hòa Giải, để tiến tới trong việc hoán cải và thanh luyện tâm hồn. Trái lại, vào đúng ngày thực hiện ngoài điều nói trên, nên lãnh Bí tích Thánh Thể - đây là điều cần thiết cho mỗi lần lãnh ơn toàn xá” (Sắc lệnh đính kèm Tông sắc Mầu nhiệm Nhập Thể của Tòa Xá Giải ngày 29/11/1998).

Trong điều kiện thứ nhất này, khó khăn không phải là Xưng Tội vì chỉ xưng tội 1 lần có thể lãnh nhiều đại xá trong nhiều ngày; không phải là Rước Lễ vì Sắc lệnh trên cũng vẫn chỉ khuyên nên Rước Lễ trong chính ngày làm việc chỉ định có lãnh ân xá; nhưng khó khăn là buộc loại trừ mọi quyến luyến tội lỗi, dù là tội nhẹ.

- Phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng được kể là đủ khi đọc 1 Kinh Lạy Cha chỉ theo ý Đức Giáo Hoàng. Cũng có thể đọc bất cứ kinh nào tùy theo lòng hiếu thảo của mình đối với Đức Giáo Hoàng.

- Phải làm những việc mà Hội Thánh dạy để được hưởng ân xá.

- Ân Xá gắn liền với việc viếng Nhà thờ: vào ngày lễ Bổn Mạng hay ngày Cung Hiến của nhà thờ Giáo Xứ, và ngày 2/8 là ngày có ân xá “Portiunculae”. Trong Năm Thánh, viếng nhà thờ Chính Tòa và các nhà thờ được chỉ định trong Giáo Phận được lãnh ơn Toàn Xá.

- Ân Xá gắn liền với việc đọc một kinh nào đó được chỉ định ban Tiểu Xá hay Đại Xá. Ví dụ: Kinh Thánh Tâm đọc ngày lễ Thánh Tâm; kinh dâng loài người cho Chúa Giêsu trong ngày lễ Kitô Vua.

- Ân Xá gắn liền với việc viếng một nơi nào đó, ví dụ: viếng nghĩa Trang (1/11 - 8/11), Đất Thánh,... được Đại Xá trong ngày chỉ định và được Tiểu Xá bất cứ ngày nào.

- Ngoài ra còn nhiều dịp, nhiều việc khác nữa như: Phép Lành của tân linh mục, Phép lành ban cho bệnh nhân lâm tử,...

Nếu không hội đủ một trong những điều kiện trên thì chỉ được hưởng ơn tiểu xá.

Bằng việc ban phát các ân xá, Hội Thánh muốn khuyến khích và thúc giục các tín hữu siêng năng cầu nguyện, hy sinh hãm mình, và thực thi các việc bác ái, để rồi tất cả sẽ được tham dự vào sự sung mãn vinh quang của Chúa Kitô trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh.

V. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1. Xưng Tội để trở lại

Một người sống xa Thiên Chúa, chìm sâu trong tội, nay được ơn thánh lay động, ý thức được tình trạng xấu xa của mình và tin tưởng vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa, quyết định trở lại với Ngài để sống một cuộc đời mới.

Tội nặng làm đổ vỡ tương quan với Thiên Chúa và mọi người, còn tội nhẹ không hoàn toàn xa cách Thiên Chúa, nhưng việc Xưng Tội cũng cần thiết để thanh tẩy người tín hữu nên hoàn thiện hơn trong việc gặp gỡ Chúa, để trỗi dậy bước theo Chúa.

Xưng Tội không phải chỉ để được tha tội mà chủ đích là giao hòa để nối lại tương quan với Chúa và Hội Thánh một cách tốt đẹp và thân tình như trước khi chưa phạm tội.

2. Giúp Xưng Tội như thế nào cho có hiệu quả?

Giáo lý viên cần giúp cho các em ý thức Xưng Tội không thể làm cho qua lần chiếu lệ, cũng không phải là máy móc cho xong bổn phận tín hữu, nhưng là thực tâm hoán cải. Đi Xưng Tội mà chỉ xưng trống: “Con là kẻ có tội” hay đại khái: “Tội gì con cũng có” mà không kể tội ra, thì việc Xưng Tội chẳng mang lại ơn ích, chẳng mang lại hoán cải. Xưng như vậy thì cần gì phải xưng vì khách quan ai mà chẳng biết. Mỗi Bí tích là một hành vi nhất định được thực hiện vào một thời điểm nhất định trong cuộc đời, tương ứng với một trạng huống tâm hồn lúc đó. Vì thế cần phải minh họa thân phận tội lỗi của mình bằng những hành vi tội lỗi thực sự đã làm. Bác sĩ không thể cho thuốc nếu không chắc chắn được cơn bệnh. Lời khuyên của linh mục giải tội quá khuôn sáo và nhạt nhẽo thì làm sao có thể đưa tội nhân ra khỏi con đường cũ.

Một số những tội nặng đã xưng nay tuy không còn nữa về trách nhiệm luân lý nhưng nếu còn để lại dấu vết tâm lý và có thể là nguyên nhân gây nên tội nhẹ thường phạm, thì cũng nên xưng lại.

3. Trình bày Bí tích Hòa Giải

Cũng là một Bí tích Hòa Giải nhưng cũng phải tùy theo đối tượng học sinh để trình bày ý nghĩa của Bí tích. Trình bày giáo lý cho một đứa trẻ mới Xưng Tội vỡ lòng khác với một người trở lại sau một quãng đời tội lỗi. Không thể đặt đứa bé vào tâm trạng của một kẻ tội lỗi kếch xù, song chỉ cần cho đứa trẻ thấy Bí tích Hòa Giải là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ ấy làm cho mình cố gắng hơn, nên tốt hơn.

Trình bày không thích hợp có thể làm cho nhiều người sợ hãi hoặc tránh né Xưng Tội, nhất là những người khô đạo hoặc đạo đức nhưng lại hay bối rối.


TÓM LƯỢC

1. Phụng vụ Hòa Giải là gì?

Trả lời: Phụng vụ Hòa Giải là việc linh mục giao hòa hối nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh bằng cách tha tội nhân danh Chúa Giêsu.

2. Bí tích Hòa Giải mang lại cho ta những ơn ích gì?

Trả lời: Bí tích Hòa Giải mang lại cho ta ơn tha tội và ơn trợ giúp để ta sống tốt lành thánh thiện và tránh tội.

3. Muốn Xưng Tội ta phải làm những sự gì?

Trả lời: Muốn Xưng Tội ta phải làm bốn việc này: một là xét mình, hai là ăn năn tội, ba là xưng tội, bốn là đền tội.

4. Đâu là dấu chỉ thiết yếu của Bí tích Hòa Giải?

Trả lời: Dấu chỉ thiết yếu của Bí tích Hòa Giải là việc sám hối của tội nhân (gồm 4 bước: xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội), và lời xá giải của linh mục.

5. Ân xá là gì?

Trả lời: Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh để tha các hình phạt tạm do tội gây nên, khi tội đã được tha.

6. Muốn được hưởng ân xá ta phải làm gì?

Trả lời: Muốn được hưởng Ân xá, ta phải làm ba việc này:

  • Phải Xưng Tội và Rước Lễ cùng quyết tâm dứt bén khỏi mọi tội lỗi;
  • Phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng;
  • Phải làm những việc mà Hội Thánh quy định để lãnh nhận ân xá.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan làm phép rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Dakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Abba 63

Bài 10. Phụng vụ Thánh ThểBài 12. Xức Dầu Bệnh Nhân