Bài 15. Á Bí tích

“Mẹ Hiền Hội Thánh đã thiết lập những Á Bí tích. Đây là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những Bí tích, nhờ đó biểu trưng những hiệu quả – nhất là những hiệu quả thiêng liêng – và thông ban hiệu quả đó nhờ lời bầu cử của Hội Thánh. Nhờ các Á Bí tích, con người chuẩn bị lãnh nhận hiệu quả chính yếu của các Bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống” (GLHTCG 1667).

Á Bí tích (hay Phụ tích) là những dấu chỉ do Hội Thánh thiết lập để thông ban các ơn thiêng qua lời bầu cử của Hội Thánh.


I. ĐẶC ĐIỂM CỦA Á BÍ TÍCH

1. Mục đích thiết lập

– Hội Thánh thiết lập các Á Bí tích nhằm thánh hóa một số thừa tác vụ (trao ban thừa tác vụ đọc sách, giúp lễ,…), một số bậc sống (thánh hiến trinh nữ, khấn dòng), những hoàn cảnh đa dạng của cuộc sống (chúc lành cho bệnh nhân, chúc lành cho những người hành hương,…), và cả những vật dụng hữu ích cho con người (làm phép xe, nhà ở, ảnh tượng thánh,…).

– Á Bí tích còn dùng để đáp ứng các nhu cầu, văn hóa, lịch sử các vùng Ki-tô Giáo của từng thời đại.

2. Thừa tác viên của Á Bí tích

Các Á Bí tích bắt nguồn từ chức tư tế cộng đồng của mọi tín hữu được mời gọi trở nên một lời chúc lành của Thiên Chúa và có khả năng chúc lành (St 12,2). Thừa tác viên của Á Bí tích ưu tiên cho những người có chức thánh (GL 1168).

– Chỉ có Giám mục hay linh mục được ủy quyền mới được cử hành các nghi thức thánh hiến hay cung hiến (chúc phong viện phụ, thánh hiến trinh nữ, cung hiến nhà thờ, bàn thờ).

– Linh mục hay phó tế có thể ban các phép lành trên người (chúc lành cho các giáo lý viên, khách du lịch,…), trên vật dụng (chuỗi Mân Côi, ảnh tượng thánh,…), và nơi chốn (làm phép nhà mới, làm phép trường học,…).

– Giáo dân cũng có thể chủ sự một số nghi thức chúc lành và làm phép (chúc lành cho đôi hôn phối ngoài thánh lễ, chúc lành cho con cái, làm phép nhà, chúc lành Sinh nhật,…).

3. Nghi thức cử hành

Nghi thức cử hành các Á Bí tích thường gồm hai phần:

– Công bố Lời Chúa: thánh ca, lời dẫn, bài đọc Thánh Kinh, dẫn giải.

– Công thức phép lành: lời cầu nguyện của Hội Thánh trên người và trên vật được chúc lành (có lời nguyện chung trước khi ban phép lành; hoặc đơn giản chỉ có lời nguyện chúc lành), kèm theo một vài cử chỉ như đặt tay, dấu thánh giá, rảy nước thánh, xông hương.

4. Hiệu quả của Phụ tích

Các Phụ tích không ban ơn Chúa Thánh Thần như các Bí tích, nhưng nhờ lời cầu nguyện của Hội Thánh, chuẩn bị các tín hữu sốt sắng đón nhận ân sủng và giúp họ đón nhận ân sủng một cách hiệu quả.

Tất cả mọi biến cố trong cuộc đời con người đều được thánh hóa từ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô vì Ngài là nguồn mạch mọi ân sủng. Không có việc sử dụng của cải vật chất chính đáng nào mà không liên quan đến mục đích thánh hóa con người và ca ngợi lòng từ bi của Thiên Chúa.

II. PHÂN LOẠI Á BÍ TÍCH

Các Á Bí tích cũng thuộc về Phụng vụ thánh của Giáo Hội, bao gồm các phép lành và việc trừ tà:

1. Các phép lành

– Phép lành liên quan đến người: làm phép phụ nữ trước và sau khi sinh con, làm phép những người được sai đi rao giảng Tin Mừng, làm phép những người được cử dạy giáo lý, trao ban thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ,…

– Phép lành liên quan đến nơi chốn: cung hiến nhà thờ, làm phép nơi ở, đồng ruộng, nghĩa trang,…

– Phép lành liên quan đến vật dụng: đồ dùng trong Phụng vụ, ảnh tượng, xe cộ , thiết bị, dụng cụ lao động,…

2. Nghi thức trừ tà

Chúa Giê-su đã từng trừ quỷ, và chính Người đã ban cho Hội Thánh quyền lợi và nghĩa vụ trừ tà (Mc 3,15; 6,7.13; 16,17). Việc trừ tà là một nghi thức Phụng vụ được cử hành nhân danh Chúa Ki-tô để xin Thiên Chúa bảo vệ người hay sự vật khỏi quyền lực ma quỷ và thoát ách thống trị của chúng.

– Trong nghi thức cử hành Bí tích Thánh Tẩy có nghi thức trừ tà đơn giản dành cho các linh mục hay phó tế.

– Nghi thức trừ tà trọng thể phải do một linh mục cử hành với phép đặc biệt của giám mục. Mục đích của nghi thức trừ quỷ nhằm trục xuất ác thần Xa-tan và giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó nhờ quyền thiêng liêng Chúa Giê-su đã ủy thác cho Hội Thánh, khác với việc chữa bệnh vì chữa bệnh là công việc của y khoa. Do đó trước khi trừ tà phải điều tra cẩn thận để chắc chắn đây là trường hợp bị quỷ ám, chứ không phải dạng tâm thần.

III. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1. Lòng đạo đức bình dân

Bất cứ một tín hữu nào, thậm chí ngay cả những người không phải là Ki-tô Giáo, cũng có thể xin phép lành qua các cử hành Á Bí tích, miễn là có ý ngay lành và niềm tin ngay thật. Á Bí tích không nhằm miễn chuẩn cho chúng ta bổn phận phải chu toàn, công việc phải cố gắng (chúc lành chứ không phải chữa bệnh), song càng phải ý thức và nỗ lực hơn cùng với ơn Chúa trợ giúp.

2. Tránh mê tín dị đoan

Á Bí tích là những nghi thức Phụng vụ nhằm tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn trợ giúp, chứ không phải là những phù phép. Vì thế các tín hữu phải ý thức phân biệt khỏi những sai trái, mờ ám và thật tình muốn lãnh nhận để thăng tiến đức tin mà không rơi vào mê tín dị đoan.


TÓM LƯỢC

1. Á Bí tích là gì?

Trả lời: Á Bí tích là những dấu chỉ do Hội Thánh thiết lập để thông ban các ơn thiêng qua lời bầu cử của Hội Thánh.

2. Có những loại Á Bí tích nào?

Trả lời: Có ba loại Á Bí tích liên quan đến người, nơi chốn và vật dụng.

3. Nghi thức ban các Á Bí tích như thế nào?

Trả lời: Tùy theo loại Á Bí tích mà người giáo dân hay người có chức thánh mới được cử hành nghi thức làm phép. Thông thường có việc công bố Lời Chúa đi trước công thức làm phép, hoặc chỉ đơn giản bằng lời nguyện làm phép rồi kèm theo một vài cử chỉ như đặt tay, làm dấu thánh giá, rảy nước thánh.


CẦU NGUYỆN

Ôi Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa!
Xin giữ lòng con ngây thơ,
tinh sạch và trong suốt như một dòng suối.
Xin cho con một tấm lòng đơn sơ, không biết tích để những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp hy sinh, một tấm lòng trung thành và đại độ, không quên một ơn, không ghi một oán.
Xin Mẹ làm cho lòng con hiền hậu và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ quên mình,
để nhường chỗ cho Con Mẹ trong một trái tim khác.
Xin Mẹ rèn đúc trong con một tấm lòng rộng lớn,
không một sự vật nào thắng nổi,
không khép lại trước một vô ơn,
không chán nản trước một lãnh đạm,
một tấm lòng khắc khỏai lo tìm vinh hiển Chúa Giê-su,
một tấm lòng được tình yêu đâm dấu,
và vết thương chỉ thuyên lành trên trời. Amen.

Scroll to Top