1 Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người.2 Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ.3 Họ đến gần và nói: “Kính chào vua dân Do-thái!”, rồi vả vào mặt Người.
4 Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.”5 Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: “Đây là người!”6 Khi vừa thấy Đức Giê-su, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.”7 Người Do-thái đáp lại: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.”
8 Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa.9 Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giê-su: “Ông từ đâu mà đến?” Nhưng Đức Giê-su không trả lời.10 Ông Phi-la-tô mới nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?”11 Đức Giê-su đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”
Đức Giê-su bị kết án tử hình
12 Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do-thái kêu lên rằng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da.”13 Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha.14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: “Đây là vua các người!”15 Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.”16 Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.
Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá
Vậy họ điệu Đức Giê-su đi.17 Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, vua dân Do-thái.”20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết: ‘Vua dân Do-thái’, nhưng viết: ‘Tên này đã nói: Ta là vua dân Do-thái’.”22 Ông Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!”
Lính tráng chia nhau áo xống của Đức Giê-su
23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.24 Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.
Đức Giê-su và thân mẫu của Người
25 Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Đức Giê-su chết trên thập giá
28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!”29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Đức Giê-su bị lưỡi đòng đâm thâu
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống.32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su.33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin.36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
Đức Giê-su được mai táng
38 Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Đức Giê-su xuống. Ông Giô-xếp này là một môn đệ theo Đức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận. Vậy, ông Giô-xếp đến hạ thi hài Người xuống.39 Ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.40 Các ông lãnh thi hài Đức Giê-su, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái.41 Nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.42 Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do-thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó.
Mt 27,33-38; Mc 15,22-26; Lc 23,33-38
Mt 27,35; Mc 15,24; Lc 23,34
Mt 27,55-60; Mc 15,40-41; Lc 23,49
Mt 27,45-50; Mc 15,33-37; Lc 23,44-46
Mt 27,57-60; Mc 15,42-46; Lc 23,50-54
d. Hình như theo ý tổng trấn Phi-la-tô, cảnh tượng một con người thảm não làm trò cười cho thiên hạ có đủ sức cho thấy: tham vọng làm vua của nhân vật này chỉ là chuyện hão huyền! Nhưng Ga có một cái nhìn khác: tác giả mong ước cho độc giả nhận ra Đức Giê-su là con người thực thụ, đến để khai mạc vương quyền thiên sai giữa cảnh nhục nhã.
đ. X. Ga 5,18; 10,33-38. Lời tố cáo chuyển từ lãnh vực chính trị sang lãnh vực tôn giáo và nhắm đến điểm chính yếu: lời tuyên bố của Đức Giê-su về địa vị Con Thiên Chúa của Người. Đối với người Do-thái, đó là một lời phạm thượng. Mà theo Lề Luật (Lv 24,16) kẻ nói phạm thượng thì đáng bị xử tử.
e. Tổng trấn Phi-la-tô sống trong ảo tưởng, khi nghĩ mình có quyền tuyệt đối. Thực ra, ông nhận được một thứ quyền nào đó liên quan đến sự sống của Đức Giê-su (19,10b) là do Thiên Chúa.
g. Độc giả không thấy tác giả Gio-an nói đến bản án. Ông Phi-la-tô đã truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Trước đó, ông tuyên bố là Đức Giê-su không có tội trạng gì cả (18,38; 19,4.6b), và tìm cách tha Người (18,39b; 19,12).
Ở đầu c. 13, theo ngữ pháp, có thể dịch theo hai cách: Ông (Phi-la-tô) ngồi trên tòa hoặc Ông đặt Người ngồi trên tòa. Nhưng vài học giả và dịch giả chọn cách dịch thứ hai. Theo cách dịch này, có thể rút ra ý nghĩa sau đây: chắc tác giả Gio-an muốn cho thấy tư cách Vua của Đức Giê-su ngay trong lúc Người là bị cáo.
h. Ngày áp lễ Vượt Qua là ngày 14 Ni-xan (tháng tư – tháng năm dương lịch). Sáu giờ (vào khoảng 12 giờ trưa): kể từ giờ ấy, người Do-thái bắt đầu sát tế chiên tại Đền Thờ để dùng trong dịp lễ Vượt Qua. Cũng trong giờ ấy, quyết định về Đức Giê-su (19,16) sẽ đưa Người tới chỗ trở thành Chiên lễ Vượt Qua mới (x. 19,36; 1,29). Đối với Ga, sự trùng hợp đó mang tính cách tượng trưng.
i. Đối với các thượng tế, đại diện chính thức của đạo Do-thái, thà công nhận quyền bính tối cao và chuyên nhất của hoàng đế Rô-ma ngoại đạo còn hơn để cho tổng trấn Phi-la-tô không đóng đinh Đức Giê-su. Trong giờ phút quyết liệt này, các đại diện đạo Do-thái công khai phủ nhận chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên Ít-ra-en (x. Tl 8,23; 1 Sm 8,7).
k. Ga 19,16b-42 nói về giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời dương thế của Đức Giê-su. Đoạn này chia làm 6 phần: 1. đường lên Gôn-gô-tha (16b-17); 2. Đức Giê-su bị đóng đinh vào thập giá (18-22); 3. lính tráng chia nhau áo ngoài và áo dài của Đức Giê-su (23-24); 4. những giờ phút cuối cùng và cái chết của Đức Giê-su (25-30); 5. Đức Giê-su bị lưỡi đòng đâm thâu (31-37); 6. Đức Giê-su được mai táng (38-42).
l. Gôn-gô-tha: do từ Híp-ri Gul•Gölet có nghĩa là sọ. Gôn-gô-tha là một cái đồi nhỏ có hình thù giống cái sọ, nằm ở phía Tây Bắc thành Giê-ru-sa-lem, không mấy xa tường thành.
n. Từ thế kỷ XII, các tác giả công giáo thường hiểu: Đức Ma-ri-a là Mẹ thiêng liêng của mọi tín hữu, được người môn đệ mà Đức Giê-su thương mến đại diện.
Kể từ giờ đó: vài tác giả hiểu giờ ở đây theo nghĩa riêng của Ga (x. 2,4b...). Người môn đệ không chỉ rước Đức Ma-ri-a về nhà mình để phụng dưỡng (nghĩa vật chất), nhưng nhất là sống một thứ tương quan đặc biệt với Người trong cuộc sống lòng tin. Đó là một ân huệ phát xuất từ mầu nhiệm Đức Giê-su chết và sống lại.
o. Cái khát này nhắm mục tiêu làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh (x. Tv 69,22; 22,16) không chỉ thuộc phạm vi thể lý. Tôi khát còn tượng trưng cho lòng Đức Giê-su khao khát thực hiện ý muốn của Thiên Chúa (4,34a; 6,38-40), hoàn thành công trình mà Thiên Chúa đã giao phó cho Người (4,34b; 17,4).
p. Với và nhờ cái chết, Đức Giê-su hoàn tất công trình mà Thiên Chúa đã giao cho Người (mọi sự đã hoàn tất: 19,28a; x. 19,30a).
Pneuma có hai nghĩa: hơi thở và Thần Khí. Ở đây, thường phải hiểu trao sinh khí (c. 30b) theo nghĩa chết, tắt thở. Có học giả gợi ý này: với cái chết của Đức Giê-su, khai mạc một thời mới: đó là thời của Thần Khí.
q. Ga 19,31-37 là trình thuật riêng của Ga.
r. X. Đnl 21,22-23a: xác người bị xử tử treo lên cây không được để qua đêm trên cây. Năm Đức Giê-su qua đời, ngày sa-bát là chính ngày lễ Vượt Qua (ngày lễ lớn). Người Do-thái xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh là để cho họ mau chết.
s. Theo truyền thống các Ráp-bi, nơi thân xác con người có máu và nước; hai yếu tố này trào ra khỏi con người: đó là dấu con người đã thực sự chết. Tác giả Gio-an có một cái nhìn sâu xa về hiện tượng này. Như chiên lễ Vượt Qua Do-thái chịu sát tế vào chiều ngày trước lễ Vượt Qua (14 Ni-xan), Đức Giê-su cũng đổ máu mình ra vào chiều ngày áp lễ (14 Ni-xan). Như thế, Người trở thành Chiên lễ Vượt Qua mới, nghĩa là lễ vật trong hy lễ thập giá nhờ cái chết của Người (6,53-56). Nước đem lại sự sống cho con người; trong Cựu Ước, nước và Thần Khí thường đi đôi với nhau. Theo Ga 7,38-39, nước tượng trưng cho Thần Khí do Đức Giê-su ban sau ngày được tôn vinh. Đức Giê-su chết và sống lại là Tảng Đá từ đó vọt ra nước duy trì sự sống cho dân mới như cho Ít-ra-en trong sa mạc (Ds 20,11), là suối nước chảy ra tự Đền Thờ (Ed 47,1tt). Ở đây, máu và nước được liên kết chặt chẽ với nhau: thân xác Đức Giê-su đã chết (máu) và được tôn vinh (7,38-39) trở nên nguồn mọi ân huệ thiêng liêng của Thánh Thần đem lại sự sống mới cho tất cả những ai tin. Các bí tích, cách riêng bí tích thánh tẩy (nước) và bí tích Thánh Thể (máu), cũng đều bắt nguồn từ Đức Giê-su chết trên thập giá theo đức tin của Giáo Hội (x. Rm 6,4; 1 Cr 11,25...). Sự sống mới được thông ban cho các tín hữu thiết yếu qua các bí tích nói trên.
t. Chứng nhân là người trực tiếp chứng kiến biến cố đã xảy ra, nói về biến cố đó và rút ra ý nghĩa thâm sâu. Chứng nhân chính là người môn đệ nói trong 19,26-27; 21,20-24. Lời chứng của môn đệ đó làm nền tảng cho truyền thống của Ga (21,24).
u. Chắc câu này trích dẫn hai câu Cựu Ước: Xh 12,46 (Chiên lễ Vượt Qua: x. Ga 19,33b) và Tv 34,21 (khi bị bách hại, người công chính được Thiên Chúa che chở phù trì).
x. Theo cách tính của người Rô-ma, một trăm cân bằng 32,75 ký.
y. Cuộc tẩm liệm và mai táng Đức Giê-su ở đây là những nghi thức xứng với địa vị quân vương của Người: dùng những vật liệu đắt tiền và dồi dào để tẩm liệm (19,39); ngôi mộ mới (có tục lệ mai táng nhà vua trong một ngôi mộ mới).