1 Toàn thể cử tọa đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô.
Đức Giê-su ra trước tòa tổng trấn Phi-la-tô
2 Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa.”3 Ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó.”4 Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì.”5 Nhưng họ cứ khăng khăng nói: “Hắn đã xúi dân nổi loạn, đi giảng dạy khắp vùng Giu-đê, bắt đầu từ Ga-li-lê cho đến đây.”6 Nghe nói thế, ông Phi-la-tô liền hỏi xem đương sự có phải là người Ga-li-lê không.7 Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Hê-rô-đê, ông liền cho áp giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem.
Đức Giê-su ra trước mặt vua Hê-rô-đê
8 Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ.9 Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả.10 Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội.11 Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô.12 Ngày hôm ấy, vua Hê-rô-đê và tổng trấn Phi-la-tô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.
Đức Giê-su lại ra trước tòa tổng trấn Phi-la-tô
13 Bấy giờ ông Phi-la-tô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại14 mà nói: “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này có tội gì, như các người tố cáo.15 Cả vua Hê-rô-đê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho chúng ta. Và các người thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả.16 Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”17 Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Phi-la-tô phải phóng thích cho họ một người tù.18 Nhưng tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!”19 Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và vì tội giết người.
20 Ông Phi-la-tô muốn thả Đức Giê-su, nên lại lên tiếng một lần nữa.21 Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!”22 Lần thứ ba, ông Phi-la-tô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.”23 Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
24 Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu.25 Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
Trên đường lên Núi Sọ
26 Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su.27 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.29 Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!’30 Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi!31 Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”32 Có hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người.
Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá
33 Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.34 Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Đức Giê-su bị nhục mạ
35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”
Người gian phi sám hối
39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng
44 Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.45 Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa.46 Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở.
Sau khi Đức Giê-su tắt thở
47 Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính!”48 Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.
49 Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy.
Mai táng Đức Giê-su
50 Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính.51 Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành A-ri-ma-thê, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa.52 Ông đến gặp tổng trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su.53 Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ.54 Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.
55 Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.
56 Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.
Mt 27,2-14; Mc 15,2-5.9-15; Ga 18,28-38
Mt 27,15-26; Mc 15,6-15; Ga 18,38–19,16
Mt 27,31; Mc 15,20-22; Ga 19,17
Mt 27,33.38; Mc 15,23-28; Ga 19,17-18
Mt 27,45-50; Mc 15,33-37; Ga 19,25-30
Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Ga 19,38-42
q. Ở 20,20-26, Lc đã cho đoán trước lời tố cáo này.
r. Các địch thủ của Đức Giê-su biết rõ ông Phi-la-tô sẽ không màng đến những tranh luận tôn giáo, nên gán cho Đức Giê-su những hành động mang tính chất chính trị, để có lý do buộc ông Phi-la-tô phải xét xử, để ông tỏ ra mình là trung thần của hoàng đế Rô-ma. Nhà văn Lu-ca đã xếp ý rất hay (x. Cv 17,7).
s. Ở đây, nguyên bản Hy-lạp được viết y như ở 22,70, nhưng ý lại nói rằng Đức Giê-su từ chối tước hiệu này theo nghĩa chính trị mà tổng trấn có thể hiểu khi nghe lời tố cáo của các thành viên Thượng Hội Đồng. Vì vậy phải dịch kiểu nói ra, khác với 22,70.
t. Từ lúc đầu, ông Phi-la-tô đã xác nhận Đức Giê-su vô tội; ông sẽ còn lập lại ý này ở cc. 14 và 22 (x. Cv 3,13; 13,28 và Ga 18,38; 19,4.6).
u. Về vua Hê-rô-đê này, x. 3,1+. Vua đang có mặt tại Giê-ru-sa-lem vì lúc đó là những ngày người Do-thái lên hành hương mừng lễ Vượt Qua. Chỉ có Lc ghi lại sự can thiệp của vua trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su (x. Cv 4,27), và đã chuẩn bị độc giả ở 9,9.
v. Để nhại phẩm phục của các vua chúa và chế giễu ông vua dân Do-thái này. Mt 27,31 và Mc 15,20 đặt màn này ở trong dinh tổng trấn, giữa binh lính Rô-ma.
x. Vài cổ bản chép: thủ lãnh của dân. Đọc như vậy là quy trách nhiệm lên án Đức Giê-su cho thành phần lãnh đạo Do-thái mà thôi (vậy sẽ chỉ có họ lên tiếng ở cc. 18.21.23). Như thế cũng phù hợp với cái nhìn của tác giả Lu-ca, cho rằng dân chúng không tham gia vào cuộc đổ máu này (23,27.35; 24,19-20).
y. Khá nhiều bản chép: bởi lẽ chúng tôi đã đưa vụ các người qua nhà vua.
a. Ở đây như ở c. 22, ông Phi-la-tô không phải hành động như một quan tòa tuyên án, mà chỉ dùng một mánh khóe chính trị, tìm một lối thoát cho Đức Giê-su, bằng cách vuốt giận đám người tố cáo Người. Hình phạt này không liên hệ gì với án tử hình, khác với ý của Mt 27,26 và Mc 15,15, trong đó hai tác giả dùng thuật ngữ “đánh đòn”. Cũng x. Ga 19,1.
b. Nhiều bản thêm câu này với nhiều chữ khác nhau. Có thể đây là một câu giải nghĩa, mượn ý của Mt 27,15 hoặc Mc 15,6.
c. Lc ghi rõ là trách nhiệm của các lãnh tụ Do-thái lớn hơn của ông Phi-la-tô. Ông này chỉ nhân nhượng trước những đòi hỏi dai dẳng của họ.
d. X. Mt 27,32. Bằng chi tiết theo sau Đức Giê-su, Lc như gợi ý cho xem ông Si-môn là mô hình người môn đệ (x. 9,23; 14,27).
đ. Đoạn này, riêng của Lc, gợi lại Dcr 12,10-14 (x.23,48) và nhấn mạnh thiện cảm của dân chúng đối với Đức Giê-su (x. 23,13+).
e. Theo một tập tục được ghi lại trong sách Tan-mút, các phụ nữ sang trọng ở Giê-ru-sa-lem thường hay dọn những thức uống giảm đau và an thần, đem đến cho những người bị hành quyết uống.
g. ds: những dạ không sinh đẻ, những vú không cho bú mớm (x. 11,27).
i. Cây xanh là cây cho trái, cây khô là cây không trái, phải bị chặt và quăng vào lửa (3,9; 13,6-9). Ở đây, Đức Giê-su tiên báo cuộc trừng phạt Giê-ru-sa-lem, như ở 19,41-44; 21,20-23.
k. Lc dùng chữ gian phi (Mt và Mc thì nói tên cướp), cho thấy ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà Đức Giê-su đã dẫn ở 22,37 (= Is 53,12, bản LXX).
m. ds: nói rằng hay thưa rằng. Nhiều cổ bản không ghi lại lời cầu nguyện này, có lẽ vì trong biến cố Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, họ thấy dấu hiệu Thiên Chúa đã không tha thứ tội của thành đô. Tuy vậy, lời cầu nguyện xin ơn tha thứ đây nói lên đúng ý của Lc, như Cv đã ghi lại trong thái độ ông Tê-pha-nô bắt chước Thầy (x. Cv 7,60) và lời bào chữa ở Cv 3,17 (x. 12,10+).
n. Như trong Mt và Mc, chi tiết này được thuật lại với những từ ngữ của Tv 22,19. Nhiều từ được dùng trong đoạn cc. 34-49: chia, bắt thăm, nhạo cười, giấm chua, người thân thuộc đứng xa... là mượn lại của Tv, Xh cũng như Dcr. Những từ vay mượn của Cựu Ước này nhằm cho thấy rằng cuộc Thương Khó của Đức Giê-su ứng nghiệm lời Kinh Thánh (x. Lc 24,25-27.44-46).
o. Lc cho đối lập hai thái độ: sự mỉa mai của những người lãnh đạo dân và sự im lặng kính cẩn của dân.
p. X. 9,20. Vài bản chép: Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa (x. Mt 27,40.43).
q. Đây là tước hiệu đã được Chúa Cha tuyên bố ở 9,35, tiếp theo Is 49,7; sấm ngôn này nói về Người Tôi Tớ được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện công trình cứu độ, nhưng lại bị người đời khinh dể.
r. Lc gom lại trong cc. 37.38.42 những tước hiệu tuyên dương Vương Quyền của Đức Giê-su, có thể mang ý nghĩa chính trị cũng như tôn giáo: vụ án Đức Giê-su trước tòa người Do-thái cũng như trước tòa Phi-la-tô xoay quanh những trục đó.
s. Nhiều bản thêm: bằng tiếng Hy-lạp, La-tinh và Híp-ri, có lẽ do ảnh hưởng của Ga 19,20.
t. Cc. 40-43 là của riêng Lc, chú trọng đến các vụ sám hối (7,36-50; 19,1-10; Cv 9,1-25...).
u. Lời xin này mượn trong một loại kinh cầu thiện tử thường dùng trong Do-thái giáo. Đây là lần duy nhất Đức Giê-su được gọi đích danh.
v. Đối với một số người Do-thái thời ấy, Thiên Đàng là nơi những người công chính chờ ngày sống lại (16,22-31 gợi lên ý đó, mặc dù không nói một cách rõ rệt).
x. Tức là gần mười hai giờ trưa.
y. Hoặc khắp cả vùng. Lối nói này gợi lại Xh 10,22 (tai ương cảnh tối tăm trước tai ương các con đầu lòng bị giết và lễ Vượt Qua). Cũng x. Am 8,9-10.
b. Có bản chép: mặt trời bị khuất đi, có thể hiểu là hiện tượng nhật thực; nhưng không thể được, vì ngày đó là ngày rằm, trùng với lễ Vượt Qua. Mặt trời tối đi có âm hưởng Kinh Thánh hơn (x. Is 13,10; Gv 12,2; Mc 13,24).
d. Đức Giê-su mượn lời Tv 31,6 để cầu nguyện, thêm ở đầu câu tiếng gọi lạy Cha như Người thường kêu mỗi khi cầu nguyện (10,21; 22,42; 23,34). Lời cuối cùng cũng như lời đầu tiên của Người trong cuộc đời trần thế (2,49) là để nói về và nói với Cha của Người.
đ. Bằng cách tuyên xưng Đức Giê-su là người công chính, viên sĩ quan tuyên bố Đức Giê-su vô tội (như ông Phi-la-tô ở 23,4.14.22). Lc không ghi lại lời tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa (như Mt và Mc), có thể hàm hồ trên miệng một người ngoại giáo. Sau ba lần ông Phi-la-tô –cũng là người ngoại giáo– tuyên bố Đức Giê-su vô tội, lời tuyên xưng này còn mạnh hơn: chẳng những vô tội mà còn là công chính; và cho thấy Đức Giê-su quả thật là Người Tôi Tớ đã mang án tội của muôn người, như Is đã mô tả trong 4 bài ca Người Tôi Tớ (42; 49; 50 và 52).
e. Lc không nêu tên ai, mà chỉ nói đến thái độ của những người có mặt. Cũng là một cách nói nhẹ nhàng gợi ý rằng các môn đệ đã không bỏ hẳn Đức Giê-su.
g. ds: ngày chuẩn bị –chuẩn bị ngày sa-bát-, tức là ngày thứ sáu (x. Mc 15,42).
h. Lối nói này có thể hiểu theo hai nghĩa: sao Hôm đã mọc, đánh dấu ngày sa-bát đã bắt đầu, hoặc là người ta bắt đầu lên đèn để mừng lễ.