Chương 7 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 1. Sau khi đã nói hết những lời ấy - Không phải Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um ngay khi Người từ trên núi xuống, trước đó, Người còn chữa cho một người bị phong hủi (Mt 8,1-4).
Câu 2-3. Trình thuật này có vẻ khác với Mt 8,5-6, nơi Thánh Mát-thêu kể rằng chính viên đại đội trưởng đã trực tiếp đến gặp Đức Giê-su để xin Ngài cứu chữa người đầy tớ của mình. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nơi khác trong Tin Mừng Mát-thêu, có thể nhà truyền giáo, vì mục đích trình bày ngắn gọn, đã gán cho viên đại đội trưởng những việc làm đã được thực hiện nhân danh và đặt dưới thẩm quyền của ông; và thông qua toàn bộ câu chuyện, ngài muốn cho thấy rằng Đức Giê-su đã trả lời viên đại đội trưởng như thể có sự hiện diện của chính ông vậy.
Câu 6. liền đi với họ - Theo Thánh Ambrôsiô, Chúa Giê-su đi với họ không phải vì Người không thể chữa lành bệnh nhân mà không tới nhà, nhưng là để bày tỏ cho chúng ta thấy được sự khiêm nhường. Trong lần cứu sống con gái ông trưởng hội đường Giai-rô (Mc 5,22), Người đã không tới nhà ông vì có thể như vậy sẽ khiến Người như thể tới đó vì sự giàu có và quyền thế của gia chủ, còn trong tình huống này, Người đã hạ mình và không chút khinh thường thân phận dân ngoại của viên đại đội trưởng.
cho bạn hữu ra nói - Tương tự như câu trước, chúng ta không nên hiểu rằng trình thuật này mâu thuẫn với Mt 8,7. Có một số người giả định rằng sau khi cho bạn hữu ra gặp Đức Giê-su thì chính viên đại đội trưởng cũng đích thân tới xin Người. Tuy nhiên, cách giải thích đó không cần thiết. Trong câu chuyện hai người con ông Dê-bê-đê xin Đức Giê-su cho họ được ngự bên tả và bên hữu Người trong nước của Người cũng vậy, trong khi Mc 10,35 nói rằng chính họ tới xin Người, thì Mt 20,20 lại kể rằng bà mẹ của hai ông mới là người thực hiện việc đó. Những trường hợp này có thể được hiểu theo tinh thần của câu ngạn ngữ cổ: qui facit per alium, facit per se - việc mà một người thực hiện qua người khác, thì cũng là việc thực hiện bởi chính anh ta.
Câu 9. trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy - Theo Thánh Bê-đa, Chúa chúng ta không nói về các tổ phụ, nhưng nói về những người Ít-ra-en vào thời của Ngài. Ngài so sánh sự tin tưởng của họ với sự tin tưởng của viên đại đội trưởng và thấy rằng người dân ngoại này có lòng tin mạnh hơn, bởi lẽ trong khi người Ít-ra-en có sự trợ giúp của các ngôn sứ và Lề Luật, thì viên đại đội trưởng này, trong khi không nhận được bất cứ chỉ dẫn nào như vậy, vẫn sẵn lòng tin tưởng ở Ngài.
Câu 11. Na-in - Đây là một thành thuộc miền Ga-li-lê, cách núi Ta-bo khoảng hai dặm. Khu vực chôn cất những người đã khuất được đặt ở ngoại thành.
Câu 12. Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn - Qua ngòi bút của Thánh sử Lu-ca, câu chuyện này dường như là tình cờ, nhưng chắc hẳn Chúa Quan Phòng đã sắp đặt để Đức Giê-su có thể thực hiện phép lạ trước đông đảo đoàn dân bao gồm những người sống trong thành và những người theo chân Người. Phép lạ này tạo tiền đề để Chúa chúng ta rao giảng Tin Mừng cho dân, những người vừa được chứng kiến một phép lạ lớn lao.
Câu 14. tôi bảo anh: hãy trỗi dậy - Ở đây, Chúa chúng ta không giống như ông Ê-li-a, người thương tiếc cậu con trai bà góa thành Xa-rép-ta và khẩn cầu Đức Chúa hồi sinh cậu (1 V 17,17-24), cũng không giống như ông Ê-li-sa, người khiến cho một người chết sống lại khi người ấy chạm phải hài cốt của ông (2 V 13,21-22), và cũng không như Thánh Phê-rô, người phải cầu nguyện trước khi hồi sinh bà Ta-bi-tha (Cv 9,36-43), nhưng chính Người đã làm cho người chết trỗi dậy bởi quyền năng và mệnh lệnh của mình. Lời của Người là lời của Con Thiên Chúa, là lời của Thiên Chúa: Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống (Ga 5,25).
Câu 18-30. Xem Chú giải Mt 11,2-15.
Câu 31-35. Xem Chú giải Mt 11,16-19.
Câu 47.50. yêu mến... lòng tin - Trong Kinh Thánh, một kết quả đôi khi chỉ được quy cho một nguyên nhân duy nhất mặc dù còn có những nguyên nhân khác nữa. Ở đây, phải hiểu rằng một cuộc hoán cải thực sự giúp chúng ta nhận được ơn tha thứ phải là sự kết hợp của đức tin, đức cậy, đức mến, sự đau lòng vì tội đã phạm, cũng với những thiện ý khác. Câu “Lòng tin của chị đã cứu chị” cũng không có nghĩa là người ta được cứu độ chỉ vì đức tin, giống như chủ trương của nhiều người hiện đại, nhưng ở đây, Chúa Giê-su chỉ muốn nhấn mạnh vai trò của nó đối với ơn cứu độ vì nếu không tin, người ta sẽ chẳng đến với Ngài để lãnh nhận ơn tha thứ, nó chính là sự khởi đầu của con người về phía ơn cứu độ.