Chương 2 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Đây là thành phố Bê-lem thuộc miền Giu-đê để phân biệt với một thành phố Bê-lem khác thuộc địa hạt Dơ-vu-lun. Vua Hê-rô-đê này là vua Hê-rô-đê Cả, một người ngoại nhưng đã thành công trong việc lấy lòng những người theo đạo Do-thái.
Câu 6. Các thượng tế và kinh sư nhắc lại câu sau trong Sách ngôn sứ Mi-kha: Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa (Mk 5,1).
Có một chút khác biệt trong câu mà họ dẫn lại: ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, trong câu này, nhà truyền giáo chỉ thuật lại lời chứng của các kinh sư với vua Hê-rô-đê chứ không phải dẫn nguyên văn lời ngôn sứ.
Câu 11. Họ vào nhà - Theo một số Giáo Phụ, có thể các nhà chiêm tinh đã gặp Chúa Giê-su Hài Nhi và Đức Ma-ri-a tại hang đá Bê-lem và máng cỏ nơi Người sinh ra. Tuy nhiên, một số người khác, trong đó có Thánh Gio-an Kim Khẩu thì cho rằng sự kiện này có thể xảy ra khi Chúa Giê-su và Mẹ Người đã chuyển tới một ngôi nhà khác ở Bê-lem.
Được thúc đẩy bởi sự linh hứng, các nhà chiêm tinh đã sấp mình thờ lạy Chúa Giê-su. Họ lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến - vàng thể hiện sự cống nạp vì họ coi Người là vua của họ, nhũ hương vì Người là Thiên Chúa, và mộc dược, thứ mà người ta dùng để ướp xác, vì giờ đây, Người đã xuống trần gian trong xác phàm như con người chúng ta.
Với Thánh Gio-an Kim Khẩu, hình ảnh ba nhà chiêm tinh thờ lạy Chúa Giê-su Hài Nhi trong máng cỏ còn cho thấy việc tôn thờ Người không phụ thuộc vào cách thức Người hiện diện trước mắt chúng ta. Dù trong hình ảnh một người đàn ông trưởng thành, hay một hài nhi còn chưa biết nói, hay trong rượu và bánh nơi Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tôn thờ Người vì Người đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc tội lỗi chúng ta.
Câu 15. Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập - Dẫn từ Sách ngôn sứ Hô-sê: Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về (Hs 11,1).
Câu 16. Giáo Hội tôn những trẻ em bị sát hại theo lệnh vua Hê-rô-đê là các Thánh Anh Hài mặc dù họ không chết một cách tự nguyện và trong đó, có những trẻ chưa được cắt bì hoặc là con của dân ngoại. Nhưng tất cả các trẻ đó được coi là tử đạo vì chết thay cho Chúa Giê-su.
Câu 18. Dẫn từ Sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a: ĐỨC CHÚA phán thế này: “Người ta nghe có tiếng khóc ở Ra-ma, tiếng khóc than ai oán: Đó là tiếng bà Ra-khen khóc thương con cái mình, bà không muốn được an ủi về những người con ấy, vì nay chúng chẳng còn” (Gr 31,15).
Trong Sách Sáng Thế, bà Ra-khen vợ ông Gia-cóp qua đời vì sinh khó và được chôn cất tại Bê-lem (St 35,19). Ra-ma là một thành phố thuộc chi tộc Ben-gia-min được nhắc đến trong sách Giô-suê (Gs 18,25), nó được xây ở một nơi cao gần Bê-lem. Như vậy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã tiên báo trước việc các bà mẹ tại Bê-lem khóc thương những đứa trẻ bị sát hại và tiếng khóc than ai oán đó vẳng tới cả Ra-ma.
Câu 23. Người sẽ được gọi là người Na-da-rét - Chúng ta không tìm thấy câu này trong bất cứ sách ngôn sứ nào. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, Thánh sử Mát-thêu đã trích dẫn từ một sách ngôn sứ bị thất lạc. Còn theo thánh Giê-rô-ni-mô, từ Nazarene bắt nguồn từ chữ נָזַר [nēzer] (na-dia - x. Tl 16,17) trong Tiếng Híp-ri, dùng để chỉ những người được thánh hiến cách đặc biệt và tận tụy phụng thờ Thiên Chúa. Do đó, từ Nazarene sẽ biểu thị một người là thánh. Trong tất cả các sách ngôn sứ, Đức Ki-tô đều được gọi là Đấng Thánh.
Ngoài ra, ở câu này còn có một chi tiết đáng lưu ý: Đức Giê-su được coi là xuất thân từ Na-da-rét miền Ga-li-lê, nơi Người lớn lên, thay vì nơi Người được sinh ra là Bê-lem miền Giu-đê. Do không biết rõ về gốc tích của Người nên trong Ga 7, ta thấy một số người Do-thái phủ nhận Người là Đấng Mê-si-a:
“Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” (Ga 7,42)